Elise Ha
Tối qua, Khôi xem phim hoạt hình trên YouTube, rồi tự nhiên bật khóc. Mình từ phòng tắm bước ra, đầu vẫn còn quấn khăn, ngạc nhiên khi thấy Khôi đầm đìa nước mắt, chạy lại dang tay ôm mẹ thật chặt, vừa khóc vừa nói “Khôi sợ”. Mình vội ôm con, xoa đầu hỏi “Có chuyện gì vậy con, kể cho mẹ nghe được không?” Khôi không nói mà cứ khóc nấc lên từng tiếng. Mình không hỏi nữa, cứ đứng im độ 10 giây, chờ cho con bình tĩnh lại. Tiếng khóc có phần nhỏ dần, chợt Khôi lên tiếng “Mẹ! Mình đi vào phòng nói nha, con không muốn Chị hai cũng bị sợ như con” Nghe Khôi nói câu đó, làm mình nghẹn lời, mới phút trước còn nhìn thấy anh ấy dưới hình ảnh baby, hay khóc nhè, vậy mà chỉ phút sau thấy Khôi chững chạc hơn thật nhiều, biết lo lắng và quan tâm đến cảm giác người khác, dù bản thân mình đang buồn. Thật đúng “Mưa dầm thấm lâu”, cứ tỉ tê dạy con những điều thuần việt, lâu dần con cũng hiểu.
Mình cúi xuống ẩm Khôi, con trai lớn quá rồi, dù cố hết sức, mình vẫn không bế nổi anh ấy vào tới cửa phòng. Lúc này chỉ còn thế giới 2 người, Khôi vừa ôm mình vào lòng, tay vân vê từng sợi tóc rối và ướt của mẹ, vừa nói “Khi nãy con xem phim, trong đó người mẹ bị bệnh, Bác sĩ không cứu được, nên người mẹ chết. Con nghĩ đến mẹ, sợ mẹ cũng sẽ chết, và bỏ con…” Nói đến đó Khôi lại khóc nấc lên, nước mắt cứ chảy ra, không dứt, tiếng khóc mỗi lúc một to hơn, như muốn trút ra hết nỗi lo lắng, sợ sệt dồn nén trong lòng. Mình nghe mà tim nhói đau , con còn quá nhỏ để phải bận tâm về “sinh, lão, bệnh, tử” Phải chăng đó là bản năng tự nhiên của con người? Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, vẫn mưu cầu sự sống, tình yêu? Khi tình thương ta dành cho ai quá lớn, ta sẽ luôn lo sợ mất đi người ấy? Mình ráng nén tiếng thở dài, cố ngăn dòng nước mắt chực trào ra, nhẹ nhàng nâng mặt Khôi lên, nhìn vào mắt con, dùng giọng dịu dàng nhất có thể, từ từ nói “Chỉ là phim, không phải thật, Mẹ đang ở bên con nè, Mẹ sẽ giữ cho mình thật khoẻ, để sống thật lâu bên Khôi, đến khi Khôi lấy vợ nhé?” Nghe đến lấy vợ, anh ấy mắc cỡ, vùi đầu vào ngực mẹ nói “Con không lấy vợ đâu, sẽ ở bên mẹ suốt đời” Mình nghe mà bật cười cho sự ngây ngô của con. Để rồi xem, “lời nói gió bay” sau này có bạn gái, quên mất mẹ
Đêm qua có 3 mẹ con ở nhà, Khôi năn nỉ được ngủ chung với mẹ, nằm ngắm con ngủ thật ngon, thở đều, khuôn mặt ngây thơ như một thiên thần, đáng yêu và bình yên. Đôi môi vẫn còn nút nút y như lúc nhỏ, và mỗi lần vậy, Mẹ đút bình sửa vào, là em ấy uống hết trong vòng 3 nốt nhạc, dù mắt vẫn nhắm. Giờ Khôi 9 tuổi rồi, nhưng vẫn còn mùi baby và vẫn nút môi khi ngủ. Nhìn hình ảnh này tự nhiên lòng dâng lên nhiều cảm xúc, không hiểu sao bao kỷ niệm ngày xưa không hẹn mà ào ạt ùa về. Mình nhớ lại từ lúc mang bầu, rồi đi sanh Khôi ra sao, nhớ rõ từng chi tiết cứ như mọi chuyện mới xảy ra hôm qua. Vội vàng ngồi dậy,lấy giấy bút viết lại câu chuyện, sợ mai này, già, mất trí nhớ, quên hết những ký ức đẹp nhất của đời mình, thì thật hoang phí một kiếp người…..
Nhớ lại lúc xưa mình mang thai Khôi, khi Meena mới 10 tháng tuổi. Nên sự háo hức, trông chờ không nhiều. Lúc đó hầu hết thời gian đều dành chăm sóc Meena, tối đến mệt quá, mình ngủ quên, nên không trò chuyện hay mở nhạc cho Khôi nghe như mình đã từng làm với Meena. Hiểu được sự vất vả của mình, Khôi nằm trong bụng mẹ rất ngoan và hợp tác. 9 tháng thai kỳ trôi qua một cách nhẹ nhàng. Đến tuần thứ 39, mình đến văn phòng bác sĩ khám thai theo định kỳ, kiểm tra xong bác sĩ ngạc nhiên nhìn mình hỏi “Elise đã nở 4 phân rồi, sao không thấy đau hả?” Mình nhìn bác sĩ ngỡ ngàng, rồi tự nhủ “Chắc có lẽ đây là đứa thứ 2 nên sức chịu đựng của mình giỏi hơn chăng?” Bác sĩ bắt đi vào bệnh viện ngay để chuẩn bị sanh. Rút kinh nghiệm lần sanh Meena, mình luôn để sẵn vali đồ trong xe, để có chuyện gì chạy đi ngay. Nhưng lần này thay vì chạy vào bệnh viện như lời bác sĩ nói, mình thủng thỉnh về nhà tắm gội, thay đồ đẹp, tô son và đi ăn, chọn nhà hàng sát bệnh viện…
12h trưa, trong lúc đang chém gió khí thế ở quán ăn, mình bỗng cảm giác cơn đau quặn thắt từng hồi ùa đến, Anh Huy thấy mình buông đũa, mặt mày xanh lè, liền hỏi “Em có sao không?” Mình im lặng, đứng dậy đi một mạch về hướng bệnh viện, bỏ lại đôi mắt ngơ ngác của anh ấy dõi theo, mình quay lại, nói không muốn ra hơi “chắc em sắp sanh rồi”. Anh Huy vội chạy theo, vừa chạy vừa nói- anh chưa thấy ai sắp sanh mà còn đi bon bon như em, đã vậy càng đau thì càng im lặng, không rên la….
Cứ ngỡ lúc nãy không thấy đau, thì chắc lần này sẽ không đau như lần sanh Meena, nhưng mình đã lầm. Giờ mới hiểu câu nói “Không có cái đau nào giống cái nào” Mình nằm trên giường nhắm mắt. hít thở, tuyệt đối không nói một lời nào cố gắng tập trung để quên cơn đau. Thời gian cứ thế nặng nề trôi qua. Y tá vào kiểm tra liên tục, mình vẫn chưa sanh được . Lúc sanh Meena, mình có chích thuốc giảm đau, nhưng lần này mình lì, muốn một lần trải nghiệm cơn đau đẻ nguyên thủy như thế nào, nên khi Bác sĩ gây mê đến phòng, mình từ chối không chích thuốc. Đêm đó chắc ít người đi sanh, nên ông ấy hơi rảnh, nán lại nói chuyện với anh Huy, nói một hồi, ông ấy xoay sang kể chuyện ma. Mình nằm trên giường đau quá, tai ù lên, không nghe được nội dung câu chuyện là gì, chỉ nghe âm thanh của giọng nói vang bên tai, khiến mình rất khó chịu, muốn nổ tung, mình khều tay anh Huy, anh ấy ngưng câu chuyện quay sang hỏi “Em đổi ý, muốn chích giảm đau hả?” Mình mệt mỏi lắc đầu, thì thào nói “Hai người làm ơn ra ngoài nói chuyện dược không?” Ông bác sĩ bị cụt hứng, vừa đi, vừa nói với Anh Huy “Tôi chưa thấy ai đau đẻ như vợ anh, cứ nằm im, không chịu nói gì, và cũng không cho người khác nói”
8 giờ tối, cô y tá vào check, vui mừng báo, mình đã nở đủ 10 phân, chuẩn bị sanh. Bác sĩ và thêm 2 y tá nữa vào, tự nhiên mình bị sốt, không còn sức để đẩy em bé ra. Bác sĩ nói, nếu vậy chắc phải mổ, vì để lâu nguy hiểm cho con. Nghe đến chữ mổ, mình sợ quá, đầu óc hoang mang, vội nói, để mình cố hết sức. Mình hì hà, hì hụt, đẩy tới đẩy lui, mắt hoa lên, người ướt đẫm mồ hôi. Hơi thở đứt quảng, tưởng chừng không còn thở được nữa. Mọi người xung quanh cổ vũ, nói ráng lên. Mình lấy hết sức còn lại, đẩy thật mạnh, cảm giác như từng mạch máu trong tế bào vỡ ra, và sau cái đẩy cuối cùng, phép mầu nhiệm đã xuất hiện. Bác sĩ nói chuẩn bị lấy em bé ra, chỉ một lát sau mình nghe tiếng khóc oe oe của con, mình mừng rỡ, khóc ròng. Đưa tay làm dấu, Tạ ơn Chúa, con trai chào đời bình an, theo cách tự nhiên, không cần mổ. Khi đó là 8:40 tối.
Cô y tá đặt con nằm trên lồng ngực mình, để quen hơi ấm từ mẹ. Mình định thần lại để nhìn con và cảm nhận cái giây phút thiêng liêng, nhưng con mới được đặt lên ngực bỗng dưng toàn thân mình co giật, tay chân đập liên hồi, cảm giác mất oxy, mắt mờ đi. Cô y tá vội bế con ra khỏi ngực và bác sĩ kêu truyền dịch, thêm thuốc gì đó. Sau đó mình lịm đi không biết gì, chỉ lơ mơ cảm nhận cứ như đang bay bồng bềnh trong căn phòng trắng toát, có tiếng ai đó nói thì thầm. Lúc mở mắt tỉnh hẳn thấy đang nằm phòng hồi sức, được chiếu đèn, tay chân vẫn run bần bật. Lâu lâu có 1 cô y tá vô kiểm tra coi mình ổn không rồi đi ra.
Mình nằm đó từ 9h tối tới 9h sáng, trắng đêm, không ngủ được chút nào. Bé Khôi được các Cô y tả chăm sóc. Đầu óc mình nghĩ ngợi miên man. Hàng trăm câu hỏi cứ vang vang lên trong đầu và thật kì lạ, dù mới qua một lần vượt cạn gay go, mà mình không mệt chút nào, như có một năng lượng đặc biệt đang chảy trong cơ thể, mình tỉnh táo trả lời tất cả. Sáng rõ tất cả. Như sửa soạn cho một chuyến hành trình mới.
Đó là cái đêm dài nhất kể từ khi mình làm người, nó nhắc mình rằng, từ nay, cuộc đời của mình không còn là của riêng mình. Từ nay, đời mình gắn với một người nữa, nơi mà mọi niềm vui nỗi buồn đều tương trợ cho nhau. Từ nay, mình biết mình phấn đấu và hi sinh vì cái gì. Từ nay, mọi yêu thương đã có nơi thuộc về.
Đêm ấy, cái đêm định mệnh ấy, đêm rằm tháng 8, trăng sáng tỏ nhất. Một thiên thần đã chào đời, như ánh sáng, như hi vọng, như sức mạnh, đẩy lùi mọi khổ đau, buồn lo, đơn độc dằng dặc kéo dài trong đời đàn bà….Và đêm nay, cũng lại một đêm mất ngủ, với bao nỗi trăn trở. Nhớ lại lời nói của con khi nãy, với ánh mắt đẫm lệ, Thấy thương con quá. Len lén cầm tay con lên, vuốt ve từng ngón tay và tự nhủ lòng để đi cùng nhau trong hành trình này, mình cứ thoải mái và thuận tự nhiên, mọi thứ sẽ ổn. Mình đâu cần là bà mẹ xuất chúng, và con mình đâu nhất thiết phải là đứa trẻ thần đồng. Ta hãy là những con người bình thường, vui vẻ, biết ơn cuộc đời vì nhân duyên này, con nhé