Trên lối đi từ máy bay vào khu vực nhập cảnh có người đi vượt qua tôi, anh ấy nói.
– Cầu nguyện cho anh.
Tôi đứng nhìn ở sảnh, tìm cửa nhập cảnh. Một chị đi qua chỉ.
– Ở đằng kia Hiếu à, chúc em may mắn.
Không có nhiều người nhập cảnh, mỗi ô cửa chỉ có gần chục người. Thủ tục nhập cảnh rất nhanh như ở các nước, người ta đưa hộ chiếu và chỉ mất có đến 1 hay 2 phút là xong.
Tôi đưa cuốn hộ chiếu cho cô an ninh trẻ, cô cầm quẹt trên máy, rồi đọc gì đó rất lâu, mất khoảng 4 phút thì cô gọi một người an ninh đứng gần đó.
– Anh ơi trường hợp này bị cấm.
Người kia chạy đến, cầm hộ chiếu và bảo tôi đứng dẹp sang bên để đến lượt người khác, khoảng 3 phút thì anh ta dẫn tôi đến chỗ cửa cấp thị thực tại chỗ và xét duyệt hộ chiếu bằng tay. Anh ta đưa hộ chiếu của tôi, còn tôi đứng đó với hai người an ninh nữa.
Mất đến 15 phút, qua cửa kính, tôi thấy người trung tá có vẻ trực chỉ huy nghe điện thoại, gọi điện đâu đó. Lúc sau anh ta đi ra, nói với tôi.
– Anh đi theo tôi.
Tôi đi theo anh ta, vào phòng khách nội bộ của cơ quan xuất nhập cảnh sân bay Nội Bài.
Anh ta tên Hồng hoặc Đồng gì đó, tôi không đeo kính nên không nhìn rõ được biển tên. Hình như anh ta tên Hồng.
Trung tá Hồng chỉ ghế tôi ngồi, tôi hỏi hút thuốc được không, anh ta gật đầu, anh ta có vẻ lo lắng gì đó, một chút thôi, chắc anh ta không biết xử lý tôi như nào. Anh chạy ra ngoài liên tục, vừa chỉ đạo cán bộ xử lý trường hợp nào đó, vừa nghe điện thoại của ai.
Anh đi vào gọi một câụ đại uý, ngồi trông tôi.
Trung tá Hồng thông báo tôi bị cấm nhập cảnh, có thể phải quay ngược lại theo chuyến sớm nhất, nhưng phía an ninh nội địa họ muốn làm việc với tôi. Họ đang từ Hà Nội lên, tôi có nhập cảnh hay không còn tuỳ thuộc vào đó. Mấy cán bộ an ninh đại uý, thiếu tá nhìn tôi với vẻ thông cảm, không như lúc đầu họ chẳng chú ý đến. Chắc lúc đầu họ nghĩ tôi trục trặc giấy tờ gì, có ai quen biết, nên được ngồi đây chờ giải quyết. Nhưng khi biết tôi bị cấm nhập cảnh, họ trở nên ân cần, pha ấm trà mới, hỏi tôi ăn gì chưa, có cần ăn gì không. Rồi hỏi han cuộc sống ở Đức như nào. Họ nói họ chỉ làm nhiệm vụ xuất nhập cảnh, có lệnh thì làm thôi, họ không liên quan gì. Họ nói tôi là người hiểu biết, nên thái độ rất ôn hoà, không như nhiều người làm toáng lên.
Tôi hỏi những người bị cấm nhập cảnh như tôi, có phòng riêng để chờ chuyến bay không. Hay là ngồi chờ ở đây.
Họ bảo có phòng riêng, trường hợp không có ý kiến gì sẽ đưa vào đó, còn tôi do bên an ninh nội địa nhờ tiếp, nên họ đưa tôi vào đây. Nếu tôi có mệt, thì cứ nằm trên ghế dài.
Tôi hỏi trung tá Hồng.
– Em trực chỉ huy ở đây à ?
Trung tá Hồng gật đầu. Tôi nói.
– Em bố trí cho anh đi đánh răng, rửa mặt và vệ sinh được không ?
Trung tá Hồng gật đầu, ra hiệu cho đại uý. Một người đi trước, một người đi sau, đưa tôi đến nhà vệ sinh và đứng cạnh. Lúc xong đi ra, có một vị thượng tá tóc bạc đang đứng lối đi, nhìn tôi gật đầu chào, tôi cũng cất lời chào lại.
Chờ đến gần 3 tiếng, thì Trung tá Hồng nói bên kia họ đã đến rồi, đang chờ ngoài cổng để người ra dẫn vào. Tôi than.
– Thế này thì ngược lại Đức rồi, vì chỉ còn 2 tiếng nữa là tới chuyến sau, mà cái bên đến còn phải chờ người ở đây ra dẫn vào thì chắc cấp cũng không cao. Cấp không cao thì chắc đến hỏi gỡ gạc vài câu rồi tống ngược lại thôi.
Lúc ấy đông cán bộ xuất nhập cảnh ở phòng, chắc họ muốn chứng kiến cảnh bàn giao tôi cho bên an ninh chính trị. Tôi hỏi cậu đại uý, điện thoại của em đâu.
Đại uý móc túi ra, hỏi anh cần gì. Tôi bảo mở cho anh nghe bài Người Về do Thái Thanh hát, anh nghe lấy cảm xúc tí làm việc với bên kia.
Cậu mở tôi nghe bài Người Về.
– Mẹ có hay chăng con về, chiều nay thời gian đứng im để nghe, nghe gió trong tim tràn về…
Lời ca da diết của Thái Thanh cất lên, căn phòng im lặng, tôi cố không để nước mắt tuôn.
Đến nửa bài thì mọi người đứng dậy, có hai người mặc dân sự đi vào, trung tá Hồng giới thiệu.
– Đây là anh Dũng bên an ninh nội địa, sẽ làm việc với anh.
Những người an ninh dẫn tôi vào một hành lang, cửa hành lang có thẻ quét mở cửa. Họ đưa tôi vào một căn phòng có treo ảnh của một số người, chắc cũng bị cấp nhập cảnh gì đó.
An ninh nội địa Dũng bảo trước khi làm việc, cho xem hành lý và người tôi có mang thiết bị gì không. Họ khám đồ và người chỉ có chiếc điện thoại, họ xếp sang một bên. An ninh Dũng nghiêm mặt thông báo.
– Anh Hiếu, anh bị cấm nhập cảnh. Anh cho biết lý do anh nhập cảnh là gì để chúng tôi xem xét.
Tôi nói mẹ cấp cứu, nằm viện, mẹ tôi 91 tuổi rồi.
An ninh Dũng.
– Chúng tôi ghi nhận mục đích của anh. Chắc anh biết lý do cấp nhập cảnh , bây giờ anh muốn được chúng tôi giải quyết cho anh, thì tuỳ thuộc vào kết quả làm việc bây giờ, tôi đề xuất lên trên cho anh.
Tôi gật đầu. An ninh Dũng hỏi.
– Anh cho biết quan hệ của anh với Lê Trung Khoa và Nguyễn Văn Đài.
Tôi đáp.
– Chúng tôi thỉnh thoảng có lúc anh Đài ở xa đến, thì gọi gặp nhau ngồi nói chuyện, còn việc của ai người ấy làm, không có chung đụng gì về công việc cả.
An ninh Dũng.
– Tại sao các anh livestream với nhau ?
Tôi đáp.
– Lúc gặp thì toàn ông Đài với ông Khoa thích liver, có phải tôi đâu. Toàn chuyện tào lao nọ kia cho vui, chứ có gì mà các ông bảo là công việc gì với nhau. Chúng tôi cũng mỗi người một ý, chẳng phải cái gì cũng giống nhau cả. Tôi dạo này cũng bớt gặp các ông ấy, cũng bớt viết bài chính trị nọ kia. Từ khi ông Trọng mất, tôi cũng hết hứng viết bài loại đó.
An ninh Dũng nói.
– Bớt gì, tần suất của anh viết bài vẫn đều đều, anh em người ta báo cáo các nơi về là anh chẳng thay đổi gì cả.
Tôi bực chửi thề.
– Anh nói em nghe, chính bọn em vẽ ra cho có việc làm. Chứ đéo ai đủ lực chống Cộng được tầm này, toàn báo cáo trầm trọng chứng minh đang làm việc hiệu quả.
An ninh Dũng nói.
– Vậy anh viết bài với mục đích gì ?
– Anh viết để bán hàng thôi, viết nhiều người đọc thì nhiều người mua hàng, nội dung anh viết chẳng chống phá gì, anh chỉ viết những điều bất cập, sai trái của một số quan chức và chính sách. Đấy là góp ý xây dựng chứ chẳng chống phá gì.
Anh ninh Dũng.
– Thế anh không thôi viết được à ?
– Thôi thì cũng phải từ từ, đang đà viết bao năm nay, muốn thôi thì cũng phải từ từ chuyển đổi sang vấn đề khác, như đời sống, tình cảm con người. Bao nhiêu độc giả đọc quen rồi, tự dưng đóng facebook không viết nữa cũng để lại nhiều hoài nghi.
Anh ninh Dũng.
– Giờ còn vấn đề nữa, là ai cấp tin cho anh viết. Đây là cơ sở chính để chúng tôi xem xét và đề xuất cho anh được vào thăm mẹ.