07/03/2022 – 17:22
Các chiến binh của Lực lượng phòng vệ lãnh thổ cầm hoa trong lễ cưới của hai đồng đội tại một chốt gác ở Kiev, ngày 06/03/2022. AP – Efrem Lukatsky
Mối đe dọa nguyên tử
Le Monde quan tâm đến « Mối đe dọa nguyên tử đè nặng lên cuộc chiến », và « Sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân Ukraina trước thử thách xung đột ».
Ông Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược cho rằng « Nga dùng nguyên tử để gây ấn tượng, tạo sợ hãi, làm chia rẽ chúng ta ». Theo ông, nguy cơ Matxcơva dùng đến vũ khí nguyên tử còn thấp hơn so với cách đây 20 năm, vì quân đội Nga đã được kiện toàn. Hơn nữa, lần cuối cùng cuộc tập trận Zapad (bốn năm một lần) có sự góp mặt của vũ khí nguyên tử là hồi năm 1999. Mối quan ngại tập trung vào loại vũ khí chiến thuật ít mãnh liệt hơn : Nga có 1.900 đầu đạn lưỡng dụng loại Iskander hay Kalibr được bố trí quanh Hắc Hải.
Về các nhà máy điện nguyên tử Ukraina, ông Petro Kotin, giám đốc công ty khai thác nhà máy Zaporijia lớn nhất châu Âu khẳng định Nga oanh tạc tất cả các khu vực, tố cáo « khủng bố nguyên tử ». Đại sứ Mỹ trong cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh cuộc tấn công vào Ukraina là « mối đe dọa khủng khiếp cho toàn châu Âu và thế giới ». Người dân Ukraina vội vã tìm mua những viên i-ốt có công dụng hạn chế tác động của việc nhiễm phóng xạ, họ vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm kinh hoàng về thảm họa Tchernobyl.
Ukraina thắng lớn trong cuộc chiến truyền thông
La Croix nhận định « Ukraina thống trị cuộc chiến truyền thông », còn Le Figaro mô tả « Nga đã thua trong cuộc chiến thông tin như thế nào ». Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thành công trong việc kể lại câu chuyện một dân tộc đoàn kết chống quân xâm lược Nga, rất quan trọng đối với Kiev trong một cuộc chiến có thể kéo dài.
Nhật báo Công giáo nói về khoảnh khắc ông Zelensky, diễn viên hài trở thành tổng tư lệnh đối mặt với một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới, đã làm nên huyền thoại. Trong lúc Ukraina vẫn còn bàng hoàng trước sự kiện Nga tấn công vào tất cả các thành phố lớn của đất nước và tin đồn chính phủ đã chạy trốn, tổng thống Volodymyr Zelensky xuất hiện, bình thản và cương quyết, trong một video quay tại tòa nhà đối diện Phủ tổng thống, khẳng định « Chúng ta sẽ không quy hàng, sẽ bảo vệ tổ quốc ». Sự hiện diện này có tác động rất lớn, uy tín ông tăng cao đến nỗi những người thường chỉ trích cũng đổi ý.
Sau mười ngày chiến đấu, việc sử dụng mạng xã hội đã giúp giữ vững tinh thần người dân, giành được sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Những video thường xuyên được đăng tải cho thấy các thiết bị quân sự Nga bị tiêu hủy, tù binh Nga thổ lộ đã mất tinh thần, thường dân Ukraina tại những vùng đã bị chiếm đóng dám đương đầu với lính Nga, củng cố niềm tin về cả một dân tộc đứng dậy chống xâm lăng.
Trên những pa-nô ở thủ đô là hàng chữ « Lính Nga, các bạn chờ đợi được tặng hoa, nhưng bạn chỉ nhận được những viên đạn ». « Lính Nga, hãy nghĩ đến gia đình bạn ». « Lính Nga, hãy ra khỏi đây, đừng trở thành kẻ sát nhân… ». Một đường dây nóng được thiết lập để giúp thân nhân ở Nga biết được số phận người con bị gởi ra mặt trận. Thiệt hại phía Ukraina ít được đưa hơn, để chuẩn bị tâm lý cho những trận đánh trong thành thị mà cư dân sẽ ở tuyến đầu. Hôm 02/03, 88 % dân Ukraina khẳng định đất nước mình sẽ chiến thắng.
Internet làm thay đổi cuộc chiến ở Ukraina
Trước đây trong chiến tranh cần phải vô hiệu hóa truyền hình, truyền thanh và các trung tâm viễn thông để giành thắng lợi về thông tin, nhưng tính chất phi tập trung của internet và sự hiện diện của các vệ tinh đã thay đổi tất cả. Bên cạnh đó, các ứng dụng mã hóa như Telegram hay Signal rất khó ngăn chận, chưa kể đến vệ tinh Starlink của tỉ phú Elon Musk cung cấp dịch vụ băng thông rộng cho Ukraina, theo lời kêu gọi của tổng thống Zelensky.
Trong cái rủi có cái may : sau khi bị tin tặc tấn công dữ dội vào các cơ sở hạ tầng năm 2017, Ukraina đã tăng cường an ninh mạng, và giờ đây khả năng chống cự của Kiev gây bất ngờ cho các chuyên gia.
Thủ đô Kiev, thành phố của những chốt gác
Trước họa xâm lăng, người dân Ukraina huy động tổng lực để đối phó. Đặc phái viên La Croix tại Kiev mô tả thủ đô Ukraina đã biến thành một thành phố của các chốt gác.
Những trạm canh nở rộ tại khắp các ngã tư, bên cạnh những cơ sở quan trọng, chận ngang tất cả các đường phố lớn, với hình thức đa dạng, từ những chậu hoa lớn cho đến những khối bê-tông, bao cát, kẽm gai, vỏ xe, rào sắt…Những người giữ chốt cũng đa dạng không kém : quân nhân, cảnh sát trong trang phục chiến đấu cho đến những ông già mặc đồ bảo hộ lao động trang bị súng săn.
« Lực lượng phòng vệ lãnh thổ » bị quá tải trước lượng người tình nguyện. Một nghệ sĩ nổi tiếng cho biết : « Quân đội chuyên nghiệp là nắm đấm của chúng tôi, còn lực lượng này giúp quân đội không bị xao lãng bởi những nhiệm vụ khác ». Marina Mahdenko, một cô gái 23 tuổi đã đi đăng ký hai lần nhưng chưa được nhận, đang cặm cụi đào giao thông hào bên cạnh một chốt gác phía bắc Kiev, do Oleg, 50 tuổi, vốn là giáo viên chịu trách nhiệm. Trong trường hợp xe tăng Nga tiến vào, họ sẽ phóng hỏa chốt gác để chận, một căn hộ gần đó có chứa sẵn bom xăng.
Quân Nga sa lầy ở nhiều nơi
Trên chiến trường, Matxcơva liên tiếp nhận những cái tát. Tuy quân Nga bao vây cảng chiến lược Marioupol và tiến về phía nam xung quanh thành phố Kherson vừa chiếm được, đe dọa oanh kích cảng Odessa và tiến dần đến Kharkov, nhưng dậm chân tại chỗ ở các hướng khác. Cụ thể là đoàn công-voa dài đến 60 kilomet bất động từ sáu ngày qua.
Quân đội Ukraina với những hỏa tiễn Stinger do Đức, Hà Lan, Phần Lan cung cấp, cộng với viện trợ quân sự của Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, đã bắn hạ 9 máy bay Nga chỉ trong ngày thứ Bảy 05/03. Thế nên từ ba ngày qua hoạt động không quân Nga đã giảm bớt. Các hỏa tiễn Javelin do Mỹ sản xuất mỗi ngày tiêu diệt khoảng hai chục xe tăng, chưa kể những chiếc do lính Nga bỏ lại. Theo một nguồn tin cao cấp châu Âu, từ 5 đến 6.000 lính Nga đã tử thương, và không quân Ukraina vẫn kiểm soát một phần ba không phận.
Với tốc độ này, trừ phi thay đổi lớn về chiến thuật như không kích ồ ạt hay huy động số lớn xe tăng, quân đội Nga có thể bị mất 1/3 vũ khí hạng nặng trong ba tuần tới. Về hậu cần, nhiều đơn vị Nga không còn được tiếp tế nhiên liệu và lương thực. Phía Matxcơva nói rằng đã phá hủy khoảng 100 phi cơ, nghĩa là hầu như toàn bộ không quân Ukraina, và 778 xe bọc thép.
Bức màn sắt thông tin tại Nga
Trong bài xã luận « Bức màn sắt », La Croix nhận định đến ngày thứ tám của cuộc xâm lăng, khi hy vọng một kết thúc chóng vánh đã lùi xa, Matxcơva bèn áp đặt sự im lặng để bóp chết từ trứng nước mọi phản kháng trong nội bộ.
Hôm thứ Sáu 04/03, một bức màn sắt thông tin đã ập xuống nước Nga. Theo một luật mới được áp dụng không chỉ cho công dân Nga mà toàn bộ thông tín viên ngoại quốc, nếu đưa tin về một cuộc chiến tranh – mà thậm chí không có quyền gọi đó là chiến tranh – có nguy cơ lãnh 15 năm tù giam.
Đành rằng trong xung đột, tất cả các bên đều vận dụng tuyên truyền. Nhưng trong cuộc chiến Ukraina, có một nhà lãnh đạo đã chọn lựa dối trá trắng trợn và vũ lực, có một chế độ từ nhiều năm qua đã bịt miệng báo chí. Vladimir Putin giờ đây buộc phải che giấu cuộc chiến với dân Nga, nhưng kiểu giấu diếm này khó thể tránh được phán xét của lịch sử.
Xâm lăng Ukraina : Putin bị điên hay tại NATO ?
Nhà sử học Jacques Julliard lưu ý ít ai biết đến từ Holodomor chỉ sự diệt chủng bằng nạn đói, mà dân tộc Ukraina đã phải chịu đựng, cũng giống như Shoah – diệt chủng đối với dân tộc Do Thái. Khoảng bốn triệu người Ukraina đã chết đói từ 1932-1933 do Stalin buộc tập thể hóa nông nghiệp để trừng phạt họ vì nhiều lần dám nổi dậy chống toàn trị bôn-sê-vích.
Từ 24/02, ngày mà Nga bắt đầu xâm lăng một quốc gia có chủ quyền, những người bênh vực Putin, hay đúng hơn là những kẻ biện minh cho ông ta vì hầu như không có ai ở phương Tây thực sự bênh vực nổi, đưa ra hai lý do. Thứ nhất, Putin đã hầu như trở nên điên cuồng, và thứ hai, do phương Tây đã đẩy nước Nga hậu cộng sản về phía Trung Quốc, trong khi NATO không ngừng mở rộng về phương đông khiến Matxcơva lo ngại cho an ninh.
Putin bị điên ư ? Tác giả dẫn lại nhận xét của nhà nhân chủng học Wiktor Stoczkowski, nếu chính sách của Putin là do điên khùng, thì tất cả các nhà lãnh đạo Nga từ một thế kỷ qua đều điên cả. Lịch sử Liên Xô từ Lênin, Stalin cho đến Putin, trừ những năm tháng Gorbatchev (1985-1991) là một loạt những cuộc tấn công bên ngoài – Budapest năm 1956, Praha năm 1968 – và đàn áp bên trong. Riêng Putin đã đè bẹp Tchetchenya, tấn công Gruzia, chiếm Crimée và nay thì muốn chiếm toàn bộ Ukraina.
Lỗi ở NATO chăng ? Thật khó tưởng tượng ra cựu sĩ quan cao cấp KGB run rẩy trong một góc điện Kremlin trước mối đe dọa tăng cường lực lượng NATO dọc theo biên giới: 5.000 quân ! Hơn nữa năng lực vũ khí hạt nhân của Nga đứng đầu thế giới về số lượng, và khác với các cường quốc nguyên tử khác, Matxcơva không ngần ngại dùng làm công cụ đe dọa. Lý do sợ bị bao vây là một cái cớ tuyệt vời cho việc tấn công, mà Hitler đã từng sử dụng. Trung lập hóa Ukraina ? Đã được dự kiến trong thỏa thuận Minsk nhưng Putin không hề muốn áp dụng.
Nga ra tay vì Mỹ không can thiệp, nhưng châu Âu vừa tỉnh thức
Nếu mục tiêu của nước Nga thời Putin đơn thuần kinh tế, phương Tây sẵn sàng mở rộng vòng tay. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy, Putin chỉ muốn tái lập Liên Xô thời Stalin hay Đại Nga thời Pierre Đại đế. Khi ông ta can thiệp vào Tchetchenya hay Kazakhstan, chẳng phải là để đáp trả NATO ! Có nên coi khát vọng tự do của những dân tộc bị trị là mối đe dọa ? Nhìn chung, sự kiện chính là Hoa Kỳ không còn muốn làm hiến binh quốc tế.
Làm thế nào Vladimir Putin, người đứng đầu một nền kinh tế đang đi xuống, dân số giảm, uy tín sụp đổ lại có thể tấn công quy mô vào một quốc gia 40 triệu dân như Ukraina ? Vào thời huy hoàng của Mỹ, Putin không hề dám. Nhưng ba đời tổng thống Mỹ, bắt đầu từ Obama rồi đến Trump và Biden, đều phát tín hiệu rút lui. Hậu quả nhanh chóng trông thấy ở Afghanistan, Trung Đông, Biển Đông ; các chế độ từ dân chủ phi tự do, độc tài đến toàn trị ở khắp nơi ngóc đầu dậy.
Nhưng may thay, châu Âu đã tỉnh thức. Người khổng lồ kinh tế nhưng là chú lùn chính trị đang đối mặt với lịch sử. Trong nhiều năm dài, nước Đức của Angela Merkel luôn là lực cản, nhưng bỗng chốc thủ tướng Olaf Scholz mà ông Trump gọi là « Olaf ngủ gục » lại thức giấc, phá vỡ mọi cấm kỵ, tái vũ trang quy mô. Thế giới đang thay đổi và châu Âu cũng vậy, vừa nhất trí nói không với sự suy tàn được dự báo. Câu chuyện còn phải viết tiếp, và trong khi chờ đợi, « Ukraina tự do muôn năm! » – tác giả hô to như tựa đề bài viết.
Ukraina, tuyến đầu bảo vệ thế giới văn minh
Đối với nhà chính trị học Dominique Moisi trên Les Echos, « Tất cả chúng ta đều là người Ukraina ». Trong khi cuộc chiến bước vào tuần lễ thứ hai, châu Âu và các nước dân chủ nói chung càng nhận rõ, Ukraina là tuyến đầu bảo vệ cho thế giới văn minh chống lại bạo tàn.
Sau vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín, nêu ra điều 5 hiệp ước NATO, châu Âu tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ ông anh Mỹ là nạn nhân của cuộc tấn công đẫm máu đầy kịch tính. Năm 2022, cảm giác dễ tổn thương càng lớn hơn, sự kinh ngạc ban đầu nhường chỗ cho nỗi lo thảm họa. Những hình ảnh từ Ukraina chừng như trong một cuốn phim thời Đệ nhị Thế chiến, liệu có thể là khởi đầu cho cuộc đại chiến thế giới lần thứ ba ?
Khi không hề ngần ngại tấn công vào một nhà máy điện nguyên tử, tổng thống Nga muốn chứng tỏ quyết tâm tuyệt đối : « Thay vì giúp đỡ Ukraina, nên thuyết phục họ đầu hàng trước khi quá muộn ». Tổng thống Ukraina thì kêu gọi « Cần chận đứng Putin trước khi quá trễ tràng – muộn cho Ukraina, cho châu Âu và cho thế giới – vì không thể để một kẻ chuyên quyền tự tiện đe dọa sử dụng đến vũ khí nguyên tử ».
Putin có thể thắng trong chiến tranh, nhưng thất bại trước hòa bình
Sự dũng cảm của người Ukraina đã chinh phục phương Tây. Còn người Nga có sẵn sàng chết cho Kiev hay giết những người Ukraina mà tuyên truyền của Nga từ nhiều năm qua vẫn coi là anh em một nhà ? Putin sẽ đi đến cùng, và châu Âu cũng sẽ phải quyết đấu. Putin leo thang quân sự, châu Âu phải tăng cường trừng phạt kinh tế, tài chánh, không chỉ nhắm vào các tài phiệt thân cận nhất với Putin, và cả vào kỹ nghệ dầu khí Nga.
Cuộc chiến còn kéo dài, cần chứng tỏ quyết tâm ngang tầm với lòng can đảm của Ukraina. Và Vladimir Putin sẽ ngày càng bị cô lập. Bắc Kinh không thể cứu Matxcơva về kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc với Nga chỉ chiếm 10% so với Hoa Kỳ và châu Âu. Dù cũng căm ghét mô hình dân chủ, nhưng Trung Quốc không thể làm ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Nga có thể kiểm soát được miền nam Ukraina trong những ngày tới thậm chí trong những giờ tới, cắt đứt lối ra biển, và chẳng biết Kiev còn chống chọi được đến bao giờ. Nhưng bên cạnh sức mạnh quân sự còn phải tính đến ý chí chiến đấu. Nhiều người Ukraina đang quay về nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ tổ quốc. Ngược lại, thanh niên Nga có học lo sợ Matxcơva ra lệnh thiết quân luật, đóng cửa biên giới. Họ rời khỏi một đất nước không còn có thể nhận ra, chạy trốn một cuộc chiến không phải của mình. Tại Matxcơva, giá vé máy bay và xe lửa tăng vọt.
Putin có thể thắng một cuộc chiến tranh, nhưng ông ta không giành được hòa bình.