Ông Tô Lâm chia sẻ tầm nhìn VN về xoá bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng thế giới hoà bình

0
30
Ông Tô Lâm phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, 22/9/2024 (AP Photo/Frank Franklin II).

Trên cương vị chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 24/9 ở New York, Mỹ, trong đó ông chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về xoá bỏ áp bức, bóc lột và xây dựng thế giới hoà bình, tốt đẹp.

Không chỉ nắm chức chủ tịch nước, ông Tô Lâm hiện cũng là tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, chức vụ có thực quyền quyết sách cao nhất của đất nước.

Việc ông kiêm nhiệm hai chức danh hàng đầu cùng một lúc khi đến Mỹ tham gia các hoạt động tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) và có lịch gặp Tổng thống Mỹ vào ngày 25/9 đã được Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang nêu bật trong một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam.

Ông Giang nhấn mạnh rằng “Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự trực tiếp kỳ họp Đại hội đồng LHQ và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu LHQ”.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng hôm 24/9, ông Tô Lâm lưu ý rằng ở vị trí hàng đầu, từ góc nhìn của Việt Nam, “hoà bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo tương lai thịnh vượng”, vì vậy, “cần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ ở tất cả các quốc gia, trước hết là các nước lớn”.

“Mỗi quốc gia cần hành xử có trách nhiệm, tuân thủ cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; trong đó có các nguyên tắc cơ bản về giải quyết hoà bình các tranh chấp, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau; tôn trọng thể chế chính trị mỗi nước đã lựa chọn và được nhân dân ủng hộ”, ông Lâm nói.

Ông Tô Lâm không đề cập đến cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine, các hành vi hung hăng, lấn át của Trung Quốc ở Biển Đông, hay cuộc chiến mà Israel đang thực hiện ở Dải Gaza và ở biên giới với Lebanon…

Điều thứ hai được nhà lãnh đạo Việt Nam kêu gọi là cộng đồng quốc tế cần “chú trọng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển, đặc biệt về nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi về đầu tư, thương mại, giảm gánh nặng nợ cho các nước nghèo”.

Tiếp đến, người đứng đầu đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đề nghị “sớm thiết lập những khuôn khổ quản trị toàn cầu thông minh với tầm nhìn dài hạn về khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo”.

Ông Tô Lâm cũng đề nghị “cải tổ các cơ chế đa phương, nhất là hệ thống LHQ và các thể chế tài chính-tiền tệ quốc tế đảm bảo tốt hơn tính đại diện, công bằng, minh bạch”.

Trong phần cuối bài phát biểu, nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh tới thông điệp “Chỉ khi đoàn kết, hợp tác, tin cậy, chung sức, đồng lòng, chúng ta mới có thể xây dựng thành công thế giới hoà bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện tại và mai sau, để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tiếp sau hoạt động tại LHQ, vào ngày 25/9, ông Tô Lâm sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo một bản tin của Reuters, trong con mắt của chính quyền Mỹ thời ông Biden, Việt Nam được xem là một đất nước chiến lược ở Đông Nam Á kiêm một trung tâm sản xuất-chế tạo mà Mỹ muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ để làm đối trọng với Nga và Trung Quốc, trong khi chính Việt Nam vẫn duy trì quan hệ với hai nước đó.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here