Mười năm nhìn lại một chặng đường

0
166
Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do biểu tình chống Trung Quốc tại Nhà hát TP Sài Gòn. Từ trái sang phải : Song Chi, Phương Thi, Diệp Lê, Hải Điếu Cày, Huỳnh Công Thuận, Bùi Chát, Đông A SG.
Mười năm nhìn lại một chặng đường

_______________________________

Quán cafe internet Bưu điện Đà Lạt.

…Tôi vừa đóng máy tính, đứng lên và đến quầy tính tiền, ngay lập tức – bàn phía sau  – một trong hai người thanh niên rời khỏi ghế, tiến sát bên để nghe những trao đổi của tôi với người thu ngân…

Linh cảm điều chẳng lành, tôi nhanh chóng trả tiền và băng qua đường, sang cửa hàng mắt kính ở phía đối diện, Tên an ninh đó tức tốc bám theo sát phía sau.

Vờ xem mắt kiếng để cố tình nhìn vào chiếc gương nhỏ – để trên quầy cho khách hàng ướm thử – ở đó, hình ảnh tên an ninh  xuất hiện gần như áp sát phía sau tôi.

Lộ rồi! – Tôi thầm nhủ.

Việc cần nhất lúc này, làm sao tìm một chỗ để nếu chúng bắt mình, sẽ có nhiều người biết và loan báo tin đến bạn bè.

Tôi đi bộ, nên việc cắt đuôi quả thật không dễ, bởi Đà Lạt không giống như Sài Gòn – lúc nào xe ôm cũng sẵn sàng.

Trong chớp nhoáng, tôi quyết định đi thẳng vào chợ Đà Lạt. Hắn ta vẫn bám theo như đỉa. Vừa đi theo tôi, hắn vừa gọi điện thoại, xem chừng gọi đồng bọn tiếp ứng.

Quán Cafe TÙNG – Đà Lạt

Qua mấy dãy sạp hàng, quan sát chung quanh, tôi nhận ra chợ chưa đông nên thật khó cắt đuôi. Ngay lập tức, tôi quyết định đi ra phía sau chợ, theo lối cầu thang lên đường trên, rồi rẽ vào quán cafe Tùng.

Tôi sải bước khá nhanh nhờ cặp giò dài và tấm thân gầy, thật đối chọi với tên an ninh, vừa thấp vừa mập, do vậy, hắn gần như lúc thúc chạy “nước kiệu” để không mất dấu “con mồi”.

Vừa bước vào quán, tôi kêu ly cafe sữa nóng, rồi bước thẳng vào wc phía sau bếp, khoá cửa lại.

Việc đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi, phải nhanh chóng gửi tin nhắn cho các bạn thông báo có thể bị bắt, nếu ba mươi phút sau, không thấy tôi liên lạc lại. Sau khi nhắn tin, tôi huỷ ngay vài địa chỉ liên hệ mà bạn bè mới gửi cho tôi. Tôi tiếp tục bẻ gãy luôn USB.

Vừa làm xong ba việc nói trên, bỗng có tiếng giật cửa WC gấp gáp.  Một giọng phụ nữ trẻ – áng chừng là người giúp việc của café Tùng – khó chịu và gay gắt:

– Trong đó có người mà anh giật cửa làm gì ?

Tôi mỉm cười và bật quẹt ga đốt mấy tờ giấy có ghi chép địa chỉ, giật nước bồn cầu cho trôi đi, rồi đập cái notebook vào thành bể nước ba cái thật mạnh. Sau đó, nhắn thêm một tin nữa cho bạn rồi bẻ sim vứt vào bồn cầu xả nước, thay sim cũ vào máy và bình tĩnh bước ra ngoài.

Ly cafe đã đặt sẵn trên bàn. Vừa cầm ly cafe hớp một ngụm nhỏ, qua lớp cửa kính, tôi nhìn thấy chiếc xe công an đã đậu trước quán. Mấy tay công an bước vào, đi thẳng đến trước bàn tôi đang ngồi. Nhấp ngụm thứ hai, tôi nhìn người công an xuất hiện trước mặt. Anh ta lên tiếng trước :

-Mời anh Hải về công an thành phố Đà Lạt làm việc.

-Làm việc gì ? Để tôi uống xong cafe đã chứ – Tôi bình thản nói

Tôi vừa uống cafe vừa nhìn quanh, nhiều cặp mắt trong quán bắt đầu chú ý đến tôi và mấy tay công an. Tôi biết bị bắt ở quán này, nhất định đến tai bạn tôi và mọi người sẽ biết ngay trong chiều nay…

Chúng đưa tôi ra xe về trụ sở công an TP Đà Lạt…

Tôi bắt đầu một chuyến đi xa nhà dài nhất trong cuộc đời như vậy.

Vào thời điểm năm 2006-2007, tại Việt Nam có nhiều người quan tâm đến hiện tình đất nước đã tìm đến nhau thông qua những bài viết và quan điểm chính trị họ bày tỏ trên các trang mạng xã hội.

Tổ chức 8406 được hình thành qua hình thức ghi danh trên mạng, kêu gọi mặc áo trắng vào một ngày trong tháng…

Tôi đặc biệt quan tâm đến việc phục hoạt Đảng Dân Chủ của bác Hoàng Minh Chính và những hoạt động của Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ do sinh viên Nguyễn Tiến Trung  thành lập. Những hoạt động của Nguyễn Tiến Trung tại châu Âu và Hoa Kỳ lôi kéo sự quan tâm của nhiều người trong nước.

Trên diễn đàn của BBC, bức thư của Nguyễn Tiến Trung gửi Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Việt Nam có rất nhiều ý kiến đóng góp sôi động. Tôi liên hệ với Nguyễn Tiến Trung từ lúc đó và thông qua Nguyễn Tiến Trung, tôi biết thêm nhiều người khác ở trong và ngoài nước cũng có mong muốn góp phần thay đổi xã hội theo hướng Tự Do-Dân Chủ và Đa nguyên.

Nguyễn Tiến Trung và Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. 

Ngày Nguyễn Tiến Trung về nước, chúng tôi gặp gỡ nhiều bạn bè tại Sài Gòn và có những buổi họp mặt thảo luận về các vấn đề trong nước như Tự do Ngôn luận, Tự do lập hội…

Sự kiện hàng ngàn dân oan các tỉnh miền Tây về Sài Gòn biểu tình trước Văn Phòng 2 Quốc Hội khiến chúng tôi đặc biệt quan tâm, bởi vì, không một đại biểu nào được gọi là “dân cử” ra gặp dân để trả lời những yêu cầu của họ; không một tờ báo nào đăng tải thông tin về cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng giữa trung tâm thành phố, với an ninh dày đặc ngăn cản và trấn áp những người dân tiếp tế nước và thực phẩm cho những người biểu tình.

Lúc bấy giờ, chúng tôi sử dụng các trang blog để chuyển đi hình ảnh về cuộc biểu tình của dân oan, phá vỡ sự bưng bit thông tin của cả một hệ thống báo chí.

Kể từ lúc đó, chúng tôi mong muốn có một ngôi nhà chung, một tổ chức được hình thành để thực hiện quyền Tự Do Báo Chí, Tự Do Ngôn Luận…

Trong hoàn cảnh đó, ngày 19/9/2007 Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do ra đời với 5 thành viên sáng lập tại quán Cafe Cội Nguồn thuộc TP Biên Hoà.

CLBNBTD là tổ chức XHDS đầu tiên hoat động về tự do báo chí trong lòng chế độ cộng sản. Công khai đưa tin về các sự kiện nổi bật trong nước. Chằng hạn,  vụ sập cầu Cần Thơ, chúng tôi phối hợp đăng tin lễ cầu nguyện hiệp thông cho các nạn nhân của vụ sập cầu gây chết và thương tật hàng trăm nhân mạng tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

Khi hàng trăm ngàn công nhân đình công tại các khu công nghiệp Linh Trung phiá Bắc – SG và Bình Dương không được báo chí nhà nước đăng tải thì CLBNBTD đã liên tục đăng tin về sự kiện này. Tôi và Phan Thanh Hải đã đến gặp gỡ công nhân trong những khu nhà trọ tìm hiểu về đời sống của họ nhằm chuyển thông tin đến cộng đồng.

Dần dần, những hoạt động của CLBNBTD  bắt đầu bị nhà cầm quyền theo dõi.

Thông qua Nguyễn Tiến Trung, chúng tôi tiếp xúc với một số lãnh sự châu Âu tại SG. Họ hứa sẽ đưa ra những hoạt động ngoại giao nếu chúng tôi bị đàn áp và bị bắt.

Trên các trang mạng xã hội, những hoạt động thảo luận về các đề tài chính trị mà trước đây bị cho là nhạy cảm, ngày càng sôi nổi.

Phong trào trong nước bắt đầu khởi sắc bởi những nguồn thông tin đa chiều.

Tôi bắt đầu những chuyến đi ra nước ngoài để gặp gỡ bạn bè hải ngoại, tìm kiếm sự giúp đỡ phối hợp với anh em trong nước, đặc biệt là CLBNBTD.

Cuối năm 2007, sự kiện Trung Quốc thành lập TP Tam Sa trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam gây phẫn nộ trên cộng đồng mạng, cùng lúc đó công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng được đăng tải lan truyền trên mạng xã hội khiến công luận trong và ngoài nước giận dữ sôi sục.

Lời kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc lan truyền trên mạng đã dẫn đến cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 với nhiều văn nghệ sĩ, trí thức và sinh viên tham gia. Những hình ảnh thông qua mạng xã hội lan tỏa khắp thế giới và bắt đầu có sự phối hợp của đồng bào hải ngoại.

Sau chuyến đi Thailand trở về, tôi và anh em trong CLBNBTD tổ chức in áo, chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 16/12/2007.

Các bạn sinh viên trường Mỹ Thuật tư vấn cách in áo trên phim phổi cắt ra. Căn phòng trên lầu 2 nhà 84D Trần Quốc Toản biến thành xưởng in nhộn nhịp từ trưa đến tối khuya.

Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do biểu tình chống Trung Quốc tại Lãnh sự quán TQ.

Cuộc biểu tình diễn ra từ tám giờ sáng đến hơn hai giờ chiều, được nối tiếp bằng một diễn đàn mở ở công viên trước Dinh Độc Lập.

Công an và an ninh vây chặt đoàn biểu tình nhưng chờ cho chúng tôi rời khỏi khu vực lãnh sự quán  mớ ra tay đàn áp. Tôi và 3 người của CLBNBTD bị bắt ngay tại ngã ba Phạm Ngọc Thạch – Võ Thị Sáu.  Chúng tôi bị chia ra nhiều phường khác nhau để thẩm vấn. Tôi bị siết cổ đến ngất và bị đưa vào một xe taxi chở về CA Phường Đa Kao. Tại đây, tôi tiếp tục bị đánh hội đồng bởi 4 tên an ninh và bị thẩm vấn . Đến hơn tám giờ tối chúng mới thả tôi ra.

Mặc dù bị đàn áp nhưng khi những hình ảnh biểu tình của CLBNBTD tràn ngập trên mạng, tinh thần anh em rất tốt. Chúng tôi hẹn nhau sẽ làm tiếp trong tuần tới.

Ngày 23/12/2007 anh em CLBNBTD vừa tiến vào khu vực Diamond Plaza – gần lãnh sự quán Trung Quốc, thì bị bao vây. Tôi bị bắt giữ ngay cửa khu mua sắm Diamond Plaza. Tuy vậy, Nguyễn Tiến Trung đã kịp chụp một loạt ảnh đăng lên BBC.

Ngày 09/01/2008 – Ngày Sinh Viên Việt Nam, chúng tôi tập hợp tại công viên Chi Lăng chuẩn bị khẩu hiệu và banner  cho những ngày tới.

Đáng nhớ nhất là ngày 19/01/2008.

Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do biểu tình chống Trung Quốc tại Nhà hát TP Sài Gòn.Từ trái sang phải : Huỳnh Công Thuận, Phương Thi, Diệp Lê, Phan Thanh Hải, Song Chi, Uyên Vũ, Bùi Chát, Đông A SG.
Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do biểu tình chống Trung Quốc tại Nhà hát TP Sài Gòn.Từ trái sang phải : Huỳnh Công Thuận, Phương Thi, Diệp Lê, Uyên Vũ, Phan Thanh Hải, Song Chi, Bùi Chát, Đông A SG.
Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do biểu tình chống Trung Quốc tại Nhà hát TP Sài Gòn. Từ trái sang phải : Song Chi, Phương Thi, Diệp Lê, Hải Điếu Cày, Huỳnh Công Thuận, Bùi Chát, Đông A SG.

Hôm đó, với đồng phục áo đen, CLBNBTD kết hợp biểu tượng Olimpic Bắc Kinh biến thành 5 cái còng (của Tổ chức Phóng viên không biên giới ) và khẩu hiệu Hoàng Sa – Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam, giăng lên trước Nhà hát TP.

Mặc dù sau đó toàn bộ những người tham gia biểu tình đã bị an ninh, công an, dân phòng bắt giữ về phường Bến Nghé nhưng tinh thần của anh chị em rất lạc quan.

Cũng từ thời điểm đó, hàng trăm giấy triệu tập đã liên tục gửi đến các thành viên trong CLBNBTD nhằm hạn chế sự đi lại, liên lạc, tiếp xúc với những nhóm khác để tổ chức biểu tình.

Trong những ngày tháng không thể nào quên đó, mạng xã hội Việt Nam sôi sục những tin tức và hình ảnh biểu tình. Tôi và Phan Thanh Hải có chuyến đi sang Manila dự hội thảo và gặp gỡ các bạn bè hải ngoại bàn việc phát triển và hỗ trợ các hoạt động của CLBNBTD cùng phong trào trong nước. Nhờ có các bạn ở hải ngoại hỗ trợ, chúng tôi được nhiều tổ chức QT và báo chí biết đến.

Trong chuyến đi đến Thailand để học tập về “Đấu tranh bất bạo động”, tôi nhận ra rằng, ở Việt Nam chưa thể có ngay những cuộc biểu tình với hàng triệu người tham gia. Thực tế chúng ta đang ở giai đoạn tập hợp, vì vậy công cụ để kết nối tập hợp những người có mong muốn thay đổi xã hội Việt Nam là hình thành và phát triển mạng lưới truyền thông tự do, thông qua mạng lưới này thức tỉnh, tập hợp những người dân…

Từ đấy, CLBNBTD phát động phong trào “Dân Báo” để mọi người đều có thể tham gia vào mạng lưới, góp phần xây dựng và phát triển mạng lưới truyền thông tự do mạnh mẽ.

Chúng tôi cũng đã tư vấn cho Dân oan Q9, mỗi người nên mở một trang Blog để kể lại câu chuyện oan khuất của mình và kết nối với các blogger nổi tiếng để họ chuyển tải thông tin đến cộng đồng trong và ngoài nước.

Không lâu sau chuyến đi Thailand về, tôi bị truy nã khắp nơi và bị bắt tại Đà Lạt. Sau đó, nhà cầm quyền CSVN kết án tôi 2,5 năm tù và bắt tiếp ngay sau khi hết án thứ nhất.

Tôi buộc phải trải qua quá trình điều tra nghiệt ngã và phi pháp trong hai năm. Sau đó, bị kết án thứ hai lên đến 12 năm tù & 5 năm quản chế cùng với hai thành viên khác của CLBNBTD.

Tôi đã trải qua hơn hai mươi lần chuyển trại, “vòng quanh thế giới nhà tù CSVN” với 11 địa điểm khác nhau trong gần 7 năm tù. Từ Cà Mau ra đến miền tây Nghệ An.

Những năm tháng gian khổ trong các trại tù, chúng tôi vẫn luôn hướng về phong trào ở bên ngoài, vui mừng khi nghe tin số người tham gia mạng lưới internet ngày càng đông cùng với số người tham gia vào mạng xã hội.

Chúng tôi hiểu rằng, số người xử dụng internet và tham gia mạng xã hội ngày càng đông thì nhà cầm quyền cộng sản càng khó bưng bít, định hướng thông tin, càng có thêm nhiều người thức tỉnh và tham gia vào phong trào. Mạng lưới truyền thông tự do mạnh bao nhiêu, phong trào càng phát triển bấy nhiêu.

Internet là một cuộc cách mạng thật sự. Giờ đây, với facebook có cả tính năng livestream và twitter, instagam v.v…, không gì còn có thể ngăn cản được tự do thông tin.

Ngày 21/10/2014, tôi thoát khỏi nhà tù cộng sản và đến Hoa Kỳ.

Ngay đêm đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ, tôi đã háo hức vào mạng để đọc, để thấy phong trào đã phát triển mạnh mẽ, số người tham gia gấp nhiều lần thời kỳ 2006-2007.

Blogger Me Nam Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng bạn bè đấu tranh cho các bạn trong CLBNBTD trong tù.

Các trang facebook với nhiều tiện ích và số lượng bạn bè lên tới 5000 người, vượt xa con số 300 của yahoo 360 thời trước. Và thật xúc động khi thấy hình ảnh của những cuộc biểu tình hàng chục ngàn người ở Sài Gòn , Bình Dương năm 2011.

Hoàng Lan và các bạn đấu tranh cho các bạn trong CLBNBTD.

Phong trào ngày càng mạnh mẽ của giáo dân miền Trung phản đối công ty formosa gây ô nhiễm môi trường với những cuộc biểu tình của 20 ngàn giáo dân, khiến Formosa thất thủ.

Các bạn từ Hà Nội vào tiếp sức với gia đình Điếu Cày biểu tình trước trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An.

Những lễ cầu nguyện hiệp thông cho Tù Nhân Lương Tâm và những hình ảnh của cộng đồng đấu tranh, vận động trả tự do cho TNLT thật cảm động. Những điều đó,  thúc đẩy người dân bên ngoài tiếp bước những người đã bị bắt và thay họ tiếp tục đấu tranh.

Trong hai năm gần đây, nhiều anh chị em bị bắt giữ, bị đánh đập dã man, bị tuyên những án tù rất nặng, khiến tình hình nhân quyền Việt Nam trở nên tồi tệ, bởi nhóm lãnh đạo cộng sản thân Tàu đang khuynh đảo đất nước, dìm phong trào dân chủ trong sự đàn áp khốc liệt. Sức ép của cộng đồng QT và của HK dường như chưa đủ để làm chùn tay nhà cầm quyền Hà Nội.

Trên mặt trận truyền thông, nhà cầm quyền cộng sản đang bung tiền len lỏi, thao túng báo chí hải ngoại, một số kẻ nằm vùng ngóc đầu dậy kết hợp với nhau, tấn công vào những người hoạt động nổi bật của cộng đồng hải ngoại và trong nước, tìm cách phá nát phong trào trong lúc anh em đang bị đàn áp khốc liệt.

Tuy nhiên, những người khác trở nên mạnh mẽ hơn, biện pháp đấu tranh cũng biến hoá hơn trước, anh em đã thực sự vượt qua nỗi sợ hãi. Những hoạt động truyền thông của anh em trong nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực.

Nhà cầm quyền cộng sản đã mất kiểm soát trên mặt trận truyền thông, không còn bưng bít, định hướng và “khó đỡ” những “miếng đánh” truyền thông của cộng đồng mạng. Những sự tuyên truyền dối trá bị vạch trần ngay lập tức, khiến người dân mất hết lòng tin vào một nhóm lãnh đạo cộng sản dốt nát và vô nhân, chúng bộc lộ rõ bản chất “hèn với giặc, ác với dân”.

Bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tham gia vào phong trào với số người ít ỏi, hoạt động tự phát, chưa có sự phối hợp rộng rãi trong ngoài như bây giờ,  nhưng CLBNBTD hoạt động khá hiệu quả với chi phí tự đóng góp của anh em. Chúng tôi thường nói vui: Câu Lạc Bộ Nhà Báo “Tự Lo”.

Chúng tôi cũng vui mừng, vì đã tạo nguồn cảm hứng để phát động được một phong trào dân báo mạnh mẽ như ngày nay với nhiều trang báo có lượng người đọc mơ ước như trang Dân Làm Báo, Anh Ba Sàm, v.v…

Phong trào có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn, nhà cầm quyền cộng sản cũng nhận rõ những nguy cơ mà họ phải đối mặt nên đàn áp khốc liệt anh em trong nước, phân hoá chia rẽ cộng đồng hải ngoại để kéo dài sự sống của một chế độ đã mục nát.

Hãy cùng nhau nhận rõ những khó khăn và tìm ra cách để thích ứng, phát triển phong trào trong sự đoàn kết, đừng nản chí!

Hãy cùng nhau điểm mặt và tẩy sạch những sâu mọt nằm vùng chuyên đánh phá cản trở bước tiến của phong trào dân chủ để chúng ta có một cộng đồng hải ngoại mạnh hơn, hỗ trợ cho phong trào trong nước!

Mười năm với đời người là một khoảng thời gian dài cùng đắng cay gian khổ cũng nhiều, nhưng  những ai đã chọn con đường đấu tranh để đi đều không hối tiếc.

Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here