(31-5-2015)
Giả thuyết tôi dựng ra trong bài này từ năm 2015. Một số chi tiết có thể đã không còn phù hợp. Trong vài thập niên, từ chiến tranh 1979 với VN đến nay, TQ đã dốc toàn lực để hiện đại hóa quân đội. Yếu tố vũ khí hiện đại có thể đã trở thành một ưu điểm đối với TQ. Cùng thời gian TQ cũng đã kiểm soát được Lào và Campuchia.
Chiến tranh trên bộ, từ thượng cổ, thắng bại tùy thuộc ba yếu tố:
1/ Yếu tố con người (sách lược chiến tranh và ý chí chiến đấu của người lính) 2/ Yếu tố địa lý. 3/ Yếu tố vũ khí.
Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine. Nga ỷ mạnh lấy thịt đè người (10:1). Nhưng với ý chí mạnh mẽ muốn bảo vệ đất nước của người dân, cũng như tính ưu việt của vũ khí Mỹ và OTAN so với Nga, cuộc chiến đến nay vẫn dằn co chưa ngả ngũ.
VN kế cận TQ mà không bị đế quốc này đồng hóa vì hai lý do. Ý chí bảo vệ đất nước của người VN và địa lý hiểm trở, khí hậu độc địa.
Chiến tranh biên giới 1979 VN nhỏ và yếu hơn TQ về mọi mặt. VN lại dồn hầu hết lực lượng tinh nhuệ của mình cho chiến tranh Tây-Nam. Nhưng VN vẫn thắng được TQ. Sau 1 tháng tàn phá các tỉnh VN cận biên giới, TQ phải rút quân về.
Nếu tính đến năm 2015, theo tôi, nếu có chiến tranh trên bộ giữa VN và TQ, (trong một cuộc chiến tự vệ TQ tấn công VN) VN vẫn thắng. Nếu VN có Mỹ “chống lưng”, được Mỹ viện trợ vũ khí tối tân như Ukraine, VN có thể đánh thắng TQ, trên lãnh thổ TQ.
Tình hình hiện tại nhiều yếu tố bất lợi cho VN đã xuất hiện. Thứ nhứt, VN phụ thuộc kinh tế lẫn mô hình chính trị nặng nề vào TQ. Thứ hai, về địa lý, TQ đã kiểm soát Lào và Campuchia. Thứ ba, VN thua kém TQ rất xa về quốc phòng.
Một cuộc chiến trên bộ giữa VN và TQ nếu xảy ra trong lúc này, nếu không có trợ giúp khí tài của Mỹ, VN nhiều phần sẽ thua.
Đăng lại để cùng suy ngẫm.
Tam anh chiến Lữ Bố ?
Có câu hỏi : khủng hoảng Biển Đông có thể làm chiến tranh có thể bùng nổ hay không ? Theo tôi, chiến tranh có thể bùng nổ, nếu TQ bước qua một giới hạn mà Nhật và Hoa Kỳ không thể chấp nhận được.
Giới hạn đó là gì ?
Thử nhìn lại khủng hoảng Ukraine. Khi Nga chiếm Crimée các nước Tây phương phản đối dữ dội, nhưng chỉ bằng võ mồm sau đó là một số trừng phạt kinh tế. Logic chiến lược, để bảo vệ Crimée, cũng như để đưa biển Azov thành nội hải của Nga, Putin xúi giục thành phần ly khai nhằm đưa miền đông Ukraine vào vòng ảnh hưởng của mình. Việc Nga chiếm Crimée (và miền đông Ukraine), một phần đến từ việc thất bại khi phân định ranh giới biển Azov. Nếu phân định vùng biển này trên tinh thần « công bằng », lấy đường « trung tuyến » để phân chia, phía Ukraine được lợi hơn vì ưu đãi địa lý. Tàu bè của Nga, từ biển Đen vào biển Azov, phải đi qua một cửa biển mà đường đẵng sâu tàu bè có thể thông lưu lại thuộc về Ukraine. Hai bên thuơng thuyết để phân định hơn 10 năm nhưng không thành công. Trong khi Crimée từ lâu là địa bàn của hải quân Nga (hạm đội Biển Đen) với hải cảng Sebastopol. Quyết định chiếm Crimée của Putin đến từ tính toán chiến lược. Biển Azov và biển Đen là « không gian sinh tồn » của Nga. Nếu phân định ranh giới bình thường thì Nga sẽ mất biển Đen trong khi biển Azov trở thành một biển « quốc tế ». Tức là tàu chiến thuộc khối NATO có thể tiến vào đến biển Azov. Như vậy việc an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng.
Sau khi chiếm Crimée, tiếp theo xúi giục quân ly khai tách rời miền đông Ukraine, Nga bị dư luận thế giới lên án nặng nề. Nga chịu sự trừng phạt về kinh tế của Mỹ và phương tây. Nhưng điểm giới hạn cho Nga trong khu vực này, được thiết lập từ thời chiến tranh lạnh, là Địa Trung Hải. Tức là, hành vi của Nga, mặc dầu vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế và Hiến chương LHQ, nhưng đó vốn là « vùng ảnh hưởng truyền thống » của Nga. Tức là, nếu Nga ngừng ở đó, quyền lợi và an ninh các nước Tây u vẫn không bị đe dọa.
Trong khi ở Biển Đông thì khác. Có ít nhứt ba cách nhìn khác biệt và đối nghịch.
Cách nhìn của TQ là « thiết lập lại ảnh hưởng của đế quốc Trung Hoa từ trước hậu bán thế kỷ 19 ». Một cách vắn tắt là TQ phải đưa các nước như VN, Thái, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương… vào trong ảnh hưởng của họ. Theo TQ, các xứ này trước kia là « chư hầu » của TQ. Vùng biển được giới hạn bởi đường chữ U chín đoạn là « vùng biển lịch sử ». Các đảo trong phạm vi đường 9 đoạn này thuộc chủ quyền của TQ. Hiện nay TQ cố gắng làm đủ mọi cách để lấy lại chủ quyền các đảo HS và TS để thực hiện tham vọng « đường 9 đoạn » này.
Đường chữ U chín đoạn được TQ công bố trước quốc tế lần đầu tiên năm 2009, nhân việc phản đối hồ sơ chung VN và Mã Lai nạp LHQ về Thềm lục địa mở rộng.
Theo quan điểm về biển của TQ, qua hai bộ Luật Biển năm 1996 và 2002, TQ bảo lưu, không chấp nhận việc « tự do hàng hải » cho các tàu « nghiên cứu » được qui định theo bộ Luật Quốc tế về Biển 1982. Việc này đưa đến đụng chạm giữa Mỹ và TQ trong thời gian qua, như vụ chiếc tàu Impeccable năm 2009 và chiếc máy bay dọ thám EP 3E năm 2001, tại khu vực gần đảo Hải Nam.
Quan niệm của TQ về hiệu lực (lãnh hải và vùng kinh tế độc quyền) của các đảo, theo những tuyên bố trước cộng đồng quốc tế, hay là hành vi của TQ qua việc đặt giàn khoan 981, kế cận đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) và trên thềm lục địa của VN, thì dường như TQ chủ trương các đảo này có hiệu lực như các đảo thực sự. Điều này cũng đúng cho các đảo nhân tạo mà TQ hiện đang xây dựng.
Cách nhìn của VN, mọi người đều biết, hai quần đảo HS và TS thuộc VN. Mặc dầu VN có những tuyên bố trong quá khứ (1977) về vùng biển của mình, nhưng trên thực tế, qua hồ sơ Thềm lục địa mở rộng, VN hiện nay chỉ cố gắng giữ được trọn vẹn vùng biển « kinh tế độc quyền » sinh ra từ bờ biển, theo đúng tinh thần UNCLOS, sao cho không bị những yêu sách của TQ chồng lấn.
Cách nhìn thứ ba, là cách nhìn của Mỹ, Nhật và các nước có thuyền bè thông lưu qua lại Biển Đông. Điều ưu tiên là các nước này không muốn quyền tự do hàng hải của họ bị đe dọa. Sau đó là việc « tôn trọng luật pháp quốc tế ». Vì vậy Mỹ, Nhật và các nước khác đều không nhìn nhận yêu sách đường chữ U của TQ cũng như phản đối việc TQ vi phạm luật quốc tế khi xây dựng các đảo nhân tạo cũng như việc áp đặt chủ quyền lãnh hải và không phận trên các đảo này. Viễn ảnh sắp tới TQ có thể chiếm tất cả các đảo thuộc TS còn trong tay của VN và Phi, sau đó tuyên bố vùng « nhận diện phòng không – ADIZ ». Dĩ nhiên Mỹ, Nhật và các nước cố gắng ngăn chặn TQ làm việc này.
Chiến tranh có thể xảy ra khi nào ?
Chiến tranh sẽ không xảy ra giữa Mỹ và đồng minh với TQ nếu TQ chiếm các đảo hiện do VN nắm giữ, trong trường hợp TQ cam kết bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông. Đối với VN, có thể xảy ra vài đụng chạm, nhưng mọi việc sẽ ổn thỏa vì VN quá lệ thuộc vào TQ, về chính trị cũng như về kinh tế. Một tình huống « Malouines », chiến tranh giữa Anh và Argentine, về chủ quyền đảo Malouines, có thể xảy ra tương tự. Mỹ có thể sẽ cung cấp cho VN một số vũ khí « đặc biệt » để VN có thể hạ một số chiến hạm, tàu ngầm và máy bay của TQ, như trường hợp Pháp cung cấp cho Argentine máy bay Mirage và hỏa tiễn Exocet. Cuộc chiến Malouines Anh dành chiến thắng nhưng thiệt hại nặng vì các chiến hạm của Anh bị vũ khí của Pháp bắn chìm.
Chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra giữa Mỹ (và đồng minh) với TQ, nếu nước này cương quyết chiếm trọn Biển Đông và ngăn chặn việc tự do hàng hải (và hàng không). Không phải như trường hợp khi Nga chiếm Crimée và miền Đông Ukraine, việc này không đe dọa Tây phương. Biển Đông là đường huyết mạch cho kinh tế của Mỹ, Nhật, Đại Hàn và nhiều nước khác. Biển Đông vì vậy thuộc về phạm vi « không gian sinh tồn » của Mỹ, Nhật, Đại Hàn và các nước.
Nếu chiến tranh xảy ra trong tình huống này, nếu VN đứng về phía Mỹ, thì TQ có nhiều sác xuất thua trận. VN sẽ phụ trách cuộc chiến trên bộ, được Mỹ trợ giúp quân sự, sẽ đánh chiếm Nam Ninh, Khâm Châu, tiến qua phong tỏa eo biển Quỳnh Châu, cùng với Mỹ và Nhật chiếm đảo Hải Nam. Hải quân và không quân của TQ sẽ bị tiêu diệt. Chiến tranh sẽ sớm kết thúc. VN sẽ lấy lại HS và TS. Đây có thể gọi là thế « tam anh chiến Lữ Bố ». Lữ Bố là TQ. Nhị anh là Nhật và Mỹ. Còn lại là VN.
Nếu VN không đứng về phía nào, (theo như lập trường hiện nay), thì cuộc chiến sẽ hạn chế trên biển và trên không. Cuối cùng thì Mỹ và Nhật cũng thắng. Trường hợp này, các đảo HS và TS sẽ thuộc về phe chiến thắng (như là chiến lợi phẩm).