Những ai sống ở miền Bắc những năm từ nửa cuối thập niên 50 đến nửa cuối thập niên 70 chắc còn nhớ những gì đã xảy ra trong đời sống quanh mình. Nhiều thứ khó quên bởi dường như nó bám chặt vào óc mất rồi.
Suốt mấy chục năm, do hoàn cảnh chiến tranh bom đạn, đất nước bị chia cắt, thông tin đã nghèo nàn lại còn bị cấm đoán triệt để nên lứa chúng tôi chỉ biết cuộc sống diễn ra theo sự tuyên truyền của nhà nước. Đại loại là miền Bắc đã được giải phóng, cuộc sống tự do hạnh phúc, đang ngày càng cơm no áo ấm, “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Ngày ấy thường được nghe cụm từ “thay da đổi thịt”, một năm là cả bốn mùa xuân. Báo chí, đài phát thanh (hồi đó chưa có truyền hình) viết về, nói về không khí náo nức tươi vui, phấn khởi, về “đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi”, “gương mặt người ai cũng sáng long lanh”… Cứ như những gì chúng tôi được nghe thì thiên đường đã tới ngõ thật rồi. Chỉ có điều, bởi nghèo đói là cái có thực đang hiện diện khó giấu nên cán bộ sau khi say sưa ca ngợi thì bao giờ cũng khuyên bà con ráng chịu đựng khó khăn gian khổ thiếu thốn, vài năm nữa xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công tha hồ mà sung sướng.
Để tăng thêm sức nặng tuyên truyền, cán bộ luôn vẽ lên bức tranh u ám về miền Nam đang rên xiết dưới chế độ Mỹ ngụy. Đó là cảnh chiến tranh chết chóc, là luật 10/59 tàn bạo, đồng bào bị kìm kẹp ngạt thở, sản xuất bị đình đốn chỉ thoi thóp nhờ cậy vào viện trợ của bọn đế quốc Mỹ. Ấp chiến lược dây thép gai dựng khắp nơi, đô thị đèn màu ăn chơi trụy lạc, công nghiệp nghèo nàn chủ yếu phục vụ cho chiến tranh xâm lược, nông dân tha phương cầu thực bỏ cả quê hương bản quán, công nhân đình công đòi tăng lương giảm giờ làm, hầu như không ngày nào không xảy ra học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị, phật tử xuống đường đòi tự do… Đó là một bức tranh cực kỳ u ám chết chóc, đời sống bên bờ vực thẳm. Những tuyên truyền của bộ máy “nhà nước bù nhìn” Sài Gòn về sự tự do, sung túc, ổn định, phát triển, giàu có, về phố xá, xe cộ, tivi, tủ lạnh, về no đủ, ăn ngon mặc đẹp, hàng hóa dư thừa…, tất cả chỉ là giả dối, là thứ phồn vinh giả tạo thôi, bà con ạ. Cuối buổi nói chuyện, cán bộ chốt lại rằng, dù chúng ta có còn chút nghèo đói, thiếu thốn nhưng cũng còn sướng hơn gấp nghìn lần thứ phồn vinh giả tạo của miền Nam, thứ phồn vinh chỉ có bọn quan chức, tướng tá và địa chủ, tư sản được hưởng, chứ 14 triệu đồng bào thân yêu chả được chút gì. Cái thứ phồn vinh phải trả bằng máu và ô nhục đó chúng ta không cần, phải không các đồng chí. Thế là cả sân hợp tác vỗ tay rầm rầm, hô: không cần, không cần. Tôi còn nhớ chính tôi hồi đó cũng hăng lắm, tự hào về cuộc sống nghèo đói của mình lắm. Thương đồng bào miền Nam vô cùng.
Phải nói sự tuyên truyền của những người cầm quyền ở miền Bắc thật hiệu quả. Họ áp dụng rất thành công phương pháp của trùm Goebel (Đức quốc xã) là những gì giả dối cứ nói đi nói lại mãi cũng sẽ có người tin. Cán bộ miền Bắc giỏi hơn Goebel bởi dân chúng phần đông đều tin điều họ nói. Chỉ đến khi có điều kiện thực tế kiểm chứng thì mới tá hỏa bấy lâu mình bị lừa.
Đầu năm 1977 tôi vào Sài Gòn theo sự phân công của nhà nước. Mắt thấy tai nghe, tôi dần hiểu thực chất của cái gọi là “phồn vinh giả tạo”. Nhìn những chuyến tàu lửa, xe ô tô chở ùn ùn hàng hóa ra Bắc, ngay bản thân mỗi lần về phép đã nhặt nhạnh từng tí đem ra (số hàng này chủ yếu là hàng còn tồn đọng sau “giải phóng” chứ hầu hết nhà máy đang sống dở chết dở dưới chế độ mới, nhất là sau cuộc cải tạo công thương nghiệp), hiểu rằng sự phồn vinh ấy chẳng giả tạo tí nào. Nếu bảo sự giàu có do bọn Mỹ mỗi năm rót cả tỉ đô la viện trợ thì nay Mỹ nó cút về rồi, phải nghèo khổ trở lại chứ.
Cứ như tôi quan sát và nghe đồng nghiệp tại chỗ kể lại thì miền Nam có một nền công nghiệp cực kỳ phát triển, hầu như không thiếu mặt hàng sinh hoạt thiết yếu nào. Nếu miền Bắc chỉ có vài nhà máy dệt Nam Định, 8 tháng 3, Cự Doanh không đủ vải cho dân nghèo may tấm áo manh quần, cả năm chỉ được tiêu chuẩn hơn 3 mét/người, thì miền Nam có cả rừng nhà máy dệt, đủ loại vải vóc, chưa bao giờ phải phân phối. Tôi từng đến thăm nhà máy dệt Tái Thành ở quận Tân Bình, nhìn dàn máy tự động của nó mà khiếp, so với nhà máy dệt Nam Định mà tôi từng đi thực tế sưu tầm văn học dân gian thì thấy một trời một vực (sau này Tái Thành bị quốc hữu hóa, đổi tên là Thành Công). Nhà máy sản xuất đường, sữa, mì ăn liền, xà phòng, bột giặt, quạt máy, xe đạp, máy khâu, máy nông nghiệp, giấy, sành sứ, xay xát gạo… của các nhà tư sản trong nước nhan nhản khắp các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp Biên Hòa, nhiều nhà máy cùng ngành nghề cạnh tranh nhau hầu như đáp ứng dư thừa cho đời sống vật chất sinh hoạt. Bạn tôi kể lại ngày trước không có cảnh dân chúng xếp hàng mua từng mét vải, từng chục ký gạo, vài hộp sữa, mấy cân đường… bởi hàng hóa không bao giờ thiếu. Không có những cái bát ăn cơm đến tay người tiêu dùng vẫn còn nguyên mảnh mẻ dính chặt vào mà vẫn phải mua phải dùng, không có cục xà phòng cứng như đá… bởi nếu làm ra thứ hàng như thế sẽ chả bán được cho ai. Nông dân đi làm đồng cũng chạy xe đạp ra bỏ ở đầu bờ. Chiếc xuồng bé tí cũng gắn máy Kohler nổ phành phạch băng băng trên rạch. Không có ao ước thèm đường thèm sữa. Một đồng nghiệp, thầy Nguyễn Hữu Pha dạy môn hóa cùng trường với tôi kể rằng anh chỉ dạy 2 tháng là tiết kiệm mua được chiếc xe máy Honda Dame 50 của Nhật mới cứng. Thầy khác, thầy Võ Thanh Long (môn lý) nói thêm thời thầy còn sinh viên trường đại học Khoa học, chỉ dạy kèm học trò lớp đệ nhất hoặc đệ nhị mà thầy đưa được cả mấy đứa em từ Quảng Ngãi vô Sài Gòn ăn học. Anh vợ tôi kể nhà ở dưới quê An Giang nên chả bao giờ quan tâm đến gạo, còn cá lóc, cá rô trong khạp lúc nào cũng đầy, muốn ăn thò tay vào bắt vài con bởi cá mú quá rẻ, lại dễ kiếm, rộng sẵn vào khạp để đỡ phải ra chợ. Xe đò của hàng chục hãng đi lại như mắc cửi, giá vé rẻ rề, chủ xe chiều khách như chiều vong. Chính anh vợ tôi là nông dân mà hồi ấy còn dám đi máy bay từ Sài Gòn lên Kon Tum…
Tất cả sự “phồn vinh giả tạo” ấy bị chấm dứt kể từ tháng 4.1975. Những điều nói trên tôi chỉ được nghe kể, còn cái nghèo đói thực thì chính mắt tôi chứng kiến. Tôi từng đi trên những chuyến tàu hỏa hành trình bắc nam mất 72 tiếng đồng hồ, trên đó chất đầy xe đạp, khung xe đạp, vải vóc, đường sữa, gạo, giấy… chuyển từ nam ra bắc. Những chuyến hàng thực chứ hoàn toàn không giả tạo chút nào đổ về nơi từng được coi là hạnh phúc. Nhiều người vỡ lẽ, lắc đầu ngao ngán. Thời ấy người ta truyền tai nhau câu văn vần “Hoan hô Hồ Chí Minh, mua cái đinh cũng phải giấy. Đả đảo Thiệu Kỳ, muốn cái gì cũng có”. Sự thất vọng ê chề. Nhưng buộc phải chấp nhận, không còn cách nào khác.
Những năm từ 1976 đến đầu những năm 80, trường DBĐH TP.HCM mà tôi dạy có mời nhiều thầy cô từ Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội vào dạy một số học phần do thiếu giảng viên. Tôi còn nhớ môn văn có mời các thầy Nguyễn Lộc, Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Đức Dân (đều là các giáo sư) vào dạy. Các thầy ở cư xá Thanh Quan trên đường Võ Thị Sáu (Hiền Vương cũ), mỗi chuyến trở về Bắc đều lụ khụ hành lý tinh những xà phòng cây (loại xà phòng gia công khối vuông dài hơn gang tay, rẻ tiền), khung xe đạp, vải vóc, quần áo thun… bởi ngoài Bắc những thứ ấy bấy giờ rất thiếu. Càng nhớ đến càng thương các thầy, những giáo sư đáng kính của tôi, thầy dạy tôi suốt hơn 4 năm đại học ở khoa Văn.
Điều dễ thừa nhận là không phải mọi gia đình, mọi con người ở miền Nam trước năm 1975 đều đầy đủ, sung túc. Nhưng nếu tính theo tỷ lệ về sự nghèo đói của chính người dân thì có lẽ nơi đây (miền Nam) chỉ bằng một phần nhỏ của miền Bắc nghèo đói đại trà, kéo dài. Cái gọi là “phồn vinh giả tạo” có lẽ phải đặt lại, ngược chiều thì mới đúng. Chả cần hỏi ai đâu xa, những người đã sống ở miền Nam trước và sau 1975 sẽ có nhận xét trung thực nhất. Còn chúng tôi, chỉ dám nói về cái nghèo đói thực mà thôi.
Nguyễn Thông