Nhà văn Vũ Thư Hiên trả lời phỏng vấn của Mạng Lưới Dân chủ Việt Nam (Viet Democracy Network).

0
79
Nhà văn Vũ Thư Hiên

Vũ Thư Hiên 

CHUYỆN CŨ, MỚI CŨNG KHÔNG KHÁC

(nhân bị lockdown, giở lại mấy trang giấy cũ)

Nhà văn Vũ Thư Hiên trả lời phỏng vấn của Mạng Lưới Dân chủ Việt Nam (Viet Democracy Network).

MLDC-VDN: Nhân việc hai tài liệu của Hội cựu chiến binh Việt Nam (Thông Tin Cựu Chiến Binh, so^’ 117, 4-2003, trang10-17) được phổ biến, Mạng Lưới Dân chủ (Việt Democracy Network) đã phỏng vấn nhà văn Vũ Thư Hiên về những điều được nói tới trong hai tài liệu này. Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn được thực hiện qua điện thoại viễn liên.

PV: Hẳn ông đã đọc hai tài liệu được gọi là MẬT chỉ lưu hành nội bộ của Hội cựu chiến binh Việt Nam vừa được đưa lên Internet viết về cái gọi là “diễn biến hoà bình” và về tội trạng của ba nhà dân chủ trong nước – các ông Phạm Quế Dưong, Trần Khuê và Trần Dũng Tiến . Ông nghĩ gì về hai tài liệu mới được phổ biến này?

VTH: Có gì mà phải nghĩ hở bạn? Chúng có khác gì những tài liệu cùng loại.  Trước hết là ở tính chất lưỡi gỗ. Đọc cái gì của họ bây giờ cũng thấy na ná như nhau cả. Hình như người ta lười quá hoá quen, đâm ra không làm sao nói khác được, dù chỉ là chút ít. Cũng do lười nên cách viết cũng tắc trách, có nhiều chỗ ẩu tả lắm.

PV: Thí dụ?

VTH: Chẳng hạn, trong bài về lý do bắt bớ các nhà dân chủ có đoạn “Tại nhà Trần Khuê ở 296 đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan công an cũng thu được 90 đầu tài liệu liên quan đến hoạt động của các đối tượng đã bị bắt, xử lí về tội làm gián điệp như Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình và một số đối tượng cơ hội chính trị khác”. Ai theo dõi thời sự cũng biết Lê Chí Quang không hề bị buộc tội gián điệp mà vì tội “tàng trữ và tán phát tài liệu chống nhà nước” và “âm mưu lật đổ nhà nước”. Nguyễn Vũ Bình thì chưa có tội danh vì chưa có phiên toà. Còn chuyện có tài liệu của một số đối tượng cơ hội chính trị khác là sự răn đe những ai có liên quan tới ông Khuê. Là nói vậy thôi chứ người ta có cân nhắc câu chữ bao giờ. Đối với họ cái tội danh gán cho người này hay người khác chẳng có giá trị gì, trừ giá trị trấn áp. Hay là đoạn “Tại nhà Phạm Quế Dương ở 37 Phố Lý Nam Đế (Hà Nội), cơ quan công an đã thu được 902 đầu tài liệu, trong đó có một số tài liệu “tối mật” của Đảng, Nhà nước”. Tôi biết ông Phạm Quế Dương đã về hưu từ năm 1990, tức là đã 13 năm, ông đã ở quá xa các cơ quan quyền lực tối cao của đảng và nhà nước, làm sao ông có thể tới các cơ quan đó để lấy được “một số tài liệu “tối mật”, nếu không phải là chính chúng đi từ các cơ quan đó tới nhà ông? Vậy mà không có một lời nào đại loại: “đã phát hiện một số tài liệu “tối mật” của Đảng, Nhà nước”. Do một số tên phản động trong Bộ Chính trị chuyển cho y hay sao?    

PV: Họ mà nói thế thì buồn cười quá!

VTH: Kết luận tự nó nảy ra từ văn cảnh, đúng không, bạn? Bởi vì nếu có những tài liệu bị mất thì người ta không thể không nghĩ tới kẻ đã đánh cắp, là kẻ nguy hiểm hơn hẳn kẻ mua của ăn cắp.

PV: Vậy thì cái gì là đáng chú ý trong tài liệu này?      

VTH: Đáng chú ý ở chỗ: gọi là tài liệu nội bộ, nhưng giọng văn trong cả hai tài liệu thì lại y hệt văn bản buộc tội của Viện Kiểm sát, mặc dầu những người viết ra chúng không đến nỗi quá ngu để không biết rằng một công dân tuy bị bắt nhưng chưa được đưa ra xét xử thì mặc nhiên không được coi là có tội, theo luật (của chính cái nhà nước ấy). Việc gây áp lực lên cơ quan xét xử bằng những phương tiện truyền thông như thế này (cho dù họ ghi rằng chỉ lưu hành nội bộ thôi, nhưng ai đọc cũng biết là để cho mọi người cùng đọc) là vi phạm luật pháp đấy!

PV: Tôi nghĩ là cơ quan công an đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Hội cựu chiến binh để soạn thảo hai tài liệu đó?

VTH: Hiển nhiên. Ai đọc chúng tất cũng nghĩ như thế. 

PV: Trong tài liệu tố cáo các ông Phạm Quế Dưong, Trần Khuê và Trần Dũng Tiến mấy ông lãnh đạo cựu chiến binh có viết: “Qua tài liệu chứng cứ quả tang thu được cho thấy Phạm Quế Dương , Trần Khuê và một số người khác đã câu kết chặt chẽ với những tên cầm đầu phản động lưu vong ở Pháp, Mỹ…âm mưu lập đảng gọi là “Phong trào dân chủ” nhưng lấy danh nghĩa công khai “Phong trào đấu tranh chống tham nhũng” để tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chế độ ta”. Ông có nghĩ rằng hành động của các ông dân chủ trong nước là nhằm lật đổ chế độ hiện tại ở Việt Nam không?

VTH: Mọi người đều tự do trong sự suy diễn của mình. Nói ra điều mình suy diễn thuộc về phạm trù lương tâm, không thuộc phạm trù pháp lý.  Khác tác giả của hai tài liệu ta đang nói tới, có một số cây bút hải ngoại lại cho rằng những ông như Trần Độ, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang là những người trung thành với Đảng cộng sản và chính quyền hiện nay, các ông ấy phê phán đảng là để cứu đảng, chứ không hề có ý muốn xoá bỏ chế độ. Xin đừng lên án riêng nhà cầm quyền Hà Nội trong chuyện này. Nếu các vị ở hải ngoại nọ mà nắm chính quyền thì số phận các nhà dân chủ cũng long đong lắm đấy. Họ sẽ bị đối xử tệ chẳng kém gì bà Aung San Suuki ở Miến Điện đâu. Có điều những nhà độc tài quân sự ở Rangoon xem ra cũng không đến nỗi nào, nếu so họ với những nhà lãnh đạo cộng sản thường vỗ ngực “dân chủ gấp triệu lần bọn tư bản”. Ở Miến Điện không có ai chỉ dịch một tài liệu nói về dân chủ là cái gì mà cũng bị tống giam và có lẽ cũng sẽ bị buộc tội hoạt động gián điệp như anh Phạm Hồng Sơn…

PV: Chuyện người ta đối xử với Phạm Hồng Sơn rành rành độc tài quá rồi. Mà chính quyền Mỹ là kẻ tán phát đầu tiên tài liệu “Dân chủ là gì?” lại không bị nói tới ở đây một câu. Giá mà họ đưa đại sứ Mỹ ra toà nhỉ? 

VTH: Không thể đưa đại sứ ra toà được. Ông ta được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Nhưng lên án thì vẫn có thể lên án.    

PV: Căn cứ tội trạng được nói ra thì Viện Kiểm sát buộc Phạm Hồng Sơn vào tội “tàng trữ và tán phát tài liệu chống nhà nước”. Không biết họ định xử Phạm Hồng Sơn thế nào? Ông dự đoán họ sẽ làm gì anh ấy? Bao nhiêu năm?

VTH: Chịu, tôi không thể trả lời câu hỏi này. Cũng như không ai có thể đoán trước một bệnh nhân tâm thần sẽ đập phá cái gì trong nhà họ. 

PV: Còn chuyện người ta buộc tội Phạm Quế Dương, Trần Khuê nhận tiền của nước ngoài để hoạt động lật đổ?

VTH: Không biết công an Hà Nội có tìm ra một con dao găm, một khẩu súng lục hay một quả mìn nào trong nhà hai ông ấy không? Hoặc những tờ truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy? Chắc là không. Ở nước Đức Karl Marx nghèo lắm khi viết Tư bản luận, có hôm còn đói ăn nữa, ông ấy hoàn thành được cuốn sách đó (nói cho đúng, đoạn cuối cuốn sách là do Friedrich Engels viết) là nhờ tiền của Engels gửi cho. Karl Marx trong trường hợp này cũng phạm tội có âm mưu lật đổ (chính quyền tư bản Đức), và nhận tiền của bọn phản động nước ngoài (Engels ở Anh) để làm chuyện đó. Khi một người chỉ mới viết ra những ý nghĩ trong đầu mình và chia sẻ ý kiến của mình với mọi người thì không thể coi người đó là có tội, chính kẻ đàn áp người đó mới là có tội chà đạp nhân quyền.

PV: Nhưng người ta có đưa ra việc nhận tiền như một bằng chứng phạm tội?

VTH: Tôi không thể coi việc nhận tiền của ai đó là bằng chứng cho tội âm mưu lật đổ chính quyền. Chắc các bạn còn nhớ vụ VP Bank gây rắc rối cho ông Phạm Quế Dương khi ông Dương nhận số tiền 7.000 USD do tổ chức Quan sát nhân quyền (Human Rights Watch) gửi tặng. VP Bank đã bị tổ chức này lật mặt nạ. Cuối cùng ông Phạm Quế Dương đã nhận được số tiền nói trên sau nhiều tháng vất vả với cái nhà băng kỳ cục nọ. Nếu tính theo giá hối đoái hôm nay là 15,479.00 thì 7.000 USD ấy là khoảng gần 110 triệu. Con số được đưa ra là hơn 200 triệu và được nhấn mạnh rằng “Lực lượng điều tra còn thu được tại nhà Phạm Quế Dương nhiều hoá đơn nhận tiền, hóa đơn chi trả v.v… do bọn phản động lưu vong thanh toán cho Phạm Quế Dương về việc y cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia và tiền bọn phản động lưu vong cung cấp cho y để móc nối, lôi kéo lực lượng “gây dựng tổ chức” kích động khiếu kiện gây rối an ninh và trật tự xã hội”. Xem ra hoạt động lật đổ của ông bạn tôi làm việc chính quy thật. Có sổ sách kế toán đâu ra đó, lại còn lưu cả mọi thứ chứng từ nữa (hoá đơn nhận tiền, hoá đơn chi trả). Chứ không ẩu tả như ông Đỗ Mười khi nhận tiền của nước ngoài thì chi lung tung, chẳng sổ sách gì ráo. Tất nhiên, giữa hai ông có cái khác nhau, ông cựu tổng bí thư nhận tiền của tư bản nước ngoài không phải để lật đổ ai mà để …xài thế nào tuỳ thích. Tôi có biết mấy người đã gửi tiền và quà về nước tặng ông Phạm Quế Dương và các bạn ông, tính thành tiền còn lớn hơn số số tiền Human Rights Watch mà các ông cựu chiến binh nọ (hay là mấy ông công an) đưa ra. Nhưng thôi, nói chuyện đó làm gì! Tôi, với tư cách một người trong vụ án “nhóm xét lại chống đảng và làm tình báo cho nước ngoài” trong thập niên 60 thế kỷ trước (mới đó mà đã thế kỷ trước rồi), tôi biết quá rõ những trò này. Tôi cũng từng bị buộc tội làm gián điệp mà. 

PV: Người ta xử ông ra sao?

VTH: Xử đâu mà xử. Người ta cứ giam, giam chán rồi thả. Mà cũng 9 năm cơ đấy. Ông Phạm Quế Dương may mắn hơn tôi nhiều, ông ấy còn được hứa hẹn sẽ mang ra toà. Chúng tôi hồi ấy chỉ mong được ra toà, đề nghị mỏi miệng, viết giấy cả tập, mà cũng không được. Mãi năm ngoái mới có một tác giả Việt Nam đưa vụ án này ra, coi đó là một âm mưu dựng vụ của một nhân vật đầy tham vọng quyền lực. Người viết không nói thẳng tên nhân vật, nhưng ai cũng hiểu là Lê Đức Thọ, người thứ hai sau tổng bí thư Lê Duẩn. Hình như tên tác giả cuốn sách là Nguyễn Khắc Huỳnh và tên cuốn sách là “Việt Nam và thế kỷ XX”. Tôi chưa được đọc cuốn đó, trừ mấy đoạn trích. Bạn nào có xin gửi cho, tôi cảm ơn trước.  Hi vọng người ta sẽ xử Phạm Quế Dương như xử Năm Cam, chứ đừng xử kín, và thật là tuyệt nếu họ cho cả các phóng viên nước ngoài vào dự.

PV: Còn chuyện “Hội chống tham nhũng” và những văn phòng đại diện ở nước ngoài?

VTH: Trước hết, việc lập hội ở Việt Nam nhiêu khê lắm. Không phải như ở các nước khác, cứ thích lập là được. Đảng cầm quyền rất xét nét chuyện quần tam tụ ngũ của dân chúng ở ngoài tầm kiểm soát của đảng. Mấy ông Phạm Quế Dương, Trần Khuê … bày đặt lập ra “Hội chống tham nhũng” thì đảng chịu sao nổi! Ai cũng biết rằng chỉ có chính quyền mới có khả năng tham nhũng, chứ dân buôn thúng bán mẹt hay dân làm công ăn lương ba cọc ba đồng thì tham nhũng sao được? Làm dân mà mưu toan chống tham nhũng là có ý định chống chính quyền rồi. Cho nên người ta mới không cho phép. Nhưng trong trường hợp này, khi nhà nước không cho phép mà lại cứ lờ đi không trả lời cho hay không cho, thì mặc nhiên cái hội chưa có phép vẫn được hoạt động trong sự sửa soạn của nó, nó chỉ chưa được pháp luật công nhận mà thôi. Trong khi còn ở giai đoạn sửa soạn ra mắt, một việc được ghi trong hiến pháp hẳn hoi, thì người ta có quyền soạn thảo điều lệ, họp ban trù bị, tạm đặt đại diện cho mình ở nơi này nơi khác, chẳng ai cấm… Tất nhiên, rừ cái nhà nước sợ ma. 

Về chuyện lập Hội chống tham nhũng nhà thơ Bùi Minh Quốc có viết tặng ông Trần Khuê mấy câu thơ thế này (tháng 10 năm 2001)

Tôi nghe tham nhũng nó lèn ông 

Nó lại nhâng nhâng võ hội đồng

Lì mặt độc quyền : tao tự chống

Nhờn môi nó nhậu cả non sông

Thân già hiến trọn cho Dân – Nước

Bút trẻ đâm toang rắn lốt rồng

Ðêm ngắm sao Khuê càng kính bạn

Ngày trông trời biếc chúc xuân ông.

PV: Như vậy, bằng những chuyện như thế này nhà nước tự mình để lộ bộ mặt không dân chủ?

VTH: Bậy nào, có dân chủ chứ. Nhưng là “dân chủ tập trung”. Về chuyện dân chủ tập trung nó là thế nào thì xin các bạn suy ngẫm qua những hành động của nhà nước ở Việt Nam sẽ hiểu. Chẳng có nước nào ra một nghị định vi hiến như cái 31/CP lừng danh, biến nhà riêng của người mà nhà nước cần trấn áp thành nhà tù cho chính họ. Đã thế lại còn ra điều 269 trong Luật hình sự để trừng phạt những ai không chấp hành sự vi hiến ấy nữa chứ. Nghĩa là ra luật để bắt người ta thi hành cái không phải luật. Không thể tưởng tượng nổi.  Lời khuyên của tôi: chớ lấy cái hình mẫu dân chủ ở ngoài Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc, Cuba mà soi rọi cái dân chủ ở bốn nước nọ. Đó là một thế giới, các nước khác chỉ là phần thế giới còn lại.

PV: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ nhận định của ông với Democracy Network về vụ này.

VTH: Các bạn nên chăm chú theo dõi vụ án. Nó hứa hẹn nhiều điều lý thú đấy.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here