Nhân sự đại hội XIII, gươm đã tuốt ra khỏi vỏ!

    0
    341
    Đôi bạn Dương Đức Quảng – Nguyễn Phúc Trọng. Photo Courtesy

    Lê Văn Đoành

    16-3-2020

    Nhiều năm trở lại đây, cứ trước mỗi kỳ đại hội đảng, các phe phái lại “đấu đá” nhau đủ mọi hình thức. Từ tung tin “mật” bôi nhọ, hạ uy tín lẫn nhau, đến “đấm” sấp mặt của các đối thủ chính trị của mình.

    Mỗi bên đều dựa vào các trang mạng xã hội, hoặc lập ra những trang blog riêng… để tấn công. Góp phần vào đội ngũ này còn có những phóng sự điều tra công phu, thuyết phục bạn đọc, cùng những số liệu, tư liệu khó bác bỏ, đăng trên báo chính thống, tham gia vào trận chiến tranh giành quyền lực của các chính trị gia.

    Hầu hết, bài vở “đánh nhau” được đăng tải trên mạng xã hội có nguồn tin, thông tin và nhận định logic, bài bản, khoa học và chuyên nghiệp.

    Các trang Quan Làm Báo, Vua Làm Báo, ra đời đầu năm 2012, đối tượng tấn công là ông Nguyễn Tấn Dũng và bộ sậu. Trang Tư Sang Nham Hiểm có từ tháng 4/2014, nhắm vào ông Trương Tấn Sang v.v… Nhưng rung chuyển “cung đình” nhất, phải kể đến trang Chân Dung Quyền Lực (CDQL).

    Trang CDQL xuất hiện khoảng tháng 10/2014, trước Hội nghị Trung ương 10, chuẩn bị nhân sự cho đại hội khoá XII, diễn ra vào tháng 1/2016. Hầu hết các bài viết nhắm vào Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Hoà Bình… và một phần về chuyện Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc phóng xạ.

    CDQL “vén” lên những bí mật “thâm cung bí sử”, những điều mà dân chúng khi đọc, đều không khỏi kinh hoàng vì sự dối trá, tham nhũng và hư đốn, của cán bộ cấp cao, trong giới lãnh đạo thượng tầng quốc gia. Tất nhiên, nếu không có “tay trong” nội bộ đảng tuồn tài liệu, thậm chí lập ra những trang web đó, thì khó có ai viết được như thế.

    Sau khi vụ án Vũ ‘nhôm’ nổ ra, người ta càng hiểu rõ, trang CDQL là của ai, mục tiêu của nó là gì và nhắm vào đâu?

    Năm 2015, nhất là thời điểm sắp đại hội, đã xuất hiện nhiều hơn những bài viết tấn công trực diện những ứng viên “nặng ký” cho bộ máy cầm quyền của đảng Cộng sản. Những status của các cây bút tên tuổi công khai ra mặt chỉ trích, hàng loạt đơn thư tố cáo của các giáo sư “lý luận”, của cựu lãnh đạo cấp cao, của lão thành cách mạng… được tung lên mạng xã hội, rất quyết liệt, như muốn kết thúc “trận đấu” ở hiệp cuối cùng.

    Còn nhớ, sức mạnh của mạng xã hội có ảnh hưởng lớn đến nỗi, ngày 12/9/2012, chịu hết xuể, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lệnh cho đàn em ra Công văn số 7169/VPCP-NC do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Quang Thắng ký nêu rõ: “Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động”.

    Ảnh chụp công văn hỏa tốc 7169/VPCP-NC của VPCP ngày 12/9/2012

    Còn chưa đầy 10 tháng nữa, đại hội thứ XIII của ĐCSVN sẽ chính thức mở màn. Từ nay đến thời gian khai mạc đã được chốt vào tháng 1/2021. Chỉ còn khoảng ba kỳ hội nghị BCH Trung ương nữa là tới đại hội XIII.

    Hội nghị trung ương 12, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6/2020, có thể phải dời lại, bởi đại dịch Covid-19 hành hoành, khi mà số ca nhiễm bệnh ở VN đã vượt quá con số 50.

    Ở cơ quan đầu não trung ương, “tam trụ” bỗng im hơi, lặng tiếng, bởi sự vắng mặt khó hiểu của tổng – chủ Nguyễn Phú Trọng, lẫn bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Khẩu hiệu trong mùa đại dịch “chống dịch như chống giặc” được đưa ra, người ta thấy các ông Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam, “tả xung hữu đột”, bơ phờ vì chỉ đạo chống dịch.

    Nguyễn Xuân Phúc và Vũ Đức Đam “đau đầu” vì đại dịch Covid-19. Photo Courtesy

    Ngược lại, sự “im lặng đáng sợ” của nhiều quan chức cấp cao khác, thật là khó hiểu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không thấy xuất hiện. Bản thân ông Trọng đến giờ này, sức khoẻ sa sút thấy rõ. Hồi phục sau đột quỵ hôm 14/4/2019 tại Kiên Giang, nhưng ông vẫn bị di chứng nặng nề. Khuôn mặt hốc hác, già nua, tay yếu, hai chân đứng không vững, đi xoắn… vì vậy, ông Trọng tránh hầu hết các sự kiện quan trọng. Có vẻ như, ông Trọng chỉ xuất hiện khi họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nơi cần có ông chỉ đạo và ra quyết định cuối cùng.

    Bạn thân, người bạn học tri âm, học với ông Trọng ở đại học Tổng hợp, phóng viên chiến trường và cũng là cựu quan chức của Vụ báo chí VP Chính phủ – ông Dương Đức Quảng.

    Đôi bạn Dương Đức Quảng – Nguyễn Phúc Trọng. Photo Courtesy

    Trong nhiều bài viết của mình, ông Dương Đức Quảng ngợi ca ông Trọng là con người bình dị, tài đức vẹn toàn, không màng danh lợi, không vun vén cá nhân. Ông Quảng từng viết: “Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người tử tế và rất chu đáo; cách hành xử với thầy cô, các bạn luôn có nghĩa, có tình và có trước, có sau”.

    Ông Quảng qua đời hôm 19/1/2020, thọ 75 tuổi. Thủ tướng Phúc đến, ông Trọng chỉ gởi vòng hoa, mà không trực tiếp viếng vì lý do sức khoẻ. Lần xuất hiện gần nhất, hôm 27/2/2020, ông Trọng tiếp các Đại sứ trình Quốc thư.

    Về phía Chủ tịch Quốc hội, lần xuất hiện gần nhất, bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp đại sứ Ấn Độ hôm 28/2.

    Câu hỏi dấy lên, có hay không, một khoảng trống quyền lực nhất định, đang xảy ra tại Ba Đình?

    ***

    Cũng như các cuộc đua trước, đại hội XIII được nhiều người đánh giá cũng không êm ả gì khi các “bộ sậu đấu đá ngầm” vẫn đang tiếp tục diễn ra.

    Chỉ thị 35-CT/TW ban hành tháng 5/2019, của BCH trung ương và hướng dẫn 26-HD/BTCTW, tháng 10/2019 nhằm thực thi nội dung Chỉ thị 35-CT/TW về đại hội đảng các cấp, nêu rõ:

    Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người:

    – Bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh;

    – Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”;

    – Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm;

    – quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân;

    – Bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.

    Nếu đúng như “tinh thần” của các văn bản đó, thì đại hội XIII của ĐCSVN sẽ bầu ra 200 “vị thánh” chứ không phải là “người phàm” nữa. Trong khi tìm một người bình thường trong hàng ngũ quan chức đảng không ra, bởi họ mang hình hài là con người, nhưng không còn là con người nữa, lấy đâu ra “thánh” để bầu vào trung ương?

    ***

    Hôm 23/9/2019, đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đưa tin vụ việc 9 người Việt đi nhờ chuyên cơ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rồi bỏ trốn tại Hàn Quốc. Sự việc diễn ra từ hồi tháng 12/2018, trong chuyến sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang. Đã gần một năm, câu chuyện được xới lên, “rùm beng” trên báo đảng cả nước, chắc chắn không có chuyện “tình cờ”.

    Uy tín bà Kim Ngân sút giảm đáng kể, mặc dù bà xem như, đã hết “cửa” chạy đua, trong tái cử “tứ trụ”.

    Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân bị nêu tên trên đào MBC. Ảnh: MBC

    Tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành quy định 205/QĐ-TW, về “kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền” trong công tác cán bộ.

    Có lẽ vì nhận ra lối “làm nhân sự” mập mờ, phe nhóm…, vì vậy hôm 25/9/2019, Tạp chí Cộng sản phối hợp với NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Trong tham luận của mình, PGS-TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội nêu một số ý kiến:

    – Đề nghị nên công khai danh sách 200 nhân sự quy hoạch trung ương khóa mới để đảng viên biết và giám sát, nhân dân phản biện, đóng góp ý kiến.

    – Cần xem lại bất cập, trái “nguyên tắc tập trung dân chủ” của Quyết định 244. Rằng QĐ 244 thực sự “có vấn đề” về dân chủ.

    – Các ứng viên lãnh đạo cần có chương trình hành động cụ thể.

    – Đại hội trực tiếp bầu bí thư.

    Việc PGS-TS Lê Minh Thông, người giữ chức Trợ lý của bà Kim Ngân, “bạo miệng” như thế, cũng là điều đáng chú ý.

    Tại phía nam, cựu bí thư Lê Thanh Hải, người có bốn khoá tham gia BCH trung ương, hai khoá ngồi trong BCT, kiêm bí thư thành uỷ TP HCM, bị đề nghị kỷ luật và bêu trên phương tiện truyền thông cả nước, cũng gây “rúng động” dây chuyền. Người đứng ngồi không yên, chính là ông Võ Văn Thưởng. Bởi chiếc “ghế” dành cho ông ở đại hội XIII, rất mong manh và lắm kẻ dòm ngó.

    “Sới vật” mùa xuân 2021, đang đi vào khúc cuối. Danh sách 204 ứng viên BCH Trung ương đã được Bộ Chính trị khoá XII phê duyệt. Những ai sẽ là “trường hợp đặc biệt” khi đã quá tuổi 65, những ai sẽ may mắn được “chốt” vào danh sách ứng viên BCT khoá mới, dự kiến thông qua tại hội nghị trung ương 12 sắp đến?

    Dưới đây là những nhân vật sáng giá, dự định sẽ lọt vào danh sách Bộ Chính trị khoá XIII, cũng như chức vụ mà họ là ứng viên:

    1.- Trần Quốc Vượng, sinh 1953, quê Thái Bình, UVBCT, Thường trực Ban bí thư: Ứng viên Tổng Bí thư

    2.- Nguyễn Xuân Phúc, sinh 1954, quê Quảng Nam. UVBCT, Thủ tướng chính phủ: Ứng viên Chủ tịch nước

    3.- Trương Thị Mai, sinh 1958, quê Quảng Bình, UVBCT, Trưởng Ban dân vận Trung ương: Ứng viên Chủ tịch Quốc hội

    4.- Trương Hoà Bình, sinh 1955, quê Long An, UVBCT, Phó thủ tướng thường trực: Ứng viên Thủ tướng

    5.- Phạm Minh Chính, sinh 1958, quê Thanh Hoá, UVBCT, Trưởng Ban tổ chức Trung ương: Ứng viên Thường trực Ban Bí thư

    6.- Tô Lâm, sinh 1957, quê Hưng Yên, UVBCT, Bộ trưởng Bộ công an: Ứng viên Trưởng Ban tổ chức Trung ương

    7.- Nguyễn Văn Bình, sinh 1961, quê Phú Thọ, UVBCT, Trưởng Ban kinh tế Trung ương: Ứng viên Phó thủ tướng

    8.- Phạm Bình Minh, sinh 1959, quê Nam Định, UVBCT: Tái ứng cử Phó thủ tướng, kiêm bộ trưởng Bộ ngoại giao

    8.- Vương Đình Huệ, sinh 1957, quê Nghệ An, UVBCT: Tái ứng cử Bí thư thành uỷ Hà Nội

    10.- Võ Văn Thưởng, sinh 1970, quê Vĩnh Long, UVBCT: Tái ứng cử Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

    11.- Vũ Đức Đam, sinh 1964, quê Hải Dương, Uỷ viên trung ương đảng: Tái ứng cử Phó thủ tướng

    12.- Lương Cường, sinh 1957, quê Phú Thọ, Bí thư trung ương đảng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị: Ứng viên bộ tưởng Bộ Quốc phòng

    13.- Phan Đình Trạc, sinh 1958, quê Nghệ An, Bí thư trung ương đảng. Trưởng ban Nội chính Trung ương: Ứng viên Bộ trưởng Bộ công an

    14.- Nguyễn Hoà Bình, sinh 1958, quê Quảng Ngãi, Bí thư trung ương đảng, Chánh án Tòa án Tối cao: Ứng viên Trưởng ban Nội chính trung ương

    15.- Trần Cẩm Tú, sinh 1961, quê Hà Tĩnh, Bí thư trung ương đảng: Tái ứng cử Chủ nhiệm UBKT Trung ương

    16.- Trần Thanh Mẫn, sinh 1962, quê Hậu Giang, Bí thư trung ương đảng: Tái ứng cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN

    17.- Nguyễn Văn Nên, sinh 1957, quê Tây Ninh, Bí thư trung ương đảng, Chánh Văn phòng Trung ương: Ứng viên Trưởng ban Dân vận Trung ương

    18.- Nguyễn Thành Phong, sinh 1962, quê Bến Tre, Uỷ viên trung ương đảng, chủ tịch UBND TP: Ứng viên Bí thư Thành uỷ TP HCM

    19.- Lê Thị Nga, sinh 1964, quê Thái Nguyên, Uỷ viên trung ương đảng, Chủ nhiệm UB tư pháp QH: Ứng viên Phó chủ tịch Quốc hội.

    Từ nay đến đại hội, sẽ còn có không ít những trận “thư hùng” nảy lửa, trên báo chính thống, lẫn các trang mạng xã hội. Các “phe nhóm” đang ấp ủ mưu sâu, nhằm trình diễn những “tuyệt kỹ kungfu”, những đòn đánh kinh hoàng, để hạ knoc-out, loại bỏ đối phương, trong những phút … bù giờ.

    Gươm đã tuốt ra khỏi vỏ, chúng ta hãy chờ xem.

    Ông Phúc và ông Vượng sẽ là “trường hợp đặc biệt” ở ĐH 13?

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here