HANNAH ARENDT (1906-1975)
Justine Canonne và Céline Bagault
…
“Lữ khách của thế kỉ 20”triết gia Đức Hannah Arendt đã đặc tả bản chất của các chế độ toàn trị, nhấn mạnh những khuyết tật của xã hội tiêu dùng và đi tìm nguồn gốc của cái ác tuyệt đối.
…
Khó tìm thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng của Hannah Arendt giữa việc lập khái niệm rộng lớn của bà về chủ nghĩa toàn trị, phê phán của bà đối với chủ nghĩa phục quốc Do Thái, và phân tích gây tranh cãi của bà về “sự tầm thường của cái Ác” trừ phi coi như bà suốt đời nghiền ngẫm tính độc đáo, sự mới lạ của thời đại mình đang sống. sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Hanovre, bà học triết với các bậc thầy Đức vĩ đại của thời đại: Edmund Husserl, Karl Jasper và Matin Heidegger.
Để tránh họa Nazi, Hannah Arendt lưu vong sang Pháp sau đó sang Hoa Kì, năm 1951 bà xuất bản “Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị”. Với bà chủ nghĩa toàn trị chỉ các chế độ nazi và stalinism có những nét chung cho dù chúng là những kẻ thù trong chiến tranh. Quan điểm về chủ nghĩa nazi và chủ nghĩa cộng sản này của bà bị nhiều chỉ trích của giới trí thức, trong đó có Raymond Aron. Trong tác phẩm này bà khảo sát điều mà bà gọi là “những yếu tố” của chủ nghĩa toàn trị, như chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa cá nhân phân biệt chủng tộc. Những hình thức mà trong đó những yếu tốnày kết tinh thành, là các chế độ cực quyền, các hình thức chính phủ mới mẻ lạ lùng trong lịch sử loài người. Vì, ngược lại với các chế độ bạo ngược chuyên quyền trong quá khứ, Arendt cho rằng chủ nghĩa toàn trị không có ý định bắt con người phục tùng các quy tắc chuyên chế, mà quy phục một hệ thống trong đó con người là thừa. Theo H. Arendt, đây là một trong những đặc điểm của chủ nghĩa toàn trị: ở đó, con người trở nên “thừa”. Hệ tư tưởng nazi nhằm tiêu diệt các “chủng tộc hạ đẳng” để cho chủng tộc “thượng đẳng phát triển”. Các chế độ toàn trị cũng viện đến “quy luật lịch sử” triển khai các hệ tư tưởng bá quyền chinh phục quần chúng. Với H. Arendt, đấu tranh chủng tộc cũng như đấu tranh giai cấp xuất phát từ cùng một logic: hi sinh những con người, tính đa nguyên của con người, – sự thể đơn giản là tất cả mọi người đều khác với những người khác – để làm nên một “con người mới.” Trại tập trung là thiết chế trung tâm của chế độ toàn trị, bởi vì chính trong những trại này, nơi khủng bố được định chế hóa, mà tính người bị lột bỏ khỏi con người. Chính trong những trại này, điều không thể xảy ra, điều không thể tưởng tượng nổi, đã xảy ra, H. Arendt nhấn mạnh.
CÁI ÁC NƠI CON NGƯỜI TẦM THƯỜNG
Suy nghĩ về cái Ác mà H. Arendt đã bắt đầu từ “Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị”bung ra trong bối cảnh phiên toà Eichmann. Năm 1961 Adolf Eichmann, một cựu quan chức của Đế chế thứ Ba, bị xử ở Jerusalem. H. Arendt theo dõi để viết tường thuật phiên toà cho tờ tạp chí Mỹ The New Yorker. Từ trải nghiệm này bà viết một quyển sách nhan đề Eichmann ở Jerusalem có tiêu đề phụ là Sự tầm thường của cái Ác, sẽ trở thành công thức được nhắc lại phổ biến và tranh cãi. Bà miêu tả “viên quản lí công việc vận tải” như một con người bình thường, không bài Do Thái, là một công chức hăng hái nhiệt tình, đã thi hành các mệnh lệnh và luôn luôn coi những kẻ mà anh tya giúp đưa vào các trại tử thần là những con người .
Theo Hannah Arendt, chính sự tuân phục mù quáng đã biến những con người thành những đao phủ. Một kết luận đặt lại câu hỏi cho những nhà sử học như David Cesarini hoặc Laurence Rees, trong những năm 2000. Với họ, những người chịu trách nhiệm của chế độ Nazi còn hơn những người thừa hành. Họ đã khởi xướng, đã dấn mình vào cuộc diệt chủng với tư cách cá nhân. Mặt khác sự tuân lệnh cấp trên, hệ tư tưởng và những thiên hướng đạo đức giải thích sự tầm thường của cái ác. Năm 2008 các nhà tâm lí học Stéphen Reicher và Alexander Haslam khẳng định rằng những kẻ giết người hàng loạt tìm thấy những lời biện hộ đạo đức cho các hành động hung bạo mà chúng phạm. Bằng cách xem một nhóm (những người Do Thái, những người Tutsi v.v..) như bị loại khỏi loài người “bình thường,” thì tất cả đều trở thành có thể. S. Reicher và A. Haslam còn nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm giác đe dọa: những tên đao phủ có ý thức sống một hoàn cảnh ngoại lệ (chiến tranh thế giới, nội chiến) và gạt đi những tiêu chuẩn về lý do đúng đắn. Nhưng mô tả của bà về một tên tội phạm “bàn giấy”, một con người bình thường phạm tội ác tột cùng, đã cho phép H. Arendt đặt cơ sở cho luận đề “sự tầm thường của cái ác.” Cùối những năm 1960, sau sự ra đời gây tranh cãi của cuốn sách “Eichmann ở Jerusalem” H. Arendt giảng những khóa về triết học chính trị tại Trường phái mới Nghiên cứu Xã hội của New York. Cho đến lúc chết, năm 1975, bà theo đuổi một hoạt động mạnh mẽ nghiên cứu và viết, không ngừng bận tâm tìm hiểu thế giới đương đại.
***************************
Hitler đọc diễn văn tuyên chiến với Hoa Kỳ tại rạp opera Kroll , Berlin, 1941.