PHẨM CÁCH VÀ ĐỨC HẠNH HOÀNG HẬU NAM PHƯƠNG QUA TƯ LIỆU LẦN ĐẦU CÔNG BỐ

0
94
Hoàng hậu Nam Phương

Nguyễn Xuân Diện

Ông Phạm Hy Tùng là một nhà sưu tập cổ ngoạn ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của các cuốn sách “Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa” (2006), “Bộ sưu tập cổ vật Trung Hoa” (2020), “Cổ vật gốm sứ có trang kim” (2021)… Cuốn sách mới nhất của ông là “Hoàng hậu Nam Phương (qua một số tư liệu chưa công bố)” do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa ấn hành. Sách dày 280 trang và phần phụ lục ảnh.

Đây là lần đầu tiên có một cuốn sách công bố nhiều tư liệu về Hoàng hậu Nam Phương, bao gồm các bức ảnh quý hiếm và 87 bức thư, trong đó có 73 bức thư viết tay, thủ bút của Hoàng hậu Nam Phương – hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn cũng là cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam.

Ngoài thư của Hoàng hậu Nam Phương, có 6 bức của bà Charles – mẹ nuôi của cựu hoàng, cũng viết tay bằng tiếng Pháp gửi cho ông khi còn ở Hongkong (1946-1948) hay gửi về Đà Lạt (1949-1954), 3 bức của bà Agnès – chị ruột của Hoàng hậu Nam Phương, 1 bức của bà Từ Cung viết bằng tiếng Việt.

Đây là lần đầu tiên có một cuốn sách công bố nhiều tư liệu về Hoàng hậu Nam Phương, bao gồm các bức ảnh quý hiếm và 87 bức thư, trong đó có 73 bức thư viết tay, thủ bút của Hoàng hậu Nam Phương – hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn cũng là cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam.

Cuốn sách của Phạm Hy Tùng có kết cấu thật đơn giản. Ngoài “Lời thưa” ở đầu sách, cuốn sách gồm ba phần: Phần Mở đầu cung cấp thông tin dưới dạng niên biểu về Nam Phương Hoàng hậu và cựu hoàng Bảo Đại, cùng bối cảnh lịch sử Việt Nam từ tháng 9 năm 1945 đến năm 1954 – là giai đoạn những bức thư của Nam Phương và những người khác gửi đến cựu hoàng Bảo Đại được nói đến trong tập sách.

Phần Hai là Những bản dịch các bức thư, trong đó có 73 bức thư được Nam Phương Hoàng hậu viết và gửi tới cựu hoàng Bảo Đại trong bối cảnh xã hội chính trị đó.

Và Phần Ba là Một số hình ảnh những bức thư của Hoàng hậu Nam Phương gửi cựu hoàng Bảo Đại gồm 31 trang ảnh. Có một điểm đáng chú ý là, ngay lúc Hoàng hậu còn tại thế, đã có phát hành tem hình Nam Phương Hoàng hậu, nhưng trong các thư gửi đi, bà không dùng tem mang hình vẽ mình.

Qua những thư này người đọc sẽ thấy diện mạo của cựu hoàng Bảo Đại khác xa với nhiều tài liệu đã mô tả về ông, đặc biệt là từ cuốn “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” của Phạm Khắc Hòe – cận thần cũ của ông – hay mô tả của tác giả Phan Thứ Lang… Nhiều tài liệu cho một cảm nhận rất rõ ràng rằng hầu hết mọi tác giả cố ý nói thiếu chính xác về nhân vật lịch sử Bảo Đại.

Hoàng hậu Nam Phương

Những bức thư của bà Nam Phương, chị ruột bà Nam Phương và bà mẹ nuôi Charles lại cung cấp cho người đọc nhiều thông tin trái ngược với nội dung các tác giả ấy đưa ra.

Đọc thư Nam Phương Hoàng hậu, thấy hiện lên chân dung khá toàn vẹn về bà, và không hề ngược lại những gì ta từng nghĩ về bà. Hoàng hậu Nam Phương là một người phụ nữ có đầy đủ công dung ngôn hạnh của người phụ nữ Á Đông (lo chu toàn chuyện nhà, dạy bảo con cái, kính trọng mẹ chồng, trọn vẹn việc thờ cúng tổ tiên nhà chồng). Bà cũng là một người đã thụ hưởng nền giáo dục Phương Tây thời niên thiếu, điều này vẫn đi theo bà trong những tháng năm trưởng thành: thẳng thắn bày tỏ với chồng về quan điểm riêng các vấn đề gia đình và xã hội, phê bình chồng chiều con cái và tiêu hoang cho sở thích cá nhân, giữ gìn và kiểm duyệt hình ảnh trước khi nó được đưa lên truyền thông (Tư liệu số 9). Trong bức thư số 71, bà kể lại chuyện đi mua vở viết cho con ở cửa hàng sách, khi thấy một cuốn sách giáo khoa “…Hãy đọc trang 240 viết về Nam Kỳ”… Bà đã ngay lập tức “…rất bực mình, và đã gửi thông báo cho Đệ để ông ta làm văn bản kháng nghị lên Bộ Các nước liên kết đòi rút tài liệu này ra khởi các trường học….” không được dùng nó để giảng dạy cho học sinh. (Tư liệu số 71).

Đọc những bức thư ta thấy con người Nam Phương Hoàng hậu đạt đến mức hoàn hảo, ở đó có sự kết hợp nhuần nhụy và rất tự nhiên giữa văn hóa Phương Đông và Phương Tây, và những điều đó càng tôn thêm sự quý phái và tầm vóc của một bà hoàng. Văn hóa Đông – Tây còn thể hiện qua những bức thư ở chỗ: Nam Phương Hoàng hậu đặt mình ở bên lề của các biến cố chính trị của đất nước và gia tộc; nhưng bà theo sát và thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề thời cuộc rất rõ ràng (Tư liệu số 10 và 12)…

Cuốn sách còn đính chính một số điểm trong cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu mà trước đây nhiều người đã lầm tưởng và lan truyền điều sai lệch về bà. Thứ nhất là về ngày tháng sinh. Tư liệu số 70 xác định ngày sinh của bà là ngày 17 tháng 11 năm 1913, không như ngày tháng ghi trên bia mộ của bà. Thứ hai là không có cuộc đánh ghen nào giữa bà và Lý Lệ Hà – một nhân tình của cựu hoàng Bảo Đại. Lại cũng có một điểm nữa, rất thú vị là, bà Nam Phương trước sau chỉ gọi chồng mình là “hoàng đế” chứ chưa bao giờ gọi là “cựu hoàng” như một số tài liệu đã viết.

Hoàng hậu Nam Phương

Như vậy, lại thêm một ấn phẩm quý về triều Nguyễn được ra đời. Lần này là về một bà hoàng. Qua những bức thư gửi vua Bảo Đại từ năm 1949 đến năm 1953, chúng ta hiểu thêm về một người phụ nữ Nam Bộ công dung ngôn hạnh, một bà hoàng, đồng thời cũng là một chứng nhân lịch sử.

Ông Phạm Hy Tùng là người mà tôi ngưỡng mộ đã lâu qua các cuốn sách về đồ gốm sứ cổ, cổ vật của ông. Gần đây lại được biết ông là hậu duệ đời thứ tư của Cụ Phó bảng Phạm Hy Lượng (1834-1886) – mà cách đây một phần tư thế kỷ tôi có dịch cuốn nhật ký đi sứ Trung Hoa của cụ, cuốn “Phạm Ngư Đường Bắc sà nhật kỷ”.

Phạm Hy Tùng bền bỉ với công việc sưu tầm nghiên cứu và xuất bản các công trình về đồ gốm và cổ vật. Nhưng lần này, ông đã đặt bàn chân sang một lối nhỏ khác và kết quả là cuốn sách này. Không phải tự nhiên mà ông làm vậy; mà chính vì cả 87 tư liệu và thư từ mang thủ bút của Nam Phương Hoàng hậu đang nằm trong bộ sưu tập mà ông sở hữu. Cuốn sách này, rẽ sang một lối, nhưng đã cung hiến cho bạn đọc những thông tin rất giá trị và đầy bất ngờ thú vị. Thiết nghĩ, rất nên chép tặng học giả Phạm Hy Tùng câu thơ cổ “Lão thụ trước hoa vô sửu chi” (Cổ thụ đơm hoa mà cành nào cũng đẹp).

Tôi xin trân trọng cảm ơn học giả Phạm Hy Tùng đã gửi tặng cuốn sách quý này. Đồng thời, trong niềm hân hoan này, xin giới thiệu cùng quý vị, quý anh chị em, đặc biệt là Nguyễn Phước tộc, các nhà nghiên cứu về triều Nguyễn, về lịch sử Việt Nam và về phụ nữ Việt Nam!

12.2.2023.

N.XD

Ảnh Nam Phương Hoàng hậu do Nguyễn T.A Phong cung cấp.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here