Nguồn: Nina L. Khrushcheva and Svetlana Alexievich, “The Story in History,” Project Syndicate (Jan 10, 2020).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Năm 2015, nhà sử học truyền khẩu Svetlana Alexievich được trao giải Nobel văn chương cho các cuốn “tiểu thuyết tài liệu” thể hiện đời sống ở Nga và Liên Xô trước khi sụp đổ. Thông qua các câu chuyện đa thanh chắt lọc từ hàng trăm cuộc hội thoại, Alexievich dựng nên một bản giao hưởng của ý nghĩa từ cái vốn chỉ là những tạp âm của ký ức. Các tác phẩm của bà không chỉ nắm bắt cảm xúc của những đối tượng được nói đến, mà còn nắm bắt chính bản chất của những gì mà con người kinh qua, và cách họ hành xử, trong những điều kiện căng thẳng không ngừng.
Là một người cực kỳ riêng tư, gần đây Alexievich đã gặp Nina L. Khrushcheva ở Ukraine, nơi cả hai cùng tham gia vào một dự án tưởng niệm Holocaust. Qua nhiều buổi chiều, Alexievich, một tác giả quen nghe hơn là nói, đã chia sẻ những suy nghĩ của bà về chính trị, văn học và thậm chí là kỹ nghệ phỏng vấn. “Bạn phải hỏi những câu hỏi thực sự con người, nhỏ bé,” bà khuyên. “Người ta sẽ mở lòng như thế. Khi bạn hỏi một câu hỏi lớn, ví dụ như, ‘Bạn nghĩ gì về Tổng thống Nga Vladimir Putin?,’ người ta sẽ đưa ra tuyên bố thay vì nói những gì họ thực sự nghĩ.”
TÂM LÝ GULAG
Nina Khrushcheva: Tôi sẽ không hỏi chị nghĩ gì về Putin. Thay vào đó, tôi muốn hỏi tại sao Putin lại được lòng ở Nga. Những phẩm chất nào khiến ông ta được lòng như thế?
Svetlana Alexievich: Putin đang cố gắng “vực nước Nga quỳ dậy” dưới một kiểu chủ nghĩa dân tộc Nga mới của ông ta. Ở Liên Xô, một con người thì không quan trọng bằng ý tưởng về một dân tộc vĩ đại. Cuộc sống của anh ta có rất ít giá trị bên ngoài nhà nước. Đời sống cá nhân là không đáng kể so với những lý tưởng cao cả hơn của chủ nghĩa cộng sản đại đồng. Con người Liên Xô được trao cho sự ổn định của nhà nước phúc lợi, dẫu ít ỏi, để đổi lấy sự thiếu tự do.
Chỉ có nhà nước; không có con người. Người dân chịu khổ cho nhà nước, và vì nhà nước. Nào là Cách mạng, các cuộc chiến tranh, Gulag, rồi là sự sụp đổ của đế chế Xô viết; nhưng qua toàn bộ sự đau khổ khôn xiết của con người này, vẫn không có trường hợp nào trong số này mà nó được biến đổi thành cảm giác tự do.
Tôi còn nhớ những năm 1990, chúng tôi tập trung ở quảng trường các nước hậu Xô viết với những khẩu hiệu “tự do.” Tự do sẽ giống như các cửa sổ trưng bày đẹp đẽ ở phương Tây. Mọi người có tủ lạnh, lò vi sóng, xe hơi, v.v. – những dấu hiệu của đời sống tư bản mới. Không ai biết tự do thực sự là gì. Không ai biết tự do không chỉ là một chiếc tủ lạnh đầy ắp – mà nó là thứ đã phát triển hàng trăm năm qua ở chẳng hạn như Đức hoặc Pháp. Tự do đòi hỏi phải có con người tự do, mà chúng ta thì không phải. Chúng ta rời khỏi trại Xô viết, nơi chúng ta đã ngồi suốt 75 năm. Song một người nô lệ thì không thể ngay lập tức trở nên tự do chỉ bằng cách vượt ra ngoài cổng trại, bởi anh ta vẫn mang một tâm lý nô lệ.
Chính vì tâm lý đó mà nước Nga mới sống với một huyền thoại về sự vĩ đại của dân tộc, điều này rất nguy hiểm. Cái khát khao sự vĩ đại và vinh quang quá khứ đã rất bi thảm đối với “Đại Serbia” hay “Đại Đức.” Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, mọi người đều mau mau muốn có chủ nghĩa tư bản; nhưng nó không hoạt động mau. Bởi vậy mà rốt cuộc người ta cảm thấy những thành tựu từ thế kỷ Xô viết bị cướp đi khỏi họ. Họ cảm thấy lạc lõng. Và khi Putin đưa ra một ý tưởng mới về sự ưu việt của Nga, mọi người đã vui mừng theo đuổi nó.
Ở các nước thuộc Liên Xô cũ, nhiều người trong chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển hậu cộng sản, vẫn cố gắng đạt đến chủ nghĩa tư bản kiểu châu Âu. Sau nhiều thập niên sống trong thế giới tàn khốc này, người ta thường trở nên méo mó – sợ hãi, ghen tị, hay giận dữ.
Nina Khrushcheva: Còn những người sinh ra sau kinh nghiệm thời Xô viết?
Svetlana Alexievich: Tất nhiên, những người trẻ, ở Nga và những nơi khác, thì khác. Họ mạnh mẽ hơn. Ví dụ, Volodymyr Zelensky, tổng thống mới của Ukraine, là một trong những người trẻ thậm chí còn không mong đến việc nắm quyền. Nhưng anh ta muốn thử, và anh ta đã giành được nó – bất chấp việc thiếu kinh nghiệm chính trị hay lãnh đạo. Chính thế hệ mới này mới chân thành muốn làm gì đó cho Ukraine, để thoát khỏi vòng nô lệ – vòng đầu hàng quyền lực.
Nhưng thế hệ lớn tuổi hơn vẫn sống với cảm giác thất bại. Chính vì thế mà ngày nay có rất nhiều nhà hàng “thương nhớ thời Xô viết” ở Nga, như Young Pioneer (Thiếu niên Tiền phong) hay Chebureki SSSR (Bánh Liên Xô). Các sa hoàng hay Joseph Stalin được dựng tượng mới. Đây là món kasha Nga của Vladimir Putin.
BỜ VỰC CỦA NHÂN LOẠI
Nina Khrushcheva: Chị từng sống ở châu Âu mười năm, và đã ca ngợi các nền dân chủ ấy, bất chấp những thiếu sót của họ. Nhưng chị đã trở về quê nhà Belarus một thập niên trước. Vì sao?
Svetlana Alexievich: Thể loại của tôi là tự sự tài liệu, nó đòi hỏi tôi phải sống giữa những người mà tôi viết về. Tôi phải chứng kiến ngôn ngữ của họ, những sự thay đổi và những nỗi sợ mà họ trải qua. Tôi cần biết những niềm hy vọng của họ. Tôi không thể sống đâu đó trong những tiện nghi của châu Âu mà viết những cuốn sách nhiều âu lo mà tôi viết.
Năm trong số những cuốn tôi đã viết về cơ bản chỉ là một cuốn – một chuỗi – “Địa đàng Đỏ.” Nó bao gồm câu chuyện của những người đã trải qua cuộc khủng hoảng của đời sống Xô viết: Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (1985) và Những nhân chứng cuối cùng (1985) nói về thời kỳ Thế chiến II; Những cậu bé trong quan tài kẽm (1989) về cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan; và Mê hoặc với cái chết (1993) và Lời nguyện cầu từ Chernobyl (1997) về thảm họa hạt nhân năm 1986 ở Ukraine Xô viết. Cuối cùng, Thời Second-hand (2013) cho thấy bi kịch của những người cố gắng sống sót qua sự sụp đổ của Liên Xô.
Tôi viết những cuốn sách ấy bởi tôi đã thấy những căn bệnh của đời sống Xô viết, và muốn cho thấy loài người trông như thế nào khi nó ở trên bờ vực của những gì vẫn còn là người. Nhưng chưa có cuốn sách nào – chưa có căn bệnh nào mà nó mô tả – đã kết thúc. Chúng ta vẫn đang chiến đấu các cuộc chiến: có những kẻ ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine; chúng ta vẫn đang vượt qua chủ nghĩa tư bản điên rồ mà tôi mô tả trong Thời Second-hand; và, sau Chernobyl, chúng ta nên biết cái giá của những nguy cơ khí hậu và sinh thái lớn hơn nhiều mà chúng ta phải đối mặt.
Nina Khrushcheva: Có vẻ còn rất nhiều việc dang dở.
Svetlana Alexievich: Tôi cảm thấy mình nên bổ sung cho Thời Second-hand, chú ý nhiều hơn đến nhà nước của Putin, và Belarus dưới thời Tổng thống Alexander Lukashenko, một lãnh đạo chuyên quyền khác thời hậu Xô Viết. Bởi tôi lên tiếng vì dân chủ nên Lukashenko đã làm như tôi không tồn tại. Ngay cả khi tôi nhận giải Nobel vẫn là sự im lặng hoàn toàn. Có lẽ tôi đã được giải thưởng này bảo vệ. Chế độ không thể chạm vào tôi. Song còn có những người mà tôi viết về và viết cho họ. Họ là những người hâm mộ. Nhưng họ biết là xã hội Belarus không quyết định được gì. Họ quá vâng lời – những người nô lệ mà tôi mô tả. Giống như ở Nga, mọi thứ đều do một người quyết định.
Ở Minsk ngày nay người ta không ngừng xôn xao về những kế hoạch tiềm tàng của Putin là sáp nhập Belarus, để ông ta có thể tiếp tục nắm quyền tổng thống của một quốc gia mới – Belo-Nga hay Nga-Belo hay một từ ghép nào đó tương tự – sau năm 2024, khi nhiệm kỳ chính thức của ông ta ở Nga hết. Đã có nhiều cuộc đàm phán giữa Lukashenko và Putin, có thể liên quan đến việc sáp nhập Belarus vào Nga. Cho đến nay Lukashenko đã thể hiện một cách quyết liệt rằng ông ta không muốn phục vụ với tư cách chỉ là một thống đốc khác trong các thống đốc Nga. Nhưng vẫn có thể có một cuộc thôn tính đang âm thầm diễn ra. Ai mà biết?
Tuy nhiên vẫn còn hy vọng. Tháng trước đã có nhiều người tổ chức các cuộc biểu tình phản đối sự sáp nhập Belarus vào Nga. Trước đó, năm 2017, Lukashenko đã ban hành một đạo luật mới chống lại tuneyadstvo – những người không có những công việc chính thức (tức ăn bám xã hội – ND). Tuneyadstvo có thể là nhà văn, chẳng hạn thế, hoặc đơn giản là những người chưa xin được việc. Dù sao đi nữa cũng đã có hàng ngàn người Belarus bỗng nhiên xuống đường. Họ phản ứng với một sự sỉ nhục từ phía nhà nước: mọi người sẽ bị đánh thuế vì lối sống của họ! Chẳng mấy mà đã có nhiều nhà lãnh đạo trẻ xuất hiện để lãnh đạo cuộc nổi dậy.
Đã có một phản ứng tương tự khi Putin quyết định tăng tuổi hưởng lương hưu ở Nga để lấp đầy ngân khố đè trên lưng người dân. Rõ ràng là người ta muốn kiểm soát môi trường của chính họ – lối sống và khí hậu, chứ không nhất thiết chỉ là theo một ý nghĩa sinh thái.
MỘT NỀN VĂN MINH CHỐNG LẠI CHÍNH NÓ
Nina Khrushcheva: Vậy hãy nói về Chernobyl. Đó là tiếng gọi đánh thức đầu tiên của môi trường thời hiện tại, và nó đã được dựng lại trong series giành giải Emmy và Quả cầu vàng mới của HBO.
Svetlana Alexievich: Tôi thích series phim này, bởi vì nó đã khiến những người trẻ tuổi thảo luận về vấn đề Chernobyl. Nó dường như phù hợp với “ý thức môi trường” đang trỗi dậy ngày nay. Chúng ta đã thấy tự nhiên không hài lòng với chúng ta và điều này đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Không dưng mà nhà hoạt động tuổi teen người Thụy Điển Greta Thunberg đã trờ thành Nhân vật của năm của tạp chí Time.
Nina Khrushcheva: Nhưng tôi chắc là chị cũng có những khúc mắc với nó.
Svetlana Alexievich: Nó kể câu chuyện về Chernobyl chủ yếu như một câu chuyện về hệ thống Xô viết coi thường mạng sống nhân dân – về một chính phủ im lặng trong cuộc khủng hoảng chết người. Nhưng chuyện không chỉ có thế. Nó không đơn thuần là đổ lỗi cho Liên Xô.
Nền văn minh dường như đang đi trên một con đường tự sát – một con đường được chiếu sáng bởi các công nghệ mà chúng ta không làm chủ, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân được hồi sinh, v.v. Chúng ta đã đánh thức những con quỷ mà chúng ta nghĩ có thể thuần hóa bằng nhiều công nghệ hơn, nhưng chúng ta không được chuẩn bị về mặt đạo đức cho cái đó. Chúng ta không thể nào hiểu được tình huống này, hay hiểu được làm thế nào để tồn tại trong nó.
Sự tiến bộ hiện đại nói một cách nào đó là một hình thức chiến tranh: nhân loại đang gây chiến với chính nó. Vài năm trước, tôi đã được mời đến Fukushima – địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân tháng 3 năm 2011 ở Nhật Bản – nơi tôi đã thấy điều tương tự như ở Chernobyl: mọi người được tái định cư, nhưng họ không được nói cho biết sự thật. Bạn không thể đến Fukushima gần hơn mười cây số. Chúng ta vẫn không biết thực sự có cái gì đi vào nguồn nước ở đó. Ngay cả một đất nước phát triển như Nhật Bản cũng không thể kiểm soát những con quỷ này.
Khi cuốn sách về Chernobyl của tôi ra mắt cách đây 20 năm, quả thật là tôi đang ở Nhật Bản và trò chuyện với ai đó ở một nhà máy điện hạt nhân. Tư tưởng khi đó là những thảm họa như vậy chỉ có thể xảy ra với những “người Nga bất cẩn,” không bao giờ xảy ra với những người Nhật vượt trội về công nghệ. Mười năm sau, trận động đất gây ra thảm họa Fukushima chỉ lớn hơn một hai điểm so với những gì mà các nhà quy hoạch tính toán, và mọi thứ biến thành một đống rác. Nhân loại có thể biến mất ngay trước mắt chúng ta, bất kể là ở nước nào.
Nina Khrushcheva: Cuốn sách của chị với series của HBO có quan hệ như thế nào?
Svetlana Alexievich: Chúng tôi đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất Chernobylvề việc sử dụng tư liệu của tôi để đổi lấy một khoản tiền khiêm tốn. Khi series được chiếu và trở nên nổi tiếng, rõ ràng là HBO đã sử dụng văn bản và nhân vật của tôi, cũng như tác phẩm của Vladimir Gubarev, người đã viết về một nhân vật khác trong series, Valery Legasov. Tuy nhiên, tên chúng tôi không xuất hiện trong danh đề. Tôi hy vọng điều này sẽ sớm được khắc phục.
Nina Khrushcheva: Bây giờ chị đang viết gì?
Svetlana Alexievich: Hai cuốn sách, về tình yêu và về cái chết. Mọi người tìm kiếm hạnh phúc như thế nào? Trong loạt Địa đàng Đỏ, điều kiện khủng hoảng là phép thử chính của tính người; trong tình yêu, nó là cảm xúc. Và trong cái chết, chà, cái chết là không thể tránh khỏi.
Nina L. Khrushcheva là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại The New School.
Svetlana Alexievich là nhà báo điều tra, chủ nhân giải Nobel văn chương năm 2015.
Copyright © Project Syndicate – 2020
“Người đàn ông bay” – Svetlana Alexievich
Thành tựu của Svetlana Alexievich
Svetlana Alexievich: “Stalin và Gulag không phải là lịch sử”