5
Làng, nơi chúng tôi ở, thuộc miền Nam Đức. Nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, an bình. Nói chung, làng quê ở vùng này đều thế: gọn gàng, tiện lợi, bé tí, mà cái gì cũng có – bưu điện, cửa hàng dược phẩm, bệnh viện, trạm xăng, siêu thị. Thằng Hiếu vui vì tôi nhận lời đi cùng bố nó, nhà trai như thế là đủ hoành tráng. Nhưng nó chê ỏng chê eo nơi ở của chúng tôi:
– Cháu đã bảo ba cháu dọn lên Berlin, ông ấy không chịu, kêu ở thành phố lớn ồn. Ra đến nước ngoài mà còn chui rúc xó xỉnh. Ở cái chốn nhà quê thế này, bác tính, vui thú nỗi gì cơ chứ? – nó nói với tôi trên con đường làng hẹp – Sorry bác, mấy ông khốt giống nhau như đúc, sợ thay đổi như sợ cọp…
Cô Lương im lặng. Tôi ậm ừ. Tôi cảm thấy mếch lòng. Cứ như thể bố nó không chịu đi là do tôi, ông ấy thích ở đây là vì ở đây có tôi.
– Được cái ông bố vợ cháu khá. – thằng Hiếu hồn nhiên tiếp tục – Khác hẳn bố cháu. Nhanh nhẹn lắm, cứ như thanh niên í. Hồi mới sang, ông í đứng đường bán thuốc lá lậu, rồi cầm đầu hẳn một băng, kiếm khẳm. Tậu được nhà. Nhà hẳn hoi, chứ không phải căn hộ. Thay xe như thay áo. Mẹ vợ cháu cũng đảm, làm chủ một resto trên năm chục bàn. Ba cháu mà như người ta thì đâu đến nỗi như bây giờ. Mèng ra cũng có một cái imbiss . Tội nghiệp, không biết liệu ông bố vợ cháu có tai qua nạn khỏi không?
Không giống nhiều thanh niên khác, Hiếu vẫn nói thạo tiếng mẹ đẻ, chỉ thỉnh thoảng nó mới chêm vào vài tiếng Đức quen miệng, vài tiếng Anh thời thượng. Trên xe, nó nói với tôi nhiều hơn nói với bố.
– Này, anh Hiếu, thế ông ấy đã làm… hừm, gọi là cái gì nhỉ, à, cái di chúc chưa đấy? – giữa câu chuyện, cô Lương đang lim dim ở ghế sau, nhổm lên nói.
– Ông ấy khoẻ như vâm, – thằng Hiếu nhún vai – nghĩ gì đến di chúc.
– Vạn nhất ông ấy không qua khỏi mà không có di chúc để lại thì, hì hì…, vợ chồng anh dễ bị thiệt lắm.
Trong câu nói của cô Lương có âm sắc mai mỉa. Nhưng con trai cô không nhận thấy.
– Ông ấy có gì để lại? Khôn như rận, ba ơi, cái gì cũng tên vợ hết. Ông ấy sợ. Bọn Đức khiếp lắm, trốn thuế cả chục năm rồi chúng vẫn moi ra đấy.
Chúng tôi đến Berlin vào buổi tối.
Bà thông gia phốp pháp, son phấn tưng bừng ngay cả khi đang điều khiển nhà hàng. Nhác trông cũng thấy được sự không môn đăng hộ đối giữa nhà trai với nhà gái.
– Chúng em không oẻ hoẹ tương tàu đâu, thưa hai bác – bà nói, giọng ngọt lịm – Nhưng mà, thưa hai bác, gì thì gì mình vẫn cứ phải giữ lề thói cha ông. Con nhà gia giáo chữ lễ phải coi trọng, phải là nhất, có đúng thế không ạ? Em dễ tính, cứ phiên phiến, thế nào cũng xong, chứ ông nhà em cổ lắm, nhất nhất phải theo phép xưa mới chịu. Phật tử đấy ạ, chăm đi chùa lắm. Mà chùa thì xa, có gần đâu. Tối nào cũng ngồi thiền, tụng kinh niệm Phật.
– Ông bà nghĩ thế là chí phải. – cô Lương chắp tay lễ phép – Chúng tôi nhất nhất xin theo. Ngặt vì mình nay ở xứ người, có nhiều cái không thể được như ở nhà, chúng tôi có điều gì thất thố, xin ông bà bỏ quá cho.
Cô Lương nói kiểu lịch sự trơn tru, làm tôi ngạc nhiên. Thường ngày không khi nào cô có cái giọng ấy, có khác một chút cũng chất phác, mộc mạc.
– Con Thuỷ đâu rồi? – bà cao giọng gọi vào trong bếp – Ra đây.
Một cô gái trẻ, vận quần áo đúng mốt, có hở một chút rốn, nhanh nhẹn chạy ra. Mắt thằng Hiếu sáng lên. Hai đứa nhìn nhau lúng liếng. Con bé này rồi cũng đảm chẳng kém mẹ, tôi nhận xét.
– Con chào hai bác đi. Bây giờ thế đấy, hai đứa chúng nó quen nhau từ lúc nào em đâu biết, chúng nó đâu có báo cáo báo cầy gì với bố mẹ. Thôi thì không bằng lòng cũng phải bằng lòng, bác không kén dâu, chúng em cũng chẳng kén rể…
– Dạ.
– Mà có kén cũng chẳng được, thưa hai bác, thời bây giờ chúng nó tự kén nhau, chẳng nhòm nhõi gì đến ta, chẳng cần lề thói, phép tắc như xưa, có phải không ạ? Thôi thì cũng là cái duyên cái số. Nhà trai đến, có nhời với chúng em là chúng em vui rồi. – bà rơm rớm nước mắt – Vui đến, buồn cũng đến, năm nay nhà em gặp hạn. Ông nhà em lái xe cẩn thận lắm, thế mà vẫn bị. Tổ cha cái thằng Đức lợn, nó phóng bạt mạng, mới ra nông nỗi. Thổi bong bóng thằng ấy thấy có hơi rượu, nhưng cảnh sát bảo còn dưới mức cho phép. Chúng nó bênh nhau ấy mà, ai chả biết. May, nhà em đã mua bảo hiểm toàn phần…
Cô Lương đến lúc ấy mới dám lí nhí hỏi câu cô muốn hỏi.
– Thưa, bệnh tình ông nhà… thế nào rồi?
Bà thông gia vui vẻ:
– May, tưởng nặng, hoá không phải. Không mổ xẻ gì hết, chỉ mấy mũi khâu, băng bó xong nằm tĩnh dưỡng ít hôm là về. Nhà em hiếu khách lắm, ông ấy mà gặp hai bác thì chuyện dứt không ra. Mấy hôm nữa, khoẻ lại rồi, nhà em sẽ đưa hai bác đi thăm danh lam thắng cảnh ở đây. Còn bây giờ thì em xin mời hai bác dùng bữa rồi về nghỉ ở nhà em. Nhà không đến nỗi chật, em đã chuẩn bị, hai bác mỗi người mỗi phòng ạ.
– Cảm ơn bà, bà chu đáo quá. Bác cháu đây (cô Lương chỉ tôi) trước cũng ở Berlin, bác cháu đã gọi điện đặt phòng ở một khách sạn quen rồi – cô nói dối ráo hoảnh, làm tôi một lần nữa ngạc nhiên – Chúng tôi nhận phòng xong rồi mới lại yết kiến bác đấy ạ…
6
Đến bệnh viện, chúng tôi không khó khăn tìm được phòng của bố vợ thằng Hiếu. Nhác thấy người bệnh qua cánh cửa khép hờ, cô Lương như bị điện giật, nắm chặt tay tôi.
– Ông sao vậy? – tôi ghé sát vào tai cô Lương, thì thào.
Cô Lương xua xua tay, nói khẽ:
– Không, không sao.
Mắt không rời khe cửa, mặt cô Lương đờ ra, xám ngoét. Rồi lôi tôi khỏi chỗ ấy.
– Thằng Hiếu đâu rồi?
– Tôi không biết. Nó vừa đây mà.
Thì ra thằng Hiếu dừng lại ở ngoài cổng hút thuốc. Cô Lương lật đật chạy đến, túm lấy nó, tôi hối hả theo sau.
Đứng trước mặt con, cô dằn giọng:
– Hiếu, bố vợ mày tên là gì?
Nó trố mắt:
– Sao, có chuyện gì mà ba hỏi thế? Sao mặt ba tái đi thế?
– Tao hỏi: bố vợ mày tên gì?
Thằng Hiếu ngớ ra.
– Ông ấy tên là Khởi, ông Khởi. Có chuyện gì thế, ba?
– Đúng, đúng là nó.
Cô Lương lẩm bẩm rồi cúi gập xuống như một thân cây bị đốn. Tôi vội đỡ cô. Thằng Hiếu lại càng hốt hoảng:
– Ba, ba sao vậy? Bác có biết ba cháu bị sao không?
Tôi lắc đầu. Cô Lương phẩy phẩy tay:
– Đi về. Đi về.
– Sao đến đây rồi lại đi về, ba?
– Đi về là đi về.
Tôi đoán là có chuyện nghiêm trọng, liên quan tới người bệnh đang nằm trong kia.
Tôi kéo cô vào quán nước gần nhất. Dọc đường cô như người mất hồn, mặc tôi muốn đưa cô đi đâu thì đi.
Đặt cô ngồi xuống ghế, tôi gọi mấy ly bia. Cô run run cầm cái ly lên, lẳng lặng uống cạn. Đợi cô uống xong, rồi ghé sát vào tai cô thì thào:
– Ông biết ông ta?
Cô Lương nhìn chằm chằm vào khoảng không, môi mím chặt:
– Chính là nó. Chính là nó đấy, ông ạ. Khi có người thứ ba, chúng tôi không xung hô với nhau như thường ngày nữa, mà “ông, tôi”. Cái đó đã trở thành quy ước, nó gắn chặt thêm tình thân giữa chúng tôi, như giữa hai kẻ đồng mưu.
– Mà nó là ai kia chứ? – tôi gặng.
Cô hít vào một hơi rồi thở ra hộc ra, như muốn trút hết không khí khỏi lồng ngực:
– Là thằng làm đời tôi tan nát ấy. Nó. Chính là nó. Có đến chết tôi cũng không quên mặt nó, cái thẳng khốn nạn ấy. Chính là cái thằng giả dạng đem bán cho tôi mấy cái đĩa cổ, rồi làm hiệu cho đồng bọn ùa vào khám nhà để tống tôi vào tù đấy.
Một giọt nước mắt xúc động lăn trên gò má, cô lấy mu bàn tay quệt đi. Rồi ngẩng lên, nhìn vào mặt con:
– Thằng Hiếu nghe đây!
Thằng Hiếu ngẩn ngơ trước thái độ không bình thường của bố. Bình thường bố gọi nó bằng anh, một điều anh Hiếu, hai điều anh Hiếu, với giọng trịnh trọng của ông bố đã có tuổi nói với đứa con đã thành nhân, không bao giờ bố gọi nó bằng thằng. Trước mặt nó giờ đây không phải là ông bố hiền lành, ông bố đụt, mà nó đã quen thấy, mà nó hằng coi thường. Trước mặt nó là một người đàn ông dữ dằn đang nổi cơn điên.
Nó bất giác khoanh hai tay lại, cử chỉ từ lâu nó không làm.
– Dạ.
– Nghe tao nói đây: mày sẽ không lấy cái con nhà ấy, hiểu không? – cô nhìn thẳng vào mắt nó, dằn từng tiếng, như bắt nó phải khắc trong trí – Con ấy có là tiên cũng không lấy nữa, không được. Thằng Khởi là kẻ thù của gia đình ta. Chính nó đã làm cho gia đình ta điêu đứng. Hôm nay có súng trong tay thì tao đã bắn chết nó…
Thằng Hiếu im lặng ngồi phịch xuống ghế. Hai tay ôm đầu, nó ảo não nhìn bố.
Vẫn giọng chắc nịch, cô Lương không nói, mà tuyên bố:
– Thà chết, chứ tao không thông gia với cái giống ấy.
Tôi ôm lấy vai cô:
– Việc gì thì cũng phải bình tĩnh, từ từ suy nghĩ, trước hết là phải bình tĩnh, không nên nóng nảy. Giờ ta về khách sạn. Rồi tính tiếp.
(Còn nữa)