Hoà Ái / RFA
Audio PlayerMua bảo hiểm tự nguyện vẫn bị phạt
Trong 4 ngày đầu tiên ra quân của lực lượng CSGT trên toàn quốc, rất nhiều chủ xe máy xuất trình giấy bảo hiểm tự nguyện 20 ngàn đồng/năm đều bị phạt, với lời giải thích là không có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.
Báo mạng Vietnamnet.vn, vào ngày 17/5 dẫn Nghị định 46/2016 của Chính phủ, quy định chủ phương tiện không phải xuất trình bảo hiểm tự nguyện, khi CSGT kiểm tra giấy tờ. Trong trường hợp người tham giam giao thông không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực, mặc dù có bảo hiểm tự nguyện vẫn bị phạt từ 80-120 ngàn đồng.
Báo giới quốc nội cũng loan tin trong mấy ngày vừa qua, dân chúng đổ xô đi mua bảo hiểm dân sự bắt buộc cho xe máy và xe mô tô. Bên cạnh đó, bảo hiểm xe máy giá rẻ 10 ngàn đồng được bày bán tràn lan khắp đường phố.
Tuổi Trẻ Online, hôm 18/5 dẫn lời của chị Lê Thị Kim Dung, đại diện một công ty bảo hiểm ở Sài Gòn chia sẻ rằng chị rất ngỡ ngàng trước lượng khách hàng mua bảo hiểm xe máy tấp nập. Chị Dung cho biết từ khi có đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông, nhóm của chị bán hết 150 bảo hiểm xe máy/ngày trong khi trước đó rất ế khách hàng, cả tháng không bán được bảo hiểm xe máy nào.
Hiện nay bảo hiểm xe máy chia làm 4 nhóm sản phẩm gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm mất cắp, bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự không bồi thường cho chủ xe. Chủ xe muốn được bồi thường về xe và tính mạng cho chính mình thì họ phải mua một hoặc các loại bảo hiểm còn lại trong 4 nhóm sản phẩm đó
-Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Vào tối hôm 18/5, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, giải thích rõ với RFA về quy định mua bảo hiểm xe máy tại Việt Nam:
“Trong Luật Bảo hiểm, về trách nhiệm dân sự được quy định bởi Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính, tức là chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tham gia bảo hiểm bắt buộc (ở đây dùng chữ ‘bắt buộc’) trách nhiệm dân sự của chủ xe. Trường hợp người điều khiển xe ô tô và xe gắn máy mà không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực thì bị phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng, theo quy định của Nghị định số 100 ban hành năm 2019. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự nhằm giúp cho chủ xe trong trường hợp chẳng may bị tai nạn thì đơn vị bảo hiểm đứng ra bồi thường một khỏan tiền cho nạn nhân.”
Mua bảo hiểm dân sự bắt buộc để “đối phó” với CSGT
Trong cùng ngày 18/5, bản tin của Tuổi Trẻ Online đăng tải cho biết người dân ùn ùn mua bảo hiểm xe máy trong 4 ngày qua chỉ nhằm để “phòng hờ” cảnh sát giao thông.
Đài RFA cũng ghi nhận tương tự qua mạng xã hội và qua một số người dân mà chúng tôi tiếp xúc được đều bày tỏ rằng họ vội vã mua bảo hiểm xe máy chỉ để xuất trình giấy tờ bắt buộc đầy đủ khi CSGT yêu cầu. Nhiều người trong số này nói rằng thứ nhất nhân viên bán bảo hiểm không có thời gian để giải thích quyền lợi của khách hàng, khi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và thứ hai họ cũng nhận biết cơ hội được công ty bảo hiểm đền bù khi có sự cố hay tai nạn xảy ra thì hầu như rất thấp.
Liên quan vấn đề vừa nêu, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh rằng theo luật định, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc không bồi thường trực tiếp cho chủ xe cơ giới. Luật sư Nguyễn Văn Hậu trình bày chi tiết:
“Hiện nay bảo hiểm xe máy chia làm 4 nhóm sản phẩm gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm mất cắp, bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự không bồi thường cho chủ xe. Chủ xe muốn được bồi thường về xe và tính mạng cho chính mình thì họ phải mua một hoặc các loại bảo hiểm còn lại trong 4 nhóm sản phẩm đó.”
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với anh Hoàng Hải, một đại diện Công ty Bảo hiểm Bảo Minh để tìm hiểu vì sao Thông tư 22 của Bộ Tài chính ban hành từ năm 2016, nhưng đa số chủ xe máy không am tường về các quy định mua bảo hiểm cũng như quyền lợi của khách hàng như thế nào. Anh Hoàng Hải cho biết:
“Nói chung hàng năm công ty cũng có những chiến dịch truyền thông quảng bá và cũng có các băng-rôn quảng cáo…Nhưng người dân thật ra vẫn thờ ơ với loại bảo hiểm này. Khi nào mà có chiến dịch kiểm soát, kiểm tra giấy tờ thì họ mới đi mua thôi.”
Một nhân viên thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, không muốn nêu tên vào tối 18/5 còn nhấn mạnh rằng quy định trách nhiệm dân sự bắt buộc không bồi thường đối với người vi phạm giao thông và chỉ bồi thường cho người bị nạn. Tuy nhiên quy định này còn bị một gút mắc ở chỗ là:
“Bảo hiểm đền khi người khác gây tai nạn cho mình, chứ không phải mình là người gây tai nạn. Cho nên nếu va chạm xảy ra, người kia có bảo hiểm hay không thì chụp giấy bảo hiểm của họ để công ty bảo hiểm của người đó đền bù. Còn nếu người khia không mua bảo hiểm thì gọi công an đến xử để người đó móc túi ra đền.”
Lời giải thích vừa rồi của nhân viên ẩn danh này phần nào lý giải cho rất nhiều tình huống va chạm hay tai nạn xe máy xảy ra hàng ngày ở Việt Nam mà hầu như không được sự can thiệp nào từ công ty bảo hiểm.
Giám định gọi điện thoại báo mà không ra thì tự mình lấy điện thoại quay lại hiện trường, khung cảnh nằm trên con đường nào. Quay lại nhằm mục đích xác định chuyện va chạm nhau do bên nào lỗi. Vừa quay lại, vừa thu âm người nào xác định lỗi người đó và phải ít nhất có 1 người dân đi đường làm chứng. Nếu công an và giám định viên không ra thì clip đó là bằng chứng để giải quyết
-Nhân viên Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt
Một lưu ý rất quan trọng của nhân viên thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là khi va chạm xảy ra, người gây ra lỗi có mua bảo hiểm thì người bị nạn chỉ được đền khi nào có công an và nhân viên giám định của công ty bảo hiểm chứng nhận vào biên bản về vụ va chạm đó.
Thế nhưng, qua trang fanpage của các báo chính thống, lẫn truyền thông mạng xã hội, không ít người ta thán về tình trạng tắc trách của công an và nhân viên công ty bảo hiểm khi tai nạn xảy ra.
Chúng tôi trích dẫn chia sẻ của Hoài Nguyên “Em gái tôi mua xe mới được 8 tháng, bị tai nạn nát bét. Người thì nằm ở Chợ Rẫy và Quân y 175 gần 3 tháng. Bảo hiểm đùn đẩy trách nhiệm, chạy tới chạy lui sau 5 năm vẫn chưa nhận được một cắc đền bù.” Hay một độc giả lấy tên Cuộc Sống Mới cho biết bản thân bị tai nạn xe, một người gãy chân, và 1 người bị chấn thương sọ não. Tuy nhiên gọi nhân viên của công ty bảo hiểm đến thì không thấy đâu.
Nhân viên thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt nói rằng trong thực tế, nếu công an và nhân viên giám định không tới hiện trường thì chủ xe máy phải tự biết bảo vệ mình, bằng cách:
“Giám định gọi điện thoại báo mà không ra thì tự mình lấy điện thoại quay lại hiện trường, khung cảnh nằm trên con đường nào. Quay lại nhằm mục đích xác định chuyện va chạm nhau do bên nào lỗi. Vừa quay lại, vừa thu âm người nào xác định lỗi người đó và phải ít nhất có 1 người dân đi đường làm chứng. Nếu công an và giám định viên không ra thì clip đó là bằng chứng để giải quyết.”
Mặc dù qua đợt tổng kiểm sóat phương tiện giao thông trong vòng một tháng đang diễn ra, nhiều người dân là chủ xe máy bày tỏ rằng họ có thêm thông tin liên quan việc mua bảo hiểm xe máy và quyền lợi của chủ xe. Tuy nhiên, họ phàn nàn rằng đợt ra quân của CSGT lần này không được hợp lý, vì người dân đã gặp nhiều khó khăn do lệnh giãn cách xã hội bởi dịch COVID-19, mà nay còn bị buộc phải cuống cuồng mua bảo hiểm xe máy, chi tiêu thêm một phần gánh nặng cũng chỉ để “đối phó” vớ công an là chính; như bạn Đăng Quang, cư dân ở Sài Gòn vào hôm 13/5 nói với RFA rằng “CSGT chỉ dẹp được cái ngọn mà không thể nào giải quyết tận gốc rể của vấn đề”.