PHƯỚC BÁU Ở ĐÂU?

0
60
Ajahn Chah

Thái Hạo

Thiền sư Ajahn Chah

[“Nếu tâm đã thiện khéo và đức hạnh thì quý vị đâu cần phải ngồi trên xe khách đi khắp đất nước này để tìm kiếm công đức. Ngồi ở nhà cũng có được công đức vậy. Nhưng ai cũng rủ nhau đi tìm kiếm hay tích tạo công đức mà không mấy ai chịu từ bỏ những điều xấu ác”.

Tôi đăng bài này cho những ai còn hiểu lầm (và bị lừa). Nếu bạn chưa biết Thiền sư Ajahn Chah thì có thể search gg. Với tôi, ông là một vị thầy lớn nhất thời hiện đại, người mà tôi đã nghe và đọc nhiều nhất, cũng như chịu ảnh hưởng nhiều nhất về tư tưởng Phật học và đường lối thực tập]

***

Thời nay nhiều người kéo nhau đi khắp nơi để tìm kiếm công đức. Và dường như ai cũng ghé đến chùa Wat Pah Pong này. Nếu họ không ghé trên đường đi thì họ cũng ghé trên đường về. Chùa Wat Pah Pong trở thành một điểm dừng chân.

Nhiều người ghé thăm vội vã và đi, thậm chí tôi chưa kịp nhìn thấy hay nói chuyện với họ. Hầu hết họ đều chỉ đi tìm kiếm công đức. (Họ nghĩ mình ghé thăm chùa là đã tạo công đức). Tôi không thấy có mấy ai đến chùa để học cách từ bỏ những điều xấu sai, bất thiện.

Họ cứ chúi mũi vào việc đi ‘tạo công đức’, nhưng họ chẳng biết họ đang tốn công sức vào việc gì. Điều đó giống như người đang cố nhuộm màu cho một tấm vải dơ bẩn, chưa giặt sạch. (Ý theo kinh ‘Ví Dụ Tấm Vải’).

Giống như ví dụ có một cái lỗ và có để một vật dưới đáy lỗ. Ai cũng thọc tay vào lỗnhưng không đụng đến vật đó. Hầu hết đều cho rằng cái lỗ quá sâu ( TA CÒN ÍT PHƯỚC BÁU), chứ không ai chịu hiểu do tay của họ ngắn quá (TÂM CÒN NHIỀU BẤT THIỆN). Một trăm hay một ngàn người thọc tay xuống đều nói lỗ quá sâu, không ai nói tay mình quá ngắn!

Một câu kệ trong kinh Pháp Cú của Phật có ghi: “TRÁNH LÀM TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU XẤU ÁC” (Sabba-pāpassa akaranam). Đó là lời dạy của các vị Phật. Đây là cốt lõi của đạo Phật. Nhưng mọi người cứ muốn nhảy qua, họ không muốn làm những điều này. Phòng trừ, tránh bỏ tất cả những điều xấu ác, từ điều nhỏ đến điều lớn, từ thân, miệng, ý… đây chính là điều các vị Phật dạy.

Hàng đoàn đoàn người chất đầy trên các xe khách kéo nhau đi tạo công đức. Nhưng trên xe họ vẫn còn cãi vã nhau, người vừa lòng, kẻ bực tức với nhau này nọ. Thậm chí có những nhóm đi tạo công đức hay đi lễ Phật nhưng vẫn uống bia rượu dọc đường, trên xe.

Nếu có ai hỏi họ đang đi đâu, họ đều nói là đang đi chùa, đang đi tạo phước, tạo đức. Họ chỉ muốn tạo công đức mà không muốn từ bỏ những tâm tính tham, sân, xấu nết, ích kỷ. Kiểu như vậy thì họ sẽ chẳng bao giờ tìm thấy công đức gì hết.

Khi ai nói thuận với ý ta, ta cười. Khi họ nói ngược với ý ta, ta bực. Làm sao bạn có thể khiến tất cả mọi người trên thế gian này luôn nói và làm theo ý của bạn được? Có thể bạn đang đi thả bộ và bất ngờ vấp phải một gốc cây. Úi cha đau quá! Là chuyện gì? Ai gây ra? Ai đá chân vào gốc cây? Ai đá ai? Biết chửi ai bây giờ, nhưng ta cũng bực tức, ngay cả đó là hoàn toàn là lỗi của mình.

Tâm của chúng ta cũng làm ta khó chịu, bất hạnh. Nếu suy xét về điều đó, bạn sẽ thấy đúng là vậy. Nhiều lúc chúng ta làm những điều mà mình cũng không thích. Tất cả chúng ta đều chửi thề (bằng nhiều chữ khác nhau) khi mà chúng ta không có ai để chửi, để chấp, để bắt lỗi, để trút sân giận về phía người đó.

Nếu tôi không nói về những điều này, có thể quý vị sẽ không bao giờ biết. Quý vị có tham và sân trong tâm, nhưng không hiểu biết về điều đó. Quý vị sẽ không bao giờ hiểu biết điều gì nếu quý vị luôn nhìn ra bên ngoài.

Đây là vấn đề, là sự khó khổ của những người chỉ luôn nhìn ra bên ngoài. Chỉ có nhìn vào trong thì mới thấy được điều thiện và bất thiện (bên trong tâm mình). Sau khi nhìn thấy điều thiện lành, chúng ta mang điều đó vào trong trái tim và thực hành tu dưỡng nó.

Từ bỏ (tránh bỏ, phòng ngừa) những điều xấu ác, tu tập (thực hành, tu dưỡng) những điều tốt thiện… đây chính là trái tim của đạo Phật. Sabba-pāpassa akaranam–[Kiêng cữ, không làm những hành động xấu ác, dù bằng thân, bằng lời nói, hay bằng ý nghĩ]. Đó là sự tu hành đúng đắn, đó là lời dạy của các vị Phật. Vậy thì ”tấm vải” của chúng ta mới được sạch sẽ.

Rồi tiếp theo chúng ta có Kusalassūpasampadā–[Làm cho tâm thiện khéo và đức hạnh]. Nếu tâm đã thiện khéo và đức hạnh thì quý vị đâu cần phải ngồi trên xe khách đi khắp đất nước này để tìm kiếm công đức. Ngồi ở nhà cũng có được công đức vậy. Nhưng ai cũng rủ nhau đi tìm kiếm hay tích tạo công đức mà không mấy ai chịu từ bỏ những điều xấu ác.

Họ quay về nhà với hai bàn tay trắng, với vẻ mặt chua chát (vì không biết mình có được phúc đức gì không sau một chuyến đi dài mệt mỏi như vậy. Ngay chỗ này không ai chịu nhìn vào, mà cứ lo đi tìm công đức ở những nơi xa xôi.

Sacittapariyodapanam: [(tạm dịch) Sau khi rửa sạch mọi ô nhiễm, tâm sẽ không còn phiền não bất an…], tâm sẽ được bình an, hiền lành và đức hạnh. Khi tâm tỏa sáng và đã trừ sạch mọi điều bất thiện thì mọi lúc mọi nơi ta đều được thư thả, dễ chịu. Một cái tâm tĩnh lặng và bình an là sự thể hiện đích thực của thành tựu nhân văn. (Tâm tĩnh lặng và bình an là mục tiêu của con đường tu tập theo đạo Phật. Chứ bạn nghĩ mục tiêu của đạo Phật là gì?).

Công đức, phúc đức hay phước trong đạo Phật chính là hành động từ bỏ những điều sai, xấu, ích kỷ. Khi chúng ta từ bỏ những điều sai, xấu, ích kỷ thì chúng ta không bất thiện, không sai, không xấu. Khi không còn sự căng thẳng, chấp nê này nọ thì sẽ có được sự bình lặng. Tâm bình lặng là một cái tâm trong sạch, nơi đó không còn chứa chấp những ý nghĩ sân si, nơi đó là trong sạch và sáng tỏ.

Làm cách nào để làm cho tâm được trong sạch và sáng tỏ? Chỉ bằng cách thấy biết nó.

Quý Phật tử cứ tổ chức những chuyến đi tìm kiếm hay tạo công đức như kiểu này thì chỉ giống như đang cố xây một ngôi nhà đẹp nhưng không chuẩn bị nền móng trước vậy. Chẳng bao lâu, ngôi nhà đó sẽ sập đổ ngay trên cái nền móng xấu đó. LÀM KIỂU ĐÓ THÌ KHÔNG ”ĂN” ĐƯỢC CÔNG ĐỨC NÀO ĐÂU.

Giờ quý Phật tử hãy bắt đầu làm lại, làm lại theo cách khác. Quý vị phải quay lại nhìn vào mình, nhìn vào những sai xấu trong từng hành động, lời nói và ý nghĩ của mình. Đâu còn chỗ nào đâu, ngoài ba nghiệp hành động, lời nói và ý nghĩ? Mọi người đều đang đi lạc.

Có người còn ước nếu có đi tu thì đến tu ở chùa Wat Pah Pong nổi tiếng. Ở chùa Wat Pah Pong có bình an không? Không, ở đây không thực sự bình an gì đâu. Sự bình an thực sự nằm ở trong ‘ngôi nhà TÂM’ của quý vị.

Nếu mình có sự hiểu biết, có trí tuệ thì đi đâu mình cũng vô sự, không bị bất an. Cả thế gian thì tuyệt đẹp như vậy, như nó là. Mọi cây cối trong rừng đều đẹp: có cây cao, cây thấp, cây mục, cây rỗng. Chúng tự nhiên là như vậy, như chúng là.

Chỉ vì không hiểu được lẽ tự nhiên nên chúng ta cứ luôn chấp nê này nọ, có ý này ý nọ về chúng. Nhìn chúng cứ nghĩ cây này cao quá, cây này thấp quá, cây này đẹp, cây này xấu…đủ thứ. Cây cối chỉ là cây cối, chúng có mặt và tồn tại theo đường lối tự nhiên của chúng, chúng đâu làm gì ta, chúng đâu lớn, nhỏ, cao, thấp, xấu đẹp gì gì đó vì ta đâu mà ta cứ chấp này chấp nọ.

Sau khi nghe giáo lý chỗ này, quý vị cũng nên ghi nhớ. Nhớ cái gì? THIỀN TẬP… Quý vị hiểu không? Nếu quý vị hiểu biết, Giáo Pháp sẽ thể hiện bên mình, tâm sẽ dừng lại (không còn động vọng, chấp nê, đối đãi liên tục). Nếu có tức giận trong tâm, chỉ biết nó ”Là vậy!”… và bấy nhiêu đó là đủ, tâm sẽ dừng lại ngay. Nếu bạn vẫn còn chưa hiểu rõ thì hãy nhìn sâu vào bên trong nó. Nếu có sự hiểu biết, khi giận khởi sinh trong tâm, bạn có thể tắt bặt nó ngay bằng ý niệm: ”Là vậy! Nó là vô thường!”.

(Việc đi chùa đi cúng dường để tạo công đức giống như những phần vỏ cây bên ngoài. Việc quay vào lại mình để tu sửa điều bất thiện ích kỷ và tu dưỡng điều thiện lành rộng lượng ở trong tâm mới là cốt lõi của đạo Phật. Đó mới là công đức thực sự.)

Giáo Pháp có mặt ở khắp nơi, bên trong mọi thứ trong tự nhiên. Quý Phật tử nên hiểu biết chỗ này. Đừng cứ chấp nê, dính chấp này nọ; đừng than cái lỗ quá sâu (TA CÒN ÍT PHƯỚC BÁU),…mà nên quay lại nhìn cánh tay mình để thấy tay mình ngắn (TÂM CÒN NHIỀU BẤT THIỆN)! Nếu quý vị thấy được điều đó quý vị sẽ hạnh phúc.

(Nguồn: Thư viện Hoa sen)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here