TRẺ
Các nước Bắc Âu thường được khen ngợi về hệ thống chính trị, hệ thống an sinh xã hội và sự chăm lo của nhà nước dành cho người dân, sự minh bạch của chính quyền và tỉ lệ tham nhũng thấp, môi trường sống an toàn, phẩm chất sống cao, luôn luôn được xếp hạng cao trong các bảng thống kê về mọi mặt, từ khả năng cạnh tranh kinh tế, sự lành mạnh của xã hội cho tới các chỉ số về phát triển con người, chỉ số về hạnh phúc. Nhưng các nước Bắc Âu cũng có những vấn đề của họ. Không có một quốc gia hay một mô hình hệ thống chính trị xã hội nào là hoàn hảo, tất nhiên. Bài viết này chỉ nói cụ thể về Na Uy, quốc gia mà tác giả đang định cư.
Một trong những vấn đề đó là “Nỗi khổ nhà giàu, ít con cái”. Nhà giàu ít con cái thì sướng quá, khổ cái gì nhỉ.
Ở đây là nói đến vấn đề dân số. Na Uy nói riêng và các nước Bắc Âu nói chung dân số ít, từ 5-10 triệu. Dân số của Na Uy chẳng hạn, là 5,277,762 (tính đến tháng 1. 2017, theo Statistics Norway).
Tính về diện tích, Na Uy và Việt Nam xấp xỉ nhau- diện tích của Na Uy là 323,804 km2, của Việt Nam là 331,230.8 km2, nhưng dân số VN thì khoảng 95,414,640 người (đầu năm 2017), đứng hàng thứ 14 trên thế giới!
Nhà nghèo, lại con đông, cái khổ tất nhiên ai cũng thấy rồi. Nhưng bên cạnh đó cũng có những cái sướng. Ví dụ dịch vụ, cần cái gì cũng có mà giá lại rẻ, có thể nói bất cứ nhu cầu gì của con người, từ to tát tới nhỏ nhặt, linh tinh, tào lao nhất, cũng có thể tìm ra người hoặc dịch vụ đáp ứng cho mình. Từ làm nhà, sửa nhà, sửa ống nước, sửa máy tính, điện thoại, đồng hồ, sửa xe, bơm xe, vá lốp xe, sửa chữa bàn ghế, sửa giày, sửa cặp táp hư, làm khóa, may quần áo mới, vá quần áo cũ, cắt uốn tóc, làm móng, lấy ráy tai, giúp việc nhà; làm hồ sơ giấy tờ đi nước ngoài, đánh máy thuê, viết thư thuê, cho thuê sách truyện, thuê băng đĩa DVD, CD…
Thời bao cấp nghèo khó thậm chí còn có cả những “nghề” như “nghề” xếp hàng thuê. Cái gì cũng phải xếp hàng nào mua gạo, mua thịt, mua dầu hỏa, củi, mua nhu yếu phẩm, vải vóc, xoong, nồi… Nhắc lại để nhớ một thời bao cấp khổ sở, là nỗi kinh hoàng của người VN, nhất là dân miền Nam sau năm 1975 khi đang sống trong một xã hội kinh tế thị trường tự do buôn bán, hàng hóa, lương thực thừa thãi, bỗng chuyển sang mô hình kinh tế tập trung bao cấp theo miền Bắc mà miền Bắc thì học theo Liên Xô và các nước XHCN cũ thời bấy giờ!
Trở lại vấn đề dân đông, công việc không có đủ nên người dân phải tự xoay sở nghĩ ra việc mà sống, thế là đủ thứ dịch vụ ra đời, đáp ứng đủ loại nhu cầu của con người. Cho nên ở VN có tiền là cần gì cứ thuê người làm, giá rẻ mà cạnh tranh cao nên chỗ nào cũng ráng làm tốt.
Dịch vụ ít, giá đắt
Còn ở những quốc gia giàu có ít dân như Na Uy thì đừng có mơ! Có rất nhiều thứ không thể tìm thấy dịch vụ gì cả. Thứ nhất, dịch vụ rất ít mà giá nhân công lại đắt kinh khủng!
Hư laptop, hư điện thoại? Tìm không ra chỗ sửa đã đành mà có tìm ra thì thà bỏ tiền mua cái mới còn hơn vì giá sửa rất đắt. Bản thân người viết đã từng quá kinh nghiệm về chuyện này, nhưng đâu phải bao giờ cái máy hư cũng đáng vứt đi? Thế là nhân có lần đi Paris chơi, người viết phải xách cái laptop ra khu dịch vụ, buôn bán máy tính của người Hoa ở quận 13, thật cũng y như ở Sài Gòn, muốn thay cái gì, sửa cái gì cũng có, sáng đưa chiều lấy mà tính ra cũng không đắt, vì nhiều cửa tiệm cạnh tranh nhau nên họ không dám lấy giá quá cao.
Sửa nhà? Nếu kêu thợ thì quá đắt, rất nhiều người Na Uy bèn chọn cách tự học, tự sửa và giúp lẫn nhau. Ví dụ hai ba người bạn chơi với nhau, khi người này cần sửa nhà thì người kia đến giúp và ngược lại. Tôi đã từng chứng kiến một vài người bạn Na Uy, họ tự học mà làm được đủ thứ, từ sơn nhà cho tới sửa mái nhà, làm phòng tắm, nhà bếp…! Chỉ có cái gì khó lắm, không tự làm lấy được họ mới phải kêu đến thợ chuyên nghiệp. Làm vườn, sửa chữa đồ đạc trong nhà do vậy là chuyện nhỏ.
Một trong những công ty bán đồ nội thất nổi tiếng của Thụy Ðiển mà các cửa tiệm của công ty này có mặt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, là IKEA. Công ty này nổi tiếng vì cái ý tưởng mọi thứ vật dụng trong nhà người mua ai cũng có thể tự mình lắp ráp theo những tờ hướng dẫn chi tiết của công ty. Mua đồ đạc kiểu này có cái tiện lợi là khi mua, chuyên chở đỡ cồng kềnh, hư hỏng, lúc dọn nhà cũng có thể tháo ra rồi sau đó lại lắp lại. Rất phù hợp với kiểu sống của các nước công nghiệp và của dân Bắc Âu là họ có thể tự làm lấy, khỏi tốn tiền thuê nhân công!
Những dịch vụ phổ biến như sửa nhà, sửa máy vi tính, sửa điện thoại, đồng hồ mà còn khó khăn như vậy huống hồ hàng bao nhiêu dịch vụ khác. Cái gì hư một chút cũng vứt, từ TV, tủ lạnh, máy móc, đồ nội thất… hoặc mang ra chỗ mấy cửa hàng bán đồ cũ, hoặc chợ trời, bán giá rẻ, dân nhập cư, người nghèo đến mua. Quần áo cũ cũng vậy.
Trong lúc người Việt từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ cái gì cũng ỷ y có dịch vụ giá rẻ, hở chút là đem ra tiệm, tự làm chi cho mệt, thì dân Na Uy nói riêng và dân Bắc Âu nói chung, vì dân số ít, nên phải tập làm hết mọi thứ. Xã hội của họ cũng được điều hành theo kiểu “tự lập”, “tự quản” như vậy, nghĩa là tìm mọi cách giảm thiểu số lượng nhân công. Thứ nhất, mọi thứ đều được hệ thống đưa lên mạng, người dân cần tìm gì, làm gì cứ vào các trang web của các công ty mình cần mà tự tìm hiểu.
Mọi thứ tiền điện nước, internet, điện thoại… cho tới mọi giao dịch đều chi trả qua tài khoản ngân hàng, mà cũng chẳng cần phải vác thân đến ngân hàng làm gì cho mất công, đã có net bank, ngồi ở nhà hay ngồi ở bất cứ đâu, cứ vào internet mà chi trả. Ở Mỹ còn trả bill qua bưu điện, NaUy thì không còn nữa.
Chỉ có ở VN, một xã hội chi tiêu bằng tiền mặt, mới có chuyện cầm cả cục, cả bao tiền đi mua xe, trả nợ, hay tới tận ngân hàng cho những giao dịch đơn giản!
Thứ hai, cái gì mà tự động hóa được, máy móc làm được thì khỏi cần con người. Ði toilet công cộng, khỏi cần có người ngồi đó thu tiền, đã có máy, bỏ tiền vào máy, lấy một tờ giấy có mã vạch sau đó chìa tờ giấy có mã vạch ra trước “con mắt” ở cửa, cửa tự động mở ra thế là vào, không có tiền thì cửa khỏi mở cho mà vào! Ði xe bus, xe lửa… gì cũng vậy, nhưng ở Na Uy là vẫn không có cửa ngăn ở metro và xe bus thì có hai cửa lên cửa xuống khó kiểm soát, nên thỉnh thoảng vẫn phải có người đi soát vé. Còn ở Anh, Pháp và nhiều nước khác, không có vé thì khỏi bước qua cái cửa ngăn vào đường hầm metro được, xe bus chỉ mở một cửa, bước lên là tài xế kiểm soát vé.
Ði siêu thị mua hàng bây giờ cũng có thẻ tự động, người dân tự lấy hàng hóa, tự quẹt thẻ, lúc ra tự bỏ lên quầy tính tiền, dù bây giờ vẫn còn có người ngồi ở quầy tính tiền song song với hàng tự động, nhưng dần dà thì máy sẽ làm hết. Ði ngân hàng hay một số cơ quan hành chính khác cũng tự động hóa dần dần, cái gì người dân tự làm được, máy móc tự làm được thì khỏi cần người. Thậm chí ra tới phi trường, người dân tự vào máy lấy vé, tự bỏ vali lên quầy cân.
Như vậy số công nhân viên, nhân công ở mọi ngành nghề sẽ gọn nhẹ, và yêu cầu sẽ ngày càng cao. Tất cả những công việc nào đơn giản máy móc sẽ làm hết, con người bắt buộc phải có học, có trình độ mới kiếm được việc làm.
Nhưng là một người dân, ở góc độ dịch vụ thì chuyện sống trong một xã hội có quá ít dịch vụ và dịch vụ lại quá đắt, thì cũng lắm cái khổ và bất tiện!
SC