Ở trên thế giới này, có một người luôn yêu thương anh chị mà không cần đặt ra một điều kiện nào cả và luôn chấp nhận anh chị cho dù là tốt xấu sang hèn; người đó luôn kiên nhẫn, hy sinh, chịu đựng và tha thứ tất cả những lỗi lầm và luôn che chở bảo vệ cho con cái của bà.
Hôm nay là ngày của những người Mẹ – những người mà Thượng đế đã tạo ra bởi vì Ngài không thể có mặt ở mọi nơi để chăm sóc cho anh chị. Vì thế, mọi chuyện sẽ được tạm gác qua một bên, tôi sẽ viết một bài ca ngợi Mẹ để gởi tặng các anh chị đang có diễm phúc còn Mẹ và gởi đến những ai không còn được cái diễm phúc này nữa.
Đa số các quốc gia trên thế giới chọn ngày Chúa Nhật của tuần lễ thứ hai trong tháng Năm làm ngày của Mẹ, tiếng Anh gọi là Mother’s Day. Ở Việt Nam, người Phật tử lấy ngày lễ Vu Lan để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của Mẹ. Nếu các bạn không phải là Phật tử, các bạn vẫn có thể sử dụng ngày Vu Lan, hoặc ngày Mother’s Day của Tây phương, hoặc bất kỳ ngày nào trong năm để gọi nó là ngày Mẹ; bởi vì tình yêu thương của Mẹ dành cho anh chị và tôi đã chưa từng bao giờ ngừng lại trong ngày nào của bao nhiêu năm tháng.
Có một chuyện sẽ không bao giờ thay đổi trong đời; đó là tình yêu thương của Mẹ dành cho con cái. Nó là một cái gì thật tinh khiết, thật sâu đậm và chân thành mà bà đã dành cho anh chị và tôi. Tình yêu của Mẹ được biểu hiện qua những lời ru êm đềm từ khi chúng mình còn nằm trong nôi, qua những dòng sữa là thứ cao quý nhất của đất trời, qua những đêm thâu mà “cha đốt đèn, mẹ lại rửa trôn”. Mẹ đã không ngần ngại dơ bẩn khi giặt giũ thay tã cho con; ngược lại, mẹ cảm thấy đó là một niềm vui trong bao nhiêu năm trường. Mẹ lặng lẽ làm việc đó và cầu nguyện cho chúng mình khôn lớn như một cánh chim đại bàng.
![](https://vietnamweek.net/wp-content/uploads/2018/05/06141966.jpg)
Có một chuyện cũng không bao giờ thay đổi; đó là sự kiên nhẫn chịu đựng của Mẹ dành cho con cái. Nó là một biểu hiện điển hình nhất, không ích kỷ, không điều kiện mà bà đã trao cho anh chị và tôi. Sự kiên nhẫn của Mẹ qua từng ngày đưa bước chân con tập tễnh đến trường, qua từng đêm nắn nót bàn tay nhỏ xíu của anh chị và tôi trong mỗi nét chữ đầu đời. Mẹ tôi, học vấn không bằng ai, chữ viết lại nghệch ngoạc, nhưng nét chữ của tôi bây giờ là nét chữ của bà. Nếu bài viết này có tạo được cho anh chị một cảm xúc nhẹ nhàng, thì đó là nhờ vào mỗi nét chữ và bút pháp mà Mẹ đã gói vào cuộc đời của tôi từ ngày thơ ấu. Nào đâu là chuyện đưa đón con đi học, tập cho con làm toán viết chữ, Mẹ còn theo gót để trông chừng từng bước đi của anh chị và tôi trong ngày trưởng thành. Mẹ lặng lẽ làm việc đó và cầu nguyện cho chúng mình khôn lớn như một cánh chim đại bàng.
Có một chuyện lại càng không thể thay đổi được; đó là sự quan tâm đôi khi quá đáng của Mẹ đã từng làm cho tôi nhiều khi bực mình. Dường như trong đôi mắt của Mẹ, tôi vẫn là một đứa con nít hay sao đó? Mẹ cứ gọi điện nhắn tin, nào là phải giữ gìn sức khỏe, đi ngủ sớm, đi làm phải dành dụm, phải lo kiếm vợ… và còn đủ thứ linh tinh khác khiến tôi phải nhức đầu muốn điên lên được. Tôi đã nói với Mẹ nhiều lần: “con đã lớn rồi, đi làm cho bao nhiêu cơ quan, cho công ty nước ngoài, không phải nhờ tới Mẹ nói nữa”.
Tôi đã đi qua hàng chục thành phố lớn trên nhiều quốc gia khác nhau, tiếp xúc với bao nhiêu văn hóa và đối phó với bao nhiêu phức tạp trong cuộc sống. Và rồi, tôi đã quên đi một điều, cái chữ viết của tôi trên những hợp đồng giá trị của công ty là do Mẹ đã nắn nót bàn tay tôi khi còn tập viết vở lòng. Tôi đã vô tâm quên lãng là mình đã trưởng thành khôn lớn như một cánh chim đại bàng trên vòm trời rộng mở này đều nhờ vào những việc làm của Mẹ với lặng lẽ âm thầm bên góc tối trong ngôi nhà của bà.
![](https://vietnamweek.net/wp-content/uploads/2018/05/4066570702_191a2e3379.jpg)
Edmond de Amicis, tác giả người Ý của quyển “Les grands coeurs” (có bản dịch tiếng Việt, Tâm Hồn Cao Thượng, của Hà Mai Anh) có viết một bài về Mẹ và một lời khuyên của người cha cho đứa con trai tên Enrico: “Một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống! Con ơi! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là ngày con mất đi người mẹ của con.”
Và rồi, cái ngày buồn thảm đó đã đến với tôi và không bao giờ tôi có thể quên được.
Tôi đã nắm thật chặt bàn tay của Mẹ bên giường bệnh nhà thương trong giây phút cuối cùng của Mẹ. Nước mắt cứ tuôn xuống như mưa; đúng là “tôi thấy tôi mất mẹ, mất cả một bầu trời.” Tôi đã níu kéo trong tuyệt vọng tình thương sâu đậm chân thành và tình yêu không có điều kiện của Mẹ; đó là những điều cao quý nhất tôi đã từng nắm trong tay bao nhiêu lâu nay mà không nhận thức được.
Các bạn nào không có diễm phúc còn Mẹ trong ngày hôm nay sẽ có thể hiểu thật rõ những cảm xúc mà tôi đang muốn diễn tả. Dường như chúng mình đã quá vô tâm trong cuộc sống vật chất bon chen để quên lãng đi người Mẹ; và có lẽ chúng mình chưa từng đánh giá đúng đắn cái giá trị tinh thần nhận được từ Mẹ, mãi cho đến khi mất Mẹ mới bừng bừng tỉnh ngộ.
Năm xưa, tôi thường nói trêu mỗi khi đi công tác nước ngoài: “Mẹ! con đi xa mấy tháng đấy, Mẹ ở nhà đừng có nhớ con nhé”. Bây giờ, tôi đứng đây sững sờ, không ngờ định mệnh đã đến đau thương như vậy. Mẹ tôi, học vấn không bằng ai, chữ viết lại nghệch ngoạc, nhưng Mẹ cho tôi cả một bầu trời mở rộng cả một thế giới. Hôm đám tang, tôi đã nói thầm với Mẹ khi chiếc màn buông xuống: “Bây giờ, đến phiên Mẹ ra đi vĩnh viễn, và con sẽ nhớ Mẹ nhiều lắm.” Từ đó, tôi cảm thấy hụt hẫng chơi vơi cho dù là bao nhiêu tuổi đời.
Ngày hôm nay, tại Nhật Bản và rất nhiều quốc gia Tây phương, họ sẽ cài lên áo cho nhau những đóa hoa cẩm chướng màu đỏ thắm cho người có diễm phúc còn mẹ. Riêng tôi phải tự cài cho mình một đóa hoa màu trắng. Lúc trưa hôm qua, tôi đã lái xe chạy ngang nhà thương; đó là nơi mà tôi và hai đứa em phải thay phiên nhau nghỉ làm để vào chăm sóc cho Mẹ trong mấy tháng dài ròng rã. Anh em chia nhau ngủ ngồi bên giường bệnh hàng đêm, mệt mỏi dường như vượt qua sức giới hạn của con người. Cô em gái tôi đã bị mất việc làm sau đó. Bây giờ mỗi lần đi ngang nhà thương, mấy anh em tôi đều ước mong được trở lại ngủ ngồi bên giường bệnh và chịu khổ mỗi đêm để biết được là mình vẫn đang còn Mẹ.
Rồi thôi, tôi phải đành nhìn xuống đóa hoa trắng biết ơn được cài trên áo hôm nay, ngậm ngùi biết mình đã mất đi cái diễm phúc đó.
Tôi đã kể cho anh chị nghe câu chuyện buồn của tôi rồi, bởi vì tôi muốn mang đến anh chị một lời nhắn nhủ đơn giản thôi. Nếu anh chị có diễm phúc còn Mẹ, thì xin anh chị hãy gọi điện cho Mẹ ngày hôm nay, nói với Mẹ là anh chị muốn về nhà ăn cơm với Mẹ. Anh chị hãy quay về để nắm thật chặt đôi tay của Mẹ và nói cho Mẹ hiểu là anh chị biết ơn Mẹ nhiều lắm. Hãy làm điều này để cuộc đời còn lại anh chị sẽ không cảm thấy day dứt vì đã chưa từng bao giờ làm được việc đó cho Mẹ.
Năm 2011, trong China’s Got Talent, có một cậu bé 12 tuổi người Mông Cổ, tên là Uudam, đã cất tiếng hát bài “Mother in the Dream” cho người Mẹ của em trên thiên đàng. Tiếng hát nhỏ bé của em lại làm cả thế giới rung động. Mỗi lần em nhớ đến Mẹ, em đã hát bài nhạc này. Tôi chép lại một vài đoạn lời Việt của Lê Tự Minh trước khi kết bài:
Mẹ giờ này ở chốn rất xa
Trong mơ con đã thấy mẹ
Mẹ dịu dàng hát khúc ca
Sao con thấy mẹ buồn
Nhìn cánh đồng xa xanh
Con nhớ mong về mẹ
Mẹ trở về với con
Ấm áp bên mái nhà
Và từ bầu trời rất cao
Mong ước con yên bình
Mẹ ngồi buồn ở chốn xa nhớ
Thương con vắng mẹ
Gửi về mẹ nhiều cánh hoa
Thắm sương long lanh giữa núi đồi
Chợt giật mình tỉnh giấc mơ
Sao không thấy mẹ
Nghẹn ngào thương mẹ bao la…
Tôi hiểu rõ tâm trạng của em Uudam. Tôi đã khóc như hàng vạn người khác trong tiếng hát của em.
Hôm nay, tôi sẽ quay về lại ngôi nhà cũ đốt nhang tạ ơn Mẹ. Trước khi Mẹ mất, bà căn dặn tôi phải lo cho các em, việc này thì dễ rồi; Mẹ lại dạy tôi phải biết che chở và đùm bọc cho bà con và những người nghèo khó trên đất nước của Mẹ. Mẹ đã trao cho tôi một điều quá sức to tát mà tôi không biết có gánh nổi hay không?
Cho nên, bài viết này tôi chỉ xin mang đến anh chị một điệp khúc đơn giản thôi. Nếu anh chị còn Mẹ, thì xin anh chị hãy gọi điện cho Mẹ ngay lập tức, đừng chần chờ nữa, và hãy nói với Mẹ rằng: “Con muốn về nhà ăn cơm với Mẹ”. Anh chị hãy quay về để nắm thật chặt đôi bàn tay gầy guộc của Mẹ và nói cho Mẹ hiểu là anh chị biết ơn Mẹ nhiều lắm.
Và rồi, anh chị sẽ hãnh diện với đóa hoa màu hồng trên áo và hãy làm cho Mẹ thật vui hôm nay.
————————————————————–
Con đã viết lên bài này bằng ngòi bút của Mẹ
Facebook Người Đà Lạt Xưa
Mother’s Day 13/05/2018