NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM QUỐC GIA

0
70
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và nhà báo Đinh Quang Anh Thái.

Truong Huy San cùng với Anh Thai DinhManh Hung Nguyen.

Năm 2005, khi đến “vùng D. C.” học về chính sách công, một tham tán công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ giới thiệu tôi gặp GS Nguyễn Mạnh Hùng. Nhiều lần, hai cha con tôi được ông lái xe đưa đi ăn ở George Town hoặc đưa về ngôi nhà của ông ở vùng Fairfax, ngôi nhà có phía sau là rừng, thỉnh thoảng có một vài chú nai nhẩn nha gặm lá.

GS Nguyễn Mạnh Hùng được số đông trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài kính trọng, dù những người cực đoan vẫn chỉ trích việc ông về nước nhiều, sẵn sàng tiếp xúc với các nhà lãnh đạo và đến nói chuyện ở những nơi như Ban Đối ngoại, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Ngoại giao… 

GS Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những người Việt Nam đầu tiên nhận được học bổng Fulbright [1960] sang Mỹ học về quan hệ quốc tế. Và, ông cũng là người Việt tị nạn đầu tiên lãnh đạo một trung tâm nghiên cứu Đông Dương ở một trường đại học Mỹ [George Mason University].

Không có ở đâu chửi Mỹ nhiều như các đại học Mỹ, những sự kiện lịch sử như “Vietnam War” luôn được các “trí thức thiên tả” Mỹ “đổ hết tội lỗi cho Washington, xúc phạm Sài Gòn và đề cao Hà Nội”. Chính môi trường đại học Mỹ và các trí thức thiên tả, chứ không phải Ban Tuyên giáo, đã củng cố tinh thần chống Mỹ và Phương Tây cho rất nhiều người Việt từ trong nước sang học một hai năm.   

GS Nguyễn Mạnh Hùng là người tổ chức cuộc hội thảo đầu tiên về cách giảng dạy chiến tranh Việt Nam [Teaching the Vietnam War, 1988]. Cách tiếp cận của ông giúp tôi biết đặt sự hiểu biết và phương pháp tư duy của mình trong “academic framework”.

Mặc dù từng là thứ trưởng bộ Kế hoạch của Việt Nam Cộng Hòa; mặc dù có không ít bất đồng, hiểu những cái sai và hạn chế trong nỗ lực phát triển và chống tham nhũng ở trong nước, ông luôn sẵn lòng khi được các quan chức Việt Nam tham vấn. Tôi học được ở ông thái độ, không bao giờ cầu toàn, đưa ý kiến hết sức thành tâm, chưa có democracy thì cố gắng để có better governance, chế độ ít sai sót hơn một chút là đất nước, nhân dân đỡ khổ.

Khi chuẩn bị cuốn sách về GS Nguyễn Mạnh Hùng, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, một người có cuộc đời dữ dội, một người mà tôi rất kính trọng, đề nghị tôi viết một bài về ông. Tôi suy nghĩ rất lâu rồi gửi thư xin phép không viết vì “Em biết về anh Hùng mỏng quá; ấn tượng, sự kính trọng thì dày nhưng tư liệu về thầy lại không đủ để viết bài cho cuốn sách”.

Hôm nay, khi đọc xong cuốn “Nguyễn Mạnh Hùng, Khoảnh Khắc Nhìn Lại” mới thấy mình không viết là đúng. Tôi đã chỉ biết rất ít về GS Nguyễn Mạnh Hùng. Đây có lẽ là một trong những tác phẩm thành công nhất của anh Đinh Quang Anh Thái. 

Sinh năm 1937, có bố từng được Việt Minh bổ nhiệm chánh án quân sự Hải Phòng, năm 1949 “dinh tê”, năm 1954 vào Nam… và, ngày 29-4-1975, bỏ lại tất cả theo đúng nghĩa đen, một tay bế con, một tay cầm bình sữa cho con “di tản”. Ông không chỉ “chứa một phần lịch sử” của đất nước này mà số phận của ông mang đầy thương tích của nửa thế kỷ tao loạn ấy.

Mẹ của GS Nguyễn Mạnh Hùng, bên phải, và em gái; bức ảnh này cũng là một phần lịch sử của Hà Nội trước 1945.

Phần thú vị nhất có lẽ nói là phần mà miền Nam chuẩn bị cho mình những nhà kỹ trị, tiêu biểu là GS Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc Gia Hành Chánh, người tin rằng, không có “đối lập” thì “những con chuột chính trị” sẽ “ăn ruỗng nền móng xã tắc, làm mục ruỗng chế độ”. 

Ngày 10-11-1971, một ngày trước khi Sài Gòn loan báo tin ông Bông nhận lời làm thủ tướng, hai “Việt Cộng nằm vùng” đã ném lựu đạn vào khi xe ông đang dừng ở một ngã tư [Hai “Việt Cộng” ám sát ông, một người là ông Vũ Quang Hùng rất hay viết báo kể lại “chiến công”; một người, anh Lê Văn Châu – đồng nghiệp của tôi ở báo Tuổi Trẻ – lúc nào thấy đồng sự của mình kể lại là lại vò đầu bứt tai, ray rứt].

Theo ông Hoàng Đức Nhã, người thay mặt Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thuyết phục GS Nguyễn Văn Bông làm thủ tướng, GS Nguyễn Mạnh Hùng đứng đầu trong danh sách “nội các” dự kiến của GS Nguyễn Văn Bông. Không khí chuẩn bị của những trí thức Sài Gòn lúc ấy cho thấy họ có một “kế hoạch hậu chiến” đầy tham vọng và miền Nam lẽ ra đã có một nền cộng hòa.

Có một câu chuyện lần đầu được tiết lộ: 

Năm 1959, cha kế [cha đẻ mất khi ông 2 tuổi] của GS Nguyễn Mạnh Hùng, ông Phạm Ngọc Sỹ, đang là chánh án tòa Hòa Giải Rộng Quyền Phú Yên đồng thời là một lãnh tụ địa phương của Đảng Cần Lao. Ông Sỹ phải thụ lý vụ án LS Nguyễn Hữu Thọ bị tố tội hiếp dâm. Hồ sơ mô tả chuyện một cô gái tung cửa chạy ra hô hoán, bác sĩ khám thấy trên đùi cô có tinh trùng… 

Ông Phạm Ngọc Sỹ biết, LS Nguyễn Hữu Thọ bị gài, Đảng Cần Lao muốn làm nhục và bắt giam ông Thọ. Đảng muốn ông thi hành một loại “công lý cách mạng” mà ông đã từng từ chối, lý do để ông “dinh tê”. Chánh án Phạm Ngọc Sỹ đã ra Huế, gặp Ngô Đình Cẩn, nói chuyện với ông Cẩn “mấy ngày đêm”, thuyết phục, “ông Thọ không có tội, nếu xử sẽ làm mất uy tín của một tòa án mới được thiết lập”. Ông Cẩn cuối cùng đồng ý, ông Thọ chỉ bị an trí tại Tuy Hòa và năm 1960 thì vào Rừng trở thành “Chủ tịch MTGP miền Nam”.

Sau năm 1975, LS Nguyễn Hữu Thọ đã can thiệp để ông Phạm Ngọc Sỹ ra khỏi trại cải tạo sớm và ngày Tết, ông đã cho xe đón ông Phạm Ngọc Sỹ tới nhà ăn cơm.

Câu chuyện vụ án LS Nguyễn Hữu Thọ là một ví dụ cho thấy, cho dù, trước 1975, cả miền Nam là chiến trường, những trí thức Tây học và các tầng lớp học sinh, sinh viên của họ vẫn rất lãng mạn với “tự do, bình đẳng, bác ái”.

GS Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau một cuộc đàm đạo rất dài về thời cuộc [2007].
Đấy là một trong những lý do mà anh Hùng, anh Thái cho rằng, miền Nam đã thua. Đấy cũng là câu chuyện mà những người Cộng Hòa trăn trở trong cuốn sách này: “Cách duy nhất để phát triển đất nước là ‘hòa hợp, hòa giải’; chính cái lãng mạn của những người Quốc Gia sẽ là mầm để tái sinh một Việt Nam mai sau, nhân bản”. 

Cuốn sách này, anh Đinh Quang Anh Thái không chỉ viết về một con người. Cuốn sách là một sự bắt đầu, một gợi ý rất nghiêm túc cho những nhà sử học viết tiếp về “Bên Thua Cuộc”.

Theo GS Nguyễn Mạnh Hùng thì “lịch sử luôn tạm thời được viết bởi Bên Thắng Cuộc”. Cho dù cũng là Việt Nam Cộng Hòa, giai đoạn 1954-1963 cũng đã được viết bởi những người muốn phủ nhận gia đình nhà Ngô. Nhưng, thời gian sẽ trả lại sự công bằng cho lịch sử để, có ngày, dân tộc này “cùng chia sẻ một quá khứ”.

Nguồn : https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid02tydEb6KjLzXJPEAfhceLGQjg2o1hbhci4YWBT5KxaBS5Hc2zpLWqyMGtceME2JYLl

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here