Sàigòn Mới

0
85
Đây là tiệm tạp hoá Việt Nam của ba mẹ tôi, tiệm Sàigòn Mới, trên đường East Santa Clara giữa đường 3 và đường 4 ở San Jose, California. Ảnh : FB Viet Thanh Nguyen

Viet Thanh Nguyen 

Đây là tiệm tạp hoá Việt Nam của ba mẹ tôi, tiệm Sàigòn Mới, trên đường East Santa Clara giữa đường 3 và đường 4 ở San Jose, California. Nếu bạn tới đây, đập vào mắt sẽ là một khu chung cư đắt đỏ đang được xây dựng. Bên kia đường là Toà thị chính San Jose. Khi tôi lớn lên, vào cuối những năm 1970 và 1980, ở đây có một cửa hàng kim khí và một cửa hàng bánh donut ở bên kia đường. Đó là những loại cửa hàng ở trung tâm thành phố San Jose, cùng với nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt như bố mẹ tôi. Người Việt đã thành công trong việc làm trẻ hóa một San Jose đang bị tàn phá, mà thành phố đã trả ơn bằng cách buộc nhiều người trong số họ, bao gồm cả cha mẹ tôi, bán tài sản của họ để thành phố có thể xây dựng Tòa thị chính mới. Một nhà hát được cho là sẽ xây dựng trên tài sản của cha mẹ tôi. Thay vào đó, một bãi đậu xe bị bỏ phế trong nhiều năm cho đến khi thành phố cuối cùng đã từ bỏ và bán cho nhà phát triển chung cư này với giá hàng triệu đô la. Cha mẹ tôi không bao giờ nhìn thấy số tiền đó. Ôi nước Mỹ!

Khi tôi lớn lên, tôi có phần xem thường khi mà cha mẹ tôi đặt tên tiệm là Sàigòn Mới.  Tuy trong đầu tôi luôn tự động nhảy số thành New Saigon. Nhưng bố mẹ tôi không bao giờ dịch nó sang tiếng Mỹ. Bây giờ nhìn lại, tôi tự hào về họ vì đã không làm điều đó. Một trong những cách cơ bản nhất mà người nhập cư và người tị nạn trở thành người Mỹ là sở hữu tài sản và đặt ngôn ngữ của họ trên những tài sản đó. Đây là cách chúng ta sở hữu không gian công cộng và thể hiện sự hiện diện của chúng ta theo những cách mà người Mỹ có thể sẽ không thích điều đó. Để nguyên tiếng mẹ đẻ và tên của chúng tôi trở thành một loại thách thức im lặng, nhưng rất dễ thấy; một cách tiếp tục khẳng định ngôn ngữ, văn hóa và bản thân của chúng ta, và là một cách thay đổi nước Mỹ.

Tôi không tự hào lắm về Sàigòn Mới khi tôi lớn lên. Đó là một nơi khó khăn, nơi cha mẹ tôi làm việc không biết mệt mỏi, nơi họ bị cướp và bắn. Hai nhân viên cảnh sát đã thiệt mạng ngay trước cửa hàng của họ và là vụ cảnh sát bị bắn chết tồi tệ nhất trong lịch sử của San Jose.  Khi đó tôi đang học đại học và bố mẹ tôi chưa từng kể với tôi về điều đó để tôi không phải lo lắng.

Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi rất tự hào về Sàigòn Mới. Đó là nơi mà người Việt từ khắp San Jose sẽ đến để mua đồ và nhiều hơn thế nữa. Khi anh trai tôi tốt nghiệp thủ khoa trường trung học San Jose, tờ San Jose Mercury đã viết một bài báo về anh ấy và mô tả Sàigòn Mới theo cách này: một “cửa hàng bách hóa thu nhỏ tràn ngập vải và sách tiếng Việt, ngoài các cửa hàng tạp hóa Đông Dương và đồ ăn nhanh của Mỹ . “

Tiệm tạp hoá nhỏ này là nơi cha mẹ tôi tồn tại, chịu đựng và phát triển. Và trở thành người Mỹ. Và nuôi dạy các con của họ. Và gửi tiền về quê trong nhiều năm liền cho nhiều người thân.

Và với tất cả những điều này, cộng với việc không dịch tên cửa hàng của họ, họ đã phải trả giá. Cả bạo lực trực diện như khi bị cướp và bị bắn, và bạo lực ngầm nhắm vào ba mẹ. Tôi nhớ khi tôi đi bộ xuống phố từ cửa hàng của ba mẹ khi tôi mười hay mười một tuổi và nhìn thấy một tấm biển trên cửa sổ của một cửa hàng khác: Một người Mỹ khác bị rời đi bởi một người Việt Nam.

Người Mỹ đó không coi cha mẹ tôi hay những người Việt Nam khác là con người. Chỉ là một thứ gì đó, một sự đe doạ tới họ. Và theo cách đó, chúng tôi chỉ điền vào chỗ trống của một câu chuyện cũ rích: Một người Mỹ khác bị rời đi bởi _____.

Nhưng thực tế là người Việt đã mang lại làm ăn cho trung tâm thành phố San Jose, và cho toàn bộ thành phố. Và theo cách đó, họ đang làm cho thành phố tốt hơn và tuyệt vời hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần những người nhập cư và tị nạn. Và không chỉ người nhập cư và người tị nạn Việt Nam, một số người trong số họ hiện đang băn khoăn về những người nhập cư mới và người tị nạn mới. Từng là đối tượng của nỗi sợ hãi, giờ đây những người Việt Nam này lại sợ hãi người khác và không muốn cho những người đó cơ hội như họ đã có. Thật là buồn khi nhìn thấy điều đó.

Chúng ta nên đón nhận những người nhập cư và tị nạn mới. Trong ba mươi hoặc bốn mươi năm nữa, một trong những đứa con của họ sẽ viết chính xác điều mà tôi đang viết bây giờ về cha mẹ chúng. Những gì đã từng là ngoại lai và xa lạ sẽ là một phần của văn hóa Mỹ. Họ sẽ thành công đến mức những gì họ đã xây dựng có thể được xây dựng lại.

Sàigòn Mới, đã biến mất khỏi thực tại, nhưng không phải trong ký ức hay những câu chuyện của tôi.

–cám ơn, Nguyễn Thị Cao Điểm, dịch viên của bài này

Nguồn : https://www.facebook.com/vietnguyenauthor

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here