Những tháng ngày đen tối (kỳ 13)

1
66
Câu này được nhắc lại ở đầu mỗi kỳ: Đây là biên chép về hiện thực cuộc sống thời gian bị dịch Covid-19 năm 2021, năm căng thẳng nhất trong cơn dịch thế kỷ.
20.9
Sáng nay lại phải ra đường, buộc phải ra bởi chở người nhà đi chích mũi 2, do địa phương thúc. Chỗ tiêm là Bệnh viện Nguyễn Trãi đông quá nên không thể chờ, mình tranh thủ về còn làm việc khác, sẽ quay lại đón sau. Lúc về một mình qua chốt công an trên quốc lộ 50 sát bến xe quận 8, họ dứt khoát không cho qua bởi không có giấy cho phép đi đường (khổ, chở người đi tiêm thì lấy đâu ra giấy phép), nói mấy cũng không thủng. Đành phải lộn về bệnh viện ngồi chờ tới tận trưa. Một mình chịu cảnh này thì không sao, nhưng lẩn thẩn nghĩ hàng triệu người mà chịu luật cấm máy móc vậy lại thành vấn đề. Nói thật, nếu kéo dài thêm tháng nữa, thì sẽ loạn. Sức chịu đựng, sự cam chịu của con người cũng có giới hạn.
Người ta đang lan truyền nhau bài hát chế:
Test test test test nữa rồi
Test test test test nữa rồi
Test nữa cho ngu cả người.
Mừng hội test trên khắp quê tôi
Mùa covi bay khắp muôn nơi
Toàn dân ta đi ngoáy mũi
Chọc cho sâu đau chết cha.
Một lần test toi mất 3 trăm
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Giờ đi đâu ai cũng test
Dù đi chơi hay đi làm…
20.9
Thầy Hải Triều, cựu chiến binh 6971 (nhập ngũ ngày 6.9.1971), cựu giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cám cảnh chuyện học trực tuyến:
Trực tiếp còn chẳng ăn ai
Nữa là trực tuyến on lai (online) ở nhà.
Bà bạn tôi Nguyễn Minh Huệ bảo mày ạ, tao không biết chúng nó nghĩ thế nào. Chúng thích online là đè con người ta ra bắt học, chắc cho rằng có gì là khó. Chúng đâu biết rằng muốn học 4.0 như thế thì trước hết phải đủ hạ tầng, có máy móc, internet, đường truyền, wifi, đã đăng ký thuê bao mạng miếc… Sống ở thành phố thì tạm cho được đi, nhưng nông thôn nghèo thấy mẹ, nhà có đứa con đi học, ăn chả đủ, tiền đâu mua máy tính, laptop, trả thuê bao internet. Ra chuồng trâu học nhờ mạng nhà hàng xóm chắc, học bằng điện thoại Oppo Tàu chắc. Rồi còn bọn oắt con tiểu học, khi học ở trường, ông bà bố mẹ và thầy cô giáo kèm như kèm tân binh vẫn chửa ăn ai, huống hồ để chúng ngồi một mình với máy. Tôi trả lời, thưa bà, kiểu gì thì không biết, chứ học on lai cầm chắc thất bại ở xứ mình lúc này. Rồi bà xem.
Hôm qua báo đăng có vụ tai nạn học online đầu tiên, ở Hà Nội. Hai bố con đang học, bố bận tí việc đi ra ngoài, con (9 tuổi) rảnh liền lấy chiếc kéo chọc vào ổ điện, bị điện giật chết, thương quá.
21.9
Trên mạng xã hội có bức tranh hai ông bệ vệ, nhìn là biết ngay quan lớn, đang ngồi ăn tiệc và trò chuyện với nhau. Ông nọ bảo ông kia, này ông ạ, nhân dân ta còn quá đói khổ, có lẽ chúng mình cũng nên mỗi tuần ăn cháo một bữa để gần gũi, chia sẻ với quần chúng. Ông kia nhất trí nhưng hỏi lại, thế mình ăn cháo yến sào hay cháo bào ngư.
BS Phan Xuân Trung viết “Mọi thứ đang diễn ra từ sự sợ hãi và mất định hướng của chính quyền. Họ, những người đang nắm quyền điều khiển xã hội, không có kiến thức về dịch tễ học, về bệnh truyền nhiễm nên cũng hoang mang về covid như dân chúng. Họ đã phản ứng loạn xạ như người không biết bơi bị té xuống nước. Cho đến nay, khi đỉnh dịch đã đi qua, khi việc lây nhiễm và tử vong đang giảm dần, họ vẫn chưa hết khiếp đảm, chưa bình tĩnh để nhận định tình hình. Những kế hoạch phục hồi hoạt động xã hội bị vẽ vời thẻ xanh thẻ vàng trong khi số liệu tiêm chủng, số liệu mắc bệnh, chữa khỏi thì nát hơn giẻ rách. Chống dịch dựa vào “công nghệ” với trăm cái app, chục cái website nhưng số liệu thì lộn tùng phèo. Vậy thì căn cứ vào đâu để xanh với vàng? Chờ cho ổn định số liệu hả? Có chuyện đó nữa hả? Lò thiêu vẫn tiếp tục ăn nên làm ra dưới sự nhảy múa của ma quỷ”.
23.9
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (trước đó từng là Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, thay bà vợ ông Hai Nhật Lê Thanh Hải) khi họp đoàn đại biểu quốc hội thành phố này đã đề nghị “Tôi nghĩ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, trung ương và thành phố nên xây dựng tượng đài tưởng nhớ và vinh danh ngành y tế”. Nhiều người nhận xét, làm đến chức ấy mà thứ tư duy tượng đài vẫn chiếm hết chỗ trong bộ óc thì loại cán bộ vậy dân chả trông cậy được gì. Nhiều người đọc báo mậu dịch đã còm khuyên ông nghị Ngân, ông ạ, tượng đài y tế để sau cũng được, từ từ rồi tính, hiện có tượng đài Trần Hưng Đạo ven sông Sài Gòn bị chính quyền cướp lư hương kia kìa, ông có biết không. Có người trên mạng xã hội còn văng tục, rằng thứ cần nói lại đéo nói, đồ nghị gật…
Lại nhớ câu GS Ngô Bảo Châu viết trên phây búc năm 2015: Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra tiền tỉ để xây tượng đài, thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh.
Nguyễn Thông (ghi)

1 COMMENT

  1. Hi Neat post Theres an issue together with your web site in internet explorer may test this IE still is the marketplace chief and a good component of people will pass over your fantastic writing due to this problem

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here