Home Bình Luận - Quan Điểm MỘT TÌNH BẠN MỚI (2)

MỘT TÌNH BẠN MỚI (2)

0
MỘT TÌNH BẠN MỚI (2)
Tổng thống Clinton đến Việt Nam

Anh Pham

Tổng thống Clinton tới thăm Việt Nam với một đoàn tùy tùng khoảng 2000 người, với 20 xe chống đạn thửa riêng, 300 ô tô khác, 2 trực thăng, một trung đội chó, 15 súng, tất cả được chở trên 4 máy bay vận tải lớn đã bay 13 chuyến vào Hà Nội trước khi Không lực Một (Air Force One) đến. Trong số những thành viên nổi bật của đoàn có Đệ nhất Phu nhân Thượng Nghị sĩ mới trúng cử Hillary Clinton, mẹ của bà, và cô Chelsea Clinton, cùng một số thành viên Nội các và Quốc hội. Người bạn Việt Nam Thượng nghị sỹ John Kerry là một trong những vị khách được ngóng đợi nhất trong khi Thượng nghị sĩ John McCain thì lại chọn ở nhà.

Vào buổi sáng ngày 17 tháng 11, tất cả các con đường dẫn tới khách sạn Daewoo đều bị chặn. Có nhiều người đứng đợi trong sảnh chờ Tổng thống xuống trước khi ông đi tới buổi Lễ đón Chính thức tại Phủ Chủ tịch. Có những tiếng thì thầm nào là “đám đông tới ngưỡng”, “gom mèo thành đàn” (hàm ý là đông quá, mỗi người chạy một việc, một phách thật khó phối hợp) trong đám người đứng chờ, có lẽ là một dạng phê bình nhẹ những nỗ lực con người quá hoành tráng của chuyến thăm này. Lúc tin bung ra là Tổng thống sẽ rời khách sạn từ cửa bên chứ không phải cửa chính, tất cả mọi người đổ ào ra ngoài.

Tổng thống Clinton đến Việt Nam

Lúc 10 giờ, Tổng thống và Bà Clinton bước ra trước một đám đông vang tiếng chào mừng ở bên ngoài khách sạn. Giờ còn có thêm đông người hơn nữa đứng dọc hai bên đường mà đoàn xe sẽ đi để tới Phủ Chủ tịch. Các nhân viên an ninh mật ở cả hai bên cố ngăn đám đông phấn khích để họ khỏi chạy tới đòi bắt tay với Tổng thống. Những mật vụ này cũng không mật lắm do có thể tách riêng họ là những người không muốn bắt tay với Tổng thống.

Sáng hôm đó, Tổng thống Clinton gặp với Chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương và các quan chức chính phủ Việt Nam. Tin tức về chuyến thăm được đăng tải đầu trang nhất của tất cả các tờ báo Việt Nam. Có những đám đông người dân đứng đợi để chào đón Tổng thống ở bất kỳ chỗ nào ông đến. Một tài xế taxi bảo tôi: “Bọn Mỹ này cư xử với mình khéo tốt hơn bọn Nga nhỉ. Đấy, bạn bè tốt bao năm mà có bao giờ Liên Xô nó gửi Tổng Bí thư qua thăm mình đâu.”

Đại sứ Barshefsky có một lịch trình khác với lịch làm việc của Tổng thống. Lúc trưa ngày 17 tháng 11, bà được mời tới ăn trưa với các cộng đồng doanh nhân Việt và Mỹ. Ở đó chúng tôi nói chuyện về Hiệp định Thương mại Mỹ Việt mới được ký cũng như về triển vọng thương mại giữa hai nước. Hiệp định này vẫn còn phải chờ quốc hội hai nước phê chuẩn. Một khi được phê chuẩn, nó sẽ cho phép Việt Nam có vị thế Quan hệ Thương mại Bình thường và sẽ làm giảm đáng kể thuế suất áp lên hàng hóa Việt Nam nhập vào thị trường Hoa Kỳ.

Tổng thống Clinton đến Việt Nam

Buổi chiều, chúng tôi đến Đại học Quốc gia Hà Nội để nghe bài phát biểu của Tổng thống. Bài phát biểu này cũng được truyền hình qua VTV, đài truyền hình quốc gia của Việt Nam. Trong quá khứ, cả Tổng thống Pháp Chirac và Thủ tướng Nhật Obuchi đều đã được mời phát biểu trên tv nhưng đây là lần đầu tiên một lãnh đạo nước ngoài được vinh dự truyền hình trực tiếp. Bài phát biểu diễn ra trong một hội trường mới được xây dựng với khoảng 700 khán giả bao gồm cả báo chí. Từ tầng lửng nơi đa số phóng viên, nhân viên sứ quán, và thành viên của đoàn Mỹ ngồi, tôi có thể thấy các sinh viên lo lắng ngóng đợi Tổng thống đến. Để được chọn là một đại diện sinh viên có mặt tại sự kiện trọng đại này từ số 30 ngàn sinh viên, mỗi đại diện chắc phải là sinh viên ưu tú trong lớp của mình.

Lúc Tổng thống bắt đầu phát biểu, tất cả các sinh viên trông đều như tập trung lắng nghe và chỉ một số ít bạn cần sự hỗ trợ của tai nghe để nghe lời dịch trực tiếp. Một lần nữa tôi lại thấy mình ngẫm nghĩ là các bạn sinh viên đang nghĩ gì vì tôi thấy cách họ bày tỏ sự quan tâm tới nội dung của bài phát biểu rất khác nhau. Vài bạn ngồi tay chống cằm, vài bạn khác khoanh tay trước ngực, nhiều bạn nhắm mắt trong khi không ít bạn trông có vẻ buồn chán thấy rõ. Ở bên cánh trái của hàng đầu có vài nữ sinh viên mặc áo dài truyền thống Việt Nam tay mang theo hoa, bên phải là Tổng thống, Đệ nhất Phu nhân, và Ban giám hiệu của Đại học. Các hàng thứ hai, ba, bốn gồm toàn giáo chức trường, đều mặc những trang phục màu sắc và kiểu giống nhau trông như họ thuê complet từ cùng một chỗ.

Lý do khiến tôi rất quan tâm tới bài phát biểu này là vì bố tôi đã dạy tại Đại học này đúng 28 năm trước và mẹ tôi là một trong các sinh viên của bố tôi và vì vậy đây là trường cũ của bà. Đúng thời gian này năm 1972 khi chiến tranh bất ngờ leo thang, bố tôi, lúc đó là một giảng viên trẻ của khoa Địa, đã tình nguyện nhập ngũ cùng lúc các sinh viên năm thứ ba và thứ tư của ông bị động viên. Nếu như cha tôi chưa từng rời môi trường khoa bảng đại học để không bao giờ quay về lại nghề giảng dạy bên dân sự nữa, thì khả năng cao là lúc này cha tôi cũng ngồi trong cùng hội trường, ở các hàng hai hay ba hay bốn và mặc bộ complet xuyềnh xoàng và tôi chắc là không tài nào có mặt ở đây. Tôi cứ cảm thấy như là cha tôi và tôi đã đổi chỗ cho nhau trong một cú xoay kỳ lạ của số phận.

Tổng thống Clinton đến Việt Nam

Tôi cũng quan tâm tới bài phát biểu này bởi vì tôi muốn nghe thông điệp mà Tổng thống Clinton muốn truyền tải đến người trẻ Việt Nam. Trong một đất nước nơi hơn 60 phần trăm dân số trẻ hơn 25 tuổi, thanh niên thực sự là động lực cho tương lai của Việt Nam. Tổng thống thực sự đã có một nước đi khôn ngoan khi chọn nhóm dân số trẻ này để trao gửi thông điệp đầu tiên của nước Mỹ tới Viêt Nam trong bài phát biểu động thổ của ông. Thông điệp này dù là gì chắc cũng sẽ được lưu giữ một thời gian dài.

Tôi phải thú nhận là tôi đã có một chút định kiến rằng bài phát biểu sẽ là một dạng khoe cơ bắp, phần nhiều sẽ là một lời nhắn nhủ với Việt Nam là mặc dù “trận chiến không về tay kẻ mạnh nhưng bánh mì cũng chẳng về tay kẻ thắng” (một thành ngữ nói là ở đời không phải cứ nhanh, mạnh là thắng, và không phải cứ thắng là đầy đủ hạnh phúc dài lâu). Tôi nhận ra ngay là định kiến của tôi đã sai thế nào. Tổng thống Clinton, đúng như lời đồn về danh tiếng nổi như cồn, đã trình bày bài diễn văn hay nhất tôi từng nghe. Tổng thống mở đầu với vài từ tiếng Việt, tất nhiên là trượt bài kiểm tra ngữ điệu, nhưng lại quá thành công trong việc làm cho khán giả đang căng thẳng bình thân. Đa phần những gì Tổng thống nói có liên quan đến cách là Việt Nam và Mỹ nên chuyển hướng quan tâm khỏi cái quá khứ “đớn đau, đau đớn” sang một tương lai của hợp tác và tình bạn. Ông nhấn mạnh rằng không có hai nước nào khác trên thế giới có một quá khứ chung giống như quá khứ mà Mỹ Việt sẻ chia. Tiềm năng để hợp tác vì thế, Tổng thống kết luận, là tuyệt vời.

Tổng thống cũng đề cập đến hai vấn đề rất nhạy cảm. Thứ nhất, mặc dù ông không đưa ra tuyên bố mang tính khẳng định về những ảnh hưởng của dioxin (thành phần chính của chất diệt thực vật mà ta hay gọi là Chất Cam – Agent Orange) lên sức khỏe con người, ông cũng hứa là Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam thực hiện các nghiên cứu về những ảnh hưởng có thể có của nó. Hơn một triệu tấn Chất Cam đã được rải xuống Đông Dương trong cuộc chiến; những dị tật bẩm sinh, bệnh máu trắng, và ung thư vv đã được quan sát thấy trong số lớn con cái những người từng bị phơi nhiễm với dioxin. Thứ nhì, Tổng thống đưa ra vài nhận xét xa xôi, ý nhị về các vấn đề nhân quyền. Việc này thì có vẻ như bên chủ nhà đã tính đến từ trước nên vị Hiệu trưởng đã đưa ra một phản biện viết sẵn về nhân quyền ngay lúc Tổng thống phát biểu xong. Tổng thống Clinton không có cơ hội thứ hai do không có mục Hỏi Đáp sau các bài diễn văn.

Tổng thống Clinton đến Việt Nam

Chúng tôi quay lại về khách sạn Daewoo để có một buổi gặp mặt và báo cáo với nhân viên Đại sứ quán. Trong buổi này, một lần nữa Tổng thống lại bày tỏ sự lạc quan về tương lai của quan hệ Mỹ – Việt. Ông bày tỏ những lời khen Đại sứ Hoa Kỳ Peterson và Thượng nghị sỹ Kerry về những công việc mà họ đã làm để cải thiện mối quan hệ này; hai người này và Đệ nhất Phu nhân sau đó lại khen Tổng thống và khen nhau. Không khí thật là thoải mái và vui vẻ.

(Ghi thêm: Tình cờ thế nào trong đám đông này hôm đó, bà Clinton đã đến và bắt tay Bộ trưởng Tâm linh Anh Gấu Phạm đầu tiên ngay sau bài diễn văn. Cô Chấn có chụp được và in ảnh ra nhưng hình như con nuôi Việt Nguyễn đã thủ mất.)