Putin muốn Ukraine quay trở lại Liên bang Xô viết

1
76

Putin Wants Ukraine Back in the U.S.S.R.

Cù Tuấn

– Cù Tuấn dịch từ Wall Street Journal

Tóm tắt: Liên Xô đã tập hợp lại các nước thuộc Đế quốc Nga trên cơ sở ý thức hệ. Ông Putin đang tìm cách lặp lại kỳ tích đó.

Một trăm năm trước, vào ngày 30 tháng 12 năm 1922, đại diện của “nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Ukraine” đã khởi xướng một thỏa thuận chính thức với Nga và các nước cộng hòa Belarus và Transcaucasia để thành lập một quốc gia mới, Liên Xô.

Thỏa thuận này là rất khó hiểu vì Lênin đã nói đi nói lại rằng mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là sự hợp nhất của tất cả các quốc gia, và khẩu hiệu của ông là: “Giai cấp vô sản không bị giới hạn quốc gia” [và hãy liên hiệp lại!]. Nhưng thỏa thuận thành lập một quốc gia mới, tự xác định là một liên minh của các nước cộng hòa quốc gia độc lập, mỗi nước có quyền chính thức ly khai, là một động thái chiến thuật của Lênin nhằm ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Liên minh này đã tồn tại trong 69 năm. Nhưng nó không thể tồn tại mãi mãi, bởi vì nó dựa trên sự dối trá.

Người phát ngôn của Nga ngày nay nhấn mạnh rằng Ukraine là một “quốc gia nhân tạo”. Tuy nhiên, quốc gia nhân tạo duy nhất chính là Liên Xô, quốc gia mà đã phục hồi Đế quốc Nga trên nền tảng chung là chủ nghĩa xã hội. Người Nga, Gruzia, Ukraine, Yakuts và Uzbek là công dân của một quốc gia, nhưng điều duy nhất họ chia sẻ là thực tế sai lầm của hệ tư tưởng cộng sản. Khi hệ tư tưởng này sụp đổ vào năm 1991, kết quả là sự xuất hiện của 15 quốc gia cũ đã từng tồn tại trong lịch sử, trong đó có Nga và Ukraine.

Những người Xô viết định nghĩa đấu tranh giai cấp là động lực của lịch sử, và văn hóa dân tộc phụ thuộc vào hệ tư tưởng. Mỗi nước Cộng hòa Xô viết có chính phủ và quốc hội riêng, nhưng trách nhiệm duy nhất của họ là thực hiện các sắc lệnh của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Matxcơva. Chế độ này đề cao ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, nhưng mọi thứ được in ấn hoặc được biểu diễn đều phải coi lịch sử của mỗi quốc gia là một cuộc đấu tranh đi lên, mà đỉnh điểm là trở thành một phần của Liên Xô.

Vào những năm 1920, những người cộng sản cần các cán bộ người Ukraina để củng cố vị thế của họ ở Ukraina, nơi từng diễn ra các cuộc nổi dậy của nông dân vào năm 1919. Việc dạy tiếng Ukraina, các tờ báo tiếng Ukraina và các bài giảng cho các thợ mỏ ở Ukraina đều được khuyến khích và phát triển.

Tuy nhiên, không có gì có thể bảo vệ Ukraine khỏi đợt khủng bố trên toàn Liên Xô nói chung và đạt đến đỉnh điểm với việc tạo ra nhà tù Gulag, xóa bỏ giai cấp kulak – phú nông (tiêu diệt những người nông dân cần cù nhất) và nạn đói năm 1932-33. Nạn đói đã xảy ra khi chính phủ Liên Xô tịch thu ngũ cốc để cung cấp cho các thành phố và dùng để xuất khẩu, giam cầm nông dân trong làng của họ và khiến hàng triệu người chết vì đói. Ukraine, vựa lúa mì nông nghiệp của cả Liên Xô và là trung tâm kháng chiến tiềm năng của quốc gia, đã bị thiệt hại nặng nề. Trong số bảy triệu nạn nhân của nạn đói, hơn một nửa là người Ukraine.

https://www.wsj.com/video/series/wonder-land-henninger/wsj-opinion-will-us-turn-its-back-on-putin-cold-war-in-ukraine/EA264804-D64D-4A44-A204-31F6D29E7A04

Trong hơn 50 năm, chính phủ cấm đề cập đến nạn đói này, nhưng với Mikhail Gorbachev nắm quyền lãnh đạo vào năm 1985 và chính sách glasnost, điều mà lâu nay người ta xì xào bàn tán bắt đầu được thảo luận cởi mở. Các buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói được tổ chức tại các ngôi làng ở Ukraine, và Rukh, phong trào độc lập dân tộc của Ukraine, đã sử dụng ký ức về nạn đói để tập hợp sự ủng hộ cho một quốc gia Ukraine độc lập.

Vào ngày 1 tháng 12 năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, 90% cử tri Ukraina đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Ở tỉnh Donetsk có nhiều người dân Nga, gần 77% người dân ủng hộ độc lập. Ở Krưm vốn thân Nga, số phiếu ủng hộ độc lập là 54%. Một tuần sau, Boris Yeltsin, Leonid Kravchuk và Stanislav Shushkevich—lần lượt là các nhà lãnh đạo của Nga, Ukraine và Belarus—gặp nhau tại một nhà nghỉ ở Rừng Belovezh của Belarus và ký một tuyên bố xác nhận rằng Liên Xô không còn tồn tại. Gorbachev đã từ chức vào ngày 25 tháng 12 và thượng viện của Quốc hội Liên Xô, Xô viết Tối cao, đã phê chuẩn việc giải thể Liên Xô vào ngày hôm sau.

Sự ra đời của một Ukraine độc lập đã hiện thực hóa khát vọng dân tộc của quốc gia này, vốn bị cản trở sau cuộc cách mạng Bolshevik. Nhưng sẽ không có hòa bình cho Ukraine, bởi vì những thiệt hại về tinh thần do chế độ Xô viết gây ra vẫn còn tồn tại ngay cả sau khi Liên Xô đã sụp đổ. Điều đó đặc biệt đúng ở Nga, nơi các tài sản quốc gia rơi vào tay của những tài phiệt, bọn xã hội đen và cựu quan chức cộng sản, và các nhà lãnh đạo đã sử dụng chiến tranh để tập hợp dân chúng xung quanh một chế độ tham nhũng.

Theo một quan chức cấp cao, chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, năm 1994-1996, đã xảy ra vì Tổng thống Yeltsin cần “một cuộc chiến ngắn và có thắng lợi” để tăng tỷ lệ ủng hộ ông. Chiến tranh Chechnya lần thứ hai bắt đầu sau vụ đánh bom các tòa nhà chung cư của Nga vào năm 1999, cướp đi sinh mạng của khoảng 300 người. Theo tất cả các bằng chứng, các vụ đánh bom được Cơ quan An ninh Liên bang Nga, hay FSB, thực hiện. Chúng được sử dụng để biện minh cho một cuộc xâm lược mới vào Chechnya, khiến Vladimir Putin có thể trở thành Tổng thống.

Vào năm 2014, việc chiếm đóng Krưm và xâm chiếm miền đông Ukraine đã làm người Nga không để ý đến ý nghĩa thực sự của cuộc nổi dậy dân chủ Maidan ở Kiev. Sau khi sáp nhập Krưm, tỷ lệ tín nhiệm của ông Putin đạt mức cao là 82% và nước Nga tràn ngập sự hưng phấn với chủ nghĩa sô vanh. Cuộc tấn công hiện tại vào Ukraine xuất phát từ nhận thức về sự yếu kém của Mỹ sau khi rút quân khỏi Afghanistan và mong muốn của ông Putin khôi phục “hiệu ứng Krưm” đã nuôi sống chế độ của ông trong 5 năm trước khi ảnh hưởng này bắt đầu suy yếu dần.

Một số “người theo chủ nghĩa hiện thực” về chính sách đối ngoại ở Mỹ đổ lỗi cho cuộc chiến hiện tại là do sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng mong muốn thống trị Ukraine của Nga không phải là điều mới mẻ. Vào ngày 27 tháng 8 năm 1991, khi Liên Xô vẫn còn tồn tại, Pavel Voshchanov, thư ký báo chí của Yeltsin, đã cảnh báo rằng Nga sẽ xem xét lại biên giới của mình với bất kỳ nước cộng hòa nào không muốn trở thành một phần của liên minh mới. Báo chí Matxcơva đưa tin dựa trên thông tin rò rỉ rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, giới lãnh đạo Nga sẽ xem xét các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật chống lại Ukraine. Năm 1993, ngay trước khi NATO mở rộng lần đầu tiên vào Khối Đông Âu cũ vào năm 1997, Nga đã đặt nền móng cho sự xâm lược trong tương lai khi xác định “các hành động chống lại người dân Nga” ở bất kỳ quốc gia láng giềng nào cũng là mối đe dọa đối với Nga.

Khi thế giới tưởng tượng của hệ tư tưởng Xô viết sụp đổ, tất cả những gì còn lại ở Nga là sự thống trị của một tập đoàn tội phạm và nỗ lực lan tỏa ảnh hưởng sang các nước láng giềng của Nga để đảm bảo quyền lực của họ. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần nỗ lực ủng hộ cho Ukraine.

Việc Nga không có khả năng vượt qua được cái bóng di sản của Liên Xô là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến hiện nay. Nếu Ukraine đồng ý nhượng lại lãnh thổ cho Nga, tâm lý đế quốc thời Liên Xô sẽ tiếp tục được củng cố. Thất bại của Nga trong Chiến tranh Krưm (1853-56) đã dẫn đến việc giải phóng giai cấp nông nô, và thất bại của Nga trong chiến tranh Nga-Nhật (1904-05) đã dẫn đến việc tạo ra hiến pháp đầu tiên của nước Nga. Chúng ta cần ủng hộ một chiến thắng quyết định của Ukraine trong cuộc chiến hiện tại, nhằm trừng phạt hành vi gây hấn của Nga—và giải phóng nước này khỏi những bóng ma của quá khứ.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here