Home Blog Page 1144

Trung Quốc cắm cờ trên đá Tri Lễ, thuộc quần đảo Trường Sa

604
VOA

Tin cho hay các tàu của Trung Quốc đã tiến gần đến một hòn đảo lớn của Philippines trong khu vực có tranh chấp trên Biển Đông trong tháng này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay go tại Manila, có thể làm sứt mẻ tình hữu nghị giữa hai nước Trung-Phi.

Dân biểu Philippines Gary Alejano viết trên Facebook rằng một tàu của Trung Quốc cắm một lá cờ cao 3 mét trên đảo Sandy Cay (Việt Nam gọi là đá Tri Lễ – Theo Nghiên Cứu Biển Đông), một bãi cát nằm trong khu vực do Philippines kiểm soát trên Quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, trong hoặc trước tuần lễ thứ ba của tháng 7. Các tàu hải quân và tuần duyên Trung Quốc đã tiến đến gần khu vực này vào ngày 12/8, ông Alejano cho biết thêm.

Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

Các hình ảnh do Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ – CSIS thu thập được cho thấy 9 tàu đánh cá và 2 tàu hải quân hoặc tàu chấp pháp của Trung Quốc ngày 13/8 có đi qua khu vực gần đảo Thị Tứ ở quần đảo Trường Sa, nơi có hơn 100 thường dân Philippin sinh sống.

Ông Euan Graham, Giám đốc An ninh Quốc tế của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney cho biết: “Đây có thể là một phép thử đối với chính phủ Philippines, tìm kiếm phản ứng của Manila, những gì họ có thể thu thập được và cũng để xem có bao nhiêu phản hồi trong hệ thống chính trị Philippines, nhưng cho đến nay có rất ít phản hồi.”

Ông Graham nói: “Về mặt hoạt động, có thể nói cửa đã mở cho Trung Quốc nếu họ muốn thực hiện bước tiếp theo. Trung Quốc có thể thiết lập một vùng ‘phong tỏa mềm’ trên đảo Sandy Cay và cuối cùng là đặt các cấu trúc lên đó.”

Philippines không hành động

Truyền thông Philippines hôm 22/8 cho biết Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng ông không thấy lý do gì để bảo vệ Sandy Cay trừ phi Trung Quốc xâm chiếm hòn đảo này. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của nước này cùng ngày tuyên bố rằng Trung Quốc không chiếm đảo Sandy Cay, nằm cách đảo Thi Tứ 22 km và nơi được miêu tả là có các bãi cát, và bộ Ngoại giao của Philippines sẽ không từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào.

Tuy nhiên, ông Antonio Carpio, một quan chức cấp cao của Toà án Tối cao ở Philippines đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc xâm lược. Ý kiến của ông phần nào đã thúc đẩy phản ứng của các quan chức chính phủ Philippines.

Các nhà phân tích nhận thấy rằng các chính trị gia Philippines đang vất vả trong việc đưa ra một phản ứng vừa làm hài lòng sự hoài nghi của công chúng về Trung Quốc, vừa duy trì tình hữu nghị với Bắc Kinh.

Ông Eduardo Araral, phó giáo sư thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore về chính sách công cho biết bây giờ Trung Quốc có thể rút lui và Philippines có thể triệu hồi đại sứ Trung Quốc để thảo luận.

Ông Araral nói không rõ liệu các hoạt động của Trung Quốc gần đảo Sandy Cay do chính quyền trung ương Trung Quốc hay do một “quan chức” địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, các học giả cho rằng việc thiếu sự phản đối chính thức đối với hoạt động của Trung Quốc ở đảo Sandy Cay có thể cuối cùng tạo điều kiện cho Trung Quốc tuyên bố hòn đảo là của họ và hạn chế không cho Philippine tiếp cận.

Trung Quốc có thể sẽ đặt các công trình lên đảo Sandy Cay, ông Graham nói. Trung Quốc đã lắp đặt cơ sở hạ tầng phục vụ cho máy bay chiến đấu trên các đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa, gồm đá Chữ Thập (Fiery Cross), đá Vành Khăn (Mischief Reef) và đá Subi (Subi Reef.)

Trung Quốc điều tàu chiến đến bãi Sandy nhưng Philippines nói ‘không có xâm lược’

0
VOA

Trung Quốc vừa mới triển khai tàu hải quân và tàu tuần duyên đến một chuỗi bãi cát không người ở trên Biển Đông giữa những quan ngại rằng Philippines đang xây dựng công trình trên đảo nhưng Manila đã nhanh chóng nói rằng đây không phải là hành động xâm phạm lãnh thổ, AP đưa tin.

Hai quan chức an ninh cấp cao của Philippines nói với AP rằng ba chiếc tàu hải quân Trung Quốc, một tàu tuần duyên và 10 chiếc tàu cá đã bắt đầu theo dõi động tĩnh trên bãi Sandy hôm 10/8 sau khi một nhóm ngư dân Philippines được phát hiện có mặt trên đảo. Các ngư dân Philippines sau đó rời đi nhưng các tàu của Trung Quốc thì vẫn ở lại.

Hai quan chức an ninh nói với điều kiện ẩn danh do chỉ có Bộ Ngoại giao mới được phép bình luận công khai về những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Philippines đã từ chối tiết lộ những gì đang xảy ra ở bãi Sandy. Một quan chức ngoại giao cấp cao của Philippines giấu tên nói với AP rằng Trung Quốc “quan ngại rằng chúng tôi đang xây dựng công trình” trên đảo. Nhà ngoại giao này cũng cho biết hai nước đang bí mật đàm phán để giải quyết vấn đề trong những ngày qua.

Bãi cát gần nhất chỉ cách đảo Thị Tứ, hòn đảo mà phía Philippines đang chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa và họ gọi là Pagasa, khoảng 4,6 km. Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc gần Thị Tứ đã làm dấy lên quan ngại ở Manila.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nói với các phóng viên hôm thứ Ba ngày 22/8 rằng vụ việc đã được giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Ông cũng không cho rằng Trung Quốc đã ‘xâm lược” bãi Sandy.

“Tôi đảm bảo với quý vị rằng không còn vấn đề gì ở khu vực đó nữa,” ông Cayetanonói nhưng không đi vào chi tiết. “Tuy nhiên nói có âm mưu chiếm hay xâm lược đảo là không đúng”.

Quan hệ nồng ấm hơn giữa Bắc Kinh và Manila dưới thời Tổng thống Duterte giúp hai nước giải quyết bất đồng tốt hơn. “Nếu quan hệ của chúng tôi với các nước láng giềng không tốt như thế thì tình hình trên Biển Tây (tức Biển Đông theo cách gọi của Philippines) sẽ xấu hơn rất nhiều,” ông nói thêm.

Tổng thống Duterte nói với các phóng viên hôm thứ Hai ngày 21/8 rằng Đại sứ Trung Quốc tại Manila, ông Triệu Kiến Hoa, cũng như Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cam đoan với ông rằng Bắc Kinh không có kế hoạch chiếm giữ hay xây dựng công trình trên bãi Sandy.

“Họ không xâm lược,” Tổng thống Duterte được kênh truyền hình ABS-CBN dẫn lời nói. “Họ chỉ có mặt ở đó chứ họ không đòi sở hữu cái gì cả.”

Ông cũng nói rằng ông sẽ tiếp tục ‘tin tưởng’ Trung Quốc nếu nước này không vi phạm thỏa thuận với Manila vốn cho phép ngư dân Philippines được đánh bắt trên Biển Đông và nếu Trung Quốc kiềm chế không xây dựng bất cứ công trình gì trên các thực thể mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên ông cũng nói rằng nếu Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận thì ông sẽ đương đầu với họ nhưng ông sẽ không viện đến Hiệp định tương trợ phòng vệ (MDT) giữa Philippines với Mỹ. Theo hiệp định này thì Washington sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp nước này bị tấn công.

“Tôi sẽ không gọi người Mỹ đâu. Tôi đã mất lòng tin vào người Mỹ,” ông Duterte được dẫn lời nói.

TQ: Sẽ xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ

0
VOA

Gần đây Tổng thống Donald Trump ra quyết định bắt đầu điều tra liên quan đến những lo ngại về các thức tiếp cận thị trường của Trung Quốc và việc đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, thông qua việc đánh cắp dữ liệu trên mạng điện toán, hay ra luật định buộc các công ty phải giao nộp bí mật thương mại. Quyết định này của ông Trump đã bị Bắc Kinh cảnh báo rằng có khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại.

Trong nhiều năm, hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và ban hành các chính sách liên quan đến việc tiếp cận thị trường ở Trung Quốc đã trở thành mối quan ngại, không chỉ đối với Hoa Kỳ, mà còn cho các công ty nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc.

Ông Robert Atkinson, Chủ tịch của Qũy Sáng tạo và Công nghệ Thông tin có trụ sở ở Washington nói: “Rõ ràng là ở nhiều nơi, chính sách của Trung Quốc đang vi phạm tinh thần, nếu không nói là, qui chế của WTO … và chính phủ Trung Quốc đã không cho thấy bất kỳ dấu hiệu từ bỏ hoặc thay đổi hành vi của họ.”

Các quan chức chính quyền Trump ước tính hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ có thể gây tổn thất cho Mỹ đến 600 tỷ đôla. Nhưng khi tính luôn cả Châu Âu và các nước khác, thì tổn thất thậm chí còn lớn hơn, ông Atkinson cho biết thêm.

Và mặc dù vẫn còn quá sớm để cho biết cuộc điều tra sẽ diễn ra như thế nào, nhưng công bố của ông Trump đã làm Bắc Kinh nổi giận. Các cơ quan truyền thông Trung Quốc cảnh báo về một cuộc chiến tranh thương mại do cuộc điều tra này khơi mào. Chính quyền Trung Quốc đã cam kết thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để bảo vệ các quyền và lợi ích của họ nếu cần.

Hôm 22/8, một tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc đã gọi động thái khởi động cuộc điều tra theo điều khoản 301 là “vô trách nhiệm”, cho rằng quyết định này gửi đi một tín hiệu sai lệch cho thế giới.

Một tuyên bố của một phát ngôn viên không nêu tên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trên mạng nói: “Việc Hoa Kỳ không tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới – TWO và việc sử dụng luật trong nước để khởi đầu một cuộc điều tra thương mại chống lại Trung Quốc là vô trách nhiệm và những lời chỉ trích của Mỹ đối với Trung Quốc là không khách quan.”

Các nhà phân tích nói rằng cuộc điều tra cũng có thể được sử dụng làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hoặc Hoa Kỳ có thể tham gia cùng với các nước có cùng tư tưởng khác trong việc cố gắng giải quyết những hạn chế về thị trường của Trung Quốc.

Ông Liao Qun, Kinh tế gia trưởng của CITIC Bank International cho biết, trong khi phải mất một thời gian để xem kết quả của cuộc điều tra và tác động của nó đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ, ông nghĩ rằng động thái này có thể sẽ thất bại.

Ông Liao nói: “Điều này (việc sử dụng Mục 301) là điều gây tranh cãi, thậm chí ở Hoa Kỳ, và chính quyền của ông Trump đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều chính sách của ông đã bị chặn hoặc đảo lộn.”

Bắc Kinh dường như đã áp dụng một số bước để hạn chế tác động tiềm tàng của bất kỳ hành động nào mà Hoa Kỳ có thể thực hiện.

Gần đây, Trung Quốc ra tuyên bố cắt giảm danh sách các khu vực cấm đầu tư. Danh sách đó rút ngắn bớt, nhưng nhiều rào cản vẫn còn.

Tất cả cùng thắng thì đất nước mới thắng được.

0

Báo chí loan tin VN vừa cho xuất bản một bộ Lịch sử, theo đó cụm từ “Việt Nam Cộng Hòa” được thay thế cho tiếng “ngụy”. Nhiều người đã lên tiếng trên các trang báo, đài radio, clip video… trong và ngoài nước, bình luận về việc này. Có bạn đọc hỏi ý kiến của tôi ra sao ?.

Dĩ nhiên ý kiến thì chắc là có. Nhưng theo tôi, có ý kiến lúc này là quá sớm. Bởi vì mình phải đọc xong tập sách đó cái đã. Mình phải biết các tác giả viết như thế nào. Chớ bây giờ mình có ý kiến “trên những ý kiến của kẻ khác”, thì vấn đề lại trở thành việc “phê bình ý kiến của người khác”.

Việc này có thể tôi sẽ làm, nếu thấy cần thiết.

Từ hai thập niên qua, ngoài công việc nghiên cứu để thành hình tập sách tài liệu “Biên giới Việt Nam 1885-2000 Lịch sử thành hình và những tranh chấp” (đã xuất bản năm 2005), tôi cũng đồng thời nghiên cứu về lịch sử và pháp lý nhằm xây dựng một “lý thuyết” của riêng cá nhân tôi, nhằm giúp một nhà nước VN (hiện tại hay tương lai), nền tảng lý luận để tranh biện, hay kiện TQ trước một trọng tài quốc tế.

Nền tảng của lý thuyết của tôi có 2 phần: 1/ Etat partiel (quốc gia chưa hoàn tất) và 2/ Kế thừa VNCH thông qua quá trình “hòa giải quốc gia”.

Nhiều bài viết của tôi đã công bố (khoảng trên 10 năm trước). Những người có theo dõi thì cũng biết việc này.

Hôm nay tôi chỉ đăng lại một bài ngắn của tôi hồi đầu năm, nói về tinh thần trọng luật và hòa giải quốc gia.

Khó khăn của người VN, trong vấn đề xây dựng một đất nước giàu mạnh, tôi có (nói đi nói lại nhiều lần), thứ nhứt là làm thế nào cho mọi người có ý thức “trọng luật”.

Trong xã hội mà mọi người đều thượng tôn pháp luật thì sẽ không có (hay có mà ít đi) nạn kẹt xe, nạn tham nhũng, các tệ nạn cường hào ác bá… Xã hội trọng luật là xã hội trong đó mọi thành tố “quan hệ” với nhau bằng “luật”, chớ không phải bằng “tình cảm” hay bằng “sức mạnh”. Trong xã hội dĩ nhiên ai cũng có những “quyền” của mình. Vấn đề là “quyền” phải luôn đi kèm với “trách nhiệm”. Đối với những lãnh đạo, những người nắm “quyền hành” trong tay, thì những thứ như “bổn phận” và “trách nhiệm” không còn là “ý thức” như đòi hỏi ở hạng dân dã, mà phải là điều ràng buộc (bằng luật).

Điều thứ hai là tinh thần hòa giải.

Nhiều người đã nói về “hòa giải” như “hòa giải hòa hợp dân tộc”, hoặc “hòa hợp hòa giải dân tộc”, theo tôi, tất cả đều đã giải thích một cách mù mờ, trừu tượng (theo cái cách của mình). Đã gần ½ thế kỷ mà lời kêu gọi “đoàn kết” “hòa hợp hòa giải dân tộc” vẫn còn vang vang. Trong khi trên thực tế thì dân tộc VN chia rẻ hơn bao giờ hết. Tức là những lời kêu gọi kiểu đó, thực ra là những lời không thực. Càng nói thì người ta càng không tin.

Theo tôi, “hòa giải” cần phải được giải thích với những cách khác.
Tôi quan niệm việc “hòa giải” như là một cuộc thương lượng mua bán, cả hai cùng thắng “win-win”, chớ không phải tranh luận trên tinh thần “được-thua”, “thắng-bại”, “địch-ta”, tao sống mầy phải chết, tao được mầy mất, tao thắng mầy phải thua, tao là chánh nghĩa mầy là gian tà…

Hòa giải gì mà có những bản nhạc đến hôm nay vẫn còn bị “cầm tù”, không được hát, mặc dầu trong dân chúng mọi người đều hát ?

Hòa giải gì mà đến bây giờ vẫn còn “cố thủ” trong lô cốt “chống Pháp”, hay trong bộ áo “tôn giáo”, để ngăn cấm, để kết tội người này là “theo đạo”, “là làm tay sai cho Pháp”?…

Nếu trở lại thời kỳ đó, trước khi Pháp đánh Đà Nẵng và chiếm các tỉnh Nam kỳ. Ta thấy những người VN theo đạo, từ nam chí bắc, đã là nạn nhân của những vụ thảm sát, mà hôm nay ta gọi là “tội ác diệt chủng”, “tội ác chống nhân loại”. Những người theo đạo phải trốn chui, trốn nhũi, hay tụ tập lại thành từng làng để tự bảo vệ. Nhà nước (tức triều Nguyễn) thời đó thay vì can thiệp để bảo vệ thần dân của mình, lại còn có những “chánh sách” ác độc là khuyến khích cho việc tàn sát người theo đạo.

Thái độ của những người theo đạo sẽ ra sao để tự bảo vệ ?

Dĩ nhiên là họ sẽ cầu cứu đến những đạo quân của Pháp, của Tây ban nha…

Đến khi Pháp đem quân đánh Nam kỳ, nếu có đọc lịch sử nhiều chiều thì ta thấy rằng mục đích của quân Pháp không hề nhằm giúp những người theo đạo kia, mà để tìm nơi dưỡng quân, thuận đường cho việc “phân liệt” đế quốc Trung Hoa.

Những người VN theo đạo cảm thấy quân Pháp (và Tây ban nha) là những bậc “cứu tinh”. Còn triều đình và dân chúng thì coi những người này làm “tay sai cho giặc”.

Trong khi, nếu xét tới thái độ của dân chúng bắc hà thời kỳ Pháp đánh Bắc kỳ (thời Tự Đức). Ta thấy rằng khi quân Pháp đánh thành Hà Nội thì dân chúng kéo đến coi như hội. Chỉ một nhúm quân Pháp mà hạ được thành Hà Nội, có cả ngàn quân binh.

Quân Pháp thắng, không phải vì quân lính tinh nhuệ, mà vì sự thờ ơ của dân chúng. Người dân bắc hà coi chuyện Pháp chiếm đất nước là “chuyện của triều đình”, không mắc mớ gì tới họ.

Thái độ của dân bắc hà có đáng trách bằng dân theo đạo ở nam hà hay không ?.

Câu trả lời là lịch sử luôn là những bài học. Thất bại thì đó là cái gương cần nên tránh. Nếu thành công thì đó là điều cần noi theo. Nói đến lịch sử là nói đến “chân lý”, sự thật. Thái độ nói thật, có trách nhiệm về sự thật, là một thái độ “hòa giải” với quá khứ.

Trường hợp hôm nay, khi nói TBT phải là “người bắc, biết lý luận” thì mặc nhiên cho rằng người ở các miền khác là “không biết lý luận”.

Vậy thì còn nói chuyện gì để đáng nói nữa ? ngoài việc làm cho người ta (mất thời giờ) chứng minh rằng dân bắc kỳ không hề ưu việt hơn dân các miền khác?

Hệ quả làm cho mọi người (miền khác) buông tay, bỏ mặc cho dân bắc kỳ muốn làm gì thì làm.

Vấn đề “quốc gia” là cái “nhà chung”. Dầu muốn dầu không mọi người ở trong đó đều có cùng một định mạng, cùng chia sẻ một nỗi vinh nhục. Hiện tượng “bắc kỳ ưu việt” đã làm cho các thành phần dân tộc khác thờ ơ, thậm chí quay lưng lại với đất nước mình.

Người bây giờ còn bị phân biệt như vậy, người trăm năm trước cũng còn phân biệt như vậy, huống chi số phận những người lính “ngụy”.

Họ sống là ngụy thì họ chết cũng là ngụy.

Theo tôi, lãnh đạo CSVN cần phải có thái độ khác. Tất cả cùng thắng thì đất nước mới thắng được.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Séc dẫn độ nghi phạm Việt sang Đức

23/08/2017

TAZ

Sau vụ bắt cóc một người Việt Nam ở Bá-linh: Tiệp dẫn độ một nghi can

Hùng Hà chuyển ngữ

23-8-2017

Trịnh Xuân Thanh khi còn ở Đức. Ảnh: internet

Tiệp dẫn độ một người Việt Nam sang Đức. Người đàn ông này dường như đã tham gia vào một vụ bắt cóc đình đám ở Tiergarten, Bá-linh.

Praha dpa | Sau vụ bắt cóc đình đám một thương gia Việt Nam ở Bá-linh, Tiệp đã dẫn độ một kẻ bị cáo buộc đồng phạm đến Đức. Toà Sơ thẩm ở Praha dã chuẩn y việc này dựa trên một lệnh bắt giam cấp châu Âu, một phát ngôn viên đã cho biết vào ngày thứ Tư và qua đó xác nhận một bài tường thuật của Thông tấn xã CTK. Theo đó, việc bàn giao phải được thực hiện trong ngày hôm nay.

Người Việt Nam cư trú ở Tiệp này đã bị bắt giữ vào ngày 12.08. Người này bị cáo buộc về những hoạt động mật vụ gián điệp trên lãnh thổ CHLB Đức và có nguy cơ bị án tù nhiều năm.

Người này có lẽ đã tham gia vào vụ bắt cóc thương gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh. Vào ngày 23.07., ông này rõ ràng bị lôi lên một chiếc xe hơi ở Bá-linh và bị mang về Hà Nội.

Chính quyền Liên bang Đức cho rằng Việt Nam đã đứng sau vụ bắt cóc cựu quan chức của đảng Cộng sản này. Ở nguyên quán, ông Thanh bị cáo buộc cho việc thất thoát ở mức hàng triệu trong một công ty con của Tập đoàn dầu khí nhà nước. Trong trường hợp xấu nhất người này có thể bị án tử hình. Ông ta đã nộp đơn xin tỵ nạn tại Đức.

_____

Vietinfo

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Séc dẫn độ nghi phạm Việt sang Đức

23-8-2017

Văn phòng bị cảnh sát khám xét ngày 17/8/2017. Ảnh: Vietinfo.eu.

Như Vietinfo.eu đã đưa tin, ông Nguyễn Hải Long 46 tuổi, nghi phạm tham gia và tiếp tay vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức ngày 23/7/2017 đã bị cảnh sát Séc bắt ngày 12/8/2017. Và ngày 17/8/2017, cảnh sát Séc đã tiến hành khám xét văn phòng chuyển đổi tiền Quang Minh tại chợ Sapa Praha do ông đứng tên. Nay phía Séc đã dẫn độ đương sự về Đức để tiếp tục điều tra.

Ngày 20/7/2017, ông Long mượn xe Multivan VW (Volkswagen) biển số 2AB-3140 của văn phòng Hiếu Bùi trong chợ Sapa Praha. Theo cảnh sát, chiếc xe này đã chở các nhân viên an ninh Việt Nam tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức ngày 23/7/2017. Sau khi bắt cóc xe đã chở Thanh vào Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và sau đó chở Trịnh Xuân Thanh về Séc. Trịnh Xuân Thanh đã được các nhân viên an ninh áp tải về Việt Nam trên cáng cứu thương vào máy bay.

Cũng trong ngày 17/8/2017 từ 10 giờ đến 15 giờ, hầu như không nghỉ, 6 điều tra viên của Séc và 3 của Đức thay nhau hỏi cung vụ việc liên quan. Ngày 27/7/2017 chiếc xe đã có mặt trong chợ Sapa Praha và cảnh sát tạm giữ xe 2 tháng tại Đức cho việc điều tra.

Theo thông tấn xã Séc ČTK, công dân Việt Nam 46 tuổi bị Cộng hòa Séc dẫn độ sang Đức, vì bị cảnh sát hình sự Đức cho rằng đã cùng với những người khác dính líu vào “hoạt động gián điệp nước ngoài chống CHLB Đức”. Theo chỉ thị của nhà nước Việt Nam đã tham gia bắt cóc hai công dân Việt Nam. Người Việt này đồng ý với việc dẫn độ nên quyết định đã có hiệu lực pháp lý thực thi.

Nguồn tin cậy biết rõ sự việc và đã tiết lộ với phóng viên hãng thông tấn nhà nước ČTK, rằng công dân Việt Nam tại Cộng hòa Séc định cư này phải đương đầu với án tù đến mười năm. Phát ngôn viên Tòa án Thành phố Praha Markéta Puci hôm 23 tháng Tám 2017 cũng khẳng định, là tòa án đã quyết định thỏa mãn đề nghị dẫn độ này của phía Đức.

ČTK nêu chi tiết, là cảnh sát hình sự Đức tin rằng người đàn ông Việt Nam 46 tuổi này từ ngày 20/7/2017 tại Praha và Berlin đã cùng với những người khác tham dự vào “hoạt động gián điệp của tình báo nước ngoài chống lại CHLB Đức”. Và ba ngày sau đó tại Berlin “đã cố tình tiếp tay cho hành vi bất hợp pháp ở cấp độ quốc tế”, bằng cách theo lệnh của gián điệp nhà nước Việt Nam tham gia bắt cóc hai công dân Việt Nam.

Ngày 11/8/2017 Tổng Công tố Tối cao LB Đức đã phát lệnh bắt châu Âu đối với người Việt Nam này và một ngày sau đó đối tượng đã bị cảnh sát Cộng hòa Séc bắt giữ. Thời điểm đó, đối tượng từ chối thể hiện quan điểm về sự việc, khi ông ta bị Đức cáo buộc tội trạng. Viện Công tố Praha sau đó đưa đề nghị dẫn độ và tòa án đã quyết định ngày 15 tháng Tám. “Chúng tôi đã quyết định trên cơ sở lệnh bắt châu Âu và đề nghị của công tố viên. Đối tượng đồng ý với việc dẫn độ, và vì thế quyết định đã có hiệu lực pháp lý”, nữ phát ngôn viên Tòa án Thành phố Praha Markéta Puci cho biết.

Theo luật về hợp tác tư pháp quốc tế trong thủ tục tố tụng hình sự, việc dẫn độ phải thực hiện chậm nhất trong vòng mười ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực pháp lý. Cho tới nay, tòa án Praha vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan cảnh sát, xem liệu đối tượng đã được dẫn độ hay chưa. Ngày 22/8/2017 bộ Tổng chỉ huy cảnh sát quốc gia CH Séc từ chối bình luận về sự việc này.

Trong khi đó trên mạng đang thêu dệt thêm nhiều tình tiết liên quan đến vụ này. Ví dụ như việc mượn xe và thuê người lái là do cậu ruột của Long chỉ đạo từ xa. Đó là ông Đào Quốc Oai, em trai ông Đào Quang Trịnh, Lãnh sự danh dự của Séc tại Hải Phòng. Nguyễn Hải Long mượn xe nhưng không lái mà bàn giao cho nhóm an ninh của Việt Nam. Các nhân viên an ninh không biết do cố tình hay bất cẩn nên không tắt định vị lịch trình xe đi nên vụ việc sau này bị bại lộ. Việc bắt cóc này không chỉ bên an ninh thuộc ĐSQ Việt Nam tại Đức tham gia, mà nhiểu tổ chức và cá nhân khác tại Séc cùng cộng tác.

Tại một khách sạn gần nơi xảy ra vụ bắt cóc, từ camera an ninh người ta còn thấy hình ảnh người đàn ông giống như ông Oai cùng nhân viên an ninh thuộc ĐSQ Việt Nam đã bị trục xuất khỏi Đức. 

Trịnh Xuân Thanh được áp tải về Việt Nam bằng chuyến bay đặc biệt từ Praha và các điệp viên an ninh đi cùng. Thậm chí một cổ đông của chợ nọ tại Praha cũng tham gia. Đêm 30/7/2017 và sau đó là ngày 12/8/2017, tại Hải Phòng đã tổ chức tiệc lớn “ăn mừng thắng lợi”. Còn Trịnh Xuân Thanh hiện nay đã và đang được “tẩy não” như xác không hồn….

Hiện nay phía Đức từng bước gây áp lực mạnh kinh tế và chính trị với Việt Nam. Phía Việt Nam mặc dù vẫn không công nhận bắt cóc, nhưng cũng đã ngỏ lời đàm phán với Đức về vấn đề này và bang giao giữa hai nước.  Phía Việt Nam cũng không muốn mất một đồng minh chiến lược là Đức và EU. Hơn nữa, hội nghị thượng đỉnh APEC sắp đến gần và Việt Nam không muốn là nước được coi không tôn trọng luật chơi, do đó phải tìm cách giải quyết vướng mắc này càng nhanh càng tốt.

Câu hỏi cũng cần đặt ra là nếu toà chứng minh nghi phạm Nguyễn Hải Long vô can (vô tội) thì bên nào sẽ trả tiền bồi thường cho đương sự trong thời gian bị giam giữ và gián đoạn kinh doanh – Đức hay Séc?

Chúng ta chờ xem vở kịch Việt – Đức tiếp tục các màn nóng tiếp theo.

Lại là bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến!

Song Chi

+Bài viết cho blog RFA.

Hóa ra trong xã hội này ác nhất chưa chắc đã là đám công an, mặc dù bọn này chuyên bóp nặn, xách nhiễu dân lành và sẵn sàng bạo hành dân tới chết chỉ vì những lỗi vi phạm giao thông nhỏ nhặt hay những vụ việc mà bằng chứng chưa rõ ràng, ngay trong lúc mới tạm giữ để điều tra. “Thành tích” của bọn này còn thua xa một mình chị Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nước nhà. Dưới thời của chị, đã từng xảy ra bao nhiêu scandal rúng động về nghiệp vụ lẫn y đức của ngành y, bao nhiêu cái chết oan do sai sót về chuyên môn hoặc do cẩu thả, tắc trách của bác sĩ, nhân viên y tế…

Thời điểm “nóng” nhất là năm 2013. Thử đọc lại: “Những bê bối y tế rúng động dư luận 2013”, (Báo Mới) với những vụ nổi cộm như bệnh nhân phong bị ăn bớt thuốc điều trị và bị “ép” ăn thịt sống, Trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin, Nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Sản phụ liên tục tử vong, Nhân viên y tế bị “tố” ăn bớt vắc xin, Vụ tráo thủy tinh thể tại BV Mắt…cho tới vụ Bác sĩ thẩm mỹ ném xác bệnh nhân; “Những khối u đang hoành hành trong cơ thể ngành y?” (Đời sống và Pháp luật), “Ngành Y nhà Sản thời mạt” (blog RFA), “Duyệt lại “Thành tích chết người” của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến” (Dân làm báo) trong đó “Năm 2014, dưới cái “ngai bằng vàng” của bà Tiến đã liên tục xảy ra ít nhất 203 ca tử vong, trong đó nhiều nhất là 142 ca liên quan tới Sởi và 34 ca liên quan tới mẹ, con sản phụ tử vong sau khi sinh…”

Người dân phẫn nộ nhất là cách xử lý của bà Bộ trưởng và các quan chức ngành Y trong những vụ như dịch “tay chân miệng” tràn lan tại 63 địa phương trên cả nước vào năm 2011, 20 tỉnh, thành có ca bệnh tử vong với con số 119 người, nhưng tại buổi gặp mặt giữa Bộ Y tế và báo chí, bà Bộ trưởng vẫn tuyên bố “chưa đến mức phải công bố dịch”; hay hàng loạt sản phụ tử vong rồi trẻ em tử vong vì tiêm vaccine nhưng bà Bộ trưởng với trách nhiệm của người đứng đầu ngành không hề có một lời chia sẻ với gia đình các bệnh nhân, hoặc ngỏ lời xin lỗi…

Đáng nói hơn, báo chí đã lên tiếng nhiều lần về vụ hàng loạt trẻ em chết vì tiêm vaccine, nhất là vaccine Quinvaxem 5 trong 1, nhưng cho đến nay loại vaccine này vẫn tiếp tục được sử dụng, đến tận đầu năm nay vẫn có những cái chết do tiêm vaccine: “Bình Định: Trẻ 19 ngày tuổi tử vong bất thường sau tiêm vắc xin phòng lao”, Dân Trí, tháng 2.2017), Sóc Trăng “Bé trai tử vong sau một ngày tiêm vắc xin”, (Zing.vn, tháng 2.2017). Hà Nội “Bé gái 14 tháng tử vong sau tiêm vắc xin viêm não” (VietnamNet, tháng 3.2017)…

Từng có hẳn một Fanpage có tên “Bộ trưởng y tế hãy từ chức” với trên 112, 000 like, nhiều bài viết, sự lên tiếng của một số nhân vật như nhạc sĩ Tuấn Khanh, người dẫn chương trình Phan Anh, đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết…; rồi chính tờ Petro Times, báo nhà nước cũng có bài “Bộ trưởng Bộ Y tế nên từ chức”, năm 2013. Trong lịch sử báo chí cộng sản Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên một tờ báo lên tiếng kêu gọi bộ trưởng từ chức. Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn nhất định ngồi lì “Tôi không nghĩ đến từ chức ngay”. Không những thế, bà Tiến còn tiếp tục được đảng cử ngồi lại thêm một nhiệm kỳ nữa (2011-2016, 2016-2021), là thành viên Chính phủ duy nhất tiếp tục tại vị khi không phải là uỷ viên Trung ương Đảng.

Ngôi biệt thự được cho là của bà Bộ trưởng Y tế tại số 177 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2, TP HCM. Nguồn: Kimteho

Bẵng đi một thời gian, cái tên của bà Bộ trưởng và những sai sót của ngành Y tạm lắng xuống, không phải vì tình hình đã có diễn biến gì khá hơn mà vì quá nhiều chuyện bê bối khác khiến dư luận quan tâm!

Nay vụ án nhập và bán thuốc ung thư giả, nguyên Giám đốc VN Pharma và hàng loạt cán bộ ra tòa, cái tên Nguyễn Thị Kim Tiến lại được nhắc tới khi báo chí “lề dân” khui ra gia đình bà Tiến là em trai và con trai có đứng tên cổ phần trong Công ty Dược VN Pharma, có nhận lương bổng hàng tháng, “ông Hùng (Tổng giám đốc VN Pharma) còn đứng ra trả tiền mua cho gia đình bà Nguyễn Thị Kim Tiến một căn biệt thự rộng 500m2 trị giá gần 60 tỉ đồng tại khu biệt thự Thảo Điền, Quận 2 (đây là ngôi biệt thự liền kề ngay sau biệt thự của nhà Bà Bộ trưởng tại số 177 Nguyễn Văn Hưởng) (Có ảnh kèm theo).” (Bài 1: “Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế liên quan đến VN Pharma”, Tiếng Dân). Chả trách công ty VN Pharma đã trúng thầu hàng loạt tại các BV trung ương và địa phương năm 2014 với những số tiền cao khủng khiếp (Bài 2: “Công ty VN Pharma trúng thầu khủng ở các bệnh viện như thế nào?”, Tiếng Dân). Nhưng ăn khủng như vậy chưa đủ, họ lại còn nhẫn tâm bán thuốc chữa ung thư giả cho bệnh nhân!

Con đường đi lên và tồn tại của bà Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giống như hầu hết các quan chức cộng sản VN lâu nay: không hề có lý tưởng cũng không hề có khái niệm vì nước vì dân, chỉ biết vơ vét làm giàu bằng mọi giá, dùng tiền đó để mua chức, giữ ghế, tạo dựng cơ sở để khi về hưu tha hồ ung dung hưởng nhàn. Không một ai trong số họ khi đã leo cao đến thế lại còn giữ được lương tâm, đạo đức, vì tiền họ sẵn sàng làm tất cả mọi điều tàn ác, bẩn thỉu nhất. Chỉ có điều đây lại là ngành Y, một cái ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống của người dân, nên một khi kẻ đứng đầu vô lương tâm thì con số người dân phải trả giá không chỉ một vài mà hàng chục, hàng trăm người hoặc hơn nữa, bằng chính sinh mạng của mình!

Liệu lần này lửa trong cái lò chống tham nhũng của ông Tổng Trọng có bén được đến áo bà Tiến?

Nữ TGĐ gốc Việt điều hành đóng hàng không mẫu hạm hiện đại nhất thế giới

0

Ngày 24/8, tại hãng đóng tàu Newport News Shipbuilding đặt ở bang Virginia, Mỹ, dự kiến diễn ra lễ khởi công đóng tàu sân bay USS Enterprise, còn gọi là CVN-80. Trước đó, hôm 21/7, Tổng thống Trump đã thực hiện nghi lễ chính thức đưa vào sử dụng tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Đồng thời, đến cuối tháng 8, quá trình đóng tàu sân bay USS Kennedy đã đạt hơn 30%.

Cả ba con tàu kể trên đều là hàng không mẫu hạm lớp Ford, lớp tàu hiện đại nhất của Mỹ và trên thế giới hiện nay.

Đáng chú ý, vị tổng giám đốc điều hành chương trình đóng tàu sân bay mới của Mỹ là một phụ nữ gốc Việt, bà Giao Phan. An Tôn của Ban Việt ngữ VOA phỏng vấn bà về chương trình này và vai trò của bà. Xin mời quý vị theo dõi.

VOA: Xin bà cho biết hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford có những đặc điểm gì nhờ đó tàu này tiên tiến hơn và mạnh hơn so với các lớp hàng không mẫu hạm trước đây?

Bà Giao Phan: Có thể nói tàu Gerald Ford, còn gọi là CVN-78, là hàng không mẫu hạm tối tân nhất trên thế giới hiện nay.

Tôi chỉ đề cập đến 5 thứ quan trọng nhất làm cho chiếc Ford này nổi bật mà chưa một quốc gia nào khác trên thế giới có thể làm được.

Thứ nhất, ngoại trừ Hoa Kỳ, chưa có một quốc gia nào trên thế giới có loại hàng không mẫu hạm có hệ thống giúp máy bay cất cánh bằng điện từ – electro-magnetic aircraft launch system, gọi tắt là EMALS; và một hệ thống hãm đà tối tân khi máy bay đáp lại – advanced arresting gears, gọi tắt là AAG.

Cả hai hệ thống này thay cho hệ thống cũ chạy bằng hơi nước, nên giúp cho việc cất cánh cũng như hạ cánh được nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Thứ hai là tàu được xây dựng theo thiết kế mới nhất chưa từng có trong vòng 40 năm qua. Chiếc Ford là hàng không mẫu hạm đầu tiên có hệ thống phát năng lượng tối cao nhất, tối tân nhất, có khả năng sản xuất một nguồn lực điện gấp 3 lần so với loại Nimitz.

Vì lý do này, các chuyên viên xây dựng chiến hạm mới có thể loại bỏ được hệ thống phát điện bằng hơi nước thường được sử dụng trong quá khứ và có chi phí bảo trì cao.

Thứ ba, để giúp tàu Ford có thể hoàn thành nhiều phi vụ trong một ngày hơn loại hàng không mẫu hạm Nimitz, hay nói cách khác là có khả năng chiến đấu vũ bão hơn các chiến hạm khác, chúng tôi có một số sáng kiến về phi đạo.

Thí dụ như thay đổi kích thước và vị trí của những khu vực trên phi đạo bằng cách cắt bớt số thang máy di chuyển máy bay, từ 4 xuống 3. Hoặc là có thang máy chuyển vận khí giới để có thể di chuyển vũ khí từ nhà kho đến khu máy bay đậu và phi đạo. Điều đó, cách di chuyển cũng làm cho nhanh hơn.

Một điều nữa chúng tôi học ở phương pháp áp dụng trong những cuộc đua xe drift car, thì tập trung mọi hoạt động tiếp vận và hỗ trợ máy bay ở ngoài phi đạo để làm sao cho máy bay được di chuyển nhanh hơn.

Thứ tư là intergrated warfare system – hệ thống tác chiến hợp nhất – bao gồm những kỹ thuật tối tân nhất. Có radar 3 chiều, 3-dimension, rồi hệ thống thông tin, rồi kiểm soát và chỉ huy để có thể nâng cao khả năng chiến đấu được hữu hiệu hơn.

Cuối cùng, một cái rất quan trọng nữa là chúng tôi không quên chăm sóc cho hàng ngàn thủy thủ làm việc ngày đêm trên chiến hạm. Nên hệ thống máy lạnh cũng tối tân được trang bị trên chiếc Ford để thủy thủ có thể có một nơi ăn ở cho thoải mái, có thể hít thở không khí trong lành mà không bị hại môi trường.

Với tất cả sự thay đổi mới mẻ này, chiến hạm Ford có thể hoạt động hữu hiệu hơn, với ít nhân lực hơn.

So với chiếc Nimitz, chúng tôi tiết kiệm được 600 người vì bảo trì và sửa chữa cũng giảm. Điều này giúp cho ngân quỹ quốc gia của Mỹ có thể tiết kiệm được khoảng 4 tỷ đôla trong vòng 50 năm là thời gian hoạt động của chiếc Ford.

Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm gồm:
  • Cơ quan lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng những hàng không mẫu hạm mới (hiện là các tàu lớp Ford)
  • Cơ quan chuyên trách bảo trì, sửa chữa những hàng không mẫu hạm đang hoạt động
  • Cơ quan về lập kế hoạch, điều hành việc bảo trì và sửa chữa khi chiến hạm đạt 25 tuổi (Theo thiết kế, hàng không mẫu hạm hoạt động 50 năm. Nhưng đạt 25 năm hoạt động, tàu được đưa vào ụ khô để thay nhiên liệu nguyên tử, sửa chữa, hiện đại tất cả máy móc và hệ thống, để tàu hoạt động thêm 25 đến 50 năm nữa)

VOA: Xin hỏi bà tổng nhân lực dự kiến trên tàu Ford là bao nhiêu nghìn người so với tàu lớp Nimitz?

Bà Giao Phan: Khoảng 4.600, tổng cộng là vừa thủy thủ lẫn air wing [đội ngũ nhân lực của các hoạt động bay].

Như chiếc Nimitz thì có khoảng 3.290 người [là thủy thủ], thì chiếc Ford chỉ có 2.600 thôi.

Rồi cái air wing, chiếc Nimitz có khoảng 2.270 người, thì chiếc Ford khoảng 1.758.

VOA: Hiện nay, không có nước nào trên thế giới có thể sánh ngang Hải quân Mỹ, và có thể trong 1 thập kỷ nữa cũng không có nước nào sánh bằng được, ngay cả khi nước Mỹ chỉ dùng các hàng không mẫu hạm lớp Nimitz. Vậy, tại sao nước Mỹ lại cần phải xây dựng lớp hàng không mẫu hạm mới?

Bà Giao Phan: Câu hỏi này hay lắm. Hàng không mẫu hạm là trọng tâm của việc tăng cường sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ trong thế kỷ tới.

Tàu Gerald Ford được xây dựng thật tối tân để đối phó những thử thách hiện nay, hay những thử thách mà chúng ta không biết trước.

Tôi cũng muốn nhắc lại Nimitz là loại được chế tạo trong thập niên 50 hay 60 [của thế kỷ trước]. Loại đó đã phục vụ tốt và có khả năng điều khiển máy bay kiểu xưa lẫn hiện nay.

Nhưng Hải quân Hoa Kỳ nhận thấy Nimitz sẽ không được cải tiến để đối phó với những thử thách đòi hỏi trong tương lai.

Có một thí dụ là mình đi mua một chiếc xe hơi cách đây 20 năm. Mình có săn sóc, bảo trì rất tốt, có hư gì thì mình sửa, nhưng mà cái xe của mình cũng là chiếc xe nghe cassette, rồi dùng loa để nghe âm thanh stereo thường thôi.

Bây giờ ai cũng muốn nghe CD, rồi dùng bluetooth để nói chuyện không cầm điện thoại xách tay, rồi muốn có máy navigation [chỉ đường trên bản đồ điện tử] thẳng trên xe mà không phải cầm bản đồ giấy như xưa.

Thì dù xe mà tốt cách mấy mình cũng phải đổi qua xe hoàn toàn mới để có những tiện nghi như vậy. Thì tàu lớp Ford cái concept [khái niệm] cũng giống như vậy.

Tổng Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, ông John Richardson, đã tuyên bố rằng “Những lợi thế Hải quân Hoa Kỳ đang có hiện nay từ Thế chiến II sẽ nhanh chóng biến mất nếu chúng ta không quyết tâm tận dụng triệt để các tiến bộ tuyệt đỉnh về kỹ thuật. Chúng ta không thể chờ 10 năm hay 15 năm sau, mà phải bắt đầu áp dụng các sáng kiến ngay từ bây giờ. Chúng ta phải có chiến hạm có nhiều khả năng về tác chiến, cần phải có hệ thống thám thính tối tân hơn, đạn dược phải bắn xa hơn, có các vũ khí, năng lượng để Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới”.

Trách nhiệm của bà Giao Phan:
  • Bảo đảm khả năng nhân viên trong cơ quan được tận dụng triệt để, các nhu cầu của họ được đầy đủ; tuyển dụng, huấn luyện, giúp đỡ tất cả nhân viên.
  • Giúp Đề đốc Antonio lãnh đạo mọi hoạt động của tất cả các giám đốc điều hành chương trình; hỗ trợ mọi công việc, từ ngân sách do giám đốc tài chính chuyển giao, cho tới giao tiếp với Quốc hội và công chúng.
  • Điều khiển mọi chương trình hoạt động, giúp đỡ các giám đốc điều hành giải quyết những công việc phức tạp.

VOA: Lớp hàng không mẫu hạm mới này sẽ có vai trò như thế nào trong việc thể hiện sức mạnh của Mỹ trên thế giới?

Bà Giao Phan: Hàng không mẫu hạm như một thành phố riêng ở ngoài biển cả. Mỗi hàng không mẫu hạm ra đi mang theo không chỉ những phản lực cơ, trực thăng, mà còn mang theo cả các bộ phận phòng bị với nó. Tàu có thể hoạt động độc lập từ hải phận quốc tế.

Hàng không mẫu hạm có thể giúp các vị tư lệnh tối cao của Hoa Kỳ có một vũ khí tuyệt đỉnh. Họ có thể ra lệnh cho nhiều phi vụ. Máy bay sẽ được phóng ra liên tục, như Hoa Kỳ đã từng làm trong cuộc chiến Iraq, khi mà chiếc CVN-75 Carl Vinson thả bom xuống Iraq.

Lúc đó, Hoa Kỳ không có nhiều căn cứ không quân ở Trung Đông, nhưng nhờ có hàng không mẫu hạm, không quân Hoa Kỳ vẫn có thể tung ra những vụ tấn công đáng kể từ những hàng không mẫu hạm.

Để biểu dương sức mạnh không quân trên thế giới mà không cần phải xin phép một quốc gia nào khác cả, không cần xin phép để hạ cánh trên lãnh thổ, hay là sử dụng không phận của quốc gia đó. Nói tóm lại, đây là một cách để phô trương quyền lực của Hoa Kỳ.

Nhưng còn một điểm nữa mà tôi muốn nói là ngoài tác chiến, còn có một nhiệm vụ khác là hỗ trợ các việc cứu nạn nhân đạo.

Chúng ta thấy gần đây các hàng không mẫu hạm đã có mặt trong việc cứu dân Haiti lênh đênh trên biển, hay cứu giúp các vùng đất bị tai họa khác.

VOA: Là Tổng Giám đốc Điều hành chương trình về hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ, xin bà cho biết trong công việc giám sát việc đóng con tàu rất vĩ đại này, có những thử thách gì lớn nhất mà bà đã trải qua? Và với thành tựu là con tàu này đã ra khơi, đã được bàn giao cho Hải quân Mỹ, bà thấy có điều gì bà hãnh diện nhất trong dự án này?

Bà Giao Phan:Tôi làm cho Program Executive Office-Aircraft Carrier, tạm dịch là Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm. Đây là một cơ quan ở trong Hải quân Hoa Kỳ.

Cơ quan của tôi đảm nhiệm tất cả các việc liên quan đến hàng không mẫu hạm, từ A tới Z. Từ lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, bảo trì, sửa chữa, tóm lại, từ đầu chí cuối.

Bà Giao Phan, Tổng Giám đốc Điều hành, Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm, Hải quân Hoa Kỳ

Bà Giao Phan, Tổng Giám đốc Điều hành, Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm, Hải quân Hoa Kỳ

Người lãnh đạo cơ quan của tôi là một vị tướng 2 sao của Hải quân là Đề đốc Brian Antonio. Tôi là vị phó của vị này, đứng vị trí thứ hai, là quan chức dân sự cao cấp nhất trong tổ chức, với chức vụ tạm dịch là Tổng Giám đốc Điều hành. Chúng tôi có ngân sách 40 tỷ đôla để điều hành.

Thử thách khó khăn nhất đối với tôi trên đoạn đường dài mấy năm qua là làm sao có thể xây được một chiến hạm tối tân nhất trên thế giới với những hệ thống công nghệ và máy móc mà vẫn giữ được trong ngân quỹ được ấn định, mà phải bàn giao cho quân đội Hoa Kỳ đúng kỳ hạn.

Hàng ngàn người làm việc với nhau trong một thời gian lâu, áp dụng các kỹ nghệ tối tân nhất để thành hình một chiếc tàu, chúng tôi phải đem ra khơi chạy thử coi máy móc chạy có đúng như mình thiết kế không. Chúng tôi rất là mừng là tàu thành công trên mọi khía cạnh.

Máy chạy tốt. Mới đây, máy bay được phóng ra và đáp lại trên tàu với dàn phóng điện từ EMALS và AAG, đem lại kết quả rất là mỹ mãn như được mong đợi.

Cho nên tôi rất hãnh diện với sự chăm chỉ, tận tụy, kiên nhẫn và bền bỉ của các nhân viên trong quân đội lẫn dân sự, từ kỹ sư cho đến người thợ xây tàu trong mấy năm qua.

Tất cả hi sinh rất nhiều về đời sống gia đình để có kết quả mỹ mãn như ngày hôm nay.

Tượng Tổng thống Ford (1913-2006) trong khoang chứa máy bay trên hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford

Tượng Tổng thống Ford (1913-2006) trong khoang chứa máy bay trên hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford

Còn riêng bản thân tôi, tôi cảm thấy rất hãnh diện và được vinh dự tham gia trong việc xây dựng hàng không mẫu hạm Gerald Ford.

Đây là một cơ hội cho tôi trả ơn Hoa Kỳ, nhất là Tổng thống Ford, vì tổng thống này đã tạo cơ hội cho gia đình chúng tôi được vào Mỹ hơn 40 năm trước đây, năm 1975 đó.

Hàng không mẫu hạm đại diện cho Hoa Kỳ, là nơi cung cấp niềm hy vọng và tạo cơ hội cho những người thiếu thốn, không có điều kiện.

Gia đình tôi qua Mỹ khi đó chỉ có vài trăm đôla trong túi. Cha mẹ tôi phải làm mọi công việc lao động để nuôi 9 người con để học hành thành tài.

Cơ duyên lại đưa đẩy cho tôi phục vụ quân đội Mỹ, lại được làm trong ngành chế tạo hàng không mẫu hạm.

Cách đây 40 năm, cha tôi và bác tôi được hàng không mẫu hạm Midway cứu qua đây.

Ngày nay cách trả ơn quý báu nhất là chiếc tàu Ford này tôi giúp để thành hình, sẽ tiếp tục tác chiến hay làm việc cứu trợ nhân đạo như ngày xưa giúp gia đình tôi. I’m very proud of that [Tôi rất tự hào về điều đó].

VOA: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời đài chúng tôi!

Tiểu sử bà Giao Phan

8/2013 đến nay: Tổng Giám đốc Điều hành, Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm, Hải quân Hoa Kỳ

11/2007-7/2013: Phó Giám đốc, Các Chương trình Mua sắm Trang thiết bị, Tuần duyên Hoa Kỳ

2006-2007: Phó Giám đốc Điều hành, Chương trình Hàng không Mẫu hạm Đang Hoạt động

2004-2006: Trợ lý Giám đốc Điều hành về đóng hàng không mẫu hạm mới thuộc lớp Nimitz

Trước đó, bà là Giám đốc chuyên trách Hàng không Mẫu hạm và Tàu Đổ bộ, thuộc Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Hải quân (chuyên trách Nghiên cứu, Phát triển và Mua sắm Trang thiết bị)

Bà từng là Giám đốc về Hệ thống Điện tử cho Chương trình Tàu ngầm Tấn công Nhanh Seawolf

Bà Giao Phan bắt đầu sự nghiệp dân sự trong Hải quân Hoa Kỳ từ năm 1984 và được khen thưởng nhiều lần

Bà có bằng cử nhân xây dựng dân dụng của Viện Bách khoa Virginia năm 1981, bằng thạc sỹ quản lý của Viện Công nghệ Florida năm 1997

Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam khiêu khích nước Đức Thổ Nhĩ Kỳ:

Hồ Trúc Bạch

Từ hơn một năm nay chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nhân quyền trầm trọng.Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan sa thải hàng trăm ngàn nhân viên, công chức, tướng lãnh, thẩm phán, giáo sư đại học, nhà báo, truyền thông, doanh nhân… quy cho họ tội hậu thuẫn phong trào đối lập, và cho bắt hàng chục ngàn người Thổ bị coi là đối lập. Mới đây Thổ Nhĩ Kỳ còn bắt cả người Đức „chính hiệu“ và người Đức gốc Thổ. Tuần trước Erdogan còn nhờ Tây Ban Nha bắt một nhà văn Đức gốc Thổ, ông Dogan Akhanli, lúc ông này đang qua Tây Ban Nha du lịch. Sau khi chính phủ Đúc cực lực phản đối, Tây Ban Nha vừa trả tự do cho ông Akhanli, ông không được phép rời Tây Ban Nha, nhưng không bị dẫn độ qua Thổ Nhĩ Kỳ như Erdogan yêu cầu.

Turkey’s President Erdogan is not a nice man. We should resist him rather than pander to him

Erdogan: ba đảng Đức CDU, SPD và đảng XANH là kẻ thù của THỔ NHỈ KỲ

Tuần trước trong một bài diễn văn đọc trước công luận, ông Erdogan ngang nhiên „thọc gậy bánh xe“ vào nội bộ nước Đức, kêu gọi các cử tri Đức gốc Thổ tẩy chay, không bầu cho ứng cử viên thuộc các đảng CDU (đảng của bà thủ tướng Merkel), đảng SPD (đảng của ngoại trưởng Sigmar Gabriel) và đảng Xanh (đảng của thủ hiến Kretschmann, tiểu bang Baden- Württemberg) trong cuộc bầu Quốc hội Liên bang tháng 9 này và gọi ba đảng này là KẺ THÙ CỦA THỔ NHĨ KỲ. Erdogan ghét cay ghét đắng ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. Hôm thứ bẩy vừa rồi, tại tỉnh Denizli TT Thổ Erdogan đã phát biểu và chỉ trích ông Gabriel với những lời lẽ thô bạo: „Ông (Gabriel) này không biết đâu là giới hạn“ và Erdogan còn lên mặt kẻ cả với ngoại trưởng Đức: „Ông là ai mà được nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ? Ông đã ở trong chính trường được bao lâu rồi? Ông bao nhiêu tuổi?“. Bà vợ ông Gabriel còn bị kẻ vô danh gọi điện thoại đe doa.

Việt Nam:

TBT Nguyễn Phú Trọng (trái) và Ngoại trưởng Đức, ông Sigmar Gabriel. Ảnh: Getty Images/ internet

Sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (TXT) bị đưa ra ánh sáng và chính phủ Đức nghiêm khắc lên án vụ “Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là sự vi phạm trắng trợn chưa từng có đối với luật pháp Đức và luật pháp quốc tế.” đồng thời gây sứt mẻ trẩm trọng cho mối quan hệ Đức-Việt. Một quan chức tình báo cao cấp làm việc trong đại sứ quán Việt Nam đã bị truc xuất, Bộ ngoại giao Đức đã triệu đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hưng đến gặp thứ trưởng ngoại giao và đòi hỏi TXT phải được trở lại Đức để đơn xin tị nạn của TXT được cứu xét đúng như thủ tục của nhà nước pháp quyền CHLB Đức. Sau đó chính ông Sigmar Gabriel, bộ trưởng ngoại giao Đức, nói: “Hành vi của mật vụ Việt Nam trên lãnh thổ Đức là hoàn toàn không chấp nhận được. Tôi muốn nói hết sức rõ ràng rằng: Chúng tôi không bao giờ chấp nhận trò ấy, và cũng sẽ chẳng để yên việc ấy. Chúng tôi sẽ không đơn giản trở về với việc hằng ngày như chẳng có gì xẩy ra.“

Thái đô của chế độ CSVN: ngồi lì cho qua chuyện và nhờ dư luận viên cãi giùm

Mặc dù chính phủ Đức yêu cầu rất rõ ràng nhưng nhà nước CộngSản Việt Nam (CSVN) vẫn lì lợm, làm thinh không trả lời các câu hỏi của chính phủ Đức mà chỉ nói bâng quơ như „tôi lấy làm tiếc về phát biểu ngày mùng 2 tháng 8 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức.” hoặc „Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì và phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức“ giống hệt như lời của dư luận viên Hồ Ngoc Thắng

Hồ Ngọc Thắng, dư luận viên của cộng sản Việt Nam nằm vùng tại Đức.

(HNT) viết trên Facebook khuyên bảo nhà cầm quyền CS Việt Nam hãy cứ trơ trẽn, ngồi lì cho qua chuyện. HNT còn khuyên thêm: “Ðừng sợ gì cả! Trước đây Pháp và Hoa Kỳ còn không đánh qụy được Việt Nam bằng bạo lực. Nay Ðức quốc và người Ðức cũng sẽ không đe dọa gì mình được.”.

Đề cập đến phó thủ tướng Đức, kiêm ngoại trưởng Sigmar Gabriel, cựu chủ tịch đảng SPD, đang làm mạnh „dọa Việt Nam ghê lắm“ HNT khuyến cáo „ Kết quả bầu cử QH Đức năm 2017 sẽ cho biết, liệu ông này có còn cơ hội để hăm dọa nữa hay không.“ (trich Facebook của HNT) ngụ ý CSVN chỉ cần kiên nhẫn, lì lợm đợi kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Đức mùa thu năm nay, mà HNT tin rằng đảng SPD sẽ mất phiếu và ông Sigmar Gabriel sẽ mất chức bộ trưởng ngọai giao. HNT hy vọng rằng người kế nhiệm ông Gabriel sẽ nhân nhượng hơn với CSVN. Một hy vọng hão huyền vì CHLB Đức là một nhà nước pháp quyền. Cho dù một HNT hay nhiều HNT đang „nằm vùng“ tại Đức tẩy chay các đảng tự do dân chủ ở Đức như CDU, SPD, Die Grünen hay FDP và dồn phiếu cho đảng Tả (Die Linke), hậu thân đảng CS Đức cũ, thì cũng chỉ là công cốc mà thôi! Có ai ở Đức ngu mà bầu cho đảng Tả (Die Linke).

CSVN hèn hơn Thổ Nhĩ Kỳ

Không giống như Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp ra mặt „gây sự“ với chính phủ Đức, chế độ CSVN hèn hơn, không dám tranh cãi, không dám nói thẳng với nhà nước Đức mà lại nhờ dư luận viên thay mặt họ chỉ trích, mạt sát chính phủ Đức. Dư luận viên Vũ Hương trong bài “Vụ Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú: Bộ ngoại giao Đức hồ đồ hay mua phiếu?” trên Tuần báo Văn nghệ TP HCM (https://tuanbaovannghetphcm.vn/vu-trinh-xuan-thanh-ve-nuoc-dau-thu-bo- ngoai-giao-duc-ho-do-hay-mua-phieu/) đã lập lại y hệt giọng điệu của HNT. Vũ Hương phỉ báng thái độ của bộ Ngoại giao Đức, cho rẳng ngoại trưởng Gabriel sở dĩ cứng rắn đối với nhà nước CSVN chẳng qua cũng chỉ vì ông muốn được phiếu của cử tri Đức gốc Việt bầu cho đảng SPD. Vũ Hương viết: „ Chỉ là Bộ Ngoại giao Đức hồ đồ, hoặc cố tình hồ đồ để mua phiếu của vài kẻ cực đoan chống Việt Nam đang có quốc tịch Đức cho cuộc bầu cử vào thời gian vài tuần tới“. Lý luân „mua phiếu“ này biểu lộ rõ ràng tệ trạng ở nước CHXHCN Việt Nam, nơi mà người ta dùng tiền bạc để mua bất cứ cái gì, mua quan bán chức, kể cả mua phiếu. Nhưng thực ra ở VN không ai cần mua phiếu, bán phiếu gì cả. Làm gì mà có bầu cử tự do ở Việt Nam, tất cả đều do „đảng ta“ quyết định cả!

Frankfurt, 21.08.2017 Hồ Trúc Bạch

Cứ sống và làm việc theo lương tâm và lý tưởng mách bảo!

Đọc chia sẻ này của luật sư Võ An Đôn, tôi xúc động thật sự. Tuy nhiên, cần nói rõ một điều, không phải luật sư nào giàu có cũng đều chạy án. Tôi biết nhiều đồng nghiệp của tôi ngày xưa dứt khoát không thỏa hiệp với chạy án, nhưng họ vẫn sống sung túc và đàng hoàng.

Như tôi, trước khi vào tù, tôi rất giàu có về tiền bạc và, quan trọng hơn, đạt được kỹ năng hành nghề không phải ai cũng có thể so sánh. Tất nhiên, tôi không cần chạy án hay quan hệ với giới cầm quyền để thụ đắc như vậy.

Đối với giới luật sư lúc ấy, một cách ngang tàng, tôi chỉ nhìn xuống, còn nhìn ngang mình chỉ vài luật sư xứng đáng để gọi là đồng nghiệp, bởi họ vừa có thể sống sung túc, vừa không cần chạy án. Tôi từng kính trọng những đồng nghiệp đó.

Tôi chỉ khác họ ở chỗ, lương tâm tôi thúc bách mình phải làm điều gì đó cho dân nghèo thấp cổ bé họng, mà công lý luôn xa rời khỏi tầm tay. Nên cuối cùng tôi chọn con đường mà ngày nay luật sư Võ An Đôn đang bước đi và tôi mất hết. Bởi lẽ đó, giờ đây tôi ngước nhìn lên và cảm phục luật sư Võ An Đôn, hơn cả sự kính trọng dành cho các đồng nghiệp trước kia.

Sau khi ra tù, tôi không còn bao nhiêu tài sản và tiền bạc, nhưng lòng tôi thanh thản hơn bao giờ. Tôi đang sống ung dung tự tại, chẳng lo sợ mất mát điều gì như trước đây. Vòng lẩn quẩn tiền tài và sự nghiệp dễ làm người ta cân đong đo đếm khi quyết định dấn thân hoặc chia sẻ nỗi đau của đồng loại.

Nay tôi nghèo thật, nhưng không nề hà việc giúp đỡ anh em tranh đấu gặp khó khăn, bởi cuộc sống lao tù giúp tôi hiểu ra rằng cho đi tức là nhận lại. Nhờ vậy bây giờ tôi lại sống giàu có hơn bao giờ hết, đặt lưng xuống lập tức ngủ ngon không mộng mị.

Những luật sư Việt Nam tôi ngưỡng mộ trước đây về kỹ năng hành nghề giờ được thay thế bằng các luật sư dấn thân giúp người nghèo thấp cổ bé họng. Họ có thể không giàu tiền bạc, nhưng giàu lòng nhân ái và lý tưởng quyền con người, như luật sư Võ An Đôn và các anh em luật sư khác. Tuy họ không đông, nhưng tôi cảm phục và thần tượng họ, bởi các đồng nghiệp đó đã và đang thay tôi làm nhiều điều hơn tôi ngày xưa gấp nhiều lần. Tôi xin mạo muội tự gọi mình là đồng nghiệp của họ.

Anh Võ An Đôn, ai nghĩ gì về anh, hãy mặc kệ. Cứ sống và làm việc theo lương tâm và lý tưởng mách bảo! Tiền bạc nói lên điều gì đâu?

Sự sợ hãi vĩ đại

1

Le Dung

Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ 18 đã để lại một tiền lệ cho loài người và một hệ lụy vô cùng to lớn trong lịch sử nước Pháp, đó là sự “vùng lên” của giới cần lao, “truy nã” giới quý tộc, đốt cháy chứng từ khế ước, đập bỏ lâu đài và “tàn tích” phong kiến, bức hại sự uy nghi của một đất nước mà đại diện là nhà vua đến bước đường cùng, xé tan bức màn đáng kính của tôn giáo bằng cách bắt bớ thảm sát linh mục trên toàn nước Pháp, sung công tài sản của giáo hội.

Tại thời điểm đó, dân số Anh và Scotland (10 triệu) chưa được một nửa dân số Pháp (24 triệu), Anh so với Pháp chỉ là ông nhà quê so với một bá tước, và nước Anh sẽ khó có cơ hội vươn lên đạt được tầm hùng mạnh, tiến kịp nền tảng của văn minh Âu châu, nếu không có “cách mạng” xảy ra cho người Pháp.

Dù có sản sinh ra một Napoleon huyền thoại lớn lên từ cách mạng, thì cho đến bây giờ, người Pháp so với người Anh vẫn chỉ diêm dúa mà không tráng lệ, èo uột mà thiếu đi sự dũng mãnh, lịch thiệp mà thiếu đi vẻ uy nguy, bề dày văn hóa lâu đời mà rối rắm, thiếu đi sự mạch lạc, khiêm cung và sự sang trọng cần có, bởi thiếu đi một vị vua và vắng bóng quý tộc. Đó là một sản phẩm què quặt và đau thương nhất về văn hóa quốc gia của “Cách mạng”.

Các nghiên cứu sau này chỉ ra rằng, hành động của những người nông dân đốt phá chứng từ, đập bỏ lâu đài và truy bức giới quí tộc tinh hoa đó, là Sự sợ hãi vĩ đại (La Grande Peur). Sự sợ hãi đó là nguồn cảm hứng cho nhiều nơi trên thế giới dùng để đạp bỏ “cường quyền” và thiết lập thước đo mới theo chuẩn của mình trên cơ sở nhận thức về văn hóa và lối sống.

Bỏ qua những lí do dài dòng khác. Người Việt chúng ta đã “thiết lập” lại một cách nhẹ nhàng và triệt để qua ba mốc thời gian vào thế kỉ 20, cướp chính quyền năm 1945, cải cách ruộng đất 1954 và những gì còn sót lại vào năm 1975.

Di sản của các cuộc thiết lập đó, để lại cho chúng ta những thứ rất hay ho: sợ hãi, khinh bỉ, căm ghét và thù hận người giàu. Đó là một thứ tâm lí cực kì mông muội và đáng sợ.

Từ lịch sử của các nhà tư bản làm nên sự hùng mạnh của nước Mỹ và Hàn quốc thời kì đầu, chúng ta có thể thấy, họ bắt đầu làm giàu bằng các “bóc lột” nhân công và đi đêm với chính quyền. Nhưng di sản họ để lại thì không phải thế, mà là sự hùng mạnh và văn minh của quốc gia. Họ chính là giới tinh hoa mới, trên nền tảng sự giàu có của mình, đi nhanh nhất và tạo cảm hứng cho số đông đến với văn minh, tiệm cận với việc xây dựng một chuẩn mực quý tộc mới.

Anh Bình FPT sờ-tát-ắp rất thuận lợi từ việc bán máy tính cho quân đội và các bên liên quan bởi anh ấy là con rể của tướng Giáp. Nhưng những gì mà anh ấy làm được, định hướng phát triển, cảm hứng mà anh ấy đem lại và đóng góp cho quốc gia này ngày hôm nay, không phải-chỉ-bởi anh ấy nhờ vào việc mình là con rể của tướng Giáp. Bởi họ li dị rồi, mà anh ấy vẫn giàu có. Giờ anh ấy còn đầu tư cả vào giáo dục.

Với cá nhân tôi, những người giàu là những người có tài, rất tài, dù các cơ hội của họ có thể bí ẩn hoặc theo bạn là không trong sáng. Nhưng tôi kính trọng, khâm phục với những gì mà họ làm được. Và tôi rất sợ cái tâm lí đám đông đang hiện hữu một cách mù quáng, đó là hùa theo băm xác người giàu.

Hôm nọ bạn tôi nhắn hỏi, có số liệu BOT không, đưa tôi hay viết bài đi, phải dạy cho chúng nó hiểu, phải đập tan sự cướp đoạt trắng trợn. Tôi có, tôi hiểu, nhưng tôi không đưa, bảo lên báo mà xem. Nhưng tôi sợ quá. Bạn tôi là người tốt, rất tốt, trung chính, phúc hậu, đàn ông, và đặc biệt cũng đang làm cho người giàu tương đương hoặc hơn các ông chủ BOT. Nếu người ta tìm ra được quan hệ và kẽ hở của ông chủ BOT, thì người ta cũng tìm ra được quan hệ và kẽ hở của ông chủ bạn tôi, mà vụ việc FLC được đăng báo Đảng ngày 20/8/2017 là một ví dụ (https://nhandan.com.vn/…/33841302-can-xu-ly-nghiem-nhung-vi-…).

Họ tự nhiên mà giàu sao? Không phải, mà họ phải rất lăn lộn và rất có tài. Họ có được một hoặc nhiều mối quan hệ với yếu nhân họ cũng phải tài. Họ có thể như bạn nói, tay không bắt giặc, vay được hàng ngàn tỷ để làm BOT, làm khu đô thị, họ cũng rất tài. Không tin bạn đi vay đi! Còn việc kiểm soát nó tốt hay không là do thể chế nhà nước, đừng đổ cho họ. Nhà nước có hơn 3 triệu người ăn lương chỉ để làm mỗi việc đó, nên các bạn có thù hận, nên chuyển hướng thù hận người giàu sang thù hận nhà nước mới đúng.

Có thể giờ họ đang trọc phú, nhưng cá nhân tôi cho rằng, với nền tảng giàu có, cùng với trí tuệ và tầm nhìn của họ, con cháu họ sẽ có một bàn đạp và bệ phóng tốt, để sản sinh ra một thế hệ tinh hoa mới của người Việt, quí tộc mới của người Việt. Cái mà tầm như tôi đổ xuống không làm được. Vậy hãy để họ làm đi. Chỉ cần để họ như Hàn quốc thôi, vài mươi năm nữa bạn sẽ thấy những VINsung, SUNdai, MƯỜNgthai, Ômai của người Việt. Nếu không, vài mươi năm nữa con cháu chúng ta cũng chỉ lại như chúng ta bây giờ, ngồi cười một ông chủ Hồng Cúm hút thuốc lào đi xe Rôn Roi.

Tâm lí yếm thế mông muội đó nó còn ăn sâu bám rễ đến mức ganh tị bĩ bôi cả những điều không giống mình. Tôi ví dụ cậu ca sỉ (không lẽ) Tùng Dương miệt thị nhạc Bolero và thị dân nghe nhạc đại chúng vừa rồi.

Cậu ta có giàu bằng thím Đàm, Ngọc Sơn không? Không, cái móng tay cũng không bằng. Đó là vì sao? Là vị họ thành công trong việc khai thác sự yêu mến của số đông, và tài sản họ kiếm được là minh bạch và do lao động mà có. Cậu hát hay chứ gì? Cậu tài giỏi chứ gì? Vậy cậu triển đi mà kiếm tiền, mà nổi danh, sao phải ngồi chửi như nông dân năm 54 chửi địa chủ thế làm gì. Thực ra người hiểu biết người ta sẽ nhìn nhận ra được cái tầm văn hóa, cái phông bạt nền tảng của cậu đang ở đâu thôi mà.

Các cụ ạ.

Giờ chúng ta đi phục dựng văn hóa cung đình, sinh hoạt cung đình, nhã nhạc cung đình, múa cung đình bằng các nô tỳ, tiểu đồng, đầu sai, giúp việc, gọi tắt là osin của cung đình thuở ấy. Nghe nhã không?

Tôi không lên án hay tỏ ý coi thường người giúp việc. Nhưng tôi không cho rằng những gì người giúp việc biết là toàn bộ những gì tinh hoa mà nền tảng văn hóa gia đình, bạn bè, dòng họ và quốc gia mà bạn đang có.

Nhà bạn có người giúp việc không? Nếu có, hãy khuyến khích họ làm cách mạng đi, họ biết thù hận người giàu đấy.

Chúa phù hộ cho người giúp việc nhà bạn, nhà tôi không có.