TA 

0
41
Dải Ngân hà của chúng ta là một thiên hà mà hệ Mặt trời nằm trong đó.

Huỳnh Thị Tố Nga.

Đêm

Lặng lẽ tan vào vũ trụ, chợt thấy vũ trụ kia sao xa xăm và vô cùng tận đến vậy. Ta xuyên qua địa cầu đi vào Thái Dương Hệ, ta nhìn thấy hàng tỷ thiên hà, mỗi thiên hà là không gian chứa đựng hàng tỷ ngôi sao và hành tinh, cứ vận hành theo quy luật của nó, quên đi sự tồn tại của thời gian. 

Ta lặng lẽ phản chiếu thân ta, chợt thấy buồn cười đến lạ. Ơ! Tấm thân nhỏ bé như hạt bụi vỡ tan thành vô số vi trần này lại có thể tồn tại so với vũ trụ mênh mang kia quả là một điều kỳ lạ. Kỳ lạ hơn nữa nếu ta hiểu rằng sự nhỏ bé đang hiện hữu này chứ đựng vô cùng tận giống nhau từ hữu hạn đến vô hạn. 

Ta hãy thử nhé, xem ta nhỏ bé đến thế nào. Đầu tiên, hãy cởi bỏ lớp y phục vướng víu đang mặc trên người ra đi, hãy để một sự trần trụi tự nhiên, tự nhiên như từ thuở mới sinh ra, khóc oe oe, ta mặc nhiên đã ở trạng thái như thế. Thế nhưng khi lớn lên, ta lại khoác lên người những bộ y phục, có thể là sang trọng, lộng lẫy xa hoa cũng có thể là bình thường thô lậu hay rách rưới để che đậy sự trần trụi đó. Cứ cởi bỏ và ngây thơ như trẻ thơ, hoặc như chính ta tự nhiên lăn dài vào giấc ngủ say men tình ái. Để rồi ta thấy gì? Một tấm thân xác thịt như nhau, cấu trúc như nhau. 

Nếu ta vẫn chưa có được sự cảm nhận thô lậu, vậy thì tiến thêm một tầng nữa, hãy trút bỏ lớp da trên người đi, hãy xem nó như một túi da chứa thịt, xương và các tạng. Đến mức này, ta sẽ thấy chúng ta hoàn toàn giống nhau nhiều hơn rồi đó. Rồi hãy nhìn sâu hơn nữa, chúng ta sẽ thấy cơ thể này tổng quan chứa hơn mười nghìn tỷ tế bào, mỗi tế bào kích thước được tính bằng micromet. Ta nhìn thấy rõ ràng mỗi tế bào có cấu trúc giống như nhau tuỳ vào chức năng, nhưng vận hành như nhau. Ta thấy được mỗi tế bào hoạt động như một cơ thể sống, có đầy đủ các cơ quan và vật chất di truyền để duy trì sự sống. Ta nhìn thấy sự hình thành, sinh trưởng, hoạt động trao đổi chất, chu trình tạo năng lượng và chu kỳ thoái hoá. Kỳ lạ không? Vậy thì, nếu dừng lại ở độ quán sát này thô lậu này, thật ra chúng ta là gì? Chỉ là một tập hợp hơn mười nghìn tỷ tế bào sống liên kết với nhau, một khi chúng đồng loạt ngừng hoạt động thì sẽ trương phình lên, hôi thối và tan rã. 

Vậy xét về thực thể, TA là gì? 

Nếu đơn giản chỉ cấu tạo bằng một tập hợp hơn mười nghìn tỷ tế bào liên kết với nhau, vậy thì TA là gì? TA là ai giữa tập hợp các tế bào riêng lẻ đó? Đến đây có lẽ các luận cứ khoa học phải dừng lại vì làm sao giải thích được cái gì là TA, cái gì tạo nên sự nhận thức của chúng ta giữa vũ trụ sum la vạn tượng này. 

Vậy thì phải chấp nhận có một cái khác, không phải thực thể, và tồn tại song song cùng một tập hợp tế bào đó để tạo ra một cơ thể có cái TA trong đó. Và vô số chúng sinh đã đi tìm cái TA này. Tìm đến nỗi chìm đắm vào ngã mạn, càng tìm càng thấy xa xăm, u tối. 

Tấm hình này chụp thực tế ở gần nhà người viết khoảng tháng trước.

Vô số chúng sinh tự lầm lẫn rằng tấm thân này là ta, ý thức này là ta nhưng khi quán xét đến một chừng mực như trên thì trở nên hoang mang, vì không thể trả lời TA là gì, ở đâu. Vậy đó, chúng sinh thật ra quá nhỏ bé và mênh mang vô định trong vũ trụ này. Mênh mang đến vô cùng vô tận để tìm kiếm, để khẳng định ta là ai, ta tồn tại với mục đích gì và đi về đâu? Hay chỉ đơn giản sinh ra, sống hết một kiếp vô định để rồi tan thành cát bụi?! 

Nếu quán xét đến mức độ vi tế hơn nữa thì trở nên vô ảnh vô tung, để sau đó lại thấy hình hài rực rỡ toả sáng. 

Vũ trụ vốn chứa đựng điều kỳ diệu như thế!

Huỳnh Thị Tố Nga

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here