NƯỚC NGA ĐANG ĐÁNH MẤT TÀI SẢN QUÝ GIÁ NHẤT

0
52
Marina Ovsyannikova, phóng viên đàì truyền hình "Kênh 1", đã dũng cảm chống lại cuộc chiến tranh và sự bưng bít thông tin của Putin

Sarah Platz, 10.04.2022

Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine khiến hàng trăm nghìn người Nga phải rời bỏ quê hương. Ngành công nghệ thông tin của Nga thiệt hại nghiêm trọng. Nền kinh tế của Nga đang nhận lấy những hậu quả nghiêm trọng.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược chống lại Ukraine, rất nhiều người Nga đã rời bỏ nước Nga. Nhà báo người Mỹ gốc Nga Masha Gessen viết trên tạp chí The New Yorker, họ cảm thấy vô đạo đức nếu ở lại đây. Tựa như họ phải “ngồi trên một trong những chiếc máy bay thả bom Ukraine.”

Trong đoàn người lũ lượt rời Nga, có các nhà sử học, các nhà hoạt động xã hội và truyền thông. Bên cạnh ý thức trách nhiệm là nỗi sợ hãi về sự đàn áp chính trị, chuyện bắt lính và tình trạng nước Nga bị cô lập. “Họ ra đi”, nhà báo viết, “bởi vì nước Nga mà họ xây dựng và sinh sống đang biến mất.”

Nhà nghiên cứu di cư Olga Gulina ước tính số người đã rời khỏi nước Nga là 300.000. 

Người đứng đầu Viện RUSMPI, một tổ chức tư vấn về chính sách di cư, cho biết, còn nhiều người khác đã chuẩn bị xong vali. “Đây chủ yếu là những người trẻ, có năng lực, dân thành thị và đặc biệt được đào tạo tốt như nhân viên tài chính, nhà báo và chuyên gia IT.” 

Theo Gulina, ở Nga đang diễn ra một cuộc “chảy máu chất xám”. Họ là những người mà trình độ học vấn đã tạo ra suy nghĩ độc lập. Họ không bao giờ ủng hộ chế độ Putin. Do đó, chiến tranh chỉ như một giọt nước nhỏ làm tràn ly, để cuối cùng họ phải từ bỏ quê hương.

Đây là cách duy nhất để phản đối các chính sách của điện Kremlin. Bởi vì kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược, Putin đã hạn chế hàng loạt quyền tự do ngôn luận: một chút tình đoàn kết với Ukraine cũng ngăn cấm. 

Đàn áp các cuộc biểu tình, không còn báo chí tự do, và một án tù dài hạn dành cho những ai gọi cuộc tấn công của quân đội Nga vào Ukraien là xâm lược. Ai không đồng ý với chính sách của điện Kremlin chỉ có thể lựa chọn: ở lại trong nước và im lặng, hoặc ra đi.

Hầu hết đi du lịch bằng vé một chiều

Tuy nhiên, việc di cư gặp rất nhiều trở ngại. Ví dụ, Moscow cấm công dân của mình xuất cảnh với hành trang hơn 10.000 USD. Ngoài ra, thiếu khả năng ngôn ngữ, có vấn đề với các giao dịch tài chính quốc tế, các đại sứ quán và không phận đóng cửa… cũng khiến việc rời khỏi đất nước trở nên khó khăn. 

Do đó, hầu hết trong số họ di cư đến các nước thuộc Liên minh Á-Âu như Armenia, Kazakhstan hoặc Kyrgyzstan. Ở đây họ có thể ở lại 30 ngày mà không cần đăng ký cũng như mở tài khoản bằng đồng rúp, Gulina cho biết. Các điểm đến khác là Georgia, Azerbaijan, Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Bulgaria, Serbia, Uzbekistan và Mông Cổ.

Nhà nghiên cứu về di cư cũng nhấn mạnh rằng không phải ai muốn đi cũng có đủ tài chính để làm việc đó. Giá vé máy bay và giá thuê phòng tại các quốc gia tiếp nhận đang tăng chóng mặt do nhu cầu cao. “Bất chấp tất cả những thách thức này, hầu hết người Nga rời đất nước của họ với tấm vé một chiều.” Các cuộc thăm dò đã chỉ ra rằng 70% những người đã rời Nga và “không bao giờ muốn quay trở lại”.

Lúc này, Putin có thể thí nước cờ chảy máu chất xám. Bởi vì chính những người ra đi ấy có thể gây nguy hiểm cho ông ta. 

Nhà kinh tế học và trưởng khoa nghiên cứu tại Viện Đông Âu tại Freie Universität Berlin, Theocharis Grigoriadis, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ntv.de: “Những người Nga di cư là những người mang đầu óc sáng tạo. Họ có khả năng mang lại sự thay đổi – về mặt kinh tế và cả về mặt chính trị.” Chuyên gia kinh tế giải thích rằng việc những người này bỏ đi sẽ khiến cho Putin dễ dàng “thu nhỏ phe đối lập trong nước”.

Nguồn nhân lực của Nga đang cạn kiệt

Tuy nhiên, về lâu dài, sự di cư mạnh mẽ của những người Nga có trình độ học vấn cao có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế đất nước. Bởi vì họ không chỉ mang theo tiền mà trên tất cả, thứ họ mang đi là kỹ năng và tri thức. 

Grigoriadis nói: “Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế của Nga – nó thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo.” Một tỷ lệ lớn người di cư thuộc ngành công nghệ thông tin. Khoảng 50.000 đến 70.000 chuyên gia IT của Nga đã rời khỏi đất nước kể từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu, Hiệp hội Truyền thông Điện tử Nga (RAEC) đưa tin. Và đây chỉ là làn sóng đầu tiên. Hiệp hội dự kiến, chỉ riêng trong tháng Tư này, nước Nga sẽ mất thêm 100.000 nhân lực lành nghề.

Grigoriadis cho biết, không có gì ngạc nhiên khi một số lượng lớn các chuyên gia công nghệ sẽ rời khỏi đất. Nền đào tạo của Nga trong lĩnh vực này nổi tiếng trên toàn thế giới. “Nhân lực IT của Nga đang được ưa chuộng ở nước ngoài.” Phần lớn các chuyên gia IT trẻ tuổi có cơ hội rất tốt để tìm được việc làm bên ngoài nước Nga với mức lương cao hơn.

Trong khi thế hệ trẻ muốn kết nối kinh nghiệm của họ với kiến thức toàn cầu, thì nước Nga sẽ tiếp tục chìm trong cô lập. Grigoriadis nói: “Những thứ như thế này khiến mọi người rời bỏ đất nước.” Tuy nhiên, xu hướng này không chỉ xuất hiện kể từ ngày 24 tháng 2 năm nay. “Mà, kể từ khi sáp nhập Crimea, nhiều người Nga đã chạy trốn Putin.”

Người Nga rời bỏ đất nước của họ không chỉ vì trách nhiệm của họ trong cuộc chiến mà còn vì tình hình kinh tế của chính họ, vốn “ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong mười năm qua.”

Điện Kremlin được báo động

Nikolai Roussanov, nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học Pennsylvania, nói với Business Insider: “Trong hơn 12 năm qua, nền kinh tế tăng trưởng kém và ngày càng ít cơ hội hơn cho những người trẻ tuổi. 

Do cuộc chiến tranh xâm lược và các lệnh trừng phạt tiếp theo của phương Tây, Nga “nhanh chóng trở thành một kẻ bần cùng”: Các thương hiệu IKEA, H&M, McDonald’s và Co. đã bỏ Nga mà đi, và nhiều công ty công nghệ như Twitter và Meta bị cấm đoán. 

Hàng trăm ngàn người bị mất việc làm. Roussanov dự đoán rằng sự phát triển này sẽ đẩy đất nước vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1990. Và: “Cuộc di cư sẽ tăng tốc.”

Rõ ràng, điện Kremlin cũng bị báo động. Bộ Tài chính Nga đã công bố “các biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp IT”. Các công ty IT và nhà phát triển phần mềm sẽ được giảm thuế đáng kể và nhận các điều kiện vay vốn tốt hơn. Các nhân viên trong ngành thậm chí còn được miễn nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Grigoriadis không tin rằng các biện pháp này sẽ thuyết phục được bất kỳ ai ở lại. Người Nga ra đi vì nhiều lý do. Chúng bao gồm tình hình kinh tế của đất nước, sự cô lập xã hội.. cuối cùng là chính sách của Điện Kremlin và cuộc chiến chống Ukraine. 

Grigoriadis nói: “Tôi nghĩ Putin không còn giữ được những người này nữa.” Chảy máu chất xám ở Nga không thể ngăn chặn.

LUU THUY HUONG dịch

https://www.n-tv.de/wirtschaft/Russland-verliert-sein-wichtigstes-Kapital-article23247739.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here