Phán quyết của toá án nhân dân TP.HCM sẽ…

0
2184
Bạch Hoàn

Với những bằng chứng rành rành về quan hệ tình cảm của Trương Hồ Phương Nga và Cao Toàn Mỹ; lời khai không nhất quán, không hợp lý của Cao Toàn Mỹ; lời kêu oan của Trương Hồ Phương Nga, sự phù hợp giữa lời khai của Phương Nga và Thuỳ Dung (dù cách ly); những điểm bất thường trong biên bản ghi lời khai của Cao Toàn Mỹ và Trường Hồ Phương Nga… toà án nhân dân TP.HCM sẽ phán quyết như thế nào?

Sáng mai, toà sẽ tiếp tục xét xử vụ án này.

1. Phương án 1: Không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM – cơ quan giữ quyền công tố, vẫn đề nghị truy tố Trương Hồ Phương Nga tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến 16,5 tỉ đồng của Cao Toàn Mỹ. Tuy nhiên, tôi cho rằng toà án nhân dân TP.HCM phải tuyên Trương Hồ Phương Nga không phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Vì sao?

Để trả lời câu hỏi này, phải mở Bộ Luật Hình sự ra mới rõ. Điều 139 Bộ Luật Hình sự quy định về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nêu rõ: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…”.

Như vậy, để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải có hai hành vi, trước tiên là hành vi gian dối (lừa đảo) rồi từ đó mới đến hành vi chiếm đoạt. Thủ đoạn gian dối là hành vi điều kiện và việc chiếm đoạt được tài sản là kết quả của hành vi gian dối. Nghĩa là, thủ đoạn gian dối phải có trước khi chiếm đoạt được tài sản thì mới cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì Trương Hồ Phương Nga vô tội. Bởi đến thời điểm này, hành vi gian dối của Trương Hồ Phương Nga được đưa ra trong cáo trạng là nhờ ông Yên làm giả giấy đặt cọc mua căn nhà ở đường Nguyễn Trãi (lời nói mua được nhà giá rẻ chỉ là lời khai của Cao Toàn Mỹ, pháp luật trọng chứng hơn trọng cung). Tạm cho là Phương Nga và Nguyễn Mai Phương nhờ ông Yên làm giả giấy tờ, thì thủ đoạn làm giả (nếu có) thực hiện sau khi Nga đã nhận tiền của Mỹ.

Như vậy, toà án nhân dân TP.HCM nên tuyên Trương Hồ Phương Nga không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, căn cứ theo điều 139 Bộ Luật Hình sự.

2. Phương án 2: Trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Xét theo các quy định rất cụ thể trên của Bộ Luật Hình sự, vớ các chứng cứ, tài liệu mới và những gì bộc lộ trong quá trình thẩm vấn công khai tại toà trong mấy ngày qua, toà án nhân dân TP.HCM không thể tuyên án có tội với Phương Nga theo cáo trạng. Họ chắc sẽ không dám làm ngơ trước tất cả mọi tình tiết để đưa ra một phán quyết hoàn toàn có thể sẽ là một án oan. Bởi, với sự giám sát của dư luận, cùng với sự bảo vệ của các luật sư, sự chú ý của các cơ quan tư pháp cấp cao hơn, và quan trọng là sự thật khách quan vẫn luôn tồn tại ở đâu đó ngoài phòng xử án, thì sẽ có một ngày sự thật được phơi bày. Khi ấy, chính họ sẽ phải đền bù thiệt hại. Thế nên, nhiều khả năng, toà án nhân dân TP.HCM sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Nếu trả lại hồ sơ, trách nhiệm sẽ thuộc về Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM và cơ quan điều tra Công an TP.HCM. Hơn hai năm tù giam của Phương Nga, quá trình điều tra bổ sung không chứng minh được Phương Nga phạm tội, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm.

Vấn đề đặt ra là trả hồ sơ vụ án theo cách nào để kết thúc câu chuyện bi hài kịch, khép lại tấn trò đời này?

Có các phương án sau:

Thứ nhất, toà tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo Điều 179 Luật tố tụng hình sự. Điều này quy định thẩm phán trả lại hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung trong các trường hợp sau:

Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa;

Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác;

Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trong vụ án Nga – Mỹ, diễn biến hiện nay cho thấy có đủ cả ba yếu tố trên để trả hồ sơ.

Khi trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, với những bằng chứng rành rành về hợp đồng tình ái và nguỵ tạo chứng cứ, cơ quan điều tra sẽ không thể khép Phương Nga vào cả hại tội lừa đảo hay lạm dụng được (trừ trường hợp ý chí ai đó muốn như vậy).

Vì thế, bước tiếp theo là nên đình chỉ vụ án ở giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra vẫn ra kết luận điều tra thì Viện kiểm sát nên ra quyết định đình chỉ.

Để đẹp mặt cho các bên, cách tốt nhất là đình chỉ theo Điều 164 Luật tố tụng hình sự, tức hết thời hiệu vụ án mà không chứng minh được hành vi phạm tội. Nếu Viện kiểm sát đình chỉ thì phải đình chỉ theo điều 107 Luật tố tụng hình sự, tức hành vi không cấu thành tội phạm.

Nếu cơ quan điều tra đình chỉ theo Điều 164 thì họ không phải bồi thường. Điều này liệu Phương Nga, Thuỳ Dung và các luật sư bảo vệ cho họ có chấp thuận không?

Nếu để Viện kiểm sát đình chỉ theo Điều 107 thì đương nhiên họ sẽ phải bồi thường. Điều này rất khó xảy ra, bởi nó như một cái tát vào ngành tư pháp VN.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện dài. Còn bây giờ là lúc toà án nhân dân TP.HCM phải lựa chọn. Đừng để một ngày nào đó, những chiếc dép tổ ong màu tím sẽ lại bay vào mặt.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here