Lời dẫn của Nguyễn Thành Nam (FPT):
Vô lý
Có ai đó nói “trên mạng”, cuộc chiến nào cũng phi nghĩa, nhưng không có cuộc chiến nào là vô lý cả. Chẳng ai tự nhiên đi đánh nhau. Nhưng cuộc chiến Nga-Ukraina này có vẻ như là ngoại lệ. Ít nhất là từ những gì thu thập được “trên mạng”.
Trước cuộc chiến, tuyệt đại đa số chúng ta, đều không tin rằng Putin sẽ thực sự tấn công Ukraina. Không phải vì hiểu biết sâu sắc gì tình hình địa chính trị thế giới. Đơn giản vì chúng ta cho rằng, đánh nhau là việc của các dân tộc “thấp cấp” như châu Phi hay cực đoan như Hồi giáo, chứ không thể là quyết định của các nhà lãnh đạo “văn minh” được.
Tổng thống Mỹ mặc dù luôn cảnh báo rằng Nga sắp động binh, có lẽ cũng không tin là Nga sẽ thực sự động binh. Tình báo Mỹ cho rằng 150k quân với vũ khí bộ binh chắc chắn không đủ để đánh chiếm đất nước lớn nhất châu Âu. Ông cũng đã hết sức ủng hộ việc hòa hoãn vì biết cấm vận Nga ít nhất thì cũng chẳng lợi gì cho nước Mỹ.
Ngay cả những người ủng hộ Putin trung kiên nhất cũng không lý giải được. NATO đe dọa ư? NATO đe dọa Afgan còn không xong. Tuổi gì! Chiếm lãnh thổ ư? Nước Nga to tướng còn đang thiếu người ở.
Vậy tóm lại Putin và các cố vấn của ông muốn gì?
Bởi thế, tôi xin dịch hầu anh chị em bài viết của bà Marlène Laruelle, Giám đốc Học Viện nghiên cứu EuroAsia và Nga của Đại học George Washington. Theo bà đây là một cuộc chiến tranh có tính tư tưởng và sớm muộn nó cũng sẽ xảy ra. Bà lý giải Putin chịu ảnh hưởng về ý thức hệ của một loạt những nhà tư tưởng cổ điển và hiện đại cũng như dư luận Nga và Soviet đồng quan điểm về “Russian World – Thế giới Nga” bao gồm Nga, phần Đông Ukraina, Belorussia và Kazakhstan, đa sắc tộc, với một nhân sinh quan, cách sống, khác với phương Tây. Bà cũng lý giải thời điểm chiến tranh chính xác hiện nay là do sai lầm của tình báo Nga đánh giá sai thực lực của Ukraine hoặc giả các cố vấn không dám nói thật nên đã tư vấn cho Putin ra tay (không đúng thời điểm).
Tôi không đồng ý lắm vì các học giả thường hay phức tạp hóa vấn đề, (địa vị của họ đòi hỏi họ phải làm như vậy) và quan trọng nhất “phức tạp” như vậy hay “quá đơn giản hóa” như dân đen hay nói “lão Putin này điên” đều không mở đường nào để kết thúc cuộc chiến. Tuy nhiên bài viết này đáng để các bạn quan tâm đến chủ đề này đọc và suy ngẫm.
NGUỒN GỐC TƯ TƯỞNG CỦA CUỘC XÂM LĂNG CỦA PUTIN
Không có Rasputin trong triều đình Nga
Marlène Laruelle
Suốt 3 tuần qua, phương Tây đang nỗ lực cố gắng hiểu Putin muốn gì khi xua quân sang Ukraina. Liệu đây là một bước đi có tính toán, hay chỉ là phản ứng của một gã điên. Một số người cho rằng ông ta có quân sư giấu mặt – kiểu như Rasputin (một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn đến Sa hoàng và triều đình Nga cuối thế kỷ 19 – NTN). Nhưng sự thật chắc không đơn giản thế. Không có 1 “guru” nào cả, mà là nhiều nguồn tư tưởng đã nuôi dưỡng mầm mống của cuộc xâm lược, qua bộ não của những tay chân tin cậy, thống nhất với nhau thành quyết định dùng vũ lực để đưa Ukraina trở lại quỹ đạo của Nga.
Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Valdai – Một kiểu diễn đàn của tinh hoa thế giới như Davos – tháng 9/2021, Putin đã dẫn đến 3 tác giả có ảnh hưởng: triết gia tôn giáo di cư Nikolay Berdyaev, nhà nhân chủng học thời Soviet: Lev Gumilev [Lev Gumilyov, Lép Gu-mi-liốp] và nhà tư tưởng Bạch vệ Ivan Ilyin. Putin không tiết lộ nhiều về Berdyaev, nhưng dẫn khá chi tiết về 2 tác giả còn lại. Ông mượn 2 quan điểm nổi bật nhất của Gumilev: 1/ lịch sử chung của các dân tộc Á-Âu và tính đa sắc tộc của người Nga (ngược lại với chủ nghĩa dân tộc Nga), và 2/ ý tưởng về “passionarity”, tạm dịch là “cảm hứng” đại loại là nguồn năng lượng kết hợp giữa các lực vũ trụ và nội lực của một tộc người. (theo Gumilev, khi “cảm hứng” đạt mức cao nhất, tộc người đó tiến hành các cuộc chinh phục – NTN). Tháng 2/2021, Putin đã phát biểu: tôi tin vào lý thuyết cảm hứng. Cảm hứng của người Nga đang đi tới. Chúng ta là hỗn tộc và có bộ mã di truyền không giới hạn.”
Nếu Gumilev được trích dẫn rộng rãi thời hậu Soviet thì vẫn còn rất ít người biết đến Ivan Ilyin. Ông này được trỗi dậy gần đây, nhờ nỗ lực của các nhóm muốn phi cộng sản hóa lịch sử Nga. Putin, có nhắc đến tầm nhìn của Ilyin về một số phận dân tộc đặc biệt quyền lực nhà nước tập trung trong lịch sử Nga. Và đương nhiên nhận thấy sự căm thù Ukraina của Ilyin.Theo ông này, các đối thủ chiến lược sẽ luôn cố gắng lôi Ukraine khỏi quĩ đạo của Nga bằng cách cổ súy các giá trị dân chủ mơ hồ. (Ivan Ilyin sinh 1883, chết 1954). Ông ta viết: “Ukraina là một vùng của Nga luôn bị đe dọa chiếm đóng và chia cắt. Chủ nghĩa ly khai của Ukraina là giả tạo, thiếu nền tảng vững chắc, được đẻ ra từ tham vọng của vài ông đầu đàn và những mưu mô của giới quân sự quốc tế.”
Nhưng nếu chỉ gán quan điểm của Putin theo Ilyin là không hiểu hết được quan điểm thống nhất của các nhà tư tưởng Nga coi Ukraina là một phần của Nga và là gót chân Asin trong cuộc đối đầu với phương Tây. Tất cả những nhà tư tưởng sáng lập của chủ nghĩa Á-Âu trong thế kỷ 20 đều chống Ukraina kịch liệt: hoàng tử Pyotr Troubezkoy tuyên bố văn hóa Ukraina “không phải là văn hóa mà là biếm họa”, Georgy Vernasky giải thích: “Sự ly khai văn hóa (Ukraina và Belarus) là một mưu đồ chính trị. Từ khía cạnh lịch sử, rõ ràng cả 2 đều là các nhánh của dân tộc Nga duy nhất.” Một kiểu anh em thù hận.
Nhiều người quan sát phương Tây cho rằng nhà tư tưởng hiện đại Alexander Dugin có ảnh hưởng mạnh đến Putin. Và Dugin, tất nhiên, là kẻ thù của nước Ukraina độc lập. Ông này viết trong tác phẩm của mình “Nền tảng của Địa chính trị”: Ukraina như một quốc gia không có ý nghĩa địa chính trị. Ông kêu gọi sát nhập Ukraina, trừ những vùng phía tây, vào nước Nga. Nhưng Dugin không có tay chân ở Kremlin. Ông ta quá cực đoan, quá bí hiểm và cổ xúy những tác giả cực hữu của châu Âu nên không được chính quyền Putin ưa chuộng. Mặc dù Dugin là người đỡ đầu cho khái niệm địa chính trị Eurasia và Nga như một nền văn minh riêng rẽ vào những năm 90, nhưng trào lưu này trở nên phổ biến độc lập và đôi khi mâu thuẫn với cách hiểu của Dugin trong những thập kỷ tiếp theo. Dugin không là thành viên của bất cứ tổ chức xã hội nào, mặc dù ông có một số quan hệ trong giới công nghiệp quân sự và tài chính.
Trong những nhà tư tưởng vận động cho tầm nhìn đế quốc Nga, có 2 người đỡ đầu của Dugin: doanh nhân, cư sĩ Chính thống giáo Konstantin Malofeev, người dẫn dắt kênh Internet Tsargrad và nhóm thảo luận Katekhon, và Giáo chủ Tikhon, một nhân vật ảnh hưởng của Nhà thờ Chính thống giáo, nghe đồn là cha xưng tội của Putin. Cả hai nhân vật này đều chung tay thức đẩy chương trình cổ súy các “giá trị truyền thống” (chống phá thai, chủ nghĩa quân sự, chủ nghĩa sinh sản tự nhiên, coi Byzantium là mô hình lịch sử của Nga). Cả việc tuyên truyền cho lớp trẻ lẫn gây ảnh hưởng ở Kremlin. Malofeev kết nối với giới quý tộc và cực hữu châu Âu, còn Tikhon dùng tôn giáo tiếp cận Kremlin.
Điều này dẫn chúng ta đến Giáo hội Moskva, cơ quan chính thức của Nhà thờ Chính thống giáo Nga, vốn cũng rất tham vọng với Ukraina. Nhà thờ cổ xúy quan điểm “lãnh thổ ảnh hưởng”, bao gồm cả Liên bang Nga, Belarus, một phần Ukraina và Kazahkstan. Theo Nhà thờ, các dân tộc Slavo phía Đông có chung nguồn cội và Kiev là nơi khởi phát. Quan điểm này có từ lâu trước khi Putin phát biểu về sự thống nhất Nga-Ukraina năm 2021. Nhưng vì Giáo hội này có rất nhiều chi nhánh tại Ukraine, nên họ vẫn công nhận Ukraine như một quốc gia độc lập để tránh sự xung đột với Giáo hội Ukraina. Cũng cần phải nhắc đến thuật ngữ “Thế giới Nga” đầu tiên được hiểu như một tinh thần Nga không lãnh thổ, nhưng dần dần đang được sử dụng như một mục tiêu thống nhất các vùng “Đất Nga”, bao gồm cả Ukraina.
Mặc dù chúng ta không biết Putin có theo tôn giáo không, nhưng chắc chắn ông ta tin là Chính thống giáo là nền tảng văn hóa cốt lõi của của văn minh Nga.
Còn một nhân vật nữa- bạn thân của Putin – Yuri Kovalchuk, cũng có những quan điểm bảo thủ và tôn giáo về sự vĩ đại của nước Nga. Kovalchuk là một trong những cá nhân bí hiểm nhất trong những người thân cận của Putin. Ông này không có bất cứ một chức vụ gì. Là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng chính của Nga: Rossiya, sở hữu nhiều kênh truyền thông và báo chí. Được cho là nhà tài trợ và xây dựng các cung điện của Putin. Đa phần thời gian cách ly covid, Putin ở cùng với Kovalchuk, và có thể bị ảnh hưởng quan điểm: chỗ đứng của Putin trong lịch sử Nga quan trọng hơn hiện tại.
Nhưng ngay cả nếu chúng ta xác định được những người có ảnh hưởng tư tưởng đến Putin, nhưng điều đó tất nhiên chưa đủ dẫn đến hành động. Chính hiện thực văn hóa mới làm sắc nét các tư tưởng chứ không phải các cuốn sách kinh viện. Cả nền văn hóa Soviet hàng chục năm luôn coi Ukraina là một vùng (trong tiếng Nga, “u kraia” có nghĩa là ” ở ngoại vi”), chuyên nghiêng ngả giữa các người bảo trợ. Nó cũng xây dựng một nếp nghĩ hằn sâu là chủ nghĩa dân tộc Ukraina không bao giờ rửa được vết nhơ đã cộng tác với phát-xít. Vô khối các câu chuyện tiếu lâm chính trị với nhân vật “Banderovites” – theo tên của Stepan Bandera, một nhân vật ủng hộ Đức trong chiến tranh.
Ngoài ra cũng có những thay đổi về cách nhìn những cuộc chiến mới đây đã đẩy Nga sang một bên chống lại Ba Lan, Ukraina và các nước Baltics. Từ năm 2012, Nga tìm cách pháp lý hóa lịch sử là Nga là nhân vật chính trong chiến thắng năm 1945 và hạ thấp vai trò của hiệp ước Xô-Đức năm 1939 và trừng phạt những cách diễn giải khác. Năm 2020, thậm chí Hiến pháp được điều chỉnh để bảo vệ “Sự thật lịch sử” này. Các tổ chức nhà nước, như Hội lịch sử quân sự, đóng vai trò quan trọng trong việc bơm các sở cứ về Ukraina có vẻ như đang phát xít hóa.
Cũng cần nhớ rằng, tổng thống, cho dù độc tài đến đâu nữa, cũng không thể sống ngoài vòng ảnh hưởng văn hóa của chính mình. Putin thường xuyên chia sẻ âm nhạc và phim ảnh mà ông thích: những phim trinh thám cổ điển của Liên xô hay những ban nhạc hiện đại có âm hưởng yêu nước. Và chắc ông cũng xem TV và bởi thế cũng có thể bị ảnh hưởng như các công dân của mình về các cuộc “chém gió” chính trị gieo rắc cảm giác chống Ukraine và các phim lịch sử về Đế quốc Nga vĩ đại. Quan điểm thế giới của Putin hình thành trong nhiều năm từ môi trường văn hóa và được định hình bởi sự căm ghét phương Tây. Những tác phẩm của các tác giả theo tư tưởng Ukraine như miếng đệm trong cuộc đấu tranh lịch sử giữa Nga và phương Tây và chỉ có tác dụng gia cố lại những trải nghiệm sống của ông.
Bởi thế cuộc xâm lược Ukraine của Nga là một cuộc chiến tư tưởng. Nhưng còn một phía nữa của đồng tiền. Tình báo Nga đã quá yếu kém, các cố vấn chính trị và chuyên gia quân sự của Putin có vẻ đều tin vào một chiến thắng dễ dàng.
Mặt nạ của tổng thống đã bị rơi: một lãnh đạo độc tài đã già, và các cố vấn không dám nói thẳng những đánh giá thực tế của mình, đang kéo nước Nga vào Ukraine và cả châu Âu vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ sau Thế chiến Thứ Hai.
Nguyễn Thành Nam dịch.
Bài gốc:
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10220361479215696&id=1491451285