Bộ Công an hay Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe là vấn đề gây tranh cãi từ mấy năm qua đến nay chưa ngã ngũ. Trong khi đó, hai bộ này phải trình Chính phủ xem xét các dự thảo luật trước ngày 20 tháng 2 năm 2022.
Tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) do Tổng cục Đường bộ tổ chức ngày 14 tháng 2 năm 2022, ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam – cho rằng, từ năm 1995 khi tiếp nhận từ Bộ Công an việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ Giao thông- Vận tải đã làm tốt công tác này. Nay không có lý do gì trao trả ngược lại cho Bộ Công an. Báo nhà nước dẫn quan điểm của ông:
“Nếu Bộ Công an đảm nhận công tác này sẽ khép kín từ đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe đến xử lý vi phạm, thì có thể thuận lợi cho ngành công an, nhưng có đảm bảo tính độc lập của 3 thành tố: lập pháp, hành pháp, tư pháp không? Có bảo đảm cơ chế giám sát quyền lực không?
Quan điểm của chúng tôi là không tán thành chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải về cho Bộ Công an.”
Ông Thanh cũng không đồng ý tách Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn – Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường đại học Việt Đức phát biểu: “Không nước nào tách Luật giao thông đường bộ thành hai luật như vậy cả.”
Trước đó, hôm 10 tháng 2 năm 2022, Bộ Công an tổ chức hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ” và “Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.
Tại hội thảo, đại tá Đỗ Thanh Bình – phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho rằng cần phải tách luật vì Luật giao thông đường bộ năm 2008 chưa đầy đủ, toàn diện và một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, không theo kịp xu hướng chung của thế giới; việc tách luật giao thông đường bộ 2008 thành hai đạo luật chuyên biệt sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhà nước và người dân.
Hồi tháng 4 năm 2020, trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an đưa ra có đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Đến tháng 9, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký văn bản thể hiện sự đồng ý, thống nhất đề xuất này để Bộ Công an báo cáo Quốc hội.
Hai tháng sau, Quốc hội đã lấy ý kiến và có hơn 60% đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật giao thông đường bộ thành hai luật; không tán thành chuyển chức năng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Về phía người dân, đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của sự chuyển đổi thì có người cho rằng, Bộ Công an chưa thể tự chủ trong nhiều lĩnh vực nên không cần nhận thêm việc để tốn thêm ngân sách quốc gia; có người cho rằng hãy vì sự tiến bộ và văn minh của đất nước để soạn luật, nếu cơ quan thực thi luật không tốt thì điều chỉnh hành vi của cơ quan thực thi chứ không nên điều chỉnh luật.
Ông Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải, cũng là một tài xế lái xe chở khách liên tỉnh nêu quan điểm của ông với RFA sáng 15 tháng 2:
“Thứ nhất, tôi cho rằng ngành công an họ muốn ôm đồm theo kiểu một xã hội công an trị. Họ muốn quản trị tất tần tật mọi việc của xã hội trong đó có việc đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe.
Thứ hai, nó sẽ gây tốn kém cho xã hội, cho ngân sách quốc gia. Bởi hiện nay ngành giao thông quản lý việc đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái theo đúng chức năng của họ. Cơ sở hạ tầng, giáo trình, nhân lực họ có sẵn đầy đủ hết rồi. Họ đang hoạt động bình thường thì cứ để cho họ hoạt động. Nếu bên công an muốn tăng cường chất lượng đào tạo lái xe thì cứ đề xuất thêm một vài biện pháp dưới góc độ từ ngành công an, mà trực tiếp là cảnh sát giao thông điều hành giao thông trên đường.
Bây giờ chuyển đổi sang cho bên công an quản lý thì rõ ràng nó sẽ gây biến động rất lớn về nhân lực và hạ tầng cơ sở. Tốn kém tiền của không cần thiết. Rất vô lý. Tiền đó là tiền thuế của dân chứ tiền gì!”
Ông Quảng, một kỹ sư xây dựng cho rằng, nếu một bên cấp bằng, một bên kiểm tra sẽ hợp lý hơn. Vừa cấp bằng lại kiêm luôn việc kiểm tra, xử phạt thì sẽ phát sinh tiêu cực. Ông nói thêm:
“Theo tôi thì ngành nào chuyên sâu về lãnh vực nào thì nên làm về lãnh vực đó. Ngành Giao thông Vận tải mấy chục năm nay lo việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì tôi thấy quá ổn rồi. Còn cảnh sát giao thông bên ngành công an thì chỉ kiểm tra thôi. Họ có thể kiểm tra khi cần xem mình có giấy phép lái xe hay không. Nếu không có mà vẫn lái là vi phạm. Phải có một bên cấp và một bên kiểm tra, gọi là kiểm tra chéo, thì mới khách quan được. Bây giờ giao cho Bộ Công an hết thì không nên.”
Trước đây, việc tổ chức dạy, thi và cấp giấy phép lái xe do Bộ Công an thực hiện. Đến ngày 29 tháng 5 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/CP về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị do Thủ tướng lúc đó là ông Võ Văn Kiệt ký. Theo đó, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được chuyển từ Bộ Công an quản lý sang Bộ Giao thông vận tải từ ngày 1 tháng 8 năm 1995.
Theo một số người dân mà RFA trò chuyện thì chính phủ không nên hình sự hóa các vấn đề dân sự, hành chánh; không nên tập trung quá nhiều quyền lực vào ngành công an vì như thế dễ sinh ra tình trạng độc quyền, lạm quyền. Hơn nữa, tình hình trật tự xã hội còn phức tạp, còn nhiều tội phạm về ma túy, trộm cắp, cướp giật… nên với chức năng, quyền hạn của mình, lực lượng công an nên giải quyết tốt những vấn đề nêu trên để ‘quốc thái- dân an’, không cần phải kiêm thêm việc làm gì!