Ngày 30/10, blogger Việt Nam Đường Văn Thái đã bị kết án 12 năm tù theo Điều 117 Bộ luật Hình sự với cáo buộc « làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin chống Nhà nước ». Vụ án gây sự chú ý của quốc tế vì ông Thái bị nghi là đã bị bắt cóc tại Bangkok vào 13/4/2023 và cưỡng bức đưa về Việt Nam để xét xử. Sau 11 tháng biệt giam, ông đã bị xử kín, trong khi các thông tin về vụ án bị hạn chế.
Theo hồ sơ về vụ xử kín mà Project 88 tiếp cận được gần đây, ngoài ông Thái, Việt Nam còn đã kết án 7 « đồng phạm » khác. Trong số đó, năm người là các « quan chức nhà nước đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu, những người bất mãn chế độ và biết rõ về tình trạng tham nhũng » (Nguyễn Văn Văn, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Nguyễn,Trương Công Đại, cựu Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, Vũ Tuấn Anh là cựu Trưởng Ban Tổ chức- Kiểm tra, Tỉnh đoàn Bắc Giang, hay ông Trần Quốc Khánh là cựu Tổng giám đốc công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế G7).
Những người này bị kết án từ 30 tháng đến 5 năm rưỡi tù giam, vì đã liên lạc, cung cấp thông tin, thậm chí hỗ trợ tài chính cho Đường Văn Thái, để blogger này thực hiện các video và đăng tải trên kênh Youtube của mình.
Phiên xử đã nêu ra tổng cộng 35 video và 2 bài viết, thu hút hàng triệu lượt xem, chỉ trích tình trạng tham nhũng và hối lội của các quan chức cấp cao Việt Nam, cáo buộc các quan chức chính phủ tham gia vào các đại án tham nhũng, các đường dây rửa tiền…, những nội dung bị chính quyền xem là có mục đích « chống phá » Nhà nước.
Ngoài ra, theo Project 88, ít nhất 60 người khác cũng đã bị cơ quan an ninh điều tra triệu tập, vì có liên quan đến Đường Văn Thái và các đồng phạm, nhưng không bị buộc tội.
Tổ chức Project 88 cũng lên án Hà Nội sử dụng điều 117 để đàn áp tiếng nói đối lập cũng như không công khai kết luận điều tra hay cáo trạng về bản án, « do liên quan đến nhiều quan chức Nhà nước ».