Vụ án “chuyến bay giải cứu” mấy ngày vừa qua ngọn ngành như thế nào thì thật sự người viết chưa nắm rõ, vì khi sự việc ban đầu xảy ra thì người viết vẫn còn ở trong tù, nên hiện tại chỉ theo dõi chứ không tham gia viết bài vì không muốn hiểu sự việc theo tính chất cắt ngang. Phiên tòa diễn ra mấy ngày vừa qua làm cho xã hội xôn xao về việc “chạy án”, về việc này, nói không ngoa, thì không ai có thể hiểu rõ ràng vấn nạn “chạy án” bằng chính những người tù nhân có tham gia vào đường dây hoặc những người tù nhân chính trị chúng tôi, tuy không dính đến nhưng lại là những nhân chứng thiết thực nhất.
Một người tù bị bắt, từ khi bắt đầu bước chân vào nhà giam mọi thứ đều phải có tiền. Từ tiền mua thức ăn trong sinh hoạt đến tiền chạy án (nếu có tiền). Tôi từng chứng kiến những tù nhân án xã hội đã bỏ tiền ra cho việc chạy án này như thế nào, những tù nhân đó, người viết xin phép giấu thông tin cá nhân cho họ, vì đa số họ hiện tại vẫn còn đang chấp hành án trong những trại giam.
Từ việc bỏ tiền ra trong giai đoạn điều tra cho an ninh điều tra và viện kiểm sát để cho bản cáo trạng được “nhẹ tội” bớt. Ví dụ, cáo trạng khởi tố với tội danh ở khoản 2 hoặc 3, sau khi thương lượng, đút tiền thì bản cáo trạng tội danh sẽ xuống khoản 1. (Đa số các điều luật hình sự thì mức độ từ nhẹ tới nặng tăng dần từ khoản 1 – 4, riêng tội giết người thì ngược lại).
Giai đoạn ra tòa cũng vậy, nếu có tiền, nghi can bỏ tiền ra chạy ở toà án thì mức án sẽ được giảm bớt vài năm, có khi cả 5, 10 năm so với mức dự định. Đa số nghi can chạy án thường nằm ở tội danh mua bán, tàng trữ ma túy hoặc án kinh tế. Hai nhóm này thông thường có tiền hơn những nghi can phạm tội lẻ tẻ khác. Thường thì án ma túy và án kinh tế, mức độ phạm tội nặng, mức án thường bị xử rất cao, nên hầu như họ phải bỏ tiền ra cho tất cả các khâu để có thể giảm bớt mức án, có khi từ tử hình giảm xuống chung thân, và từ chung thân giảm xuống án số, để họ có thể được tiếp tục giảm án sau này khi đi chấp hành án. Việc chạy án kiểu vậy mỗi nghi can thường tốn hàng tỷ cho đến hàng trăm triệu tiền việt, tùy theo mức độ nặng nhẹ. Lại nói, những nghi can thuộc nhóm tội danh này, thường sẽ bị tịch thu hết tài sản nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản đó không có liên quan đến tội danh.
Đó là giai đoạn đã xử án xong, trong giai đoạn này tù nhân vẫn ở trại tạm giam. Bắt đầu giai đoạn chuẩn bị chuyển đi trại giam chấp hành án, thì lại có việc “chạy trường”, đây là từ ngữ mà tù nhân sử dụng cho việc bỏ tiền ra mua một trại giam mà họ sẽ đến đó để thi hành án. Thường họ mua vậy để được chuyển đến trại giam gần nhà hoặc không quá xa gia đình để gia đình thuận tiện việc đi thăm nuôi. Việc “mua trường” này tốn khoảng vài chục triệu (nếu tù nhân đang thi hành án tại một trại giam mà muốn chuyển đi trại giam khác, chi phí mua tốn kém hơn rất nhiều, mất khoảng trăm triệu).
Sau khi “mua trường”, thì lại bỏ tiền ra mua việc làm trong trại giam. Tù nhân có tiền, mua việc thì sẽ nhận được việc lao động nhẹ nhàng hơn là tù nhân bị phân công tự nhiên. Như làm việc ở bếp ăn, căn tin, dán giấy vàng mã, làm giỏ,… nói chung là những việc làm trong nhà mát, còn việc nặng hơn là làm ở ngoài đồng, cạo mủ cao su, dán cá, đạp hạt điều,…công việc ở mỗi trại giam có khác nhau đôi chút tùy trại giam ở địa phương nào, có công việc đặc thù như thế nào.
Rồi trong công việc, vì tù nhân bị khoán sản phẩm rất cao so với sức làm bình thường của một người nên đa phần ít ai có thể làm đủ số lượng trại giam quy định. Khi không đủ số lượng thì tù nhân sẽ bị phạt trực sinh, phạt làm những việc bưng bê nặng hơn, và làm không đủ số lượng sẽ bị ảnh hưởng xếp loại trong hồ sơ xét giảm án, vì vậy họ lại phải bỏ tiền ra mỗi tháng để thuê tù nhân khác làm thay họ, hoặc đưa thẳng cho quản giáo để “bù” vào sản phẩm họ bị thiếu.
Rồi người nhà khi đi thăm nuôi thì lại phải bỏ phong bì cho quản giáo để cho tù nhân sống trong tù được thoải mái hơn. Đồ ăn thăm nuôi tù, tù nhân cũng “tự nguyện” chia sớt cho quản giáo những thức ăn ngon nhất một phần. Quản giáo trong tù được tù nhân chăm lo tận răng, từ việc nấu ăn các buổi trong ngày, chăm trà, cà phê, dọn dẹp phòng ở cho cán bộ, giặt giũ, ủi đồ… cho đến gội đầu, mát xa…Tất nhiên, đó là những việc xảy ra đối với tù nhân án hình sự xã hội, chứ tù nhân chính trị thì không dính tới. Chúng tôi chỉ quan sát và làm nhân chứng.
Những tù nhân “đại gia” thì có thể mua “nhà lô” trong tù để ở riêng, nói là nhà nhưng mỗi lô giống như căn phòng trọ vậy, họ có thể mua đồ sinh hoạt cá nhân để sử dụng, người viết nghe nói là ban ngày họ ở trong khu đó nhưng tối thì cũng phải về phòng giam ngủ chung với tù nhân bình thường trong phòng giam chung, không biết phải vậy không, việc này thì thật sự người viết không nắm rõ. Nhưng biết được việc mua “nhà lô” cho suốt thời gian ở tù như vậy thì tốn vài trăm triệu.
Rồi tất tần tật mọi việc lớn nhỏ trong tù đều phải bỏ tiền, từ việc mua thức ăn với giá gấp đôi gấp ba ở ngoài thị trường (thức ăn trong tù thì chó cũng chê, người không thể ăn) cho đến việc mua thời gian để gặp người nhà được nhiều lần, nhiều thời gian hơn, mua thời gian được “hạnh phúc” bên vợ (chồng), cho đến việc gọi điện thoại về nhà mỗi tháng, cắt tóc… đều phải bỏ tiền túi. Sản phẩm tù nhân làm ra mỗi ngày không được trả lương, chính xác là mỗi tháng được vài chục nghìn đồng theo cách tính của họ, khi tù nhân làm vượt năng suất quy định, mà như người viết nói ở trên, làm đủ sản lượng còn không nổi thì có mấy người có thể làm vượt năng suất.
Trên đây là tóm lược quy trình “tốn tiền” của tù nhân (án hình sự xã hội) trong hệ thống nhà tù ở Việt Nam hiện tại. Vậy nên, mỗi khi nhìn thấy những xe tù chở tù nhân đến trại giam, chúng tôi lại kháo nhau, có “hàng” mới. Bởi vì, với hệ thống nhà tù như vậy, tù nhân không khác gì món hàng hoặc khách hàng (dạng tù nhân đại gia) để nhà tù kiếm tiền, kiếm tiền trực tiếp và gián tiếp thông qua sức lao động. Với quy trình như vậy, tù nhân nghèo nàn thì sống khổ sở trong tù, phải làm thuê cho tù nhân giàu có để kiếm thức ăn, vật dụng, hoặc trông chờ vào sự chia sẻ của những tù nhân có tấm lòng bao bọc khác, tù nhân nghèo lại phải lao động công việc nặng nhọc vì không có tiền mua việc nhẹ hơn. Còn tù nhân có tiền hơn, thì với quy trình như vậy, sau chừng chục năm ở tù cũng “tán gia bại sản”. Chỉ có tù nhân dạng đại gia thì may ra “sống sót” sau khi thụ án vì vẫn còn thủ thân tài sản cho bản thân để mà vẫy vùng.
Thái Dương
25/7/2023