SÀI GÒN NHỎ
Trần Tiến Dũng
3 tháng 2, 2022
Mùng Ba Tết Nhâm Dần thời hậu đại dịch, đường phố Sài Gòn thưa vắng người, và nắng nóng gay gắt bất thường. Nhiều người đưa ra nhận xét: Không thấy gió Tết, nắng xuân như xưa, thời tiết cứ như đang ở mùa hè rực lửa.
Mùng Ba, phong tục Tết của người miền Nam là ngày cúng gà, cơm canh để kiếu đưa ông bà. Ngày xưa, Mùng Ba Tết còn được gọi là ngày Tết Nhà. Người lớn sau khi cúng gia tiên, lấy giấy tiền vàng bạc ra để nguyên hoặc cắt hình trái bầu dán lên cột nhà cùng các vật dụng có giá trị để cầu của cải sinh nở thêm.
Mùng Ba Tết xưa cũng là ngày trẻ con trông đợi, nhất là gia đình có đông con, vì trẻ con được người lớn chia phần bánh ít, bánh tét…, gọi là chia lộc Tết để dành ăn, gọi là còn Tết thêm vài ngày nữa. Ngày nay, phong tục Tết Nhà không còn phổ biến, ngay việc chia bánh Tết cho trẻ con chúng cũng không mong chờ, với trẻ con chỉ tiền lì xì Tết là đủ.
Với người dân đô thị Sài Gòn không có quê để về, hoặc trốn không về quê thì Mùng Ba là ngày xuất hành đi chơi xa, gọi là du xuân. Nhưng năm nay có lẽ nhiều người hạn chế chi tiền cho việc đi xa ngắm cảnh, hay đến những điểm du lịch đông người để vừa tránh bị lây dịch vừa khỏi bị vấn nạn giá cả trên trời.
Vậy người ta ở Sài Gòn chọn gì để vui xuân? Đám đàn ông kéo bia lon về, kê bàn nhậu trước cửa nhà, ra vỉa hè, đầu hẻm… nhậu và hát karaoke. Thật trớ trêu là trong mấy ngày Tết, không gian Sài Gòn bị “tra tấn” bằng các loa kẹo kéo mở hết công suất đến mức chim chóc, cây cỏ cũng điên đầu. Nhậu Tết ở nhà là dịp để các ca sĩ trong dòng họ, con cháu tha hồ tranh nhau khoe tiếng hát, và năm nay không có con virus biến thể nào đủ độc làm cho “ca sĩ loa kẹo kéo” lo sợ, chỉ có bia rượu làm người hát say xỉn ngã gục ngay tại bàn mới có thể làm các show diễn hạ màn.
Ngày 3-2, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Khoa Bỏng – Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 2 ở Sài Gòn, cho biết khoảng ba tuần trở lại đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng bàn tay bị dập nát, tổn thương nặng vì đốt pháo tự chế.
Do việc cấm sử dụng pháo nên tình trạng nhập viện do những tai nạn về pháo lâu nay gần như không có. “Tuy nhiên, khoảng hai năm nay, năm nào Khoa Bỏng – Chỉnh hình cũng tiếp nhận những bệnh nhi nhập viện vì đốt pháo tự chế. Đặc biệt, năm nay số lượng bệnh nhân tăng nhiều, hầu hết rơi vào những bệnh nhi từ 10 tuổi trở lên” – Bác sĩ Ngà lo ngại.
Mùng Ba Tết, nếu có người nào thấy nhàm chán Tết, muốn thả bộ ra đầu hẻm hay sân nhà hàng xóm giải trí với trẻ con bằng việc nhập sòng chơi bầu cua cá cọp, hay bài cào, xì dách, để tìm lại chút không khí Tết xưa thì sẽ thất vọng, bởi các môn chơi ăn thua ngày nay đã có mô hình sòng bài thông minh ngay trên smartphone, nơi gầy sòng cờ bạc tiến lên công nghệ hiện đại trước cả nghị quyết của chế độ.
Mùng Ba Tết, đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa xuân Tao Đàn, Phố ông Đồ ở Nhà Văn hóa Thanh Niên (Tổng Hội Sinh Viên cũ)… vẫn đông người đến chụp ảnh selfie. Tết với người không nhậu nhẹt hát karaoke, không lên mạng đánh bài, cá độ thì dạo phố là cái thú. Năm Nhâm Dần, người Sài Gòn có thêm công viên Bến Bạch Đằng mới chỉnh trang để hóng gió cũng là một nơi đáng đến, nhưng nếu ai nhạy cảm đứng từ bến Bạch Đằng ngó qua Thủ Thiêm, thấy những cao ốc mới xây trên đất vàng thì không khỏi ngậm ngùi cho người dân cố cựu bị đuổi đi với giá đền bù rẻ bèo.
Điều vừa thú vị, vừa tức cười ở các tụ điểm vui xuân Sài Gòn ngày Mùng Ba Tết là nghe nhận xét của nhiều người dân, được trang Facebook của anh Phan Trọng Thức tổng kết: “Chúng ta đang làm chuyện ngược đời là vô nhà cởi khẩu trang nói chuyện, chúc tụng, ăn uống, karaoke… xong ra chạy xe về một mình thì lại đeo khẩu trang vào.”
Mùng Ba, dù phong tục xưa nay cho là hết Tết, nhưng riêng với nhiều người bình dân, Tết ở Sài Gòn năm cọp sau thời đại dịch này đã hết sớm hơn, hoặc mong sao cho qua Tết cho rồi. Gần hai năm trải qua đại dịch, nguy hiểm, khốn khó, lo sợ bất an, nay chỉ mong sớm bắt nhịp với năm mới, tìm cơ hội mới để làm ăn và rộng đường đi lại để xum hợp với bà con thân hữu xa gần.
Năm nay, đường phố dường như người ta không nghỉ Tết, hàng loạt nhà hàng, quán ăn, quán cà phê vẫn mở cửa xuyên Tết, đón khách. Nhiều chuỗi cà phê lớn như The Coffee House, Highlands, Starbucks Coffee, Runam Coffee… đều thông báo hoạt động xuyên Tết, mở cửa từ sáng và phục vụ đến 22h cùng ngày. Thời gian hoạt động có thể khác nhau giữa các cửa hàng, nhưng hầu hết cửa hàng tại Sài Gòn đều đón khách từ Mùng Một Tết. Thậm chí hệ thống siêu thị Aeon Bình Tân và Aeon Tân Phú hoạt động ngay Mùng Một. Tết ở Sài Gòn giờ như không còn ai nghỉ ngơi dài ngày như trước.