Tất cả cùng thắng thì đất nước mới thắng được.

0
Tất cả cùng thắng thì đất nước mới thắng được.
Bộ sách sử mới của Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn, 8/2017

Báo chí loan tin VN vừa cho xuất bản một bộ Lịch sử, theo đó cụm từ “Việt Nam Cộng Hòa” được thay thế cho tiếng “ngụy”. Nhiều người đã lên tiếng trên các trang báo, đài radio, clip video… trong và ngoài nước, bình luận về việc này. Có bạn đọc hỏi ý kiến của tôi ra sao ?.

Dĩ nhiên ý kiến thì chắc là có. Nhưng theo tôi, có ý kiến lúc này là quá sớm. Bởi vì mình phải đọc xong tập sách đó cái đã. Mình phải biết các tác giả viết như thế nào. Chớ bây giờ mình có ý kiến “trên những ý kiến của kẻ khác”, thì vấn đề lại trở thành việc “phê bình ý kiến của người khác”.

Việc này có thể tôi sẽ làm, nếu thấy cần thiết.

Từ hai thập niên qua, ngoài công việc nghiên cứu để thành hình tập sách tài liệu “Biên giới Việt Nam 1885-2000 Lịch sử thành hình và những tranh chấp” (đã xuất bản năm 2005), tôi cũng đồng thời nghiên cứu về lịch sử và pháp lý nhằm xây dựng một “lý thuyết” của riêng cá nhân tôi, nhằm giúp một nhà nước VN (hiện tại hay tương lai), nền tảng lý luận để tranh biện, hay kiện TQ trước một trọng tài quốc tế.

Nền tảng của lý thuyết của tôi có 2 phần: 1/ Etat partiel (quốc gia chưa hoàn tất) và 2/ Kế thừa VNCH thông qua quá trình “hòa giải quốc gia”.

Nhiều bài viết của tôi đã công bố (khoảng trên 10 năm trước). Những người có theo dõi thì cũng biết việc này.

Hôm nay tôi chỉ đăng lại một bài ngắn của tôi hồi đầu năm, nói về tinh thần trọng luật và hòa giải quốc gia.

Khó khăn của người VN, trong vấn đề xây dựng một đất nước giàu mạnh, tôi có (nói đi nói lại nhiều lần), thứ nhứt là làm thế nào cho mọi người có ý thức “trọng luật”.

Trong xã hội mà mọi người đều thượng tôn pháp luật thì sẽ không có (hay có mà ít đi) nạn kẹt xe, nạn tham nhũng, các tệ nạn cường hào ác bá… Xã hội trọng luật là xã hội trong đó mọi thành tố “quan hệ” với nhau bằng “luật”, chớ không phải bằng “tình cảm” hay bằng “sức mạnh”. Trong xã hội dĩ nhiên ai cũng có những “quyền” của mình. Vấn đề là “quyền” phải luôn đi kèm với “trách nhiệm”. Đối với những lãnh đạo, những người nắm “quyền hành” trong tay, thì những thứ như “bổn phận” và “trách nhiệm” không còn là “ý thức” như đòi hỏi ở hạng dân dã, mà phải là điều ràng buộc (bằng luật).

Điều thứ hai là tinh thần hòa giải.

Nhiều người đã nói về “hòa giải” như “hòa giải hòa hợp dân tộc”, hoặc “hòa hợp hòa giải dân tộc”, theo tôi, tất cả đều đã giải thích một cách mù mờ, trừu tượng (theo cái cách của mình). Đã gần ½ thế kỷ mà lời kêu gọi “đoàn kết” “hòa hợp hòa giải dân tộc” vẫn còn vang vang. Trong khi trên thực tế thì dân tộc VN chia rẻ hơn bao giờ hết. Tức là những lời kêu gọi kiểu đó, thực ra là những lời không thực. Càng nói thì người ta càng không tin.

Theo tôi, “hòa giải” cần phải được giải thích với những cách khác.
Tôi quan niệm việc “hòa giải” như là một cuộc thương lượng mua bán, cả hai cùng thắng “win-win”, chớ không phải tranh luận trên tinh thần “được-thua”, “thắng-bại”, “địch-ta”, tao sống mầy phải chết, tao được mầy mất, tao thắng mầy phải thua, tao là chánh nghĩa mầy là gian tà…

Hòa giải gì mà có những bản nhạc đến hôm nay vẫn còn bị “cầm tù”, không được hát, mặc dầu trong dân chúng mọi người đều hát ?

Hòa giải gì mà đến bây giờ vẫn còn “cố thủ” trong lô cốt “chống Pháp”, hay trong bộ áo “tôn giáo”, để ngăn cấm, để kết tội người này là “theo đạo”, “là làm tay sai cho Pháp”?…

Nếu trở lại thời kỳ đó, trước khi Pháp đánh Đà Nẵng và chiếm các tỉnh Nam kỳ. Ta thấy những người VN theo đạo, từ nam chí bắc, đã là nạn nhân của những vụ thảm sát, mà hôm nay ta gọi là “tội ác diệt chủng”, “tội ác chống nhân loại”. Những người theo đạo phải trốn chui, trốn nhũi, hay tụ tập lại thành từng làng để tự bảo vệ. Nhà nước (tức triều Nguyễn) thời đó thay vì can thiệp để bảo vệ thần dân của mình, lại còn có những “chánh sách” ác độc là khuyến khích cho việc tàn sát người theo đạo.

Thái độ của những người theo đạo sẽ ra sao để tự bảo vệ ?

Dĩ nhiên là họ sẽ cầu cứu đến những đạo quân của Pháp, của Tây ban nha…

Đến khi Pháp đem quân đánh Nam kỳ, nếu có đọc lịch sử nhiều chiều thì ta thấy rằng mục đích của quân Pháp không hề nhằm giúp những người theo đạo kia, mà để tìm nơi dưỡng quân, thuận đường cho việc “phân liệt” đế quốc Trung Hoa.

Những người VN theo đạo cảm thấy quân Pháp (và Tây ban nha) là những bậc “cứu tinh”. Còn triều đình và dân chúng thì coi những người này làm “tay sai cho giặc”.

Trong khi, nếu xét tới thái độ của dân chúng bắc hà thời kỳ Pháp đánh Bắc kỳ (thời Tự Đức). Ta thấy rằng khi quân Pháp đánh thành Hà Nội thì dân chúng kéo đến coi như hội. Chỉ một nhúm quân Pháp mà hạ được thành Hà Nội, có cả ngàn quân binh.

Quân Pháp thắng, không phải vì quân lính tinh nhuệ, mà vì sự thờ ơ của dân chúng. Người dân bắc hà coi chuyện Pháp chiếm đất nước là “chuyện của triều đình”, không mắc mớ gì tới họ.

Thái độ của dân bắc hà có đáng trách bằng dân theo đạo ở nam hà hay không ?.

Câu trả lời là lịch sử luôn là những bài học. Thất bại thì đó là cái gương cần nên tránh. Nếu thành công thì đó là điều cần noi theo. Nói đến lịch sử là nói đến “chân lý”, sự thật. Thái độ nói thật, có trách nhiệm về sự thật, là một thái độ “hòa giải” với quá khứ.

Trường hợp hôm nay, khi nói TBT phải là “người bắc, biết lý luận” thì mặc nhiên cho rằng người ở các miền khác là “không biết lý luận”.

Vậy thì còn nói chuyện gì để đáng nói nữa ? ngoài việc làm cho người ta (mất thời giờ) chứng minh rằng dân bắc kỳ không hề ưu việt hơn dân các miền khác?

Hệ quả làm cho mọi người (miền khác) buông tay, bỏ mặc cho dân bắc kỳ muốn làm gì thì làm.

Vấn đề “quốc gia” là cái “nhà chung”. Dầu muốn dầu không mọi người ở trong đó đều có cùng một định mạng, cùng chia sẻ một nỗi vinh nhục. Hiện tượng “bắc kỳ ưu việt” đã làm cho các thành phần dân tộc khác thờ ơ, thậm chí quay lưng lại với đất nước mình.

Người bây giờ còn bị phân biệt như vậy, người trăm năm trước cũng còn phân biệt như vậy, huống chi số phận những người lính “ngụy”.

Họ sống là ngụy thì họ chết cũng là ngụy.

Theo tôi, lãnh đạo CSVN cần phải có thái độ khác. Tất cả cùng thắng thì đất nước mới thắng được.