Translated from Hong Kong Protesters Return to Streets Over Postponed Elections
John Lyons, ngày 6 tháng 9 năm 2020
Đám đông tụ tập tại tại một trong các cuộc biểu tình lớn nhất thành phố kể từ khi Bắc Kinh siết chặt quản lý bằng luật an ninh quốc gia.
PHOTO: DALE DE LA REY/AGENCE FRANCE-PRESSE/GETTY IMAGES
HỒNG KÔNG — Chủ nhật vừa qua, đông đảo người biểu tình tập trung tại một trong những khu thương mại sầm uất nhất Hồng Kông để phản đối việc trì hoãn các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp cũng như việc thành phố này bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đại lục.
Kể từ khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc lên Hồng Kông vào ngày 30 tháng 6 năm nay, đây là một trong những cuộc biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất đã diễn ra. Các kế hoạch của cuộc biểu tình đã được phổ biến rộng rãi trên các kênh truyền thông mạng xã hội và cảnh sát cũng sẵn sàng ứng phó bằng một lực lượng đông đảo.
Nhận thức được rủi ro, những người biểu tình đã ngụy trang trong trang phục đi mua sắm bình thường thay vì mặc đồ đen như năm ngoái. Khi cảnh sát nhìn thấy, họ sẽ hô vang những khẩu hiệu quen thuộc như “Quang phục Hương Cảng, thời đại cách mạng” (Khôi phục Hương Cảng, cuộc cách mạng của thời đại – ND), một số người ném các vật thể như chai nước và dù vào cảnh sát khi họ bắt bớ hoặc dồn người thành cụm tại một giao lộ.
Nhưng trong một đám đông lớn và ai cũng đeo khẩu trang để phòng tránh coronavirus, rất khó để biết được ai đang hô hào và ai đang mua sắm. Cảnh sát mặc đồ chống bạo động đổ bộ xuống vùng lân cận khu Vượng Giác và ập vào đám đông bắt những người tình nghi tham gia biểu tình, thỉnh thoảng lại bắn đạn hơi cay và xịt vòi rồng để dẹp đường. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ chiều Chủ nhật, nhiều nhóm thanh thiếu niên Hồng Kông đã bị khống chế ở các góc đường.
Cảnh sát đã bắt giữ nhiều nhóm thanh thiếu niên Hồng Kông chỉ trong mấy tiếng đồng hồ chiều Chủ nhật
PHOTO: DALE DE LA REY/AGENCE FRANCE-PRESSE/GETTY IMAGES
Cảnh sát cho biết ít nhất 90 người đã bị bắt. Những vụ cố tình truy bắt đã dẫn đến hỗn loạn khi cảnh sát chống bạo động trong trang phục áo liền quần xanh lá cây xông vào đám đông. Sự việc diễn ra dưới ánh đèn lấp lánh của các bảng hiệu cửa hàng khi bóng đêm dần buông, nhiều cửa hàng vẫn còn mở cửa.
Việc bị bắt sẽ gây nguy hiểm khó lường cho người biểu tình. Luật an ninh mới ra đời để dập tắt phong trào ủng hộ dân chủ đã gây bất ổn một năm qua. Theo đó, các tội danh đã bị mở rộng phạm vi định tội như lật đổ chính quyền và xúi giục ly khai sẽ nhận mức án lên đến chung thân. Giới chức trách Hồng Kông nói những lời hô hào ủng hộ độc lập, tách khỏi Trung Quốc có thể bị coi là phạm pháp.
“Tôi hiện diện tại đây vì chúng tôi muốn có lá phiếu của mình,” một phụ nữ ẩn danh mặc áo thun trắng nói “Tôi không nghĩ rằng việc phản đối là bất hợp pháp.”
Cuộc bầu cử hội đồng lập pháp vốn dự kiến diễn ra vào Chủ nhật, ngày 6 tháng 9 vừa rồi, và các ứng viên ủng hộ dân chủ tự tin sẽ giành được những thắng lợi quan trọng, mặc dù quy trình bầu cử được cấu trúc để đảm bao phe thân Bắc Kinh chiếm đa số.
Nhưng vào cuối tháng 7, bà Carrie Lam, nhà lãnh đạo được Trung Quốc hậu thuẫn nhưng mất lòng dân nghiêm trọng của Hồng Kông, đã hoãn cuộc bầu cử một năm. Bà Lam viện dẫn những lo ngại về sức khỏe xung quanh việc tổ chức các sự kiện công cộng quy mô lớn vào thời kỳ đại dịch. Thời điểm đó đặc khu đang chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt, nhưng nhiều người ở Hồng Kông nói rằng mối lo về sức khỏe chỉ là một cái cớ.
Hội đồng lập pháp đương nhiệm sẽ phục vụ một năm nữa, mặc dù một số nhà lập pháp phía dân chủ đang cân nhắc tẩy chay.
Những lo ngại về coronavirus cũng như luật an ninh quốc gia mới đã khiến các cuộc tuần hành công khai phải tạm dừng trong nhiều tháng. Các báo cáo từ Hồng Kông cho biết số ca nhiễm mới đã giảm vài tuần nay, tuy nhiên, hôm Chủ nhật lại ghi nhận 15 ca nhiễm trong cộng đồng. Số ca nhiễm hàng ngày đã không còn tăng đột biến từ khi chương trình xét nghiệm toàn thành phố được áp dụng vào cuối tuần trước.
Luật an ninh đã làm dấy lên những câu hỏi rằng liệu Hồng Kông có duy trì được quyền tự trị cao mà đặc khu này đáng lẽ được hưởng sau khi Anh trao trả thuộc địa cho Trung Quốc vào năm 1997. Chưa có trường hợp nào bị đưa ra xét xử theo luật mới, nhưng những người thuộc phe đối lập và một số thành viên trong cộng đồng pháp lý nói rằng một số vụ bắt giữ và lạm quyền được phía chính quyền xác nhận dường như để hình sự hóa việc phát ngôn và hạn chế tự do báo chí.
Luật an ninh quốc gia đã gây ra một số cảnh tượng giật gân, bao gồm việc bắt giữ chủ nhân tờ báo ủng hộ dân chủ đình đám nhất xứ Cảng là ông Jimmy Lê Trí Anh vì nghi ngờ phạm luật. Nhận thức về mức độ nghiêm trọng của luật mới, một nhóm gồm 12 nhà hoạt động dân chủ mà vài người trong đó đang đối mặt với những cáo buộc khác nhau, đã cố gắng vượt mấy trăm dặm biển bằng tàu cao tốc đến Đài Loan. Tuy nhiên họ đã bị chính quyền đại lục bắt và giam giữ ở đó. Các ý kiến đóng góp cho John Lyons hãy gửi về địa chỉ mail john.lyons@wsj.com
Biên dịch: Diễm
Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-lai-xuong-duong-phan-doi-hoan-bau-cu