SAU KHI KIỀM CHẾ ĐƯỢC LẠM PHÁT, CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG CHUYỂN MỤC TIÊU QUA THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM.

0
4
Cục Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve viết tắt là Fed) cắt lãi suất nửa điểm (0.50%) vào 18/9/2024 vì tin rằng lạm phát đang hạ nhiệt và muốn giữ cho thị trường việc làm mạnh mẽ.
   
Chủ Tịch Cục Dự Trữ Liên Bang Jerome Powell: “Nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tốt. Nó đang phát triển với tốc độ vững chắc, lạm phát đang giảm xuống. Thị trường lao động đang ở một tốc độ mạnh mẽ. Chúng tôi muốn giữ nó ở đó. Đó là những gì chúng tôi đang làm.”
Nguyễn Quốc Khải
19-9-2024
Cập nhật: 20-9-2024
Cục Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve viết tắt là Fed) cắt lãi suất nửa điểm (0.50%) vào 18/9/2024 vì tin rằng lạm phát đang hạ nhiệt và muốn giữ cho thị trường việc làm mạnh mẽ. Đây là đợt cắt lãi suất đầu tiên của Fed trong bốn năm, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Mức giảm lãi suất đáng kể sẽ giúp giảm chi phí vay và cung cấp cứu trợ tài chính cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Việc giảm lãi suất đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát của Cục Dự Trữ Liên Bang kéo dài hai năm rưỡi. Cơ quan này bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3, 2022 trong nỗ lực giảm mức cầu và kiểm soát giá cả. Qua mùa hè năm ngoái, lãi suất đã tăng lên từ 5.25% đến 5.5%, mức cao nhất cấp độ trong hơn hai chục năm.
Vào thứ Tư vừa qua, Cục Dự Trữ Liên Bang đã cắt giảm lãi suất 0.50%, một mức đáng kể, xuống còn khoảng 4.9% sau khi mức lạm phát liên tục giảm trong 5 tháng và hạ xuống còn 2.5% vào tháng 8, 2024 từ đỉnh điểm 9.1% vào tháng 6, 2022. Quyết định này là một tín hiệu rõ ràng rằng ngân hàng trung ương nghĩ rằng họ đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát và đang chuyển trọng tâm sang việc bảo vệ thị trường việc làm.
Biden, người hiếm khi phát biểu công khai về các quyết định chính sách của Fed, đã mở đầu bài phát biểu của mình trước Câu Lạc Bộ Kinh tế Washington D.C. (Economic Club of Washington D.C.) vào ngày 19-9-2024, thừa nhận việc cắt giảm là một ngày quan trọng đối với đất nước.
Ông nói, “Đó là một tín hiệu quan trọng từ Cục Dự Trữ Liên Bang tới phần còn lại của đất nước rằng sau nhiều lần tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, lạm phát đã giảm. Việc Fed hạ lãi suất không phải là một tuyên bố chiến thắng. Đó là một tuyên bố tiến bộ. Đây là thời điểm để các cá nhân cảm thấy tự tin hơn – mua nhà, xe mới, xây dựng gia đình, bắt đầu công việc kinh doanh mới, thay đổi việc làm.”
Jerome H. Powell, Chủ tịch Fed cho biết trong cuộc họp báo:
“Phương pháp kiên nhẫn chống lạm phát của chúng tôi trong năm qua đã mang lại lợi ích. Hiện nay rủi ro lạm phát đã giảm đi, nhưng nguy cơ thất nghiệp đã tăng lên.”
Việc cắt giảm lãi suất hôm nay đánh dấu một chiến thắng tạm thời. Cho đến nay, các viên chức Fed đã tìm cách làm chậm lạm phát và đặc biệt là không làm kinh tế trì trệ. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên đôi chút nhưng không đáng lo ngại. Việc tuyển dụng vẫn tiếp tục, mặc dù nó đã chậm lại. Chỉ tiêu tiêu dùng vẫn mạnh. Tăng trưởng kinh tế tổng quát vẫn mạnh mẽ.

Mức lạm phát liên tục giảm trong 5 tháng và hạ xuống còn 2.5% vào tháng 8, 2024 từ đỉnh điểm 9.1% vào tháng 6, 2022
Lãi suất cao làm nền kinh tế phát triển chậm lại bằng cách làm cho việc vay mua nhà hoặc mở rộng kinh doanh, trở nên đắt đỏ hơn. Điều này ảnh hưởng đến cả nhu cầu và sự tăng giá và hạn chế tuyển dụng. Do đó, Fed đã cố gắng đạt được sự cân bằng một cách thận trọng. Các viên chức nhắm làm chậm tốc độ tăng trưởng đủ để đảm bảo rằng mức tăng giá trở lại bình thường mà không hạ nhiệt đến mức làm thất nghiệp tăng vọt và nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Các viên chức Fed dự đoán rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất xuống còn 4.4% vào cuối năm nay – thấp hơn mức 5.1% mong đợi vào tháng 6, khi họ công bố báo cáo kinh tế lần cuối. Fed dự định sẽ giảm phí tổn vay tiền thêm một điểm phần trăm nữa xuống còn 3.4% vào cuối 2025.
ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC CẮT GIẢM LÃI SUẤT CỦA CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG.
Trước dự đoán cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương, lãi suất thế chấp (mortgage rate) đã tự động giảm xuống khiến việc mua nhà sẽ trở nên dễ dàng hơn đôi chút. Tuy nhiên lãi suất thế chấp khó có thể quay trở lại mức đáy vào năm 2020 vì Fed không kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất trở lại mức gần bằng không vào mùa đại dịch Covid 19.
Lãi suất thế chấp cố định trung bình 30 năm gần đây đã giảm xuống 6.2% từ mức cao 7.8% vào mùa thu năm ngoái. Lãi suất thế chấp có thể giảm nhiều hơn vì Fed báo hiệu sẽ cắt giảm sâu hơn trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, việc mua nhà đã trở nên khó khăn hơn đối với hàng triệu người Mỹ với lãi suất thế chấp tăng cao sau khi Fed tăng chi phí đi vay và giá nhà tăng vọt khi nhiều thị trường phải vật lộn với tình trạng thiếu nhà ở.
Theo dữ liệu của National Association of Realtors (NAR), doanh số bán nhà hiện hữu, chiếm phần lớn thị trường, đã giảm 2.5% trong tháng 8 so với tháng trước, xuống mức hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 3.86 triệu căn. Đây là số nhà bán thấp nhất kể từ năm 2010. Trong khi đó, giá nhà tiếp tục tăng trong tháng trước, với giá trung bình của một ngôi nhà hiện hữu tăng 3.1% lên $416,700. Đây là mức tăng thứ 14 liên tiếp so với cùng thời gian của năm trước và là mức kỷ lục về giá nhà trong tháng 8.
Với lãi suất thế chấp tiếp tục giảm, nhu cầu mua nhà sẽ tăng sau khi Cục Dự Trữ Liên Bang cuối cùng đã cắt giảm lãi suất trong tuần này và báo hiệu sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn vào cuối năm. Theo NAR, có thể phải mất ba hoặc bốn tháng để lãi suất thế chấp thấp hơn nhằm thúc đẩy nhu cầu về nhà ở.
Việc hạ lãi suất của Cục Dự Trữ Liên Bang có hai ảnh hưởng đối nghịch đối với giá xăng dầu. Một số nhà phân tách nhận định rằng lãi suất thấp sẽ làm tăng hoạt động kinh tế và do đó nhu cầu xăng nhớt sẽ tăng và kéo theo giá cả.
MarketWatch tường thuật rằng giá dầu tương lai tăng vào 19/9/2024, một ngày sau khi Cục Dự Trữ Liên Bang thực hiện cắt giảm lãi suất đáng kể và tạo tiền đề cho việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Quyết định của Fed làm dịu đi những lo lắng về suy thoái kinh tế, xoa dịu những lo ngại về nhu cầu năng lượng. Việc cắt giảm lãi suất “có thể hỗ trợ hoạt động kinh tế và kích thích nhu cầu năng lượng ở Mỹ, góp phần đẩy giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất đáng kể này cũng tạo ra lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế, điều này có thể hạn chế giá dầu tăng thêm.”
Reuters và CNBC báo cáo rằng giá dầu giảm đôi chút vào 18/9/2024, sau hai ngày tăng liên tiếp, ngay cả sau khi Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau nhiều năm. Thị trường năng lượng còn đang trong tình trạng giao động trước quyết định giảm lãi suất. Một yếu tố quan trọng làm giá xăng dầu tăng đối với giới tiêu thụ Hoa Kỳ là đồng US$ sẽ giảm giá so với những ngoại tệ khác. Hoa Kỳ vừa xuất cảng vừa nhập cảng xăng dầu nhưng nhập cảng nhiều hơn xuất cảng. Với mức cầu xăng dầu của thế giới tăng và hối suất của $US thấp hơn, mọi thứ khác không thay đổi, giá xăng ở Mỹ sẽ tăng.
Tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm ở Mỹ chậm lại trong năm tháng liên tiếp và xuống còn 2.5% vào tháng 8, 2024. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2, 2021. Mức lạm phát trong tháng 7 là 2.9%. Lạm phát sẽ còn tiếp tục hạ xuống nữa sau khi Fed hạ lãi suất. Mức lạm phát lý tưởng là 2% và là mục tiêu của Cục Dự Trữ Liên Bang.
Ngoài lãi suất cho vay mua nhà, chi phí thẻ tín dụng, cho vay mua xe hơi và cho vay sinh viên cũng đã giảm khá nhiều kể từ khi Fed đã gửi tín hiệu về ý định cắt giảm lãi suất.
ẢNH HƯỞNG CHÍNH TRỊ
Đây là những tin rất vui cho Đảng Dân Chủ đang nắm giữ Nhà Trắng. Kinh tế, lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp là những đề tài nóng bỏng trong mùa bầu cử. Kamala Harris có thể coi đây là thành tựu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của Tổng Thống Joe Biden. Sau khi thừa hưởng một nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch, ông đã làm kinh tế cân bằng và mạnh mẽ trở lại.
Trong khi đó cựu Tổng Thống Trump cho rằng việc cắt giảm lãi suất là dấu hiệu của một nền kinh tế yếu kém. Nhân dịp vận động tranh cử tại thành phố New York, ông nói “Tôi đoán điều đó cho thấy nền kinh tế đang rất tệ khi cắt giảm lãi suất nhiều như vậy, giả sử họ không chỉ chơi trò chính trị.”
Trump nói đúng. Cục Dự Trữ Liên Bang thường cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế “tồi tệ”, giống như khi bị đại dịch tàn phá, để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên trong trường hợp này ngược lại, việc cắt giảm lãi suất là để không kìm hãm sự phát triển kinh tế nữa hay nói một cách khác là thả lỏng cho kinh tế phát triển.
Trong một bài bình luận trên New York Times với tựa đề “Việc cắt giảm lãi suất lớn của Fed không phải là chính trị. Đó là một người không có trí tuệ về kinh tế,” Paul Krugman phân tách như sau, “Trong khi hành động của Fed chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả chính trị, nhưng đó không phải là một quyết định chính trị. Đầy là một trường hợp kinh tế rõ ràng đòi hỏi một cắt giảm lãi suất. Một trường hợp cắt giảm đáng kể. Không cắt sẽ là một hành động chính trị. Và Fed đã không để mình bị bắt nạt đến mức không hành động.”
Jerome Powell, Chủ Tịch Cục Dự Trữ Liên Bang đăng ký là đảng viên Cộng Hòa, do Trump bổ nhiệm và được Tổng thống Joe Biden tái bổ nhiệm. Ông nói: “Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ tư của tôi tại Fed và nó luôn giống nhau… Công việc của chúng tôi là thay mặt người dân Mỹ hỗ trợ nền kinh tế. Đó là điều mà tất cả chúng tôi đều rất coi trọng. Chúng tôi không dùng bất cứ tiêu chuẩn lựa chọn nào khác. Chúng tôi không phục vụ bất kỳ chính trị gia, nhân vật chính trị nào, bất kỳ nguyên nhân nào, bất kỳ vấn đề nào, không gì cả. Đó chỉ là sự ổn định về việc làm và giá cả tối đa nhân danh tất cả người Mỹ.”
Trong mùa bầu cử, đặc biệt là trong vài tuần lễ cuối cùng, mọi thứ đều có mầu sắc chính trị dưới con mắt đảng phái. Cực Dự Trữ Liên Bang thuộc Hành Pháp, nhưng là một cơ quan độc lập với Nhà Trắng. Trump từng liên tục muốn can thiệp vào cơ quan này. Ông nhiều lần tỏ ý muốn cách chức Powell trong nhiệm kỳ đầu vì Fed tăng lãi suất.
Trong khi tổng thống bổ nhiệm hội đồng thống đốc của Cục Dự Trữ Liên Bang, bao gồm cả chủ tịch, cơ quan này “lấy quyền từ Quốc Hội” chiếu theo Federal Reserve Act và chịu trách nhiệm trước Quốc Hội. Các thống đốc của Cục Dự Trữ Liên Bang chỉ có thể bị cách chức nếu họ vi phạm luật. Gần đây Trump lại nói láo rằng nếu thắng cử vào cuối năm nay, ông sẽ không cách chức Powell và để ông này làm hết nhiệm kỳ II vào năm 2026.
THAM KHẢO
(1) Abha Bhattarai, Rachel Siegel, “Mortgage rates are coming down — and home buyers are ready to pounce”, Washington Post, September 19, 2024.
(2) Allison Morrow, “The Fed’s rate cut had nothing to do with politics. That’s not holding politicians back,” CNN, September 19, 2024.
(3) Jeanna Smialek, ” The Fed Makes a Large Rate Cut and Forecasts More to Come,” New York Times, September 18, 2024.
(4) Lindsay Dunsmuir, Ann Saphir, “What does a Fed rate cut mean for the economy and consumers,” Reuters, September 18, 2024.
(5) Bryan Mena, “Mortgage rates drop to lowest since early February 2023 after Fed’s jumbo interest rate cut,” CNN, September 19, 2024.
(6) Bryan Mena, “Key takeaways from the Fed’s decision to deliver a jumbo-sized interest rate cut,” CNN, September 18, 2024.
(7) Paul Krugman, “The Fed’s Big Rate Cut Wasn’t Political. It Was an Economic No-Brainer,” New York Times, September 19, 2024.
Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here