Bài viết này để đóng góp với các bạn trẻ Việt Nam muốn tìm hiểu thêm về một dự luật của Mỹ, ở bên nước Mỹ, mà các bạn nghe thấy người biểu tình Hồng Kông đang rất mong muốn Quốc hội Mỹ thông qua.
Trong bản tin mới nhất của tổ chức Báo chí tự do (Hong Kong Free Press) đưa tin hôm nay, nhà lập pháp dân chủ Hồng Kông, ông James To, công bố rằng dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019 (Hong Kong Human Rights and Democracy Act of 2019) sẽ có khả năng nhận được đa số 2/3 để được thông qua khi Quốc hội Hoa Kỳ nhóm họp trở lại vào tháng Chín.
Phiên bản mới 2019 của dự luật này, nếu được thông qua, sẽ áp dụng hình phạt đối với các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã nhúng tay vào các vụ đàn áp quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông. Điều đó có nghĩa là tài sản có trụ sở tại Hoa Kỳ của những quan chức này sẽ có khả năng bị đóng băng và họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Đây không phải lần đầu tiên dự luật này được nhắc đến, mà nó đã từng được trình trước Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2015 và 2017 sau sự kiện các chủ nhà sách ở Hồng Kông bị bắt giữ bởi Trung Quốc, tuy nhiên nó đã chưa thể trở thành luật bởi vì không đạt được đủ số phiếu ủng hộ cần thiết. Lần này thì tình hình đổi khác, trước những hình ảnh đấu tranh dũng cảm của người Hồng Kông, dự luật đã được tái đề xuất vào tháng 6 vừa qua trên diễn đàn của lưỡng viện Quốc hội với sự ủng hộ của cả hai phe chính phủ và đối lập.
Lần này, dự luật được đệ trình tại Hạ viện dưới sự bảo trợ chính của Dân biểu Christopher H. Smith (đảng Cộng Hòa, bang New Jersey, Q.4) và đồng bảo trợ của 15 vị Dân biểu của hai đảng Cộng Hòa (8) và Dân Chủ (7).
Tại Thượng viện, dự luật được bảo trợ chính của Thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng Hòa, tiểu bang Florida) và đồng bảo trợ của 9 thượng nghị sĩ gồm có hai đảng Cộng Hòa (5), Dân Chủ (3) và Độc Lập (1).
Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019 đặt trọng tâm vào 9 mục tiêu quy định trong Điều 3, bao gồm:
Điều 3(1), tái khẳng định các nguyên tắc được quy định trong Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ Hồng Kông năm 1992.
Điều 3(2) ủng hộ khát vọng dân chủ của người dân Hồng Kông được bảo đảm bằng Tuyên bố chung ký kết giữa Anh và Trung Quốc vào năm 1984.
Điều 3(3) thúc giục chính phủ Trung Quốc duy trì các cam kết với Hồng Kông, bao gồm cho phép người dân Hồng Kông cai trị Hồng Kông với quyền tự chủ cao và không can thiệp quá mức, và đảm bảo cử tri Hồng Kông tự do hưởng quyền bầu cử Đặc khu trưởng và tất cả các thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông bằng quyền bầu cử phổ thông.
Điều 3(4) ủng hộ việc thiết lập một sự lựa chọn dân chủ thực sự để được quyền tự do và công bằng đề cử và bầu cử Đặc khu trưởng Hồng Kông, và thành lập vào năm 2020 các cuộc bầu cử dân chủ mở rộng và trực tiếp cho tất cả các thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông;
Điều 3(5) để hỗ trợ các cư dân Hồng Kông về quyền tự do ngôn luận và báo chí được đảm bảo với họ bởi Luật cơ bản và Tuyên bố chung;
Điều 3(6) để đảm bảo rằng tất cả cư dân Hồng Kông đều có quyền tự do chiếu theo Luật cơ bản và Tuyên bố chung, không bị bắt bớ, giam giữ tùy tiện hoặc giam tù một cách bất hợp pháp.
Điều 3(7) để thu hút sự chú ý của quốc tế đối với bất kỳ hành vi vi phạm nào của chính phủ Trung Quốc về các quyền cơ bản của cư dân Hồng Kông và bất kỳ sự xâm phạm nào đối với quyền tự trị được bảo đảm cho Hồng Kông theo Luật cơ bản và Tuyên bố chung;
Điều 3(8) để bảo vệ công dân Hoa Kỳ và thường trú nhân lâu dài sống ở Hồng Kông và những người đến thăm và quá cảnh qua Hồng Kông; và
Điều 3(9) để duy trì các mối quan hệ kinh tế và văn hóa mang lại lợi ích đáng kể cho Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Các điều khoản quan trọng nhất của dự luật gồm có: Điều 7, 8 và 9.
Nói một cách ngắn gọn, Điều 7 của dự luật đã đưa ra các biện pháp nhận diện để trừng phạt các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, những kẻ nào đã nhúng tay vào các vụ bắt cóc những người đối lập chính trị và các vụ đàn áp quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông. Điều 8 quy định việc chính phủ Hoa Kỳ hủy bỏ chiếu khán của các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc (kể cả gia đình) bị nhận diện trong Điều 7.
Và cuối cùng, Điều 9 cho phép chính phủ Mỹ có quyền đóng băng các tài khoản ngân hàng và tài sản đang ở Hoa Kỳ hoặc đến Hoa Kỳ từ những quan chức Hồng Kông và Trung Quốc vi phạm đạo luật này; thêm vào đó, đóng băng các tài khoản hoặc tài sản thuộc sở hữu hoặc quyền kiểm soát của ngay cả người Hoa Kỳ (đứng tên giùm, che dấu cho bất kỳ quan chức Hồng Kông hoặc Trung Quốc đã vi phạm đạo luật này).
Đến đây, có lẽ các bạn hiểu được tại sao người biểu tình Hồng Kông rất mong muốn Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019.
Hai mươi hai cơ quan chuyên gia dân chủ Hồng Kông, bao gồm các nhóm luật sư, học giả, bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên ngành tài chính và công nghệ thông tin, đã gửi một bản đệ trình chung tới tất cả các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi họ thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông 2019 trước Đại hội lần thứ 116 được thiết lập để kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021.
Các đoàn thể sinh viên tại 11 trường đại học Hồng Kông cũng đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi các chính trị gia Hoa Kỳ thông qua dự luật này.
Một mạng hành động (Action network) của người Hồng Kông tại các thành phố lớn Hoa Kỳ gồm có 7 tổ chức hội đoàn khác nhau tại Boston, Chicago, Los Angeles và Seattle Hoa Kỳ cũng đồng lòng ký tên một tuyên bố chung và vận động viết thư cho các đại biểu địa phương ủng hộ dự luật này.
Người Hồng Kông đã tạo được sự quan tâm của cả thế giới. Và điều này không phải tự nhiên mà có.
Fb Người Đà Lạt Xưa
viết thay Facebooker Selena Zen
August 27, 2019
Người Đà Lạt Xưa Các bạn có khả năng đọc và hiểu tiếng Anh, có thể vào trực tiếp trang mạng của Quốc hội Hoa Kỳ để tham khảo trực tiếp dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019 này.
Hạ viện: Dự luật số H.R.3289
https://www.congress.gov/bill/116th-congress/house-bill/3289
Thượng viện: Dự luật số S.1838
https://www.congress.gov/…/116th-congress/senate-bill/1838