NGÀY KHAI TRƯỜNG TRONG MƠ

0
182

Bạch Cúc
P/s: Sau sự kiện bãi Tư Chính: tưởng nhớ thảm họa “Biển Chết – Formosa”!

Tấm ảnh này bất giác khiến tôi nhớ về câu chuyện ngắn “Ngày khai trường trong mơ” của Kim Hài. Câu chuyện kể về hai đứa trẻ mồ côi mẹ, đứng hóng trên bãi biển chờ cha đi ghe về, chúng đói rã rời, đợi mãi đến khuya tối mịt mùng và phải thẫn thờ đi về bởi sau cơn bão, chỉ có vài con thuyền lẻ tẻ tơi tả may mắn sống sót trở lại ngôi làng nhỏ..

Đứa bé gái mới 5 tuổi, con bé ước mơ được đi học, nó khát khao được một cuốn tập, cây viết, cục gôm, đôi dép mủ vì đi học không được đi chân không. Con bé hồn nhiên líu lo với anh hai nó trong sự khắc khoải mong đợi cha mang tiền về cho nó được đi học chữ.

Thằng anh mới 15 tuổi đã biết dấu nước mắt vào trong, nó đóng hai vai vừa là cha vừa là mẹ để lo cho đứa em gái. Nó ghi nhớ lời hứa với em, chắc chắn nó sẽ lo cho em được tựu trường ngày khai giảng…

Nhưng biển đã cuốn trôi tất cả, cha của hai đứa bé không về, nhiều đàn bà và trẻ em trong làng bắt đầu chít khăn tang và thả trôi giấy vàng, giấy bạc xuống biển!

Hai đứa trẻ mất hoàn toàn hy vọng. Thằng anh thôi dắt em ra bến mong đợi vì nó có nỗi sợ còn lớn hơn cả nỗi đau mất cha, đó là nỗi lo về những ngày đói khổ trước mắt, sợ phải dắt em mình đi ăn xin khắp bãi và ước mơ được đi học của em gái như thiêu đốt lòng nó mỗi ngày. Thằng bé rà lại lưới nhà và dùng tất cả sức lực cạy hào trên bãi đá đắp đổi gạo để nuôi em.

Vào một ngày, thằng anh kiếm được một bãi đá ở xa bờ có rất nhiều hào. Nó vui sướng nghĩ đến món tiền mua đồ dùng cho e đi học, thằng nhỏ mải mê cạy hào mà không biết thủy triều đã lên tự bao giờ, đáng lý nó phải vứt tất cả để bơi vào bờ, để cứu lấy mạng sống của mình, nhưng thằng bé tiếc, nó cần tiền để thực hiện giấc mơ đến trường của em nó, nó nghĩ tới cái cặp, nghĩ tới đôi dép mủ và cuốn vở cho em mà ráng sức, mà cố gắng, để rồi…

Khi tỉnh lại thằng bé thấy nó nằm trơ trọi trên bãi cát, tay vẫn nắm chặt bao tải và tấm lưới đã rách vẫn quàng trên cổ, không còn gì cả ngoài duy nhất một con cá nhỏ im lìm giương đôi mắt đỏ ngầu nhìn nó. Thằng bé chuệch choạng đứng dậy và lầm lũi về nhà, đứa em gái nhỏ vẫn đang ngủ, con bé đang mơ và miệng úng ắng những tiếng đứt quãng:
“Anh hai…vở…viết… cho em…đi học…”

Thằng bé đưa cánh tay lên che mắt và… khóc!

Tấm ảnh với đôi mắt u buồn, khắc khoải của đứa bé trên chiếc thuyền câu này đã nhắc tôi nhớ đến nỗi đau của hai đứa trẻ mồ côi trong câu chuyện trên. Hai đứa trẻ trong tác phẩm của Kim Hài bơ vơ sống dựa vào biển, chúng nuôi ước mơ được đến trường đến lớp. Vậy ở ngoài đời thật đang có bao nhiêu đứa trẻ như thế? Chúng sẽ ra sao, chúng sống thế nào khi con đường mưu sinh duy nhất của chúng là biển, mà biển thì…đã chết!

Biển chết: lý do gì biển lại chết? Ai đã gây ra thảm cảnh này? Sao người ta lại im lặng không công bố nguyên nhân biển chết? Hàng ngàn đứa trẻ đang sống dựa vào biển cần được biết sự thật, người dân nước này cần phải biết sự thật, dù sự thật có tàn nhẫn, trần trụi và đau đớn thế nào!

Khi biển đã không còn, con người sống nhờ biển làm thế nào để tồn tại? Làm thế nào để hàng ngàn đứa trẻ không phải bỏ học, không phải lặn lội phương xa tìm đường sống sót, để rồi ngày khai trường, ngày tựu trường chỉ còn lại trong ký ức và trong giấc mơ của chúng!

Thảm họa Formosa… theo dòng sự kiện nỗi đau đã dần trôi vào quên lãng dù người dân vẫn khắc khoải đói khổ từng ngày. Có thể người ta đã quên nhưng tôi chưa bao giờ quên và…

Sau sự kiện bãi Tư Chính: những người đứng đầu nhà nước này có dám công bố chiến lược bằng cách nào để có thể bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biển đảo Việt Nam hay vẫn chỉ là đối phó và cúi đầu chịu sự “bắt nạt” của “Giặc Phương Bắc” hết lần này tới lần khác?

Chủ quyền biển đảo Việt Nam còn được bao nhiêu và giữ được bao lâu nữa???

Bạch Cúc Homestay

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here