Moscow đừng quá kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Bắc Kinh nếu Mỹ và châu Âu quyết định trừng phạt Nga vì Điện Kremlin đã tấn công Ukraine.
Khi những mâu thuẫn địa chính trị gia tăng với phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga dường như đang có một đồng minh thân cận để hướng tới: Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Laura He của kênh truyền hình CNN, Moscow đừng quá kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Bắc Kinh nếu Mỹ và châu Âu quyết định trừng phạt Nga vì Điện Kremlin đã tấn công Ukraine.
Những gì mà Nga nhận được từ Trung Quốc, có chăng cũng chỉ là những tuyên bố ủng hộ bằng lời nói. Các quan hệ ngoại giao và quân sự của Bắc Kinh với Moscow có thể mạnh mẽ thật đấy nhưng những lợi ích về kinh tế của Trung Quốc thì phức tạp hơn nhiều.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm cấp cao với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình khi tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh.
Điện Kremlin gọi đó là một cuộc gặp “ấm cúng và mang tính xây dựng”. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác sâu sắc hơn. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Rosneft đã đồng ý tăng nguồn cung cho Trung Quốc trong thập kỷ tới.
Là nước cũng đang có những căng thẳng riêng với phương Tây, Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ ngoại giao đối với đồng minh của mình. Trong tuyên bố chung đưa ra hôm thứ Sáu, cả ông Tập và Tổng thống Putin đều cho biết, họ phản đối việc NATO mở rộng hơn nữa. Nga lo ngại Ukraine có thể tham gia liên minh quân sự này.
“Chắc chắn, ông Tập có lợi ích chiến lược trong việc ủng hộ Nga”, Craig Singleton, thành viên cấp cao về Trung Quốc tại Quỹ bảo vệ các nền dân chủ có trụ sở tại Washington D.C bình luận.
Theo Alexander Gabuev, thành viên cấp cao của Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie Moscow, có một số bằng chứng cho thấy những căng thẳng với phương Tây đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga.
Các hợp đồng mua bán vũ khí, một số chương trình hợp tác phát triển vũ khí và các cuộc tập trận chung là minh chứng cho thấy mối quan hệ giữa hai cường quốc ngày càng tăng.
Thế nhưng, chưa rõ mối quan hệ hợp tác đó có được thắt chặt trong lĩnh vực kinh tế nếu Moscow phải đối mặt với các lệnh trừng phạt hà khắc. Nga phụ thuộc lớn vào Trung Quốc về thương mại nhưng Bắc Kinh thì không.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang ở tình trạng lung lay, khiến ông Tập không có nhiều động lực để gắn kết vận mệnh của đất nước mình với Moscow nếu xảy ra khủng hoảng quân sự.
Theo tính toán của CNN Business dựa trên số liệu năm 2020 của Tổ chức Thương mại Thế giới và dữ liệu hải quan Trung Quốc thì Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Nga, chiếm 16% giá trị ngoại thương của nước này.
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, Nga có tầm quan trọng ít hơn nhiều: Thương mại giữa hai nước chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Liên minh châu Âu và Mỹ vẫn chiếm thị phần lớn hơn nhiều.
“Bắc Kinh cần phải hết sức thận trọng khi can dự vào cuộc xung đột giữa NATO và Nga về vấn đề Ukraine”, Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation cho biết.
“Các mối quan hệ kinh tế hiện tại của Trung Quốc với Nga, gồm cả nhu cầu năng lượng của nước này, không thể đảm bảo Bắc Kinh sẽ không bị xa lánh và sẽ nhận được phản ứng dữ dội hơn nữa từ Washington cùng các đồng minh. Điều đó có thể sẽ quay trở lại ám ảnh Bắc Kinh sau này”.
Giới chức phương Tây cũng nói rằng rủi ro là quá cao đối với Trung Quốc. Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng cảnh báo Bắc Kinh rằng một cuộc tấn công Ukraine sẽ gây ra “những rủi ro kinh tế và an ninh toàn cầu” có thể làm tổn thương cả Trung Quốc.Tướng Mỹ cảnh báo điều khủng khiếp khi ông Putin “ra tay”: 48h định mệnh đang đợi Ukraine