9 tháng 3 2022
Bản đồ cho thấy cuộc tiến công của quân đội Nga vào Ukraine từ phía đông. Cập nhật ngày 7 tháng 3
Ngay từ khi ông Putin tập trung 20 vạn quân đóng dọc biên giới phía đông Ukraine dưới chiêu bài tập trận, thì nhiều người Việt mẫn cảm với thời cuộc đã sớm có sự so sánh tình cảnh Ukraine với Việt Nam hiện tại.
Nga xâm lược Ukraine: Lo, buồn cho Việt Nam
Nga-Ukraine: Mỹ có hòa hoãn với TQ để Việt Nam khỏi phải ‘đi dây’?
Cũng đều là các nước sống cạnh láng giềng khổng lồ luôn luôn có tham vọng lãnh thổ vượt ngoài phạm vi biên giới và thực tế đã nhiều lần ra tay thực hiện tham vọng đó. Ukraine bị Nga chiếm Crimea và lăm le chiếm hai tỉnh phía đông có đa số dân Nga cư ngụ. Việt Nam cũng vậy, bị Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và chực chờ chiếm phần Trường Sa còn lại.
Cả Việt Nam với Ukraine là những quốc gia độc lập, có chủ quyền. Mà theo đó, lẽ ra có toàn quyền chọn lựa, tự quyết tất cả mọi vấn đề về đối nội, đối ngoại phù hợp với sự phát triển quốc gia mình. Thế nhưng, sống bên cạnh gã hàng xóm khổng lồ xấu tính, thì những lựa chọn tự quyết đều bị can thiệp.
EPA
Nga yêu cầu Ukraine phải giữ vai trò “trái độn” an ninh cho Nga. Thế nên, Nga cho rằng các toan tính của Ukraine kết nối, gia nhập sâu rộng hơn với phương tây đều mang ý nghĩa thù địch, có khả năng tạo mối đe dọa an ninh cho Nga.
Vai trò “trái độn” của Ukraine chỉ mới phát sinh sau từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước khi Liên Xô sụp đổ và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập và mâu thuẫn trở nên sâu sắc hơn kể từ sự kiện 100 ngày Euromadan vào năm 2014. Từ đó, Ukraine mạnh mẽ chuyển đổi dân chủ hóa đất nước và giữ khoảng cách với Nga. Đồng thời, Ukraine cũng công khai ý định gia nhập khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Getty Images
Ukraine bị lôi kéo vào cuộc chiến năm 2014 khi phe ly khai thân Nga chiếm giữ các khu vực ở phía đông
Về phương diện pháp lý, tất cả những động thái vừa kể của Ukraine đều phát sinh từ quyền tự quyết của một quốc gia. Thế nhưng, về phương diện chính trị, động thái ấy lại thành cái cớ hoàn hảo để ông Putin động binh đông tiến.
EPA
Việt Nam, quốc gia rất thấm thía vai trò “trái độn” từ khá lâu, trước Ukraine ít nhất gần bốn thập kỷ. Từ giữa thập kỷ 50 thế kỷ trước với sự kiện ký kết Hiệp định Genever 1954, mà trong đó, “đàn anh” Trung Quốc đã tác động để phần phía bắc lãnh thổ Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở lên trở thành “trái độn” an ninh cho Trung Quốc cho đến tận tháng 04/1975. Tương tự như việc phân chia hai miền Nam, Bắc Triều Tiên là di sản tồi tệ còn tồn tại đến tận ngày nay chưa thể giải quyết được.
Thế nên, quan sát những biến động trong quan hệ Ukraine – Nga cũng chính là cách rút ra bài học làm đối sách cho Việt Nam trong quan hệ Việt – Trung. Không chỉ Việt Nam, mà chắc chắn, ngay cả Trung Quốc cũng thế, vì họ còn có mối bận tâm lớn không kém là Đài Loan.
Thế giới, từng quốc gia, từng khối liên minh công bố các biện pháp trừng phạt Nga với các cách thức chưa từng áp dụng bao giờ. Thậm chí, cả Thụy Sỹ, các tổ chức thể thao cũng đã mau chóng từ bỏ vai trò trung lập, phi chính trị truyền thống để sớm công bố, nối dài thêm các biện pháp trừng phạt Nga.
AFP
Chưa hết, ngày 02/03/2022, cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết với đa số phiếu lên án cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin.
Trong cuộc bỏ phiếu công khai đó, việc các quốc gia bỏ phiếu thuận để lên án Nga là phổ biến, là bình thường. Nhưng công chúng đặt sự chú ý của mình hơn đối với các quốc gia bỏ phiếu chống và bỏ phiếu trắng.
Việt Nam không bỏ phiếu chống, nhưng là 01 trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng mặc cho những lời tuyên bố trước đó của người đại diện Việt Nam tuyên bố trước cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc gồm: Phê phán chiến tranh, đề cao luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bảo vệ độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ … Tuy lời tuyên bố không nhắc đích danh Nga, nhưng Nga có vẻ đã là đối tượng của lời tuyên bố khi họ là quốc gia chủ động phát động chiến tranh, phủ nhận luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời, xâm phạm vào độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine !
AFP
Một hình ảnh vệ tinh cho thấy hậu quả của các cuộc pháo kích ở ngoại ô phía đông bắc Kharkiv, Ukraine ngày 26 tháng 2 năm 2022
Rõ ràng, với vị thế khá tế nhị của chính quyền Việt Nam trong quan hệ với Nga, chúng ta khó hình dung ra một lời tuyên bố chính thức nào tốt hơn thế.
Getty Images
Với lá phiếu trắng, nhiều người Việt đã phải tự hỏi, nếu Việt Nam rơi vào hoàn cảnh Ukraine, thì thế giới có ủng hộ như đã từng ủng hộ Ukraine không ? Họ có bỏ phiếu thuận để lên án kẻ xâm phạm đến Việt Nam như đang lên án Nga? Hay họ bỏ phiếu trắng để đáp trả phiếu trắng của Việt Nam cho Ukraine?
EPA
Các câu hỏi được đặt ra đều hết sức cần thiết và chính đáng, mà trả lời những câu hỏi đó, nó giúp cho Việt Nam có đối sách thích hợp nếu lỡ rơi vào hoàn cảnh như Ukraine.
Theo đó, tôi đã đọc được nhiều câu trả lời mà đa phần là khá bi quan !
Tôi nghĩ khác. Nếu là Việt Nam, thì phản ứng của thế giới vẫn không khác. Điều có thể khác, chỉ là mức độ mà thôi. Vì các lẽ :
– Khi lập nên các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tòa án Quốc tế, luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc … thì các quốc gia sáng lập viên đều hướng đến các mục tiêu đẹp đẽ, tiến bộ cho nhân loại. Đến nay, các định chế quốc tế này vẫn đang hoạt động. Ngoại trừ một thiểu số rất nhỏ, thì nhìn chung, thế giới ứng xử với nhau tử tế hơn so với mức người Việt bi quan. Các giá trị công lý, công bằng vẫn được minh thị bảo vệ. Việc một quốc gia mang quân đội đến xâm phạm một quốc gia khác có chủ quyền là hành vi xâm lược, vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đi ngược với lợi ích chung của thế giới. Cho nên, nếu Việt Nam là nạn nhân của sự xâm lược, thì thế giới, kể cả Ukraine sẽ vẫn lên tiếng bênh vực.
– Ngoại trừ một số ít quốc gia là cường quốc, hoặc thành viên của các liên minh quân sự hùng mạnh có thể tự bảo vệ mình trước các sự xâm phạm, thì đa phần còn lại đều là các quốc gia nhỏ, đều phải dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ mình. Cho nên, nếu Việt Nam là nạn nhân của sự xâm lược, thì hầu hết các quốc gia nhỏ đã từng bỏ phiếu thuận lên án Nga thì cũng sẽ bỏ phiếu thuận lên án quốc gia xâm lược Việt Nam. Vì họ bỏ phiếu thuận cho Việt Nam cũng là cách họ bỏ phiếu thuận bảo bệ cho chính mình vào tương lai và theo đó, luật pháp quốc tế được tôn trọng.
Đây cũng chính là lý lẽ mà bà Nataliya Zhynkina, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam ngỏ trên trang cá nhân của mình: “Tôi hiểu được việc Việt Nam muốn giữ thế trung lập. Nhưng hiện không phải thời điểm thích hợp để giữ lập trường như vậy, bởi vì đây không chỉ là chuyện của Ukraine. Đây là vấn đề trật tự thế giới, đây là vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam là nước nhỏ, cần dựa vào luật pháp quốc tế. Họ cần thể hiện ra rằng bất cứ ai vi phạm luật pháp quốc tế đều phải chịu hậu quả và phải đối mặt với công lý”.
Thế nên, bất kể phiếu trắng của Việt Nam tại Liện Hiệp Quốc khác biệt so với 141 phiếu thuận của thế giới có làm phiền lòng Ukraine và nhiều người Việt khác đang lên án cuộc chiến xâm lược của ông Putin, thì điều đó vẫn không ngăn cản thế giới ủng hộ Việt Nam nếu rơi vào trường hợp như Ukraine trong tương lai. Đó là điều chắc chắn.
Tuy vậy, Việt Nam cũng cần thấy rằng việc điều chỉnh chính sách đối ngoại để không còn giữ mình trong hoàn cảnh tế nhị như hiện nay với Nga là điều hết sức cần thiết, khi mà quyền lợi mà ông Putin đòi hỏi cho nước Nga đang chà đạp luật pháp quốc tế, đi ngược với lợi ích chung của thế giới. Để Việt Nam không còn phải bỏ phiếu trắng cho những nỗ lực chung của nhân loại nhằm giữ gìn trật tự thế giới và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hôm nay, người Việt lo lắng nhìn về Ukraine. Lo lắng cho Ukraine một, thì phải lo lắng cho Việt Nam gấp muôn phần. Vì lẽ, Việt Nam không chỉ là một danh xưng quốc gia, mà đó còn là quê hương.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.