SỐNG Ở MỸ DỄ HAY KHÓ
Phần 6: VỀ CÔNG ĂN VIỆC LÀM
Chúng ta đã biết, có 3 cấp độ kiếm tiền cơ bản, cho dù ở đâu: 1. Dùng sức để kiếm tiền; 2. Dùng tri thức, kỹ năng để kiếm tiền; 3. Dùng tiền để kiếm tiền. Với một người mới nhập cư, như mình đã nói ở phần đầu, hầu hết mọi loại bằng cấp ở VN đều không “tương thích” trên đất Mỹ. Nên “cấp độ” kiếm tiền thứ 2, chỉ có một số ít người thỏa mãn được. Cấp độ kiếm tiền thứ 3, nhiều người tuy có vốn, nhưng để đầu tư, dùng đồng tiền sinh lợi ngay cũng không hẳn là việc có thể triển khai trong ngày một ngày hai. Nên “cấp độ” kiếm tiền phổ thông nhất vẫn là “dùng sức để kiếm tiền”. Thời đoạn này kéo dài bao lâu, hẳn nhiên tùy thuộc vào sự hòa nhập nhanh hay chậm của “chủ thể”.
Với việc “dùng sức để kiếm tiền” cũng có mấy yếu tố, tỉ lệ thuận với thành công: Khả năng tiếng Anh, sức khỏe và nỗ lực. Trong đó yếu tố thứ ba dường như lại quan trọng nhất, tất nhiên chúng ta tạm coi yếu tố sức khỏe mọi người đều ở mức chấp nhận được. Có một điều khiến người nhập cư cảm thấy tự tin hơn, đó là ở Mỹ anh làm việc gì, vị thế cao hay thấp, đều không bị cái rào cản “sĩ diện” gây khó dễ. Mình biết có người Mỹ gốc, rất thành đạt, nhưng lúc đã nghỉ hưu, thấy buồn tay buồn chân bèn vô siêu thị xin làm cái việc… bỏ hàng vô bịch ni lông cho khách. Vẫn thưa gửi lịch lãm, gọi khách hàng là “ông bà”, cảm ơn, chúc một ngày tốt đẹp… Ngay cả làm cùng một công ty, người ta cũng chẳng biết lương ai cao, ai thấp, “lính” hay “sếp”, chủ hay tớ cũng cày hùng hục như nhau… Mới hôm rồi, gia đình mình kiểm tra trong nhà, thấy trên mái thiếu một con ốc, bèn gọi điện cho chủ đầu tư. Rất bất ngờ khi người xuất hiện là ông kiến trúc sư trưởng, phụ trách toàn bộ việc thi công của cả khu hàng trăm nhà. Ông này bắc thang hì hục trèo lên mái, kiểm tra, rồi đi lùng tìm đúng con ốc còn thiếu, sau đó lại hì hục trèo lên lắp con ốc, hoàn toàn không kêu bất cứ một “lính lác” nào làm thay cái việc nhỏ nhặt ấy.
Để bắt tay ngay vào một công việc phổ thông trên đất Mỹ là không hề khó. Các tiệm nail như ở bang mình luôn dán thông báo tuyển người dày đặc khắp nơi. Một người chưa biết gì về nail, bắt đầu đi học rồi túc tắc đi làm, trong vài tháng đã có thể có thu nhập 700- 800 đô/tuần. Một thợ nail giỏi ở bang mình có thể kiếm 6-7 ngàn đô/tháng. Một công việc khác, đối tượng du học sinh hay chọn, đó là bồi bàn, phụ bếp, lương tính theo giờ, cộng thêm tip (ở VN hay gọi theo kiểu Pháp là tiền “boa”), một ngày có thể kiếm trên dưới 100 đô. Một công việc khác, thích hợp với nam giới, đó là vào làm trong các hãng, xưởng, đứng dây chuyền sản xuất, phụ việc trong các siêu thị… Mấy công việc này thường xuyên có ở các trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí của chính phủ. Bạn tới đó, để lại hồ sơ, số điện thoại của mình, khi có việc trung tâm sẽ kêu ngay, bằng những nhân viên nói ngôn ngữ của bạn. Mấy việc này, lương trung bình, khởi điểm ở mức thấp, khoảng 8- 10 đô/giờ. Tuần làm 40 giờ. Nếu làm quá số giờ có thể được tính lương lũy tiến. Nhiều người chọn làm đúng 40 giờ/tuần, nhưng dồn vô, ngày làm 10- 12 tiếng. Coi như giải quyết trong nửa tuần, nửa còn lại đi kiếm việc khác. Vì vậy nhiều người siêng, có thể “cày” từ 2- 3 việc. Với mức thu nhập trên 2 ngàn đô một tháng, cả hai vợ chồng cùng đi làm là hoàn toàn đủ trả góp một căn nhà khang trang, hai chiếc xe, nuôi hai đứa con cùng toàn bộ chi phí. Làm trên hai ngàn đô là bắt đầu có dư, tích lũy, hoặc du lịch đó đây khi rảnh. Đó là tình hình ở Texas, bang mình. Mức thu nhập và chi phí này có thể khác biệt ở những bang khác.
Nói ra có thể đơn giản, nhưng sự cực nhọc là có thật, tùy từng công việc, từng môi trường. Sự cạnh tranh giữa những người cùng hoàn cảnh có thể rất gay gắt. Môi trường làm việc ngột ngạt. Giờ giấc thay đổi lộn xộn, việc phải làm các ca từ tối đến sáng hôm sau xảy ra thường xuyên, vợ chồng con cái có thể ít gặp mặt nhau, nhất là với những người… quá siêng kiếm tiền. Tuy nhiên, với tình hình chung như vậy, chúng ta có thể hiểu vì sao sau vài năm “cày ải”, hầu hết những người nhập cư bắt đầu ổn định dần với số tiền tích góp được. Thêm nữa nhiều người tranh thủ vừa làm vừa học, nên sau vài năm họ vừa có vốn tài chính, vừa có vốn tiếng Anh, nhiều người lận lưng thêm được tấm bằng Mỹ. Vậy là cất cánh. Nếu đã giữ được chữ “siêng”, cũng như “trời cho” sức khỏe ổn định, chẳng mấy người lâm vào cảnh thất bại.
Sau khi bước qua giai đoạn dùng sức để kiếm tiền, người ta bắt đầu kiếm tiền bằng kỹ năng, bằng cấp. Thu nhập từ tính giờ, chuyển sang tính lương theo năm. Ngoại trừ những giai đoạn khủng hoảng trầm trọng- khá hiếm hoi, hầu hết người dân Mỹ sống “hồn nhiên”, làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, không cần lo nghĩ quá nhiều tới “ngày mai”, vì tiền thuế họ đóng hằng năm đã đảm bảo cuộc sống về già. Các hàng quán còn rút ra một đặc điểm rất… lạ, đó là ngày người ta xài tiền nhiều nhất là những ngày… sắp phát lương mới. Đúng, khi sắp có lương, dân Mỹ bắt đầu kiểm tra tài khoản và… xài cho bằng hết số còn tồn đọng của tháng trước! Qua cách sống này, mình có một sự liên tưởng đến hoàn cảnh sống của người dân bắc bộ và nam bộ trước đây. Miền bắc, vì thời tiết thay đổi thất thường, đất đai khá khô cằn bởi hệ thống đê điều đắp kín, không bồi mới phù sa, con người sống phụ thuộc, bấp bênh vào “mệnh trời”, nên người dân dần hình thành thói quen tích góp, phòng cho những năm mất mùa, đói kém. Còn người dân đồng bằng nam bộ, thời tiết khá ôn hòa, sản vật luôn có sẵn, vì vậy họ ít có thói quen tích góp, phòng hờ, làm bao nhiêu xài bấy nhiêu. Nước Mỹ giờ đây cũng vậy, nếu có ai đó sống tiết kiệm không phải là họ thiếu thốn mà đó là tác phong sống giản đơn. Anh tiết kiệm 100 năm, số tiền giữ được chưa chắc đã bằng anh học lấy một tấm bằng, từ đó có thu nhập vượt trội.
Cấp độ thứ ba là dùng tiền để kiếm tiền. Ngay khi đặt chân đến đất Mỹ mình đã thấy hai biểu hiện rất rõ của một nền kinh tế phát triển, đó là lãi suất ngân hàng thấp, tiền thuê mặt bằng rất rẻ. Hai yếu tố này khiến người ta rất dễ làm ăn và nó khuyến khích, tạo điều kiện cho người ta làm ăn. Ngược lại, nó loại trừ những đối tượng “ăn sẵn”, như bỏ tiền vô ngân hàng rút lãi suất, hoặc có mặt bằng cho thuê rồi sống phè phè, mặc người kinh doanh è cổ gánh trên vai cái gánh nặng rất phi lý. Khi đã ở Mỹ một thời gian, có một số vốn trong tay, dù mình chưa có kinh nghiệm, nhưng quen một số bạn bè doanh nhân họ đều nói: Khi đã có vốn thì nhìn quanh ở đâu cũng có cơ hội kiếm tiền. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tối giản, mọi mắt xích vận hành đã đâu ra đó hàng trăm năm, từ nhân sự, thuế má, hệ thống luật… Bạn cứ đặt đồng vốn vào hệ thống ấy và nó chạy, rất minh bạch. Ai càng có nhiều ý tưởng, nhiều sáng kiến, càng có nhiều khả năng thành công. Ngược lại, bạn đặt vào hệ thống ấy… sự gian trá, lập tức nó sẽ hất ra ngoài, hoặc phải trả những cái giá rất đắt.
Mọi thứ có vẻ “thông thoáng” như trên, vậy tại sao ở Mỹ vẫn có dân thất nghiệp, thậm chí là vô gia cư? Thực sự có hai đối tượng rất khó để có thể hòa nhập vào xã hội Mỹ, khó hơn rất nhiều so với cùng đối tượng ấy nếu sống ở VN: Đó là nghiện ma túy và… từng ngồi tù. Bất cứ hãng xưởng, công ty nào, sau khi phỏng vấn xin việc, ứng viên đều phải đi xét nghiệm máu. Nếu bạn dương tính với ma túy, coi như mọi cánh cửa đóng sập. Tương tự như thế, nếu bạn từng ngồi tù. Án tích đeo bạn cả đời, không xóa được trong hệ thống. Ngay cả việc bạn từng vi phạm luật lệ giao thông ở mức nặng, ví dụ say rượu lái xe, “cái vết” ấy cũng bị lưu luôn. Hầu hết các nhà tuyển dụng, các công ty, cho đến các ông chủ nhỏ đều e ngại khi tuyển những đối tượng này. Và sự “khắc nghiệt” ấy dần đẩy người “có vết” trôi từ nhà ra ngõ, rồi trôi dần tới gầm cầu. Tất nhiên, khi rơi xuống đáy cùng, trở thành những đối tượng như vậy, chính phủ lại có những kế sách an sinh khác dành cho họ. Tuy nhiên điều đó là rất nhục nhằn, giữa một xã hội coi trọng tự ái như đất Mỹ.
Hẹn các bạn tiếp tục ở kỳ sau, mình sẽ nói về hệ thống nhà cửa và việc mua nhà trên đất Mỹ.
– Ảnh: Lái xe tải là một nghề có thu nhập khá. Mỗi bác tài có thể kiếm từ 8- 10 ngàn đô một tháng bằng cách ôm vô lăng rong ruổi khắp các ngả đường. Nhiều nam giới gốc Việt chọn nghề này.