Tại sao tôi không thể ưa được Chủ nghĩa Cộng sản?

0
155

Vũ Hoàng Linh

08/03/2022

Cũng như nhiều người thế hệ tôi, tuổi thanh niên tôi lớn lên trong sự tuyên truyền của Đảng. Tôi chưa bao giờ là người tin hay đọc hay quá quan tâm tới những gì người cộng sản tuyên truyền, và ngay từ tuổi 17-18, với những thứ như giá trị thặng dư, chủ nghĩa duy vật biện chứng… tôi đã cảm thấy có sự máy móc, mơ hồ và viễn tưởng trong đó, có lẽ bởi vì tôi chưa bao giờ có thể hình dung được một xã hội lý tưởng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” là như thế nào.

Nhưng cái làm tôi cảm thông với những người cộng sản giai đoạn đó là việc họ đấu tranh cho giới cần lao, chống áp bức bất công, nói chung, và độc lập dân tộc, nói riêng ở Việt Nam. Và cũng như rất nhiều người khác, tôi cũng từng ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, như một sự kết tinh đạo đức của người cộng sản dân tộc, vừa yêu thương đồng chí, đồng bào, vừa khát khao độc lập, tự do cho dân tộc. Tất nhiên, trên khía cạnh đó, hồi đó, tôi sẽ đánh giá Hồ Chí Minh trên tinh thần chủ yếu là một người dân tộc chủ nghĩa và ông chọn chủ nghĩa Cộng sản vì tình cờ, nó phù hợp với con đường mà ông đang đi, là công cụ tốt nhất cho ông làm được điều ông muốn làm (và tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ đó là lý do đầu tiên của ông, cho dù sau đấy, mọi sự chuyển vần và ông ấy không còn làm chủ được những gì mình từng chọn lựa).

Nói vậy, nhưng tôi chưa bao giờ có một niềm tin thực sự nào vào Đảng Cộng Sản, Đoàn Thanh Niên hay các tổ chức xã hội ở Việt Nam, kể cả thời còn là sinh viên, đơn giản vì tôi cảm thấy những tổ chức đó vô nghĩa, hời hợt, công thức, máy móc và thiếu hiệu quả. Đến khi tốt nghiệp Đại học, khoảng 23 tuổi, tôi đã cho là Việt Nam cần đa đảng, hay đa nguyên, và chấp nhận các rủi ro mất an toàn xã hội do những điều này. Điều này cũng một phần vì khoảng những năm thứ 3, thứ 4, để học tiếng Anh, tôi mua và đọc những tờ báo tiếng Anh cũ như Time, Newsweek hay FEER (giờ đã đóng cửa) ở hiệu sách Trang, 40 Lý Thường Kiệt, và hiểu là ngoài những thứ vẫn được tuyên truyền ở Việt Nam, còn có một chân trời khác, các hệ giá trị khác.

Thế nhưng, vết rạn thực sự của tôi với Chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) là khi tôi đọc Báo cáo Đại hội 20 của Khrushchev, hồi tôi 24 tuổi, kể về các tội ác của Stalin với Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô, với những con số cụ thể về sự khủng bố trong Đảng. Bởi vì trước đó, hình ảnh của tôi về Đảng Cộng sản vẫn là một khối thống nhất, có thể rất tàn nhẫn vỡi những kẻ thù của Đảng, nhưng vẫn là một cái gì đó có tình đồng chí, anh em… Nhưng tới khi đọc những lời kết tội đanh thép của Khrushchev với Stalin (mặc dù sau này, đọc thêm ra thì thấy Khrushchev cũng chẳng tốt đẹp gì, tay dấy máu không biết bao nhiêu người Ukraine) thì thấy tình đồng chí của những người Cộng sản là một thứ giả dối, tệ hại kinh khủng. Đó là sự tàn nhẫn và tàn ác, cái ác trơ trụi nhất, và kèm theo nó là sự dối trá, đủ để che giấu những thứ ác độc nhất và khiến người ta quên lãng (và điều này cũng dễ dàng thôi, vì dưới thời đại khủng bố thì cái mà người ta muốn quên đi nhất chính là cái ác, khi mà mình từng chứng kiến, hay là từng tham gia vào nó).

Sau này, đọc thêm một số tác phẩm của những người từng là Cộng sản hay thân Cộng sản như 1984 của George Orwell, Darkness in the Noon của Arthur Koestler, Quần đảo Ngục tù (Gulag Archipelago) của Solzhenitsyn, các tiểu thuyết và tiểu luận của Kundera hay tiểu luận của Vaclav Havel, Đêm giữa Ban ngày của Vũ Thư Hiên (cuốn sau cùng này, tôi nghĩ có lẽ nên được đọc như một semi-fiction hơn là non-fiction) thì những điều này càng rõ hơn với tôi.

Điều trớ trêu là giờ đây, những gì đang xảy ra ở nước Nga rất giống với những gì từng xảy ra dưới thời Stalin. Một sự lãnh đạo độc tài, triệt tiêu mọi ý kiến đối lập, mua chuộc hay thủ tiêu những tiếng nói bất đồng chính kiến; một sự thờ phụng lãnh tụ (cult personality) mà ngay cả một lãnh tụ Cộng sản thời đầu như Lenin cũng từng kinh sợ và không muốn dính vào nó, sự độc tài tư tưởng, mị dân, bộ máy tuyên truyền hoàn toàn do chính phủ nắm, nhào nhặn, bóp méo sự thật… Tóm lại tất cả những gì của một xã hội dystopian, phi tưởng, móp méo mà Orwell từng mô tả một cách sắc lạnh và chính xác tới từng chi tiết giờ đây đang trở lại, ở một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới với 150 triệu dân.

Bóng ma của Chủ nghĩa Cộng sản đang trở lại dưới triều đại Putin, lần này chỉ có những gông xiềng của nó, chứ không kèm theo các hứa hẹn giả dối về một thế giới đại đồng, nơi mọi người đều bình đẳng, ai ai cũng là anh em… mà những người Cộng sản từng dùng, như vón những bông tuyết để nhào nặn những hình nhân và làm cho nó lấp lánh. Giờ chỉ còn là những gông xiềng và lời đe dọa với những kẻ bị đeo gông, rằng những thứ gông xiềng này mới là hạnh phúc, rằng khi đóng gông vào thì trông ngươi thật oai vệ và đáng sợ và rời những gông xích này ra là cả thế giới sẽ khinh khi ngươi.

Nhưng đó chắc chắn không phải là sự lựa chọn của một người tự do.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here