NHỮNG TRANG CÂM CỦA LỊCH SỬ

0
50
Svetlana Alexievich

Tạ Duy Anh

Tuy đoạt giải Nobel năm 2015 và viết bằng tiếng Nga, Svetlana Alexievich lại bị ghét bỏ cả ở Belarus, quê hương bà, cả ở Nga.

Tất nhiên có lý do của nó.

Với bà thì “Putin không phải là một chính trị gia. Putin là một tay KGB. Và những gì ông ta làm là những cái việc khiêu khích xúi giục mà KGB vẫn làm”. Còn chính quyền Belarus dưới mắt bà là “Hỗn hợp của mafia và Nhà nước Xô- viết”. Bà cảm thấy bị tổn thương khi xem qua video cảnh “Những người lính Nga thiệt mạng ở Ucraina được chở về quê và được chôn bí mật, kín đáo như chôn bọn tội phạm”. Bà rất đau lòng khi lịch sử thương tâm đang lặp lại trên đất Nga, lần này không phải do Hitler gây ra. Vẫn những người mẹ Nga từng cắn răng nuốt nỗi đau khi “xua” con mình ra trận bảo vệ tổ quốc, nhưng giờ đây cắn răng im lặng trước sự thật con mình bị giết chết vì cuộc xâm lược tàn bạo, chỉ vì “Nếu tôi nói ra thì người ta sẽ không trả tôi một triệu rúp (thời điểm 2015), số tiền tôi cần để mua cho con gái một căn hộ”.

Những trích dẫn trong ngoặc kép ở trên lấy ra từ một cuộc phỏng vấn, không có trong nội dung của “Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ”, cuốn tiểu thuyết tư liệu, qua bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc, làm nên tên tuổi lẫy lừng của Svetlana, từng được xuất bản và ca ngợi ở Việt Nam. Tác giả dùng thủ pháp để nhân vật- nhân chứng kể lại và bà chỉ ghi chép, gỡ băng từ hàng ngàn cuộc ghi âm rồi sắp xếp chúng thành một bức tranh lịch sử bằng ngôn từ, theo ý bà. Họ, những nhân chứng, nằm trong số hàng triệu phụ nữ Nga từng tham gia chiến tranh chống phát xít Đức. Những cô gái Nga hồi đó, nhiều người chưa hết vị thành niên, đã trốn gia đình tình nguyện ra mặt trận, chịu đựng muôn vàn nỗi cùng cực không thể hư cấu bằng trí tưởng tượng, gây ra bởi chiến tranh. Khi một phần nhỏ họ có may mắn trở về, được làm mẹ, cũng như bà mẹ Nga có con bị giết trên kia (và rất có thể là một trong số họ) đã câm lặng thời gian dài vì ám ảnh về chết chóc, vì không muốn nhớ lại quá khứ, vì sợ hãi và vì bị xã hội lãng quên. Họ câm lặng cả khi bị một số người xúc phạm coi là những “Đĩ rạc mặc quân phục”. (Trang 357) “Họ đã im lặng thật lâu đến mức sự im lặng của họ, cả nó nữa, cũng trở thành lịch sử” (Trang 175). Họ im lặng vì họ tin rằng “Còn nhớ đến chiến tranh, là còn tiếp tục chết….Chết và chết nữa”. (Trang 155)

Chúng ta cùng đọc tiếp một vài đoạn trích khác của cuốn sách, chính xác, là những lời kể tiếp của nhân chứng:

“Cùng chúng tôi có một nữ điện báo viên. Cô vừa sinh dậy. Đứa bé còn rất nhỏ, phải cho bú. Nhưng người mẹ không đủ ăn, thiếu sữa, và đứa bé khóc. Bọn SS ở rất gần… Với cả chó. Nếu chúng nghe được, thì chúng tôi chết hết. Cả đội. Ba chục người… Cô hiểu không?

Chúng tôi có một quyết định…

Không ai dám truyền đạt lệnh của người chỉ huy, nhưng tự người mẹ đoán ra. Cô nhận đứa bé địu trên người xuống nước và giữ hồi lâu… Đứa bé không còn rống lên nữa. Nó đã chết. Và chúng tôi không ai dám ngước mắt lên nữa. Về phía người mẹ, và về bất cứ người nào trong chúng tôi…” (Trang 26)

“Ở Stalingrad, người bị giết nhiều đến nỗi ngựa không còn sợ. Thường thì chúng sợ. Một con ngựa không bao giờ bước qua một xác người. Chúng tôi đã thu nhặt những người chết của chúng ta, nhưng xác bọn Đức thì không, chúng nằm đầy dưới đất, đóng băng lại. Tôi là lái xe, tôi chở những thùng đạn đại bác, tôi nghe thấy rôm rốp dưới bánh xe, xương của chúng…những chiếc sọ của chúng…Và tôi lấy làm khoái trá…” (Trang 27)

Tôi chưa từng đọc ở đâu những hiện thực  chiến tranh gây ám ảnh đến rợn người, đến muốn nôn ọe vì căng thẳng thần kinh như vậy.

Nhưng chiến tranh có lẽ đáng sợ ở chỗ, nó xóa nhòa giữa hành động thiện và ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, thậm chí liên tục  đổi vị trí những thứ đối địch ấy cho nhau. Như đoạn trích dưới đây:

“Những người du kích cưỡi ngựa vào một làng. Họ lôi một viên trưởng làng và con trai ông ta ra khỏi nhà. Họ dùng que sắt quất vào đầu hai người cho đến khi ngã gục. (…) Trong số du kích có anh trai tôi. Khi anh vào nhà muốn ôm hôn tôi- “Em gái!” tôi rú lên…Rồi tôi thành câm”. (Trang 29).

Sự dũng cảm của những người lính chiến chống lại cái ác, luôn là thứ đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Nhưng đôi khi nó không hề giống tí nào với tưởng tượng đậm chất anh hùng ca của chúng ta. Nó đau đớn, trần trụi khác xa với những vinh danh hào nhoáng ghi trong “chính sử”.

“Nhưng cũng có mệnh lệnh số 227: không được lùi một bước! Chỉ một bước thôi, anh sẽ bị bắn ngay! Những đơn vị chắn đường đi theo sau chúng tôi. Họ bắn…” (Trang 82)

“….Staline, đã thủ tiêu, ngay trước chiến tranh, những cán bộ tốt nhất của quân đội (…) Nếu không có năm 1937 (năm Staline đại thanh trừng hàng triệu đồng chí của ông ta), thì cũng sẽ không có năm 1941. Chúng ta sẽ không phải vừa đánh vừa rút lui đến tận Moskva và đã không phải trả giá đắt đến thế cho thắng lợi. (Trang 124)

Với mục đích “Phải viết một cuốn sách về chiến tranh sao cho người đọc đến buồn nôn sâu sắc vì nó, cho họ thấy chỉ ý tưởng về chiến tranh thôi đã là bỉ ổi, tâm thần…”, tác giả đã gạt sang một bên cái Lịch sử hào hùng của THỜI ĐẠI LỚN hân hoan tô đậm hai chữ CHIẾN THẮNG, để ghi lại thứ Lịch sử CỦA MỖI CON NGƯỜI đầy bi kịch và đầy ắp sự thật, được ghi nhớ trong kí ức những phụ nữ, trong đó nhiều thứ đáng ra phải tự hào, lại là những thứ đáng sợ nhất mà họ phải lặng lẽ mang theo suốt cuộc đời. 

Cuộc sống trở thành một chuỗi đau khổ bất tận với những người bị biến thành bà già ở tuổi hai mươi, mất khả năng sinh đẻ, sợ gặp đàn ông, sợ cả việc đi chợ luôn phải thấy những phản thịt, sợ vào bếp nấu nướng vì khiến họ buồn nôn với mùi thịt nướng, gợi nhớ lại cảnh thịt người bị băm chặt, bị nghiền nát nhừ, bị thiêu cháy…

Chiến tranh đã hủy hoại họ, theo mọi nghĩa. 

Nỗi sợ từ chiến trường vinh quang trở về phải vào thẳng nhà giam như số phận hàng chục ngàn sĩ quan, binh sĩ Liên Xô bị Đức bắt làm tù binh hoặc dám than vãn về tổn thất, cộng với thói dối trá của bộ máy tuyên truyền Xô-viết tiếp tục ăn mòn cuộc đời họ, ít nhất cho đến khi họ gặp tác giả.

Chọn phụ nữ là người kể lại chiến tranh, tác giả muốn đối lập một biểu tượng của tình yêu-sinh sôi-hòa bình, với bom đạn- chết chóc-sự điên rồ của cái ác. Đó chính là nỗi thống khổ sâu xa của chung con người, khi họ vừa là nạn nhân, vừa bất đắc dĩ là kẻ đồng lõa, với chiến tranh. 

Mặc dù cuốn sách là tập hợp của những lời “kể lại”, nhưng rất khó kể lại rành mạch những gì nó đem lại. Nó là hỗn hợp của vô số cảm xúc lộn xộn với đủ các sắc thái; nó lẫn vào sự ngưỡng mộ một nỗi kinh sợ không dễ diễn tả. Nó khiến chúng ta cứ muốn hét lên vì ghê sợ, kinh tởm, nhưng không thể không cúi thấp xuống để lắng nghe những lời yêu đương thì thầm lẫn theo cả lời cầu nguyện được sống và được tha thứ tội lỗi.

“Không phải tất cả sự thật. Nhưng là sự thật của họ. Trong lịch sử, có rất nhiều trang câm lại khiến chúng ta xúc động…”(Trang 324)

Được biết bản in vừa ra mắt của Nhà sách Tao Đàn, là bản đầy đủ nhất cho đến nay. Không chỉ những đoạn bị kiểm duyệt Nhà nước loại bỏ nay được khôi phục, mà gồm luôn cả những đoạn bị chính tác giả tự kiểm duyệt khi xuất bản ở Nga.

Chỉ vì nó quá khủng khiếp với bà khi đọc lại.

P/S: Nghe nói Pu tội phạm chiến tranh có lần khùng lên rủa bà là “Đồ con đĩ”?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here