Nước Mỹ trước ngày bầu cử: Chiến tuyến phân hóa

0
69

The News Viet
Ngày 16-08-2020

Nước Mỹ trước ngày bầu cử: Chiến tuyến phân hóa

Với khẩu súng trường lủng lẳng trên vai, Londa Gatt gầm rú chiếc Harley Davidson trên xa lộ. Lá cờ “Trump 2020” cắm phía sau xe bay phần phật, cô đang dẫn đầu đoàn xe tám chiếc với những gã đàn ông bặm trợn điều khiển mô-tô phân khối lớn nối theo sau. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi có nhiệm vụ đánh thức những kẻ u mê”, cô vừa nói vừa nở nụ cười khinh khỉnh…

Đây là một cuộc tuần hành nhằm biểu dương khí thế cho lực lượng ủng hộ Tổng thống Trump khi những ngày bầu cử đang đến gần. Khi những diễn giả của nhóm biểu tình ôm súng đang thao thao bất tuyệt về tinh thần yêu nước và sự tự do thì một nhóm biểu tình khác đang vận động bên dưới. Một nhóm khác chống lại nhóm biểu tình vũ trang đang diễu hành xuyên qua những người ôm súng với những tiếng hô hào vang dội và nắm đấm vung lên trong không trung. Bắt đầu có những lời qua tiếng lại, nhục mạ lẫn nhau được tung ra giữa hai nhóm. Điều đó cho thấy sự căng thẳng đang gia tăng giữa các nhóm người Mỹ trước cuộc Bầu cử Tổng thống vào tháng Mười một năm nay.

CHIẾN TUYẾN

Chỉ ba ngày sau khi tiểu bang Michigan ghi nhận nạn nhân đầu tiên qua đời do Covid-19, tài xế xe bus ở Detroit – Jason Hargrove – đã tự quay bằng camera điện thoại một clip đạt kỷ lục lượt xem. “Tôi quá chán ngán rồi!” – ông ta nổi nóng. Ông ta vừa đi vừa chĩa điện thoại vào mặt mình kể lại câu chuyện mới diễn ra vài phút trước trên xe bus của ông: một nữ hành khách đã ho nhiều lần trên xe mà không thèm che miệng. “Chúng tôi là những lao động của dịch vụ công cộng… bọn tôi cố gắng làm việc chăm chỉ và kiếm sống một cách trung thực để mang đồng lương về lo cho gia đình. Nhưng tôi quá chán ngán khi nhiều kẻ chẳng thèm bận tâm đến điều đó,” ông ta than thở trong video.

Londa Gatt (ABC.net.au)

Desha Hargrove (ABC.net.au)

Chỉ vài ngày sau đó, khi lượt xem đoạn video của ông ngày càng tăng lượt xem trên thế giới ảo Facebook thì cũng là lúc trong thế giới thật, loại virus có tên corona cũng đang nhân bản theo cấp số lũy thừa bên trong cơ thể Jason. Nhưng ông chẳng hề hay biết. “Ông ta rất buồn, buồn thê thảm vì những gì đã xảy ra trên xe bus,” bà Desha vợ ông nói, “Nhưng đâu ai ngờ rằng cũng vì đó mà anh ta đã nhiễm virus. Chỉ hai ngày sau (khi đoạn video được đăng tải), anh ấy nói với con trai và tôi: “Ôi, tôi thấy không khỏe”. Rất nhanh, chỉ vài ngày tiếp theo, sức khỏe ông suy sụp nặng nề. Jason đến bệnh viện địa phương Sinai Grace hai lần, nhưng họ không thừa nhận và cũng chẳng thèm kiểm tra Covid-19 cho ông ta. Một tuần sau khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện, Jason bắt đầu cảm thấy khó thở, nên ông bảo con trai chở ông đến bệnh viện thêm một lần nữa. “Và đó là lần cuối cùng tôi trông thấy anh ấy”, bà Desha nói trong nước mắt. Cái chết đột ngột của chồng, một thành viên tích cực của nhà thờ và cộng đồng, làm suy sụp Desha, bởi vì bà đã quá tin tưởng vào chính sách bảo hiểm tư của gia đình mà bà nghĩ sẽ bảo vệ được họ trong những lúc cần thiết.

Bên cạnh câu chuyện thương tâm của gia đình Jason là một câu chuyện khác. Ngay sát xa lộ phía Tây Detroit, chiếc Harley Davidson của Londa Gatt giờ đã an toàn trong garage ngôi nhà hai tầng của cô. Cô vẫn còn đang điên tiết vì những người biểu tình Black Lives Matter đã phá hỏng sự kiện mà cô tham dự vài hôm trước. Nhưng cô biết rằng vẫn còn nhiều cơ hội để lá cờ “Trump 2020” sau chiếc mô-tô của mình được tung bay trở lại trong nhiều tháng sắp tới.

Cô là một điều phối viên ở khu vực Trung Tây của hội “Dân Mô-tô Ủng hộ Trump” (Bikers for Trump). Đây là một nhóm với khoảng 350 ngàn người theo dõi trên Facebook. Londa thường xuyên ngược xuôi khắp nước Mỹ để tham dự những sự kiện về Trump. “Tôi chẳng dính dáng gì đến chính trị cả. Nhưng với sự cởi mở của Trump, tôi ủng hộ ông ấy”, Londa nói. Như hàng triệu cử tri thuộc tầng lớp lao động bình dân da trắng khác, Londa cảm thấy mình bị Đảng Dân chủ và Cộng hòa bỏ rơi trong hàng chục năm qua. Mỗi khi Trump phát biểu, nó tạo ra một sự đồng điệu trong cô. “Ông ta là một người cương quyết. Một Tổng thống vĩ đại nhất”, cô nói, “Ông ta chẳng bận tâm xem người ta nghĩ gì về mình. Ông ta chỉ quan tâm làm sao mang đến những điều tốt nhất cho đất nước này”.

Londa kể rằng bản thân cô lớn lên trong nghèo túng, cô đã phải làm đủ loại việc để kiếm tiền từ lúc 12 tuổi và cố gắng học để lấy bằng điều dưỡng hạng danh dự, và trong khi đang đi học, cô còn phải lo kiếm tiền nuôi đám con nhỏ. Giờ đây cô vẫn lo rằng, trong tương lai, ba đứa con trai của mình sẽ không có cơ hội để tận hưởng sự thoải mái và tự do ở mức độ mà cô đã bỏ công sức chiến đấu để đạt được. “Tôi nghĩ, tôi đã phải cố gắng và chiến đấu để mang đến sự khác biệt cho các con tôi, cho tương lai nước Mỹ. Bạn biết không? Đó chính là lý do mà tôi đã tham gia,” cô vừa nói vừa ứa nước mắt.

Sự kiện biểu tình toàn quốc Black Lives Matter đã đẩy nước Mỹ đi đến tình trạng phân hóa cực kỳ nghiêm trọng (AFP/Getty Images)

BẠO LOẠN VÀ PHÂN RÃ

Quay trở lại Detroit, Desha Hargrove phải chống chọi một mình trong nhiều tuần sau khi bị cho thôi việc pha chế vì dịch bệnh nên quán phải đóng cửa. Kể từ khi chồng chết, cô càng mệt mỏi hơn với các hóa đơn, chi phí và các vấn đề khẩn cấp về sức khỏe. Bảo hiểm sức khỏe của gia đình từng được Jason chi trả bằng tiền lương tài xế xe bus giờ phải ngưng. Điều làm bà lo lắng hơn chính là bà đã nhận thức được rằng những tác động do dịch bệnh mang đến mỗi gia đình khác nhau tùy theo gốc gác của họ, người Mỹ gốc Phi phải chịu đựng nhiều khó khăn hơn người Mỹ da trắng. Họ có khả năng mắc bệnh cao hơn do tính chất công việc của họ phải tiếp xúc nhiều như tài xế xe bus chẳng hạn. Thu nhập thấp làm họ ít có khả năng chi trả được bảo hiểm y tế. Họ phải sống trong những khu vực mà điều kiện chăm sóc sức khỏe dưới tiêu chuẩn, do đó khả năng phải chết vì dịch bệnh cũng cao hơn.

Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump (Pittsburgh City Paper)

Một vụ “đụng độ” giữa những người ủng hộ và những người chống đối Tổng thống Trump tại thành phố Pittsburgh (bang Pennsylvania) hồi đầu tháng 7-2020 (Pittsburgh City Paper)

Thời điểm đen tối này buộc Desha phải quan tâm nhiều hơn đến cách chính phủ đang vận hành đất nước. “Tôi sẽ chú ý, tôi sẽ nghiên cứu. Tôi phải làm những gì mình phải làm… Bây giờ, tôi bắt đầu toàn tâm toàn ý tập trung vào chính trị”. Bà sẽ không bầu cho Donald Trump. Những âm vang nghe như tiếng than khóc của những người biểu tình đồng vọng khắp ngõ ngách thành phố tạo ra sự kỳ vọng của bà Desha vào vị Tổng thống mới. “Cấu trúc chính trị to lớn này phải thay đổi”, Desha nói.

Cũng như Londa Gatt, Desha có ba con trai. Và cũng như Londa, những đứa con chính là động lực để bà quan tâm về chính trị và bầu cử. “Tôi không muốn phải tiếp tục khóc lóc mỗi ngày vì lo lắng rằng liệu chúng có được trở về nhà an toàn hay không,” bà Desha nức nở, “Tôi muốn những đứa con mình cũng có được những điều kiện và cơ hội công bằng như con của những người khác”.

Lược dịch từ: With the election looming, the United States is a nation at war with itself

CHUNG TAY VỚI theNewViet 

theNewViet là một “dự án truyền thông” nhỏ được thiết kế với chủ trương giáo dục và xây dựng nhận thức. Tất cả hỗ trợ nhân lực lẫn đóng góp bài vở ở những bước đầu đều xuất phát từ tinh thần bất vụ lợi, trong đó có những bạn trẻ nhiệt huyết. Sự hỗ trợ quý giá này tự thân đã là nền móng kiến tạo nên những giá trị nhân bản, như tinh thần của chủ trương theNewViet. Chúng tôi mong mỏi nhận được thêm sự ủng hộ bài vở để theNewViet có thể cùng đi với các bạn trên con đường hướng đến một tương lai mới.

Trân trọng cám ơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here