Phiên tòa Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải vi phạm pháp luật nghiêm trọng

0
579

Thảo Ngọc

10-5-2020

Nhìn lại diễn biến từ ngày xảy ra vụ án mạng giết chết hai cô gái nhân viên Bưu điện Cầu Voi vào tối 13/1/2008, là Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân, cho đến khi kết thúc phiên tòa Giám đốc thẩm ngày 8/5/2020, chúng ta thấy có một sự xuyên suốt như kịch bản của một vở tuồng hoàn hảo.

Ngay sau khi vụ án xảy ra một thời gian ngắn, chắc chắn các cơ quan chức năng của tỉnh Long An đã xác định được thủ phạm là ai. Theo Cáo trạng, hung thủ khi giết hai nạn nhân đã thực hiện hàng loạt động tác bằng tay như: Bóp cổ, kéo xác, dùng dao, thớt, ghế đập đầu, cắt cổ hai nạn nhân. Những nơi này sẽ để lại rất nhiều dấu vân tay của hung thủ. Ngoài ra họ đã thu được rất nhiều dấu vân tay ở các cảnh cửa, nhà vệ sinh v.v… Đặc biệt là những vết máu nơi hiện trường và tại con dao, cái thớt.

Trong đêm xảy ra vụ án, cơ quan chức năng xác định có 3 người đã ghé vào Bưu điện Cầu Voi là anh Đinh Vũ Thường, anh Hồ Văn Bình và Nguyễn Văn Nghị. Trong đó, Nguyễn Văn Nghị là đối tượng đáng nghi ngờ nhất.

Báo Công an Nhân dân số ra ngày 16/1/2008, tức chỉ sau vụ án mạng xảy ra 3 ngày có bài: “Vụ 2 nhân viên bưu điện bị giết: Nghi can là bạn trai của nạn nhân”.

Theo đó: “Nghi can chính là Nguyễn Văn Nghị, ngụ tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), có dấu hiệu nghiện ma túy. Nghị là một trong hai bạn trai của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng. Vào đêm xảy ra vụ án, người dân địa phương thấy Nghị đi xe máy đến Bưu điện Cầu Voi gặp Hồng và Vân. Người dân địa phương còn miêu tả Nghị mặc quần Jean, khoác bên ngoài chiếc áo gió rộng.

Ngay trong ngày 14/1, cơ quan điều tra đã cử trinh sát đến tất cả những địa chỉ mà Nghị thường xuyên lui tới nhưng không gặp anh ta. Sau đó, cơ quan điều tra cử trinh sát mai phục tại nhà cha mẹ của Nghị ở Cai Lậy (Tiền Giang) đến nửa đêm thì nghi can xuất hiện, các trinh sát thực hiện biện pháp áp giải về cơ quan điều tra lấy lời khai”(1).

Vì sao Nghị phải bỏ trốn trong đêm xảy ra vụ án mạng? Vì sao có quan hệ tình cảm thân thiết với hai nạn nhân, mà sáng hôm sau khi nghe tin Hồng và Vân bị sát hại, Nghị lại phải bỏ trốn?

Và sau khi Nguyễn Văn Nghị được bố trí đi lánh nạn nơi an toàn, thì kịch bản bắt Hồ Duy Hải làm “dê tế thần” đã được vạch ra.

Người ta tìm từ những cuộc điện thoại gọi đi, gọi đến qua lại với 2 cô gái này, xác định được Hồ Duy Hải là người có quen biết với các nạn nhân. Vậy là Hồ Duy Hải bị bắt vào ngày 21 tháng 3 năm 2008, sau hơn 2 tháng công an mò mẫm tìm thủ phạm?!

Tất nhiên trong quá trình điều tra và hỏi cung, với nghiệp vụ của ngành công an được cho là giỏi nhất thế giới, với những đòn tra tấn rất nghiệp vụ đã được các chuyên gia huấn luyện thành thục, thì việc Hồ Duy Hải phải nhận tội giết người như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long… là lẽ đương nhiên. Và những lời khai của Hồ Duy Hải đã có kịch bản theo hướng dẫn của điều tra viên và cho khớp với hồ sơ vụ án.

Việc tang vật quan trọng nhất của vụ án như dao và thớt bị tiêu hủy và ngụy tạo chứng cứ, ghi thêm vào lời làm chứng của anh Đinh Vũ Thường từ không xác định người ngồi trong bưu điện Cầu Voi là ai, thành thấy Hồ Duy Hải tại hiện trường đêm xảy ra vụ án, không giám định máu tại hiện trường lúc ban đầu mà phải để sau 4 tháng chờ máu phân hủy, và không giám định dấu vân tay của Nguyễn Văn Nghị là nhằm mục đích bao che cho thủ phạm.

Những chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải: Tại bút lục 53 nêu rõ Bản kết luật giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận “các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải“.

Hồ Duy Hải không nhận tội 4 lần, là trong 1 lần lấy cung, tại 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, và lúc bà Lê Thị Nga, Chủ nhiêm Ủy ban Tư pháp QH vào nhà tù thăm Hồ Duy Hải.

Nhưng bút lục về dấu vân tay và cả 4 lần không nhận tội của Hồ Duy Hải đều bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án?

Những câu hỏi xung quanh Nguyễn Văn Nghị:

Vì sao CQĐT không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị?

Vì sao Nguyễn Văn Nghị không được đưa vào danh sách “nhân chứng” – kể cả trong trường hợp Hồ Duy Hải là hung thủ?

Vì sao toàn bộ thông tin, tài liệu có liên quan đến Nguyễn Văn Nghị đều bị rút khỏi hồ sơ vụ án?

Ngay tại 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư Võ Thành Quyết được được tòa “chỉ định” làm luật sư cho Hồ Duy Hải Hải mà không chấp nhận luật sư do gia đình mời. Tại các phiên tòa, thay vì luật sư thì biện hộ cho thân chủ của mình là Hồ Duy Hải, nhưng ông Võ Thanh Quyết làm ngược lại, đứng về phía công tố và buộc tội bị cáo. Đó là câu trả lời vì sao có luật sư mà Hồ Duy Hải lại nhận tội?

Chính trong đơn kêu oan của bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, được sự hỗ trợ của LS Trần Hồng Phong, đã tổng hợp tin tức qua các báo nhà nước, đã tố đích danh Nguyễn Văn Nghị chính là thủ phạm giết hại 2 cô gái này.

Nên biết vào năm 2008, khi vụ án xảy ra thì ông Trương Hòa Bình, người Long An là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Nguyễn Hòa Bình là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Năm 2011, người bác Kiến nghị Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải cũng là ông Nguyễn Hòa Bình với vai trò Viện trưởng VKSNDTC. Và năm nay người ngồi ghế chánh án chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm vẫn là ông Nguyễn Hòa Bình với vai trò Chánh án TANDTC. Nghĩa là từ khởi tố vụ án, đến bác đơn kiến nghị Giám đốc thẩm và nay ngồi ghế chánh án vụ Giám đốc thẩm vẫn chỉ là 1 người, mà dư luận gọi là “Ba trong Một”.

Còn ông Trương Hòa Bình nay đang là Phó Thủ tướng thường trực phụ trách nội chính và rất có khả năng lên làm Thủ tướng sau Đại hội XIII. Nghĩa là cặp bài trùng song Bình này đạo diễn toàn bộ vụ án để cho Nguyễn Văn Nghị thoát án.

Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Việc ông Tư Sang có quan hệ như thế nào với Nguyễn Văn Nghị lại là việc nằm ngoài nội dung bản án.

Tại phiên Giám đốc thẩm, ông Nguyễn Hòa Bình đã đưa vào “Biểu quyết không kháng nghị” nội dung sau đây để cho Hồ Duy Hải hết đường hy vọng sống.

“Điểm 3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC có đúng quy định pháp luật hay không?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng quy định pháp luật”.
Khi Quyết định bác đơn xin giảm án tử hình của cựu CTN Trương Tấn Sang còn có hiệu lực, thì rất khó cho ông CTN đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng ký giảm án tử hình cho Hồ Duy Hải chồng lên quyết định cũ.

Và ngón đòn này còn nhắm vào để hạ uy tín ông Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đang lăm le nắm chức Trưởng ban Nội chính TƯ khóa tới, vì kháng nghị này là “Không đúng quy định pháp luật” (2).

Nên biết thêm rằng, con số 17/17 tức 100% các vị Thẩm phán tán thành trên là một thủ đoạn của ông Nguyễn Hòa Bình. Vì 16 vị trong Hội đồng Thẩm phản phiên Giám đốc thẩm này là cấp dưới của ông, và biểu quyết bằng giơ tay thì có ai dám chống lại thủ trưởng của mình, khi mà cửa vào BCT tại Đại hội 13 đang hứa hẹn ghế Trưởng ban Nội chính, thậm chí là Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban nội chính cho ông Nguyễn Hòa Bình.

Vì vậy mà ông Nguyễn Hòa Bình phải đích thân ngồi ghế chánh án, Chủ tọa phiên Giám đốc thẩm vừa qua, để cho diễn biến phiên tòa phải theo đúng kịch bản và đúng quy trình.

***

Vụ Đồng Tâm đêm 9/1/2000, chính quyền huy động một lực lượng rất hùng hậu với hơn 3 ngàn CSCĐ, được trang bị các loại xe thiết giáp, chó nghiệp vụ và đầy đủ súng ống các loại, chỉ để tiêu diệt một cụ già 84 tuổi đời, 57 năm theo đảng, được cho là chiến công vang dội, và ba CSCĐ chết thui được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất.

Nay chính quyền huy động lực lượng cao nhất và ưu tú nhất của ngành tòa án gồm toàn là Giáo sư – Tiến sỹ luật để giết oan một thanh niên vô tội là Hồ Duy Hải.

Đó là một chính quyền thối nát, mục rữa và băng hoại đến tận cùng.
Chính hai vụ nói trên và nhiều vụ khác đã làm thức tỉnh lương tri những người dân Việt Nam về một nền tư pháp đồi bại được cầm đầu bởi những người vô nhân tính như Nguyễn Hòa Bình.

Người dân Việt Nam đã phải dựng tóc gáy và lạnh xương sống khi nghe ông Nguyễn Hòa Bình “ngậm máu phun người”, lạnh lùng tuyên bố giữa phiên tòa rằng: “Hồ Duy Hải đã có mặt tại hiện trường thời điểm xảy ra vụ án“.

Luật sư Tiến sĩ Trần Đình Triển cho rằng: “Ông Nguyễn Hoà Bình khi đương nhiệm là Viện trưởng VKSNDTC đã không chấp nhận kháng nghị đối với vụ án Hồ Duy Hải. Nhưng hiện tại, ông Nguyễn Hoà Bình, với tư cách Chánh án TANDTC làm Chủ toạ phiên toà Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, sẽ không vô tư khách quan, không được tham gia Hội đồng xét xử vụ án này, đó là việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật” (3).

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Vụ Hồ Duy Hải ‘cần phải xem lại tính độc lập của nền Tư pháp’ (4).

Chú thích:

(1) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/Vu-2-nhan-vien-buu-dien-bi-giet-Nghi-can-la-ban-trai-cua-nan-nhan-120348/

(2) https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/17-17-thanh-vien-hoi-dong-tham-phan-bieu-quyet-bac-khang-nghi-giam-doc-tham-vu-an-ho-duy-hai

(3) https://www.facebook.com/vpluatsuvidan

https://www.facebook.com/trinhbaphuong.trinhba

(4) https://xuandienhannom.blogspot.com/2020/05/vu-ho-duy-hai-bqh-luu-binh-nhuong-len.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here