Cựu Đại cử tri đảng Cộng Hoà BaoKy Vu: “Trong suốt 4 năm qua, tôi đã tận mắt chứng kiến trong sự kinh hoàng khi nhiều người Mỹ gốc Việt Nam đã tôn sùng Donald Trump như ông ta là một vị Thánh. Sự cuồng dại của họ với một kẻ chuyên lừa đảo gian manh, hèn nhát đã khiến nhiều người Mỹ gốc Việt Nam trẻ tuổi như tôi cạn lời.
===
“Thực chất, thế hệ trước của chúng ta đang tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến cuối cùng. Họ đang sống trong cái bóng được bao trùm bởi sự mất mát đau thương của quê nhà.”
Baoky Vu, ngày 16 tháng 7, năm 2020
Translated from Medium article Breaking Down Vietnamese-American Support for Donald Trump — Fighting the Last War.
Cuộc phỏng vấn từ CNN tháng 12 năm 2016
Gần đây, Hoàng Tứ Duy, một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền lâu năm bày tỏ sự đồng tình với nguyên tắc của phong trào “ Mạng sống của người Da Đen quan trọng” (Black Lives Matter). Không lâu sau phát ngôn đó, mạng lưới Internet như “nổ tung” với sự căm phẫn đối với lời phát biểu trên, cáo buộc ông ta tán đồng chủ nghĩa Marx và bôi nhọ thành quả của 2 thập kỷ nỗ lực của ông trong việc cải thiện đất nước Việt Nam. Điều thú vị về ông Hoàng Tứ Duy mà nhiều người thậm chí còn không biết rằng ông từng tốt nghiệp trường Đại học Chicago với tấm bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh) danh giá. Chương trình mà ông Hoàng Tứ Duy theo học khi còn ở trường Đại học Chicago vốn được biết đến từ lâu với những cựu sinh viên đoạt Giải thưởng Nobel trong lĩnh vực Kinh tế, cụ thể là thị trường tự do cùng những tên tuổi nổi bật như Milton Friedman, Merton Miller và Eugene Fama. Trên thực tế, trường Đại học Chicago đã đào tạo nên những gã khổng lồ giới tài chính trong hơn 50 năm qua.
Tôi bàng hoàng trước một “thể loại” vu khống đang truyền đi trên khắp các phương tiện truyền thông Mỹ-Việt ngày nay. Nó cũng không tệ hơn lời nói dối trắng trợn rằng “ông George Floyd là một ngôi sao phim người lớn,” thường được sử dụng như lời biện hộ cho sự tàn bạo của các Sĩ quan Cảnh sát ở thành phố Minneapolis.
Bốn năm trước, tôi đã được chọn để bầu tổng thống với tư cách là đại cử tri đảng Cộng Hòa (Republican Presidential Elector) của Đại cử tri đoàn (Electoral college). Với cá nhân tôi, đó là một vinh dự lớn, và đồng thời, tôi cũng cảm nhận một niềm tự hào dân tộc vì tôi là người Mỹ đầu tiên với dòng máu Việt Nam được nhận vinh dự này. Trong hơn 25 năm, tôi đã tận tụy “chiến đấu” bên cạnh những người cùng chí hướng cho các luật thương mại tự do, dân chủ, nhân quyền và chống lại làn sóng của chế độ độc tài toàn trị. Niềm kiêu hãnh sớm nhường chỗ cho sự lo ngại khi tôi chứng kiến sự thăng tiến của một ứng cử viên mà tôi tin là suy đồi về đạo đức và trống rỗng trong lý tưởng. Mối lo ngại đó đã trở thành hiện thực khi chính ứng cử viên ấy đã nhận được sự đề cử để ra tranh cử tổng thống từ chính Đảng phái Chính trị mà tôi đã gắn bó từ thời đại học khi tôi còn là thành viên của nhóm Sinh viên Cộng hoà (College Republicans).
Do đó, vào tháng 8 năm 2016, sau khi bộc lộ những suy nghĩ của mình, tôi đã từ chức đại cử tri thay vì phải bỏ phiếu cho một con hổ giấy, một người đã nhiều lần xúc phạm đến những anh hùng chân chính của chúng ta, trốn nhập ngũ, giao du với những kẻ độc tài và những ngôi sao phim người lớn, và rồi còn trốn thuế liên tục trong suốt thời gian đó.
Trong suốt 4 năm qua, tôi đã tận mắt chứng kiến trong sự kinh hoàng khi nhiều người Mỹ gốc Việt Nam đã tôn sùng Donald Trump như ông ta là một vị Thánh. Sự tôn thờ của họ với một kẻ chuyên lừa đảo gian manh, hèn nhát đã khiến nhiều người Mỹ gốc Việt Nam trẻ tuổi như tôi không biết phải nói gì. Điều trớ trêu nhất là sự ủng hộ không ngừng nghỉ của họ cho một người gã đàn ông đã trốn tránh nghĩa vụ trong cuộc chiến tranh Việt Nam bằng toa chẩn đoán của bác sĩ về bệnh gai xương (bone spurs). Hơn nữa, nhiều người Việt Nam thay vào đó lại chọn công kích những người yêu nước thực sự như Thượng nghị sĩ John McCain và Giám đốc FBI Robert Mueller, hai người từng nhận huy chương Purple Heart* và thực sự đã có mặt tham chiến trên chiến trường ở Việt Nam. Họ cũng đã bác bỏ các nhà lãnh đạo quân sự khác như cựu Bộ trưởng bộ Quốc phòng James Mattis và Tướng John Allen đã nghỉ hưu, gắn lên những người yêu nước này nhãn hiệu “Deep State” (Chính phủ ngầm, tức khối công chức lão làng, không ai bầu, nhưng lại nắm thực quyền chính trị).
Làm thế nào mà chuyện ra đến nông nỗi này? Không có ai trả lời được nhưng có lẽ sự kết hợp của các yếu tố văn hóa và lịch sử sẽ giúp giải thích sự trung thành mù quáng này. Dưới đây là 5 lý do hàng đầu của tôi:
- Một nền văn hoá chú trọng đến sự tôn trọng người lớn tuổi: Có bao nhiêu người trong chúng ta đã nghe nói về cụm từ “ Kính Lão Đắc Thọ?” Đối với nhiều quốc gia trên khắp Châu Á, trẻ nhỏ được dạy phải tôn trọng người lớn tuổi và không thắc mắc thẩm quyền của họ. Theo thời gian, sự tôn trọng mù quáng cũng sẽ được thể hiện qua sự ủng hộ cho các nhà lãnh đạo độc đoán. Nó đã thành một tập quán, người Châu Á nhấn mạnh sự tuân thủ thay vì tính sáng tạo và lối suy nghĩ theo tập thể thay vì cá nhân.
- Trung Quốc: Kẻ thù lịch sử của chúng ta có một vị trí đặc biệt trong tiềm thức của thế hệ cũ, và cũng phải, vì chúng ta đã có những cuộc chiến không hồi kết trong ngàn năm trang sử Việt. Tuy nhiên, một nước Mỹ có chiến lược sẽ không lãng phí 4 năm qua “sủa đổng” như Chính Quyền này và rồi đặt Quốc Gia vào một tình huống qua việc chấm dứt Hiệp Định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, việc thiếu trung thực trong 6 tháng qua đã dẫn đến một nền kinh tế xuống dốc có thể sẽ đòi hỏi nhiều hơn số tiền 3 nghìn tỷ đô la kích thích hiện tại để chống đỡ nó. Đối với các chính trị gia đã lên án việc chi tiêu quá mức, tài khoá này có thể sẽ cần thêm 5 nghìn tỷ đô la chỉ tiêu mà quốc gia không có.
- Sự phản bội của cánh Tả đối với Việt Nam Cộng Hoà: Người Việt Nam Cộng Hoà chưa bao giờ quên rằng Quốc Hội đảng Dân Chủ đã bác bỏ việc tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn then chốt năm 1973-75. Tuy nhiên, nhiều người đã có thể không biết rằng đích thân Cựu Tổng thống Jimmy Carter đã ra mặt đấu tranh chống lại phe Đảng đối lập, tức Đảng Cộng Hòa, khi họ chống lại việc tái định cư hàng trăm ngàn người Đông Nam Á sống mòn mỏi tại các trại tị nạn và trôi dạt ngoài biển khơi.
- Kỳ thị chủng tộc: Cũng như các quốc gia Châu Á, thuần chủng cũng như tính đồng nhất luôn là một đặc điểm quan trọng của người Việt Nam; nó là một con dao hai lưỡi, đặc biệt là khi có liên quan đến những cải cách hoặc các vấn đề xã hội. Ví dụ, nhiều người trong chúng ta có thể vẫn còn nhớ thái độ thù ghét đối với những đứa “Con Lai.” Vả lại, tôi cũng không nghĩ họ nhận thức được phần đông những người lính đã chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam là Mỹ gốc Phi Châu.
- Sự thiếu hiểu biết về các thể chế dân chủ và hệ thống thị trường kinh tế: Nhiều người không nắm rõ các khái niệm cũng như thấy được tầm quan trọng về hệ thống “Cân bằng và Kiểm soát” được kiến tạo từ hơn 2 thế kỷ trước bởi những Nhà Lập quốc Hoa Kỳ để giảm thiểu xu hướng tàn bạo của con người; hơn nữa, có khi họ cũng không có khả năng giải thích Chủ Nghĩa Xã Hội, một triết lý chính trị, thực sự bao gồm những gì. Môi trường chính trị độc hại hiện nay che lấp thực tế rằng ứng cử viên Dân Chủ hiện tại (hoặc đảng của ông) KHÔNG khuyến khích cho việc chính phủ nắm quyền sở hữu doanh nghiệp kinh doanh, một trụ cột quan trọng trong tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Thực chất, thế hệ trước của chúng ta đang tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến cuối cùng. Họ đang sống trong cái bóng được bao trùm bởi sự mất mát đau thương của quê nhà.
Trước tiên, thế hệ của tôi sẽ luôn luôn biết ơn đến hàng triệu người dân Việt Nam Cộng Hoà đã đấu tranh, đã hy sinh và đã chịu biết bao khốn khổ để bảo vệ Quốc gia Việt Nam. Nếu như thế hệ của Đệ Nhị Thế Chiến ở Mỹ được xem như là “thế hệ vĩ đại,” thì công bằng mà nói “thế hệ vĩ đại” của Miền Nam Việt Nam (bao gồm cả các gia đình tị nạn chính trị/kinh tế từ miền Bắc Việt Nam sau năm 1954) đến từ thế hệ đã bảo vệ Miền Nam Việt Nam khỏi sự tấn công của phe Cộng sản từ Miền Bắc. Trong những ngày tôi còn học ở trường Lasalle Tabert, tôi đã đọc một cách ngấu nghiến về những nỗ lực hằng ngày của những người lính Việt Nam Cộng Hòa đang bảo vệ quốc gia của chúng ta. Sau năm 1975, tôi tiếp tục theo dõi những nỗ lực kéo dài của phong trào dân chủ ở hải ngoại, đặc biệt là từ những người như cựu Thiếu tướng Hoàng Cơ Minh.
Tiếp theo, vấn đề còn lại chỉ là thời gian trước khi cộng đồng người Mỹ gốc Việt phải chia rẽ về quan điểm chính trị dọc theo các thế hệ. Đó là hệ quả của chu kỳ tự nhiên của bản tính loài người. Xuyên suốt lịch sử Hoa Kỳ, cộng đồng của các dân tộc khác cũng đã chứng kiến sự chia rẽ này; thế hệ trẻ của người Mỹ gốc Cuba ngày nay chắc chắn là không còn chắc nịch trong chuyện bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hoà so với thế hệ ông bà cha mẹ nữa. Khối bỏ phiếu nhất trí cho Đảng Cộng Hoà từ người Mỹ gốc Việt trong những năm sau 1975 được căn cứ vào chính sách căn bản của Đảng Đại Kỳ Cựu (GOP: Grand Old Party, một tên gọi khác của Đảng Cộng Hòa) là một bộ quốc phòng lớn mạnh, thị trường tự do (tư bản), và sự lãnh đạo của Mỹ trên chính trường quốc tế. Các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa thường luôn luôn chắc chắn có được lá phiếu của người Mỹ gốc Việt, cho dù họ có ở tiểu bang California, hay Texas, hay là Virginia.
Điều này bắt đầu thay đổi dần từ giữa những năm 2000. Tôi đã bắt đầu nhận thấy rằng những nhà tranh đấu trẻ tuổi người Mỹ gốc Việt tham gia ủng hộ ứng cử viên Obama, cũng như ủng hộ các ứng cử viên Đảng Dân Chủ khác ở địa phương. Sau đó, người Mỹ gốc Việt đã bắt đầu tranh cử với tư cách là ứng cử viên cho Đảng Dân Chủ cho chức vụ dân cử. Hơn thế nữa, với sự kết thúc của Chiến Tranh Lạnh, các vấn đề về chính sách đối ngoại đã nhường chỗ cho những câu hỏi cấp bách khác, thí dụ như: sự thiếu hụt về chăm sóc y tế hoặc sự bất bình đẳng trong thu nhập. Nói từ kinh nghiệm cá nhân, anh trai thứ của tôi đã bắt đầu bày tỏ sự phản đối với một số chính sách từ Đảng Cộng Hòa. Một cựu sĩ quan tình báo Hải Quân Hoa Kỳ, tốt nghiệp thạc sĩ Quản Trị Kinh doanh từ trường danh tiếng Kellogg của đại học Northwestern, và là người quản lý dự án Gates Foundation, ông ấy đã lo ngại về những thông điệp như “chống người nhập cư, tiết chế kinh doanh, suy giảm nền giáo dục” những thông điệp đã trở thành nền tảng cho sự nổi dậy của Tea Party. Anh cùng với nhiều người bạn thậm chí còn tham gia một cuộc buổi tình để ủng hộ phong trào “Mạng sống người da Đen quan trọng” (Black Lives Matter), và anh tôi và bạn anh chắc chắn không thể bị xem thường là những tên cực đoan.
Tương tự như vậy, nhiều người Mỹ gốc Việt dưới độ tuổi 40 đã hỏi tôi rằng “… bằng cách nào có thể giải thích cho (ba, mẹ…) rằng việc ủng hộ một con người tự mãn, người không có tài năng lãnh đạo và thiếu lòng cảm thông, người mà đã góp phần phá huỷ nền dân chủ chuẩn mực thiết yếu và các thể chế, lại còn sẵn sàng dối trá và gian lận trong hành trình duy trì quyền lực cho cá nhân mình ….?”
Mặt khác, tôi cũng đã nhận thấy rằng người Mỹ gốc Việt lớn tuổi đang trở nên quyết đoán hơn trong quan điểm chính trị của họ. Nhiều người đã tuyên truyền rằng tổng thống Obama đã sinh ra ở Kenya, hoặc là người Hồi giáo đã ngăn chặn đường xá ở New York để họ được cầu nguyện thoải mái, hoặc là Michelle Obama đã chi trả hàng tỷ đô la cho việc trang trí và các chuyến dã ngoại gia đình, và vô số các điều vô lý khác. Các phiên bản khác về truyền thông (alternative media) với các nhà tài trợ đáng ngờ đã bắt đầu cuộc công kích trên đất Mỹ.
Những người trong thế hệ của tôi thường bày tỏ cú sốc về tại sao những nạn nhân của tuyên truyền Cộng sản giờ lại trở thành chính những người tuyên truyền ấy. Tony Montag, một người cố vấn chuyên nghiệp của tôi, thường nói rằng “… mong ước là cha của tư tưởng.” Thế hệ trước đã đưa ra những tin tức giả mạo để phù hợp với câu chuyện chính họ vẽ ra.
Cộng đồng di dân Việt Nam sẽ đi đến đâu từ đây? Tổng thống Trump đã vạch rõ lằn ranh chia rẽ sâu sắc mối quan hệ sâu sắc giữa các thế hệ, thúc đẩy con cái chống lại cha mẹ. Giống như những gì Donald Trump đã làm để gieo rắc sự chia rẽ và hỗn loạn giữa các nhóm sắc tộc, việc nhắc đến ông Trump thôi cũng gây phản ứng tương tự trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Tôi muốn để lại suy nghĩ này cho các thế hệ trẻ. Thế hệ của chúng ta và các thế hệ tương lai sẽ kế thừa hậu quả của những quyết định vừa lười nhác vừa thảm khốc mà người đi trước đã để lại. Thời điểm chúng ta đang sống có vẻ ngột ngạt, nhưng xin hãy giữ vững niềm tin. Đừng bao giờ từ bỏ việc đấu tranh cho lý tưởng của mình. Đừng bao giờ từ bỏ hành trình tìm kiếm sự thật. Và theo lời Douglas MacArthur trong di chúc của ông tại trường West Point, luôn luôn đấu tranh cho “…Nghĩa vụ, Danh dự, Tổ quốc.”
Đối với thế hệ cha mẹ của mình, tôi muốn họ biết rằng không ai trong chúng ta nghi ngờ sự hy sinh của họ. Tôi vẫn nhớ những tiếng khóc quặn lòng vào buổi tối định mệnh đó ở đảo Guam khi phát ngôn viên tuyên bố rằng miền Nam Việt Nam đã đầu hàng. Chúng ta không thể cho phép mình quên đi những khó khăn và sự hy sinh từ gia đình chúng ta, những nạn nhân của Cộng sản. Tuy nhiên, trong chính trị không ai luôn luôn đúng. Ngày nay, trước những thách thức to lớn trong nước và toàn cầu, họ có một cơ hội tuyệt vời để đứng về phía chính diện của lịch sử. Nếu cứ tiếp tục ủng hộ một nhà lãnh đạo vô đạo đức, họ sẽ làm suy yếu cuộc đấu tranh thực sự cho dân chủ và nhân quyền. Nếu họ không ngừng chiến đấu cho cuộc chiến cuối cùng, thì họ cũng sẽ thua cuộc chiến để dành lấy trái tim và khối óc của những đứa con mà họ đã hy sinh rất nhiều để bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn.
==============
Vũ Bảo Kỳ đã sống ở Atlanta hơn 40 năm. Năm 1975, gia đình ông rời Sài Gòn trước khi miền Nam Việt Nam bị sụp đổ bởi lực lượng Cộng sản Bắc Việt, tái định cư tại Úc trước khi qua Hoa Kỳ vào năm 1977. Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh từ Đại học Georgia Tech và Georgetown, ông là Uỷ viên trong ban cố vấn về vấn đề người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương từ 2001 đến 2004 của Tổng thống George W. Bush. Thống đốc Nathan Deal đã bổ nhiệm ông Vũ vào Hội đồng Nhà Nước về Hệ thống Cao Đẳng Kỹ thuật Georgia vào năm 2015 và ông cũng là Phó Chủ tịch của Ủy ban Bầu cử và Đăng ký Cử tri ở Quận DeKalb. Ông tốt nghiệp Lớp Lãnh Đạo Georgia năm 2008.
CHÚ THÍCH:
*Purple Heart là một huy chương quân sự của Hoa Kỳ được trao tặng dưới danh nghĩa của Tổng thống cho những binh lính bị thương hoặc bị giết khi phục vụ đất nước, vào hoặc sau ngày 5 tháng 4 năm 1917, với quân đội Hoa Kỳ.)
Translated by Jade Nguyen and Tegan Tran
Copy/Edits by: MinhLy Pham, Cookie Duong, and Helen Nguyen