Tâm “bao lô”, cựu thư ký riêng của Nguyễn Bá Thanh và giấc mơ quyền lực

0
109

Nông Văn Tiềm 

26-6-2022

Phan Văn Tâm, sinh năm 1970, ở Đại Lộc, Quảng Nam. Học hết cấp 2, Tâm xin vào Trường Trung cấp nông lâm nghiệp Quảng Nam – Đà Nẵng để học kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Ra trường, Tâm về Phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc một thời gian.

Năm 1993, với hy vọng thoát nghèo, Tâm lần mò ra thành phố, đầu quân cho Trung tâm Vườn ươm giống tại Khuê Trung, huyện Hòa Vang, nay thuộc quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Tại đây, trời xui đất khiến đã đưa Tâm gặp được một nhân vật, làm thay đổi cuộc đời cậu kỹ thuật viên nông nghiệp.

Năm 1994, từ Nông trường Chè Quyết Thắng, Nguyễn Bá Thanh được điều về làm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhà riêng có trồng cây ăn trái và mấy khóm hoa vạn tuế hay bị sâu rầy phủ ngọn, ông Thanh thường sang vườn ươm giống, đối diện nhà, ở phía bên kia đường, để nhờ tư vấn chăm sóc cây. Cậu thanh niên tên Tâm xung phong giúp, do đó được lòng Bá Thanh. Từ chỗ chăm sóc cây cảnh, Tâm tình nguyện kiêm luôn gia nhân, trở thành người thân tín trong nhà.

Sau này, tình cờ Bá Thanh xem quẻ, thầy bói phán ông Thanh có chân mệnh đế vương và gia nhân họ Phan chính là “quý nhân” với ông ta trên đường chinh phục quyền lực. Trùng hợp, Nguyễn Bá Thanh cầm tinh con rắn (Quý Tỵ) mạng Thuỷ, trong khi Tâm cầm tinh con chó (Canh Tuất) mạng Kim. Theo “Ngũ hành” thì Kim sinh Thuỷ, hai mệnh tương sinh, đại hạp. Vì vậy Bá Thanh tin sái cổ, càng quý mến, tin cậy, nhận Tâm làm “em kết nghĩa” và dìu dắt Tâm hết mực.

Bù lại, hàng ngày Tâm tranh thủ sang giúp tưới cây, tỉa ngọn, đưa đón cu Cảnh (Nguyễn Bá Cảnh) và bé An (Nguyễn Thị Hoài An) đi học, lau nhà, thông cống… Tóm lại, cứ rảnh rỗi lúc nào, Tâm cần mẫn bao tất, ôm hết mọi việc để lấy lòng vợ chồng ông Phó giám đốc sở Nguyễn Bá Thanh. Biệt danh Tâm “bao lô” ra đời từ đó.

Chân dung Phan Văn Tâm (trái, dưới) và vợ chồng Nguyễn Bá Thanh – Lê Thị Quý

Một thời gian sau, Tâm bỏ việc tại Vườn ươm. Bá Thanh đưa Tâm về Sở Nông nghiệp, nhét Tâm vào làm công chức ở Thành đoàn Đà Nẵng, không bao lâu lại rút Tâm về làm thư ký riêng cho mình. Gọi là “thư ký” cho oai, chứ thật ra Tâm làm “lái buôn”, buôn lậu vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu cho nhóm của ông Thanh. Hàng độc quyền của nhà nước, được Phan Văn Tâm đánh “phi vụ” bán đi các tỉnh thành, lãi ròng đếm không xuể.

Năm 1997, Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Phan Văn Tâm đã được thiên hạ biết đến với chức vụ Thư ký riêng của chủ tịch UBND thành phố, rồi bí thư thành uỷ Nguyễn Bá Thanh. Theo dòng thời gian, Tâm lên như “diều gặp gió” chốn quan trường, Thường vụ thành đoàn, Thành uỷ viên khoá 20 (nhiệm kỳ 2010-2015), Phó Chánh văn phòng thành uỷ, Bí thư quận Liên Chiểu.

Nhiều cán bộ từng công tác ở thành uỷ Đà Nẵng cho hay, Tâm là nhân chứng, mắc xích quan trọng, nắm giữ thâm cung bí sử về Nguyễn Bá Thanh trong suốt gần 20 năm qua vai trò thư ký riêng và là gia nhân tâm phúc nhất của “lãnh chúa miền Trung”. Những ẩn khuất trong các cuộc so găng này lửa “một mất một còn”, những nghi án thủ tiêu đối phương hoặc những thanh trừng đẫm máu… được cho là do Bá Thanh chủ mưu, có thể cơ quan điều tra, tố tụng không biết, nhưng Phan Văn Tâm là một trong ba người biết rất rõ (hai người kia là Lê Ngọc Nam, trung tướng, cựu Tổng cục phó Tổng cục Xây dựng Lực lượng Công an Nhân dân, giám đốc Công an Đà Nẵng và Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”).

Năm 2013, khi phe Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang kéo Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội để bổ nhiệm ông ta làm Trưởng ban Nội chính Trung ương, hai ông Trọng – Sang đã cho Bá Thanh đặc quyền tự chọn bộ khung và đề bạt cán bộ. Những người được Bá Thanh mang theo từ Đà Nẵng ra Hà Nội, đã nhanh chóng lên đời như:

– Phan Văn Tâm, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, Đà Nẵng, giữ chức Vụ trưởng Vụ địa phương, làm nhiệm vụ Thư ký tổng hợp của Trưởng ban Nội chính Trung ương.

– Lê Hồng Minh, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP Đà Nẵng, giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ.

– Nguyễn Đình Thuận, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, Thư ký Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, giữ chức Phó Vụ trưởng, Thư ký hành chính Trưởng ban Nội chính.

Cũng nói thêm rằng, trước khi rời Đà Nẵng ra Hà Nội, Phan Văn Tâm đã “cạp” được khối tài sản không nhỏ chút nào ở Đà Nẵng (chưa kể ở Hà Nội và Sài Gòn), gồm:

– 2 căn nhà lầu 4 tầng liền kề, nằm trên đường Núi Thành, Đà Nẵng.

– 3 lô đất mặt tiền đường Tống Phước Phổ, trung tâm thành phố, đang cho thuê.

– 5 lô đất “vàng” ven biển Mỹ Khê.

– 1 khách sạn cao tầng khu “phố Tây”, gần khách sạn quốc tế năm sao Furama.

Chưa kể hàng trăm lô đất Phan Văn Tâm nhờ người thân của ông ta đứng tên hộ cho Nguyễn Bá Thanh.

Ảnh chụp một số căn nhà lầu của Phan Văn Tâm sở hữu ở Đà Nẵng

Tháng 12-2013, sau thất bại trong việc đưa người của mình vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 7, Nguyễn Phú Trọng cử Nguyễn Bá Thanh sang Bắc Kinh gặp Mạnh Kiến Trụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, để học hỏi kinh nghiệm phục vụ cho chiến dịch “đốt lò”. Tuy nhiên sau chuyến đi này, Nguyễn Bá Thanh đã bị các “đồng chí” trong đảng đầu độc bằng phóng xạ (ARS) rồi chết vào ngày 12-5-2015. Trước khi chết, Nguyễn Bá Thanh gởi gắm Phan Văn Tâm lại cho Lê Minh Trí, Phó ban Nội chính Trung ương.

Tháng 1-2016, Lê Minh Trí vào Uỷ viên Trung ương khoá 12. Tháng 4-2016, Lê Minh Trí được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao với 63% phiếu thuận của Quốc hội khóa 13.

Sau khi ngồi vào ghế Viện trưởng, ông Trí mang theo mình hai người tin cẩn từ Ban Nội chính: Đó là Nguyễn Hải Trâm, sinh năm 1975, là một phụ nữ có nhan sắc, được cho là “bồ nhí” của ông Trí, lúc đó đang giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ theo dõi, xử lý các vụ án Ban Nội chính Trung ương, được rút về làm Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Tối cao. Người còn lại là Phan Văn Tâm.

Nhờ Lê Minh Trí nâng đỡ, ba năm lên 7 chức, Nguyễn Hải Trâm hiện nay đã là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao.  Phan Văn Tâm cũng liên tục lần lượt nắm giữ các chức vụ Chánh thanh tra Viện Kiểm sát Tối cao, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Vụ 15), Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc giải quyết các án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động (Vụ 10).

Lê Minh Trí trao Quyết định bổ nhiệm cho Nguyễn Hải Trâm (ảnh trên, trái) và Phan Văn Tâm (ảnh dưới, phải)

Từ một anh kỹ thuật viên ươm cây giống Tâm “bao lô” ngày nào, Phan Văn Tâm đã vọt lên đỉnh cao danh vọng. Bạn bè cùng thời, cùng công tác với Tâm ở Đà Nẵng cũng đặt câu hỏi, vốn cắp cặp không rời Nguyễn Bá Thanh nửa bước trong suốt 20 năm, chẳng biết Phan Văn Tâm học lúc nào và bằng cách gì mà có cả cử nhân Luật, cử nhân Quản lý nhà nước, Cao cấp Chính trị và cả học vị Tiến sĩ?!

Tháng 5-2021, Phan Văn Tâm được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng uỷ, nhiệm kỳ 2020-2025, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Đầu năm 2022, Phan Văn Tâm được nhận Huân chương Lao động hạng ba.

Ảnh chụp Thông báo bổ nhiệm và Quyết định khen tặng Huân chương Lao động cho hiệu trưởng Phan Văn Tâm

Cũng như các thượng tá Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Tâm “bao lô” đã ghi tên ông ta vào danh sách những kẻ ất ơ, học hành chắp vá chẳng ra hồn, nhờ ơn “sáng suốt” của Đảng và Nhà nước, tham gia vào bộ máy công quyền, lãnh đạo lực lượng chấp pháp, để sau đó có thể “hô mưa gọi gió”, “lấy tay che trời”…

Việc Phan Văn Tâm lãnh đạo, sai khiến các Phó giáo sư, Tiến sĩ dưới quyền và cai quản hàng ngàn sinh viên theo học tại Đại học Kiểm sát Hà Nội hiện nay, chính là cái tát vào bộ mặt thể chế này.  Câu chuyện Tâm “bao lô” khiến các nhà sư phạm có nhân cách, cùng nhiều đảng viên đảng CSVN và cán bộ hưu trí cho rằng, thật đáng hổ thẹn; nó như thách thức, nhạo báng và sỉ nhục cả nền tư pháp quốc gia.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here