TTCT- Cả trăm món ăn Âu – Á và ẩm thực ba miền đất Việt hội tụ dưới lòng đất để thực khách thỏa sức chọn lựa, đánh chén no nê.
Đó là những gì mà thực khách có thể trải nghiệm ở khu chợ ẩm thực dưới lòng đất tại Sài Gòn, được mở cửa khoảng nửa năm nay.
Đương nhiên không thể thiếu món ngon của người Việt |
“Du lịch” ẩm thực
“Như một thế giới ẩm thực dưới lòng đất”. Một người bạn trong nhóm chúng tôi cứ xuýt xoa khi nhìn hàng chục tấm bảng hiệu thức ăn Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… của 40 quầy hàng tại khu chợ ẩm thực Asiana nằm dưới tầng hầm khu B công viên 23-9 ngay giữa trung tâm quận 1, với tổng diện tích khoảng 1.500m2.
Cả trăm người, Tây có, ta có ngồi vây quanh những bàn ăn, trò chuyện rôm rả khiến bất kỳ ai bước vào đây cũng muốn hòa mình nếm ngay những món ngon muôn phương.
Rảo một vòng khu chợ, chúng tôi dừng bước trước gian hàng ẩm thực Thái Lan bởi những bức hình trong thực đơn nhìn “ngon mắt”. Chỉ sau vài phút gọi món, phục vụ đã bày biện trước mắt thực khách ba món đặc trưng gồm lẩu Thái, som tam và pad Thái.
Vị cay xè của món xụm đu đủ, vị chua lè kèm hương thơm của những cọng sả dát mỏng trong món lẩu mang hương vị đậm đà theo phong cách Thái, không khác những lần chúng tôi ngồi bên dòng sông Mekong trên đất Thái thưởng thức những món này.
Anh chàng da đen Solomon Bamdele Junior (39 tuổi, người Nigeria) cho biết khi quyết định mở quầy ẩm thực Thái, vợ anh (người Việt) đã sang tận Thái Lan để học nghề và thuê đầu bếp đã có ba năm kinh nghiệm nấu nướng ở Thái Lan đến làm việc.
Junior khẳng định trong hơn 20 món Thái có trong thực đơn, bất kỳ món nào cũng được nấu như người Thái nên dẫu đang dùng bữa giữa Sài Gòn cũng ngon như đang ăn ở Bangkok.
Ngồi cạnh bàn chúng tôi, bốn chàng trai, cô gái tóc vàng hoe say sưa ăn gỏi cuốn, bún thịt nướng, phở bò… từ những đầu bếp khác nhau.
Đó là bốn du khách trẻ đến từ Anh và Hà Lan. Tối nay đã là ngày thứ ba liên tiếp họ đều ăn ba bữa trong ngày tại khu chợ dưới lòng đất này. Tất cả các món họ ăn đều là những món ăn thuần Việt khắp ba miền.
“Cứ đến bữa là chúng tôi lại xuống khu chợ này, có quá nhiều món ngon và đến đây cũng là một cách du lịch văn hóa ẩm thực của Việt Nam” – chị James (26 tuổi) chia sẻ.
Cả ba thế hệ trong một gia đình cùng ngồi chung một bàn ăn giữa khu chợ, bà Nguyễn Thị Mai (77 tuổi) cho biết vào những khu ẩm thực như thế này cả gia đình được thỏa sức chọn món theo khẩu vị.
Bà Mai có một người con rể người Mỹ nên khi vào đây, anh chàng này chọn ăn pizza, bà ăn món miền Trung, còn những đứa cháu của bà lại ăn món Hàn Quốc nhưng đều ngồi chung một bàn.
“Coi như ẩm thực mấy nước dọn sẵn trên một bàn nhưng ai cũng hài lòng vì ăn món mình thích nên cứ cuối tuần là gia đình lại vào đây dùng bữa” – bà Mai nói.
Cảnh nhộn nhịp, đa dạng ẩm thực dưới lòng đất của khu chợ giữa Sài Gòn này chẳng thua kém gì những khu chợ ẩm thực quốc tế tại quốc đảo Singapore.
Chỉ khác, ở Singapore những khu chợ này nằm dưới tầng hầm các tòa cao ốc dọc đại lộ Orchard. Thực khách len hỏi đi qua những khu chợ nối nhau bằng đường hầm hiện đại kết nối với nhà ga tàu điện ngầm và có thể đi khắp Singapore dưới lòng đất.
Khu vực bàn ăn chung tại chợ ẩm thực Asiana dưới lòng đất -Quang Định |
Không gian chung
Không chỉ khu chợ ẩm thực Asiana tại công viên 23-9 mới bán thức ăn dưới lòng đất, ở Sài Gòn còn có nhiều điểm tương tự. Như khu ẩm thực trong trung tâm thương mại Vincom ở tầng hầm B3 cũng có hàng chục nhà hàng với đủ món Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Còn tại tầng hầm B2 của trung tâm thương mại Takashimaya Saigon Centre ở quận 1 cũng có những quầy bán thức ăn, nước uống, các loại bánh mà thực khách có thể dùng bữa ngay dưới lòng đất. Tuy nhiên, sự khác biệt của chợ ẩm thực Asiana so với những nơi còn lại đó là không gian chung cho tất cả mọi người.
Từ chuyện đỗ xe, bàn ghế, phục vụ, rửa chén bát và kể cả thực khách đều là của chung. Bất kỳ ai muốn kinh doanh ăn uống chỉ cần có một đầu bếp nấu thật ngon mà chẳng cần lo lắng những thứ râu ria khác.
Khi xuống lòng đất, quan niệm về chuyện kinh doanh mặt tiền, phố rộng cũng chẳng còn bởi tất cả đều là những cửa hiệu san sát quanh các lối đi.
“Nếu bán trên mặt đất là phải lo đủ thứ, từ chuyện khách giữ xe ở đâu, bàn ghế như thế nào, mặt bằng bao nhiêu… thì xuống lòng đất vậy mà khỏe cái thân hơn, chỉ lo nấu thật ngon, thật nhanh để níu chân du khách thôi” – anh Nguyễn Tuấn (chủ một tiệm ẩm thực) cho biết.
Tuy không nằm dưới lòng đất nhưng Food Center trên đường Ngô Đức Kế, quận 1 cũng là mô hình kinh doanh mới với khu ẩm thực tập trung hiện thu hút gần 20 quầy với hơn 100 món.
Food Center tạo không gian chung cho các chủ tiệm thuê lại để nấu nướng và cùng dùng chung không gian, bàn ghế… đến người rửa chén.
Chị Nguyễn Như Nguyệt Cầm, chủ một tiệm ẩm thực và tiệm phá lấu nghệ, tại đây cho biết dù mới mở hơn 7 tháng nhưng cũng đã có 7-8 tiệm “văng ra” vì không trụ nổi với mô hình kinh doanh mới này.
Giới trẻ ưa thích sự phong phú và không gian thoải mái nơi đây |
“Không phải cứ vào đây bán đắt giá lên là được mà còn phải biết nhu cầu của du khách, sau 5 phút gọi món là phải có ngay, không nên bán những món ăn rườm rà, chế biến cầu kỳ, mất thời gian bởi đây là không gian chung, thực khách sẽ có rất nhiều chọn lựa” – chị Cầm nói.
Mặc dù là không gian ẩm thực đường phố nhưng những khu chợ ẩm thực như thế này lại không phải là nơi cho giới hàng rong, buôn gánh bán bưng Sài Gòn bởi giá thuê tương đối cao.
Người thuê phải bỏ ra khoảng trên 10 triệu đồng cho mỗi m2/tháng khi thuê tại Food Center, ngoài ra phải đặt cọc số tiền thuê 3 tháng. Tương tự, tại chợ ẩm thực Asiana, tuy nằm dưới lòng đất của công viên 23-9 nhưng giá thuê cũng chẳng kém cạnh giá thuê mặt bằng trên mặt đất với 15 triệu đồng/m2 mỗi tháng.
Tuy vậy, anh Võ Quang Đức Huy, chủ một cửa hàng thức uống tại Food Center, cho rằng mô hình kinh doanh tập trung này là xu hướng cho những người khởi sự kinh doanh bởi chi phí bỏ ra ban đầu chỉ bằng 1/3 so với tự thuê mặt bằng bên ngoài.
Ông Phan Văn Tâm, quản lý khu ẩm thực Asiana, cho biết so với mở những cửa tiệm bên ngoài thì khi đưa vào những khu tập trung vẫn rẻ hơn và có nhiều lợi thế. Cả thực khách, người buôn bán đều có lợi khi họ vào một nơi nhưng được trải nghiệm ẩm thực của nhiều quốc gia như đang đi một chuyến du lịch ẩm thực dưới lòng đất.■
Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Sài Gòn
“Ice cream, Ice cream, Ice cream”. Mustapa (28 tuổi) mặc bộ đồ truyền thống Salvar của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ gõ chuông lia lịa rồi rao lớn khiến bất kỳ ai đi qua cũng phải dừng bước trước cửa tiệm kem Alibabatime của anh trong chợ ẩm thực Asiana. Năm 2007, Mustapa sang Việt Nam bán kem Thổ Nhĩ Kỳ cùng cha và ở lại với mảnh đất Sài Gòn cho đến bây giờ. Trước đây, anh bán kem ở những hội chợ thương mại, ở đường Nguyễn Huệ, công viên Lê Thị Riêng…, nhưng từ khi khu chợ dưới lòng đất này mở ra thì anh thuê hẳn một quầy bán cố định. Anh mang đến loại kem dẻo từ thành phố Gaziantep của quê hương anh với gần 20 hương vị mà hai cha con anh đã đúc rút kinh nghiệm để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Cũng từ những tháng ngày bán kem mà anh quen và cưới cô vợ xinh đẹp người Việt. Anh Mustapa cho biết giá thuê mặt bằng tại Việt Nam đắt hơn rất nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ. Với 44 triệu đồng/tháng, anh chỉ thuê được vài mét vuông dưới lòng đất, nhưng với số tiền tương tự, anh có thể thuê một cửa tiệm rộng rãi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, vì đã là chàng rể của Việt Nam nên anh chưa tính ngày về mà quyết định gắn bó lâu dài ở Việt Nam. |