Ông Lê Đình Công, một trong sáu người có kháng án và trong hai người bị tuyên án tử hình trong vụ Đồng Tâm, vào ngày 8 tháng 3 tại tòa phúc thẩm ở Hà Nội thay đổi kháng cáo từ giảm nhẹ hình phạt sang kêu oan.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời của ông Lê Đình Công khi trả lời thẩm vấn của Hội Đồng Xét Xử liên quan việc ném hai chai ‘bom xăng’ về phía lực lượng Công an tấn công vào Thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020. Vụ tấn công đã khiến 1 dân thường và 3 công an thiệt mạng.
Ông Lê Đình Công cho rằng bản thân không hề bàn bạc, không đại diện cho ai, cũng không giao nhiệm vụ cho ai trong hoạt động vừa nêu. Ông cũng nói, trong các ngày từ 6 đến 8 tháng 1 năm 2020 không hề có cuộc họp nào “để chống đối lực lượng công an” diễn ra. Ông Công phủ nhận thực hiện hành vi liên quan khiến ba công an được cho rằng chết cháy trong cuộc tấn công vào làng Đồng Tâm.
Ông Lê Đình Công nói rằng việc ném hai chai ‘bom xăng’ chỉ nhằm mục đích đe dọa và là hành vi vi phạm chống người thi hành công vụ chứ không phải giết người .
Trước phiên tòa, luật sư Lê Hòa cũng khẳng định ông Lê Đình Công kháng cáo kêu oan, tuy nhiên do mẫu đơn của trại giam đưa không có việc kháng cáo kêu oan nên phải viết đơn là “xin giảm nhẹ hình phạt”.
Tòa sơ thẩm vào tháng 9 năm ngoái cho rằng ông Lê Đình Công giữ vai trò chủ mưu cầm đầu đã ném bom xăng và lựu đạn vào lực lượng công an nên bị tuyên án tử hình theo cáo buộc ‘giết người’.
Ngoài ông Lê Đình Công bị tuyên án tử hình, còn có ông Lê Đình Chức. Cả hai đều là con trai của cụ Lê Đình Kình, người lãnh đạo tinh thần trong công cuộc giữ đất của dân làng Đồng Tâm.
Cụ Lê Đình Kình bị bắn chết trong vụ tấn công vào thôn Hoàng của lực lượng công an vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020.
Sáu người có đơn chống bản án sơ thẩm gồm hai anh em ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức bị tuyên tử hình trong phiên sơ thẩm, Lê Đình Doanh là con trai ông Công bị tuyên án chung thân.
Ông Bùi Viết Hiểu bị tuyên 16 năm tù và ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù. Riêng bà Bùi Thị Nối (con nuôi cụ Lê Đình Kình) thì bị TAND Hà Nội tuyên 6 năm tù và có đơn không chấp nhận bản án sơ thẩm.
Tại phần thủ tục phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm sáng 8-3, luật sư Đặng Đình Mạnh bào chữa cho các bị cáo có kiến nghị về quyền tiếp xúc với thân chủ của mình tuy nhiên không được chấp thuận.
Trong giờ giải lao buổi trưa, luật sư Mạnh viết trên Facebook cá nhân bày tỏ: “Quyền tiếp xúc giữa luật sư và thân chủ theo điều 256 Bộ Luật Tố tụng hình sự đã bị hội đồng xét xử ‘tịch thu’.”
Trong khi đó, theo báo Thanh Niên các luật sư khác đề nghị Hội đồng xét xử cho biết ý kiến về bản kiến nghị 31 trang mà cả 14 luật sư đã gửi một tuần lễ trước khi phiên tòa diễn ra, đồng thời đề nghị triệu tập thêm người làm chứng, người có liên quan đến vụ án như đại diện Công an thành phố Hà Nội.
Hội đồng xét xử sau đó hội ý và cho biết “ghi nhận” ý kiến của các luật sư; trong quá trình xét xử nếu xét thấy cần thiết, HĐXX sẽ triệu tập thêm những người liên quan.
Cũng tại phiên toà hôm 8/3, nhiều người thân của các bị cáo không được dự phiên toà và phải tìm cách vượt rào cản an ninh đến toà.
“Những người phụ nữ lọt được ra khỏi nhà trước giờ G để bị dồn lại một góc đường chờ đợi như này đây. 8-3 đầy cảm xúc! Không khí vẫn căng thẳng không khác sơ thẩm là mấy…!!!” – chị Nguyễn Thị Duyên, cháu dâu của cụ Lê Đình Kình chia sẻ trong khi chờ đợi tin từ những người thân đang bị xử trong phiên tòa phúc thẩm 6 người trong vụ Đồng Tâm.
Chị Duyên có chồng là Lê Đình Uy, bị tuyên 6 năm tù giam hồi tháng 9-2020, nhưng anh không kháng án và đã bị đưa đi thi hành án nhưng hôm nay chị Duyên và những người khác cũng đến đây để chờ tin của những người thân còn lại.
Vào trưa ngày 8-3-2021, chị Duyên kể lại tình hình xung quanh phiên tòa như sau:
“Dạ không anh ơi, sáng giờ căng lắm anh ạ. Kể cả với sự can thiệp của luật sư cũng không được vào (dự phiên tòa) đâu anh ạ.
Cũng như sơ thẩm, họ dồn tất cả người dân vào một góc rồi cô lập lại.
Đe dọa thì không có, họ chỉ ngăn cản sự đi lại của mình thôi. Mình mang đồ ăn sẵn tới và ăn tại chỗ.”
Mạng báo Thanh Niên cũng cho hay, đường dẫn vào phiên tòa bị chốt chặn, hàng chục cảnh sát cơ động được chi viện để bảo vệ phiên tòa vụ Đồng Tâm và một vụ án khác của ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cũng đang xét xử cùng một thời gian.