01.10.2017
Trần Huỳnh Duy Thức (Thức) hiện tại đang ngồi tù 16 năm, vẫn còn 8 năm nữa. Vậy điều đó có cần thiết không ? Có nhiều ý kiến ủng hộ và không ủng hộ việc anh ngồi tù. Anh đã được Mỹ “nhận” cho tỵ nạn, chỉ cần anh đồng ý là anh sẽ được thả. Nhưng anh Thức không chịu. Có ý kiến cho rằng anh ấy nên tỵ nạn rồi làm việc khác, vì ngồi tù là vô ích. Ngược lại, có ý kiến cho rằng việc anh ngồi tù là truyền lửa cho phong trào. Tôi tôn trọng tất cả ý kiến, không ai đúng, không ai sai. Tuy nhiên, đây là ý kiến cá nhân của tôi.
Thời chiến tranh Việt Nam, hàng trăm sĩ quan Không Quân và Hải Quân Mỹ đã xung phong lái phi cơ và máy bay để thả bom lên Bắc Việt. Đa số hoàn tất nhiệm vụ nhưng vài trăm phi công đã bị bắn và bắt bỏ tù ở Hà Nội. Ở trong tù, chính quyền CS thời đó dụ họ rằng nếu họ chịu nói phản chiến, nếu họ chịu thu hình và âm phản đối chiến tranh, thì họ sẽ được đối xử tử tế và có thể sẽ được thả.
Các sĩ quan (phi công) Mỹ lần lượt từ chối, từng người một, nhất quyết không chịu bán đứng tổ quốc và đồng đội mình, dù chỉ bằng lời nói. Họ thà chịu tra tấn, chịu sống cực khổ và bị đối xử tệ hơn con vật – thay vì nói lên những lời hạ thấp sự hy sinh của những chiến sĩ Mỹ. Vì họ biết rằng, dù đó chỉ là lời nói, dù họ có thể được đối xử tử tế hay được thả – nhưng uy tín và danh dự của nước Mỹ sẽ bị hạ thấp và tiêu diệt.
Họ đã là chiến sĩ, tình nguyện đi ra trận, và muốn làm tròn nhiệm vụ. Nếu họ được thả, họ sẽ làm được nhiều điều. Nhưng nếu họ làm vậy, tinh thần của đồng đội, cuộc chiến sẽ trở nên không còn ý nghĩa. Cho nên họ nhất quyết không chịu. Vì họ tin vào cái khái niệm “danh dự,” một thứ dường như xa vời và vô nghĩa ở đất nước gian dối này.
Trở lại trường hợp của anh Thức. Đúng, anh ấy hoàn toàn có thể đầu hàng bằng cách nhận lời đi tỵ nạn. Anh ấy có thể làm được nhiều thứ. Nhưng anh ấy đã biết rằng, nếu anh làm vậy, uy tín của phong trào dân chủ cũng như danh dự của những đồng đội của anh sẽ biến thành mây khói. Nhà cầm quyền sẽ có cớ để mị dân và hạ thấp uy tín của tất cả những ai yêu nước. Và ai sẽ còn niềm tin nữa?
Việc anh Thức không chịu đầu hàng truyền cảm hứng cho người khác, trong đó có người viết bài viết này. Anh ấy đã chứng minh cho thế giới biết rằng, người Việt Nam khao khát có được tự do và không ngại hy sinh vì lý tưởng đó. Không phải ai cũng đầu hàng, không phải ai cũng im lặng và giả vờ hài lòng. Anh ấy đã ý thức được rằng anh là biểu tượng của sự kiên cường và muốn giữ mãi hình tượng đó.
Đó là vì sao anh ấy chấp nhận ngồi tù. Vì anh muốn truyền lại cho các bạn trẻ ngọn lửa tự do mà anh ta đã thắp lên khi chọn con đường này. Sau này khi có sự biến đổi, nếu có, thì đó là vì có ai đó đã hy sinh giữ ngọn lựa tự do và sự khao khát cháy bỏng. Bạn có thể bò tù anh ấy nhưng không bao giờ có thể giam cầm được lý tưởng của anh !
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
———————-
Ý kiến riêng của Hồng Ly :
Tôi đồng ý với phần lớn nội dung được viết trong status này của tác giả Ku Búa và luôn dành sự trân trọng tuyệt đối cho anh Trần Huỳnh Duy Thức. Tuy nhiên, nói một cách công bằng thì có lẽ chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng không phải những anh chị em đồng ý chấp nhận đi tỵ nạn nước ngoài có nghĩa là họ đã đầu hàng.
Bằng chứng là phần lớn sau khi ra nước ngoài thì các anh chị em của chúng ta vẫn tiếp tục đấu tranh để ủng hộ cho phong trào trong nước theo cách riêng tốt nhất của họ : Người chọn công khai, người chọn cách âm thầm, kín đáo. Chỉ cần những ai có tâm luôn trăn trở và đấu tranh thật sự cho đất nước thì tôi luôn dành cho họ sự trân trọng như nhau, kể cả ngồi tù hay chưa phải ngồi tù.
Trên thực tế, trong mỗi cuộc tranh đấu thì mỗi người luôn có những điểm mạnh riêng nên hãy để cho họ là người trong cuộc được chọn vị trí, phương pháp chiến đấu linh hoạt theo điều kiện riêng của từng người nhằm giữ lửa và đóng góp cho phong trào chung một cách tốt nhất.
Vì thế giới luôn vận động nên chúng ta cần phải biết thích nghi và tiến hành đấu tranh trên nhiều mặt trận. Nếu anh Thức lấy sự giam cầm và chấp nhận khổ sai để truyền lửa khí chất đấu tranh bền bỉ và mạnh mẽ cho đồng bào ở trong nước thì các anh chị em tỵ nạn ở nước ngoài lại tận dụng sự tự do, dân chủ về chính trị và nhân quyền để kết nối đồng bào ở hải ngoại và làm cầu nối đưa tiếng nói đấu tranh của nhân dân, của anh chị em trong nước ra cộng đồng quốc tế.
Chúng ta xin hãy tôn trọng và đồng cảm cho những sự lựa chọn của các anh chị em chúng ta dù họ có đứng ở vị trí nào trong cuộc chiến đấu đã kéo dài quá lâu này. Trân trọng.