Khuyết Danh
Từ 2000 đến 2015, tôi lên Sapa 5 lần, đủ để nhìn rõ những sự thay đổi của nó.
Sapa bắt đầu nổi lên từ khoảng năm 1997-1999, nhưng đến tận năm 2000, nó vẫn còn mang cái vẻ một thị trấn bị bỏ quên với những căn biệt thự đổ nát, bỏ hoang từ thời Pháp. Nhưng ngay từ đầu những năm 2000, đã có một số người nhạy bén ở Hà Nội lên Sapa kinh doanh hàng ăn. Lúc đó, đồ ăn trên Sapa có hương vị rất ngon, đặc biệt là rau ôn đới, thịt thú rừng, giá cả cũng tương đối phải chăng.
Năm 2000, chợ tình dựng ở sân vận động cũng đã tan rồi, vì người Mông xấu hổ trước những con mắt tò mò của du khách. Tuy nhiên, chợ phiên thị trấn vẫn còn rất đậm cái chất vùng cao; vào mỗi chủ nhật, người Mông từ khắp huyện cắm cúi cuốc bộ mấy chục cây số để đi chơi chợ. Các bản đã bắt đầu làm du lịch nhưng đường vào bản vẫn là đường đất, dân chưa biết đeo bám du khách để vòi tiền. Ra các bản xa, trẻ con vẫn cởi truồng, mặt mũi lem luốc nhìn khách du lịch như nhìn sinh vật lạ.
Dần dần Sapa trở thành trung tâm du lịch thực sự, có nét gì đó giống bên Lệ Giang ở Trung Quốc hay Hội An, mặc dù điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người rất khác nhau.
Chính khách du lịch và sự yếu kém của chính quyền, cơ quan quản lý ngành du lịch đã làm “hỏng” một phần cộng đồng dân bản địa nơi đây. Những đứa bé H’Mông chỉ đi ăn xin, vòi vĩnh tiền từ khách dần trở thành cảnh tượng dễ bắt gặp. Nhưng không phải ai cũng đi ăn xin, nếu các bạn đi xa hơn một chút, xa khỏi mấy bản làm du lịch chuyên nghiệp sẽ thấy người Mông, người Dao họ vẫn làm ruộng bậc thang, trồng ngô trên vách núi gần như dựng đứng, leo lên leo xuống tra hạt rồi thu hoạch.
Với tôi, ở Lào Cai có hai Sapa. Một Sapa làm du lịch với vẻ nghèo giả tạo và một Sapa nghèo rất nghèo như các vùng cao khác.
Mới đây tôi đến dự lễ khánh thành ngôi trường mới ở một tỉnh vùng cao. Dù cho có cố gắng thế nào tôi cũng không thể hiểu nổi sự tương quan giữa ngôi trường mới khang trang với những bộ đồng phục lấm lem, những đôi chân trần của các em học sinh. Có một điều gì đó kỳ cục trong cách người ta tư duy.
Nhiều tỷ đồng đã được chi ra để xây nên ngôi trường ấy. Tôi tin là ngôi trường được hình thành từ những nỗ lực rất lớn của các nhà hảo tâm và tôi mong sẽ có nhiều hơn những người như họ. Nhưng cũng giống như hàng chục nghìn tỷ đã chi cho các nhà văn hóa, trường học, bệnh xá nói chung trong chương trình nông thôn mới, nó chưa hề đem lại sự thay đổi căn bản cho vùng đất này.
Liệu những ngôi trường hay bệnh xá ấy có được lấp đầy bằng đội ngũ giáo viên, y sĩ hay không. Đó vẫn còn là câu chuyện của tương lai, một câu chuyện để bàn sau.
Rõ ràng là có một chiếc cầu nối bị gãy giữa chính sách và thực tiễn. Với người nghèo, cái họ cần không phải là những lời văn hoa đầy nhiệt huyết hay những tượng đài-quảng trường-vườn hoa mà là những hành động thực sự, tác động tạo ra những thay đổi căn bản. Để tạo ra sự thay đổi cơ bản, tôi chắc chắn phải có những chính sách đồng bộ, là kết quả của việc khảo sát, nghiên cứu, quy hoạch thực tế. Nếu không, người dân sẽ vẫn chỉ no trong vài giờ, ấm trong vài ngày và sống trọn một cuộc đời nghèo đói. Sapa vẫn sẽ hiện lên với cả cái nghèo giả tạo và nghèo thực sự của nó.
Một đất nước cố nhiên sẽ có những vấn đề nóng và hệ trọng. Với một số quốc gia hiện giờ là cuộc chiến chống ma túy, dẹp trừ các băng đảng; với một số khác là tranh chấp biên giới, tài nguyên… Nhưng nếu vì vậy mà quên đi vấn đề chống đói nghèo, vấn đề mưu sinh của đại đa số dân chúng thì sẽ là một thảm họa, tạo ra muôn vàn nhiễu động xã hội.
Khi chứng kiến sự phát triển một cách lỗ chỗ, manh mún ở Sapa, tôi chắc rằng, người ta đã quên mất vấn đề chống đói nghèo hoặc nói cách khác người ta chỉ tranh thủ làm giàu từ mảnh đất này một cách chộp giật, ngắn hạn.
Một địa điểm có lợi thế về phát triển du lịch như Sapa mà Việt Nam còn không thể khiến nó hoàn toàn thoát nghèo. Vậy thì lấy gì để những vùng nông thôn khác thoát được nghèo?
Karim Raslan