Một số điều cần trao đổi nhân vụ Trịnh Xuân Thanh
Cái tên Trịnh Xuân Thanh (TXT) sẽ đi vào lịch sử. Song không phải vì tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, hay vì tội tham nhũng. Dù đã gây ra những hậu quả rất tệ hại, nhưng trong hàng ngũ các đồng chí thi đua phá phách – vơ vét, thì tầm vóc của Thanh vẫn còn khá khiêm tốn. So với các đại ca thì Thanh mới như “trẻ nhỏ đua đòi”. Còn so với mấy bố già thì Thanh càng chưa thể sánh ngang vai trên con đường hại dân hại nước. Bởi thế, khi các đại ca và bố già vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí còn vắt vẻo trên đỉnh cao quyền lực, thì chắc Thanh cũng khó cam lòng “đầu thú”.
Thiên hạ sẽ dùng tên TXT để đề cập một diễn biến hiếm có trong lịch sử ngoại giao, mà đọng lại là hình hài đích thực của kiểu pháp quyền sản xuất tại Việt Nam. Vốn dĩ, thi hành công vụ kiểu giang hồ là chuyện thường ngày ở xứ “dân chủ vạn lần tư bản”. Song lần này đặc sản “luật rừng” được xuất khẩu sang khối Cộng đồng chung Châu Âu, và công diễn giữa trung tâm Thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức.
Sau mười ngày điều tra và cân nhắc thận trọng, ngày 2/8/2017 Bộ Ngoại giao CHLB Đức đã ra thông cáo báo chí, trong đó khẳng định:
“Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là sự vi phạm trắng trợn chưa từng có đối với luật pháp Đức và luật pháp quốc tế.”
“Chính phủ Liên bang Đức đòi hỏi, rằng ông Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức, để cả đề nghị dẫn độ và đơn xin tỵ nạn đều có thể được xem xét đến cùng đúng theo trình tự pháp lý.”
Chiều hôm sau, ngày 3/8/2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
“Liên quan đến phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức xung quanh vụ việc Trịnh Xuân Thanh, tôi lấy làm tiếc về phát biểu ngày mùng 2 tháng 8 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức.”
Vâng, “tiếc” về “phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức”. Như thể phật ý, vì phát biểu của phía Đức có điều gì sai trái, hay không hợp lý. Khi phóng viên nước ngoài hỏi “Việt Nam có xác nhận lời cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không”, thì bà Hằng trích dẫn:
“Theo thông báo ngày 31 tháng 7 của Bộ Công an Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú.”
Vậy là nhà cầm quyền Hà Nội không trực tiếp bác bỏ cáo buộc bắt cóc TXT của phía Đức (vì “ra trình diện và đầu thú” không có nghĩa là trước đấy không bị bắt cóc). Song cũng không công khai thừa nhận và chẳng có hồi đáp chính thức về cáo buộc của phía Đức. Có lẽ vì thế, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel đã phải nhấn mạnh (trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Stuttgarter Nachrichten ngày 6/8/2017):
“Hành vi của mật vụ Việt Nam trên lãnh thổ Đức là hoàn toàn không chấp nhận được. Tôi muốn nói hết sức rõ ràng rằng: Chúng tôi không bao giờ chấp nhận trò ấy, và cũng sẽ chẳng để yên việc ấy.”
Trong khi nhà cầm quyền Hà Nội làm thinh, thì dư luận người Việt trên thế giới ảo cực kỳ sôi động. Người thì phê phán chính quyền Hà Nội, người lại tỏ ra đồng tình. Số đồng tình dựa trên niềm tin chân chất, rằng việc bắt cóc TXT (nếu có) là cần thiết cho nỗ lực chống tham nhũng. Và rằng động cơ của thế lực ra lệnh bắt cóc TXT chỉ đơn thuần là nghiêm trị kẻ tham nhũng. Còn tính hợp pháp của hành vi bắt cóc ư? “Mục đích biện minh cho phương tiện.” Vả lại, “thế giới” cũng làm thế cả. Có điều, khi xòe tay điểm danh để chứng minh hùng hồn, rằng việc chính quyền một nước tổ chức bắt cóc ở nước ngoài vì mục đích tử tế là thông lệ quốc tế, thì chỉ duỗi được vài ngón. Còn ngón tiếp theo thì tần ngần, chẳng biết chỉ về đâu. Thử hỏi, bắt cóc kiểu ấy là hành xử bất thường của vài siêu cường, mà cộng đồng đành phải cắn răng chịu đựng? Hay của nhà nước đại diện cho dân tộc đã từng bị vùi dập trước sự làm ngơ của các cường quốc, tới mức hậu thế vẫn còn cảm thấy mắc nợ? Hay của mấy nhà cầm quyền mà thế giới văn minh phỉ nhổ?
Điều đáng bàn là có “một bộ phận không nhỏ” chỉ trích mạnh mẽ phản ứng của phía Đức. Họ cho rằng phía Việt Nam hành động như vậy là đúng, nên phía Đức phát ngôn như vậy là sai. Thậm chí cho rằng “Đức… dung dưỡng cho một tên tội phạm như Trịnh Xuân Thanh”, và lên án “thói đạo đức giả của nhà cầm quyền Berlin”. Những chỉ trích nặng nề kiểu ấy không chỉ được đăng trên các trang cá nhân, mà trên cả báo quốc doanh, chẳng hạn bài “Vụ Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú: Bộ Ngoại giao Đức hồ đồ hay mua phiếu?” – đăng ngày 18/08/2017 trên Tuần báo Văn nghệ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Thật khó dung hòa giữa tư duy pháp quyền “vùng sâu vùng xa” với tư duy pháp quyền kiểu Đức. Vốn cả đời chung sống với luật rừng và tiếp xúc với lối hành xử giang hồ của quan chức bản địa, nên tưởng rằng như vậy mới hợp lẽ tự nhiên. Thành thử khó chấp nhận lối tư duy pháp lý xa lạ, máy móc của “bọn Tây”. Cũng giống như trai bản, quen đi rừng phạt cây mà tiến, nay lạc vào đô thành thì khó chịu với đèn đỏ đèn vàng, bởi cho rằng chúng cản trở giao thông.
Nếu những ý kiến ấy chỉ thể hiện tư duy quần chúng, thì phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của họ. Nhưng trong số đó có cả ý kiến từ giới luật sư. Với những lập luận pháp lý tưởng chừng rất vững chắc, nhưng tiếc rằng lại sai. Vì vậy, tôi viết bài này để trao đổi, với hy vọng làm rõ hơn một số cơ sở pháp lý của vụ việc, để từ đó mà hiểu đúng và có cách ứng xử hợp lý.
Nội dung tiếp theo được chia thành 5 phần.
Phần I, với tiêu đề “Hạn chế quyền lực trong nhà nước pháp quyền”, trình bày 3 vụ việc đặc biệt đã từng diễn ra ở CHLB Đức. Nhằm minh họa về sự hạn chế quyền lực đối với cơ quan đứng đầu nhà nước (I.1. Vụ cấm NPD hoạt động), đối với người thi hành công vụ (I.2. Vụ án Daschner), và khó khăn gặp phải trong việc dẫn độ (I.3. Vụ án Haikel S.) tại một nhà nước pháp quyền đích thực. Qua đó, có thể thấy ở Đức, không phải các cơ quan nhà nước (dù ở cấp cao nhất) muốn làm gì cũng được, mà phải nghiêm ngặt tuân theo những quy định của pháp luật. Từ đấy có thể hiểu và thông cảm với cách xử sự thận trọng của phía Đức đối với yêu cầu dẫn độ TXT. Hơn nữa, để đạt được hiệu ứng tâm lý, sẽ được viết trong phần I.4.
Phần II, với tiêu đề “Dẫn độ đâu dễ”, trình bày 4 điều kiện luật định của Liên bang Đức cho việc dẫn độ. Đó là điều kiện tương thích về tội danh (II.1), điều kiện không được kết án tử hình (II.2), điều kiện về xét xử công bằng (II.3), và cấm dẫn độ đối với hành vi liên quan tới chính trị (II.4). Phân tích sẽ chỉ ra ràng buộc pháp luật khiến phía Đức rất khó chấp nhận dẫn độ TXT.
Phần III, với tiêu đề “Xử sự trong hoàn cảnh khó xử”, trình bày một số trao đổi về cách xử sự phù hợp với hoàn cảnh khó khăn và một số đánh giá về cách ứng xử đã diễn ra trên thực tế.
Phần IV, với tiêu đề “Cách nào chữa cháy”, thảo luận về 4 phương án có thể áp dụng để giải quyết khủng hoảng hiện nay. Đó là “phương án kiên định nói thật” (IV.1), “phương án kiên định nói dối” (IV.2), “phương án thành khẩn hối lỗi” (IV.3), và “phương án cùng thắng” (IV.4).
Phần V, với tiêu đề “Mấy điều cần chốt lại”, viết mấy ý vắn tắt về quan điểm chống tham nhũng (V.1), đánh giá về vụ TXT (V.2), và mấy lời nhắn nhủ tới dư luận (V.3).
Bài viết này được trình bày theo phong cách của một công trình nghiên cứu. Nên chỉ phù hợp với những người có thể đầu tư thời gian đọc kỹ và nghiền ngẫm, để hiểu các thông điệp muốn gửi gắm. Nó nặng về lý luận, nên khô khan, không phù hợp với nhu cầu giải trí, hay chia sẻ cảm xúc. Bài viết không điểm lại diễn biến của sự kiện, cũng không trình bày lại các kết quả điều tra. Và không chỉ đóng khung trong vụ TXT. Chính vì vậy mới chọn tiêu đề “Một số điều cần trao đổi nhân vụ Trịnh Xuân Thanh“, chứ không phải “… về vụ Trịnh Xuân Thanh”.
I. Hạn chế quyền lực trong nhà nước pháp quyền
I.1. Vụ cấm NPD hoạt động
NPD (Nationaldemokratische Partei Deutschlands, Đảng Dân chủ Quốc gia Đức) là một đảng cực hữu, dân tộc cực đoan, được thành lập năm 1964. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học chính trị, của nhiều sử gia và của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức, thì NPD gần gũi với NSDAP (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei, Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Quốc gia Đức, thường được gọi tắt là Đảng Quốc Xã, hay Đảng Nazi).
Ngày 30/1/2001, Chính phủ Liên bang Đức (Bundesregierung) đã kiến nghị Tòa án Hiến pháp Liên bang (Bundesverfassungsgericht) cấm NPD hoạt động. Ngày 30/3/2001 Quốc hội (Bundestag) và Hội đồng Liên bang Đức (Bundesrat) cũng kiến nghị như vậy một cách độc lập. Nhưng kiến nghị này đã vấp phải bê bối đặc tình (V-Mann-Skandal), vì chứng cứ mà các bên kiến nghị sử dụng, để chứng minh tính vi hiến của NPD, chủ yếu dựa trên thông tin của các đặc tình, do Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp cài trong bộ máy NPD. Tháng 10/2002, Tòa án Hiến pháp Liên bang tiến hành phỏng vấn để xác định tầm ảnh hưởng của các đặc tình, nhưng bên đưa kiến nghị từ chối cung cấp danh tính của các đặc tình, với lý do bảo vệ nguồn tin. Vì vậy, 3 (trong số 7) thẩm phán tham gia xét xử cho rằng có yếu tố cản trở xét xử (Verfahrenshindernis), và sử dụng quyền phủ quyết để chấm dứt việc xem xét. Lập luận của họ là “thiếu khoảng cách với nhà nước” (fehlende Staatsferne). Thuật ngữ này chỉ việc chính các đặc tình của Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp (tức của nhà nước) đã nhúng tay vào việc tạo ra hình ảnh vi hiến của NPD. 4 thẩm phán còn lại muốn đến khi xét xử chính thức mới xác định tầm ảnh hưởng của các đặc tình đối với nghi vấn vi hiến của NPD. Tuy đó là ý kiến của đa số, nhưng vẫn chưa đủ, vì theo Điều 15 Khoản 4 của Luật Tòa án Hiến pháp Liên bang, thì phải cần đa số 2/3 cho biểu quyết ấy. Vì vậy, ngày 18/3/2003, Tòa án Hiến pháp Liên bang đã thông báo không tiếp tục xem xét vụ kiến nghị cấm NPD hoạt động.
Tháng 12/2012, sau khi các Bộ trưởng Nội vụ của tất cả các Bang biểu quyết nhất trí, Hội đồng Liên Bang lại kiến nghị Tòa án Hiến pháp Liên bang cấm NPD hoạt động. Ngày 17/1/2017, Tòa án Hiến pháp Liên bang ra phán quyết, trong đó xác định NPD là vi hiến, có bản chất gần với Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc (Chủ nghĩa Quốc Xã,Nationalsozialismus). Tuy nhiên, Tòa cho rằng đảng này không có khả năng đe dọa thực sự nền dân chủ. Chánh án nói: “Hiện nay còn thiếu chứng cứ cụ thể có trọng lượng, có thể cho thấy, hoạt động của nó có thể dẫn đến thành công.” Vì vậy, Tòa án Hiến pháp Liên bang không cấm NPD hoạt động.
Ví dụ về thất bại trong việc kiến nghị cấm NPD hoạt động cho thấy: Quốc hội, Hội đồng Liên bang và Chính phủ Liên bang Đức cũng đành bất lực trước quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức.
I.2. Vụ án Daschne
Đó là vụ án hình sự xử nghi án “xúi dục cấp dưới phạm tội hình sự” (Verleitung eines Untergebenen zu einer Straftat, Điều 357 Bộ luật Hình sự Đức) đối với ông Wolfgang Daschner, và “cưỡng bức” (Nötigung, Điều 240 Bộ luật Hình sự Đức) đối với ông Ortwin Ennigkeit. Xuất phát điểm là vụ bắt cóc và giết hại Jakob von Metzler (11 tuổi) vào năm 2002, mà thủ phạm là Magnus Gäfgen.
Khi bị bắt, Magnus Gäfgen thừa nhận đã bắt cóc, nhưng lại không chịu khai ra nơi dấu Jakob von Metzler. Lo lắng cho mạng sống của nạn nhân, Wolfgang Daschner (Phó Giám đốc Cảnh sát Thành phố Frankfurt am Main) đã quyết định, thông qua sĩ quan cảnh sát dưới quyền là Ortwin Ennigkeit, để dọa thủ phạm, rằng sẽ tiến hành cưỡng bức. Theo tố cáo của Gäfgen, hắn đã bị đe dọa, rằng sẽ phải chịu đau đớn chưa từng nếm trải; rằng một chuyên gia cảnh sát về món đòn ấy đang trên trực thăng, bay đến đây để ra tay thực hiện; và rằng sẽ nhốt hắn chung với hai gã da đen có nhu cầu sinh lý… Ennigkeit khẳng định không hề dùng chuyện “chuyên gia tra tấn” và “hai gã da đen” để đe dọa, mà chỉ cố gắng thuyết phục thủ phạm.
Việc đe dọa (nếu có) đã không đem lại kết quả như mong muốn. Sau khi Gäfgen khai ra chỗ dấu nạn nhân, cảnh sát đến nơi thì chỉ tìm được thi thể của cậu bé, đã bị thủ phạm giết chết từ trước. Gäfgen đã bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên, khi đã yên vị trong tù, hắn đã khởi kiện hai vị công chức. Phía công tố đề nghị phạt cảnh cáo, phạt tiền. Phía luật sư bào chữa đề nghị trắng án.
Ngày 20/12/2004, Tòa án Frankfurt am Main tuyên bố có tội và tuyên phạt Wolfgang Daschner 10.800 Euro (90 ngày lương ở mức 120 Euro/ngày) và Ortwin Ennigkeit 3.600 Euro (60 ngày lương ở mức 60 Euro/ngày), nhưng chỉ phải trả nếu sẽ phạm tội trong vòng một năm. Mức án trên được đánh giá là nhẹ, vì Bộ luật Hình sự Đức quy định tối thiểu 6 tháng tù giam cho loại tội này.
Cơ sở hiến định của bản án được quy định tại Chương I, Điều 1, Khoản 1 của Luật Cơ bản (Hiến pháp Đức):
“Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là nhiệm vụ của mọi quyền lực nhà nước.”
Hiến pháp 2013 của CHXHCN Việt Nam cũng có quy định tương ứng tại Điều 20 Khoản 1:
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác, xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”
Cơ sở pháp lý quốc tế là quy ước “tuyệt đối cấm tra tấn” (absolute prohibition of torture), được quy định tại Điều 2 của Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc:
Cơ sở hiến định thì khá giống nhau. Cơ sở pháp lý quốc tế thì cùng chung. Vậy tại sao khoảng cách thực thi của hai quốc gia lại lớn như giữa thiên đường và địa ngục? Cái khoảng cách siêu vũ trụ ấy hình thành do một sự khác nhau “nho nhỏ”: CHLB Đức đã ký và phê chuẩn thì thực hiện nghiêm chỉnh. Còn CHXHCN Việt Nam thì có ký và phê chuẩn cũng bằng không. Phải chăng chỉ để phục vụ “công tác” đối ngoại? Hay còn phải đợi Chính phủ ban hành nghị định, rồi lại đợi tiếp bộ nào đó ban hành thông tư hướng dẫn, sau đấy mới được phép thi hành?
Đưa vụ án Daschner vào bài viết này để thấy được, cái quan niệm về cách cư xử chuẩn mực đối với người bị bắt, với bị can, bị cáo và tù nhân trên đất Việt khác rất xa so với ở xứ người. Nên cũng đừng đòi người ta phải mặc nhiên thừa nhận những điều mình nghĩ, mình làm. Hơn nữa, nhận thức được tầm hạn chế tư duy của bản thân, để mà điều chỉnh dần, nếu muốn hòa nhập với thế giới văn minh.
Cũng để những ai mang danh thi hành công vụ của Nhà nước CHXHCN Việt Nam nghiêm túc xem lại cách hành xử bấy lâu nay của bản thân và đồng đội.
Và để dân lành đất Việt chạnh lòng bừng tỉnh nhìn nhau: Chúng ta có nên tiếp tục nhẫn nhịn nữa hay không?
I.3. Vụ án Haikel S.
Haikel S. là một tên khủng bố người Tunisia thuộc dòng IS (Nhà nước Hồi giáo). Dưới một cái tên giả, hắn đến Đức và xin tị nạn vào năm 2015. Năm sau, người ta mới phát hiện ra hắn đã từng sống ở Đức trong thời gian 2003 – 2013, đã có tiền án và bị truy nã từ năm 2008. Do bị cáo buộc tham gia tổ chức tấn công Bảo tàng Quốc gia ở Thủ đô Tunis của Tunisia vào ngày 18/3/2015 (giết chết 19 khách du lịch nước ngoài, một cảnh sát và một người dân Tunisia, đồng thời làm bị thương hơn 50 người khác), tháng 9/2016 hắn bị phía Đức tạm giam để chờ dẫn độ, theo đề nghị truy nã của phía Tunisia. Nhưng rồi lại được thả ra, vì phía Tunisia chưa chuyển cho phía Đức lệnh truy nã. Trong khuôn khổ một chiến dịch truy quét với sự tham gia của 1.100 cảnh sát, hắn lại bị bắt vào ngày 1/2/2017, với nghi án chuẩn bị một số cuộc tấn công ở Đức, dưới danh nghĩa ủng hộ tổ chức khủng bố IS và cầm đầu một mạng lưới Hồi giáo cực đoan.
Với một đối tượng quá nguy hiểm như vậy, thì đương nhiên không chỉ giới cầm quyền Đức, mà cả người dân Đức cũng chẳng muốn cưu mang, chứa chấp. Nên đề nghị dẫn độ của phía Tunisia như một cơ hội Trời cho, tất nhiên phải cố mà tận dụng. Tháng 4/2017 Tòa án Hành chính phán quyết được phép dẫn độ hắn về Tunisia, nếu Chính phủ Tunisia đảm bảo hắn sẽ không bị xử tử hình. Vậy là hắn được đưa lên máy bay vào ngày 22/3/2017 để dẫn độ về Tunisia. Nhưng trước khi máy bay cất cánh, hắn lại được đưa ra khỏi máy bay. Lý do ư? Vì hắn mới nộp đơn xin tị nạn (lần thứ hai), do nguy cơ bị tra tấn và lĩnh án tử hình ở Tunisia. Và luật sư của hắn có kiến nghị khẩn, đề nghị tòa án dừng việc dẫn độ. Do đơn xin tị nạn của hắn chưa xử lý xong, nên việc dẫn độ đã bị dừng lại. Sau đó, Tòa án Hành chính Frankfurt am Main đã ra phán quyết: Không được dẫn độ hắn về Tunisia, với lý do phía Tunisia đã không đưa ra cam kết sẽ không xử tử hình hắn.
Phán quyết ấy đã khiến nhiều người Đức bất bình và thất vọng, nhưng không thể bác bỏ cơ sở pháp lý mà thẩm phán đã viện dẫn. Vào lúc mà TXT đã “về đầu thú” ở Hà Nội, chính quyền Bang Hessen vẫn quyết tâm trục xuất Haikel S. Bộ Nội vụ Bang Hessen định dựa trên Điều 58a của Luật Cư trú, cho phép trục xuất người nước ngoài “nhằm phòng trừ nguy cơ đặc biệt đối với an ninh của CHLB Đức hay nguy cơ khủng bố”, mà không cần báo trước. Liệu họ sẽ được toại nguyện hay không? Chưa chắc.
Đây là một ví dụ, cho thấy không phải chính quyền Đức muốn làm việc gì cũng được, kể cả những việc rất chính đáng và cần thiết. Trong một nhà nước pháp quyền đích thực như CHLB Đức, thì chính quyền cũng không thể lấn át tòa án, còn tòa án thì chỉ dựa vào luật pháp để ra phán quyết mà thôi.
I.4. Thêm lời chú thích
Có lẽ 3 ví dụ nêu trên khá khó hiểu đối với nhiều người sinh sống ở Việt Nam. Nếu quả như vậy thì tốt, vì mục đích của phần I không phải để mọi người đọc đều hiểu, mà muốn để lại ấn tượng khó hiểu, mặc dù cũng mường tượng được, có lẽ họ có lý của họ. Để làm gì? Để đem lại cho bạn đọc trên đất Việt một cảm giác lạ lẫm, khi bước vào một thế giới pháp lý, mà mình khó tưởng tượng được. Để rồi hiểu ra, khoảng cách pháp quyền giữa xã hội Việt Nam và xã hội Đức không thể hoán đổi từ khoảng cách không gian (khoảng 8.500 km đường hàng không), mà phải dùng đại lượng thời gian (tính theo thập niên), thì mới mong ước đoán được độ chênh lệch giữa hai tầm văn minh pháp quyền. Hiểu thế để thận trọng hơn khi phê phán, phán xét người ta.
Hơn nữa, cái cảm giác “khó hiểu những điều có lẽ có lý” sẽ giúp ta nhận ra, mình phải cần mẫn học hỏi, dày công nghiên cứu, thì mới có thể tiếp cận phần nào kiến thức mênh mông. Rồi sử dụng Google mà tìm kiếm thông tin cần thiết trên Internet, để trả lời những câu hỏi nảy sinh. Chẳng hạn:
(1) Với tư cách ba cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Liên bang Đức, tại sao Quốc hội, Hội đồng Liên bang và Chính phủ Liên bang Đức không tự mình ra quyết định cấm NPD hoạt động, mà lại phải kiến nghị điều đó với Tòa án Hiến pháp Liên bang, để rồi không được chấp nhận?
(2) Quốc hội có quyền sửa đổi hiến pháp theo ý mình, thì tại sao lại chịu khoanh tay, để Tòa án Hiến pháp Liên bang dựa trên hiến pháp hiện hành để bác bỏ cả kiến nghị của chính Quốc hội?
(3) Tại sao Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức lại không chấp nhận kiến nghị cấm NPD hoạt động (mặc dù bản thân Tòa án cũng xác định NPD là vi hiến, có bản chất gần với Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc)?
Thôi, không đặt thêm câu hỏi nữa, cũng không đưa ra câu trả lời, kẻo lại tước mất niềm vui khám phá của mọi người, khi tự mình phát hiện ra vấn đề, đặt ra câu hỏi, và tự tìm ra câu trả lời. Để rồi dần dần ngộ ra những chân lý ẩn sâu nơi thăm thẳm.
Trong nhà nước pháp quyền thì tất thảy đều phải tuân theo hiến pháp. Nhưng hiến pháp phải xứng đáng là hiến pháp, quy định những nguyên tắc hợp lý và cơ chế tinh vi, để đảm bảo cho bộ máy xã hội vô cùng phức tạp có thể vận hành an toàn trong hầu hết mọi trường hợp. Muốn thế, bản hiến pháp ấy phải được viết ra bởi giới tinh hoa, những trí tuệ kiệt xuất, có đủ hiểu biết cần thiết và tầm nhìn xuyên thế kỷ, để hiến định không chỉ hiện tại mà cả tương lai trăm năm của đất nước (xem ví dụ minh họa ở Phụ lục P1). Chứ không phải được áp đặt bởi thế lực đương quyền. Cũng không phải được nhào nặn thêm bớt bởi những ông bà mới lõm bõm về kiến thức luật học và còn ngây ngô về tư duy quản lý nhà nước, vốn được chọn cho đủ màu để tô vẽ bức tranh dân chủ. Một bản hiến pháp cao siêu như vậy tất nhiên sẽ chứa đựng những điều khoản khiến nhiều người thấy khó hiểu, hoặc khó chấp nhận hệ quả thực tế của chúng.
Có một vấn đề cần được khẳng định trước khi kết thúc phần này, kẻo lại nảy sinh suy luận không đúng (từ phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức về việc không cấm NPD hoạt động), rằng bọn cực hữu có xu hướng phát xít, mà chính quyền Đức còn dung túng bao che, huống hồ loại tham nhũng như TXT. Không, không thể cho rằng Nhà nước Đức không tích cực chống phong trào cánh hữu cực đoan có xu hướng phát xít. Nếu không tích cực, thì họ đã không kiến nghị cấm NPD hoạt động đến hai lần.
Để bớt chút băn khoăn, có thể tham khảo ví dụ nhỏ sau đây. Ngày 5/8/2017, cảnh sát Đức đã bắt hai khách du lịch người Trung Quốc (36 và 49 tuổi) và phạt mỗi người 500 Euro (hơn 13 triệu đồng Việt Nam), do phạm vào tội được quy định tại Điều 86a Bộ luật Hình sự Đức: Sử dụng biểu tượng của các tổ chức vi hiến. Tại sao? Khi hai tiên sinh dùng điện thoại thông minh để chụp hình trước tòa nhà Reichstag(Nhà Quốc hội), họ đã cao hứng duỗi tay biểu diễn kiểu chào Hitler (Hitlergruß). Và đó là một hành vi vi phạm Điều 86a Bộ luật Hình sự Đức.
II. Dẫn độ đâu dễ
Bao tuyên bố mạnh mẽ được tung lên internet. Nhưng càng đọc thì càng thấy buồn về cách tư duy và phát ngôn dễ dãi. Chẳng chịu tìm hiểu, tra cứu cho đến nơi đến chốn, mà đã vội tùy tiện khẳng định như đinh đóng cột. Cứ như kị sĩ dũng mãnh giương cung, nhưng chẳng quan sát kỹ mục tiêu, nên mũi tên vút bay rồi lạc xa chân lý.
Có ý kiến cho rằng:
Thật là đanh thép. Song có đúng như vậy không? Chuyện “Việt Nam đã ra lệnh truy nã toàn cầu TXT” thì báo chí đã viết. Nhưng “tổ chức này đã đưa vào danh sách”hay chưa? Nếu “đã đưa vào danh sách” thì “danh sách” nào? INTERPOL ban hành 8 loại Thông báo (Notices), trong đó chỉ có Thông báo Đỏ (Red Notice) là liên quan đến việc bắt giam người bị truy nã (to arrest of wanted persons). Ngày 17/11/2016, Thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an) tuyên bố: Ban thư ký của Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh từ 29/9, sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan điều tra Việt Nam. Nhưng ngày 6/8/2017 (tức hơn 8 tháng sau), VOA lại đưa tin “Chưa thấy tên ông Trịnh Xuân Thanh trên trang Interpol”. Vậy sự thật nằm ở đâu? Thử tự mình trực tiếp tra cứu Thông báo Đỏ của INTERPOL vào ngày 10/8/2017, thì chỉ tìm được một người Việt Nam mang họ Trịnh và một người Việt Nam tên là Thanh, nhưng cả hai đều là phụ nữ.
Giả sử INTERPOL đã đưa tên TXT vào Thông báo Đỏ, thì điều gì có thể xảy ra? Có phải “Cảnh sát Đức có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát quốc tế và Cảnh sát Việt Nam thực hiện lệnh truy nã đó” hay không? Tiếc rằng, câu trả lời là KHÔNG! Bởi INTERPOL viết rõ trên trang web, rằng Thông báo Đỏ “không phải là lệnh bắt giữ quốc tế”, và
“INTERPOL không thể ra lệnh bất cứ nước thành viên nào bắt giữ một cá nhân được đề cập trong Thông báo Đỏ. Mỗi nước thành viên tự xác định giá trị pháp lý của một Thông báo Đỏ trên lãnh thổ của mình.”
Ý kiến khác lại cho rằng:
Nếu tin vào khẳng định ấy, thì có thể rút ra một nhận định sai lầm tai hại. Rằng do giữa Việt Nam và Đức chưa có ký kết về dẫn độ, nên phía Đức sẽ không chấp nhận yêu cầu của phía Việt Nam về việc dẫn độ TXT. Vì vậy, phía Việt Nam chỉ còn cách duy nhất, là lẻn vào Đức để bắt cóc TXT. Thực ra, ký kết song phương về dẫn độ có thể giúp cho việc dẫn độ được tiến hành nhanh chóng và thuận lợi hơn. Nhưng nếu chưa có ký kết thì vẫn có thể tiến hành dẫn độ. Đối với Đức thì điều đó rất rõ ràng:
Vậy thì tại sao phía Đức chưa chấp nhận, hoặc có thể sẽ không thể chấp nhận yêu cầu của phía Việt Nam về việc dẫn độ TXT? Để trả lời câu hỏi này, sau đây ta đề cập đến bốn điều kiện pháp lý ràng buộc việc dẫn độ.
II.1. Điều kiện tương thích về tội danh
Không thể có chuyện, nếu nước này truy tố và yêu cầu dẫn độ ai đó, thì nước kia bắt buộc phải chấp nhận. Bởi cái mà nước này quan niệm là tội, thì có thể nước kia lại không quan niệm là tội, thậm chí còn coi là thành tích. Ví dụ: Ở Việt Nam, nếu ai đó lên tiếng đòi thực thi các quyền con người đã được hiến định, hoặc tố cáo những hành vi phi pháp của giới cầm quyền, thì có thể bị phạt tù vì “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 88), hay “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 258, Bộ luật Hình sự 1999). Nhưng ở Liên bang Đức thì đó không phải là tội, và nếu phải quy tội bằng được, thì chính tác giả sinh ra hai điều luật ấy mới là có tội.
Để tạo cơ sở pháp lý cho quyết định truy nã quốc tế, ngày 16/9/2016 Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với TXT về “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” – quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999.
Động cơ là thứ không thể cân đo đong đếm, vậy thì bằng cách nào để xác định là đương sự “cố ý” hay “vô ý”? “Quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” thì nhiều cái sai lè lè, nếu răm rắp làm đúng thì có mà… XHCN (“Xã Hội Chủ Nghĩa”, còn được đọc là “Xuống Hố Cả Nút”). Nếu không có những người dám “làm trái” như ông Kim Ngọc, thì đến giờ bà con nông dân vẫn phải treo niêu. Nếu không có những người dám “làm trái” như bà Ba Thi, thì biết bao công dân Thành phố mang tên Hồ Chí Minh đã có thể chết đói. Thế thì tại sao có thể quan niệm làm đúng là… đúng, còn “làm trái” là sai? Và khi có “hậu quả nghiêm trọng”, thì có thể do chính “Quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” hay cấp trên cấp dưới gây ra, chứ tại sao lại đổ riệt cho đương sự? Vậy đó, đến “ta” còn thấy mông lung như vậy, thì sao có thể đòi hỏi “tây” phải hiểu, để mà thực thi “trách nhiệm phối hợp”?
Trớ trêu thay, Bộ Công an lại chọn (để khởi tố bị can đối với TXT) một trong 5 tội không còn tồn tại trong Bộ luật Hình sự 2015, mà lẽ ra đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 (tức là đúng hai tháng rưỡi trước ngày khởi tố TXT) – nếu như nó không bị hoãn thi hành vì lý do khó chấp nhận. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp thời đó, Chính phủ đề xuất bỏ “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165, Bộ luật Hình sự 1999) là “để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh”. Vậy thì tại sao Bộ Công an lại khởi tố bị can đối với TXT về một tội danh đã bị xóa trong Bộ luật Hình sự 2015, mà lẽ ra đã có hiệu lực thực hiện? Chẳng lẽ vì không tìm được tội danh nào khác phù hợp hơn hay sao?
TXT có tham nhũng hay không? Điều đó thì dân biết, quan biết, và lãnh đạo tối cao thì càng biết rõ. Vậy mà TXT lại không bị khởi tố bất cứ tội nào trong số 7 tội phạm về tham nhũng trong Bộ luật Hình sự hiện hành (1999). Việc tránh khởi tố tội tham nhũng đồng nghĩa với thừa nhận rằng TXT không phạm tội tham nhũng, hoặc cùng lắm chỉ tham… như hầu hết các đồng chí khác. Mà tội đại trà thì không thể bị truy tố, bởi “nếu truy tố hết thì chẳng còn ai để lãnh đạo”.
Căn cứ vào quy định pháp luật của CHLB Đức, thì câu trả lời đã khá rõ ngay từ khi nhận được đề nghị dẫn độ TXT của phía Việt Nam. Vì IRG (Gesetz über die internationale Rechtshilfe in Strafsachen, Luật về Tương trợ Tư pháp Quốc tế trong Lĩnh vực Hình sự của CHLB Đức) quy định tại Điều 3, Khoản 1:
Theo điều khoản này, thì phía Đức không được phép dẫn độ TXT bởi “tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, vì trong Bộ luật Hình sự của CHLB Đức không có tội danh nào như vậy hoặc tương tự như vậy.
II.2. Điều kiện không được kết án tử hình
Để có thể thuyết phục phía Đức chấp nhận dẫn độ TXT, thì chỉ còn cách bổ sung tội danh phù hợp với luật của Đức. Thế là ngày 15/3/2017, nhân xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà – Cienco 5 Land, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh về “tội tham ô tài sản”. Tưởng rằng như vậy đã lách xong luật Đức, ai ngờ lại tự mình dựng lên rào cản bê tông.
Điều 278 Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 quy định có thể bị xử tử hình, nếu “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên”. Điều 353 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (lẽ ra có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhưng được sửa đổi theo Luật số 12/2017/QH14 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) quy định có thể bị xử tử hình, nếu “chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên”, hay nếu “gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”. Chắc hẳn thành tích bất hảo của TXT cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn dành cho hạng “cán bộ cấp chiến lược” này.
Trong khi đó, IRG quy định tại Điều 8 rằng:
“Nếu theo luật của nhà nước đề nghị dẫn độ mà hành vi phạm tội có nguy cơ bị kết án tử hình, thì chỉ được dẫn độ trong trường hợp nhà nước đề nghị dẫn độ đảm bảo rằng sẽ không kết án tử hình.”
Liệu Nhà nước Việt Nam có thể đảm bảo với phía Đức rằng sẽ không xử tử hình TXT hay không? Nếu không đảm bảo thì tất nhiên “hết phim”. Còn nếu đảm bảo, thì có nghĩa là lãnh đạo Nhà nước Việt Nam sẽ áp đặt mức án (không quá mức tù chung thân) cho thẩm phán. Và như vậy là vi phạm Điều 103 Khoản 2 Hiến pháp 2013, quy định rằng:
“Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.”
Hơn nữa, còn mang tiếng tùy tiện. Và sau này biết xét xử thế nào với những trường hợp tương tự? Nếu vì án lệ TXT, mà sẽ chẳng xử tử hình bất cứ ai với “tội tham ô tài sản”, thì hóa ra phủ định Bộ luật Hình sự của CHXHCN Việt Nam hay sao?
II.3. Điều kiện về xét xử công bằng
Cho dù Nhà nước Việt Nam cam đoan sẽ không xử tử hình TXT, thì vẫn chưa đủ để phía Đức chấp nhận dẫn độ. Một trong những điều kiện quan trọng để phía Đức có thể chấp nhận dẫn độ là:
“Phải đảm bảo rằng người bị dẫn độ sẽ được xét xử công bằng.” (Sổ tay Nghị sĩ, 2/2001)
Đó là hệ quả trực tiếp của quy định tại Điều 1 Khoản 1 của Luật Cơ bản: ” Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là nhiệm vụ của mọi quyền lực nhà nước.” Và điều đó cũng phù hợp với quy ước “tuyệt đối cấm tra tấn”, được quy định tại Điều 2 của Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc.
Tất nhiên, phía Việt Nam sẽ tuyên bố như muôn thuở, rằng đảm bảo TXT sẽ được xét xử công bằng. Song liệu phía Đức có thể tin tưởng vào lời đảm bảo đó hay không? Để hiểu đôi chút lý do, vì sao người Đức ngờ vực, hãy tham khảo mấy trải nghiệm đáng buồn của họ.
Sau khi bay đến Hà Nội để trực tiếp chứng kiến phiên tòa phúc thẩm xét xử công khai Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, mà bản thân ông và nhiều người quan tâm phải đứng vật vờ ngoài đường, không được vào nơi xét xử, ngày 23/9/2016 Nghị sĩ Quốc hội Đức Martin Patzelt đã ra thông cáo báo chí với tiêu đề “Việt Nam: Phiên tòa phúc thẩm không công bằng cho nhà đấu tranh nhân quyền Nguyễn Hữu Vinh”.
Ngày 30/6/2017, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Đức Bärbel Kofler đã ra thông cáo báo chí về bản án dành cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), trong đó có đoạn:
Và ngày 27/7/2017, bà Bärbel Kofler lại ra thông cáo báo chí tương tự “về án tù 9 năm đối với nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam Trần Thị Nga”. Cả hai thông cáo đều được chính thức công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Đức, tức đó cũng là quan điểm chính thức của Chính phủ Đức.
Quan điểm của phía Đức đã được thể hiện rõ ràng như vậy, thì làm sao có thể thuyết phục được họ, rằng chắc chắn TXT sẽ được xét xử công bằng? Chẳng lẽ lại ôn tồn giải thích, rằng đồng chí TXT đã từng là cán bộ lãnh đạo cao cấp, nên sẽ không bị xử tệ như tụi tranh đấu nhân quyền hay sao?
II.4. Cấm dẫn độ đối với hành vi liên quan tới chính trị
Bức tường thành khó vượt qua nhất là quy định của IRG tại Điều 6, Khoản 1:
“Không được dẫn độ đối với hành vi mang tính chính trị, hoặc hành vi có liên quan tới hành vi mang tính chính trị.”
Tuy điều khoản này còn mở ra ngoại lệ dẫn độ đối với các tội diệt chủng, giết người và ngộ sát, nhưng đó không phải là cánh cửa để có thể tóm được TXT, vì phía Việt Nam không hề khởi tố TXT về những tội ấy.
Đừng vội phủ định là TXT không bị truy tố về hành vi mang tính chính trị, mà chỉ bị truy tố về tội kinh tế. Cũng đừng tốn công thuyết phục phía Đức là TXT phạm tội tham nhũng, vì theo chuẩn của Đức thì đa số quan chức Việt Nam đều đủ tiêu chuẩn tham nhũng để đứng trước vành móng ngựa. Chắc hẳn phía Đức không hề băn khoăn về việc TXT có phạm tội tham nhũng hay không, nhưng buộc phải trả lời câu hỏi: Hành vi bị truy tố của TXT có mang tính chính trị, hoặc có liên quan tới hành vi mang tính chính trị hay không? Vụ án TXT có mang yếu tố chính trị hay không?
Bà Petra Isabel Schlagenhauf, một trong các luật sư bảo vệ TXT, khẳng định trong thông cáo báo chí:
“Không bao giờ có chuyện ông Trịnh tự nguyện nộp mình cho các cơ quan Việt Nam. Ông ấy biết rõ, vì lý do chính trị, ông ấy sẽ không được xét xử công bằng.”
Tức là theo quan điểm của Luật sư Schlagenhauf và thân chủ TXT, thì vụ án này mang yếu tố chính trị và TXT “sẽ không được xét xử công bằng”.
Để chứng minh quan điểm ấy, Luật sư Schlagenhauf đã dành 653 từ (tiếng Đức) mô tả tóm tắt cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời đề cập tới số phận của Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng và TXT. Trong đó có đoạn:
“Ông Trịnh Xuân Thanh được coi là người được cả Vũ Huy Hoàng và Đinh La Thăng bảo trợ. Ông ta cũng có mối quan hệ cá nhân với Nguyễn Tấn Dũng, người cầm đầu phe hiện nay đã bị tước bỏ quyền lực trong nội bộ ĐCSVN. Ông Trịnh thuộc khuynh hướng cải cách của ĐCSVN. Dưới thời Chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng, ông ấy đã có một sự nghiệp thành công. Các nhà quan sát chính trị cho rằng, việc truy tố hình sự đối với ông Trịnh Xuân Thanh nhằm mục đích chính trị chống lại phe của Nguyễn Tấn Dũng, với ý định đập tan nhóm cải cách (“bọn tư bản”) trong nội bộ ĐCS, khôi phục và tăng cường vai trò của Đảng trên cơ sở ý thức hệ cộng sản.”
Thử hỏi, sẽ bác bỏ quan điểm trên của Luật sư Schlagenhauf và của TXT bằng cách nào? Chuyện mâu thuẫn và tranh chấp quyền lực trên thiên đình là bí mật… công khai, mà ai ai cũng biết. Thậm chí, bà Schlagenhauf còn đề cập tới cả bản báo cáo đề ngày 4/9/2016, mà TXT gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong đó TXT kết luận: “Tôi xin ra khỏi Đảng vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.”
Liệu có thể thuyết phục được dư luận trong và ngoài nước, rằng tất cả các yếu tố ấy không hề ảnh hưởng tới động cơ và tình cảm của những người ra quyết định khởi tố và truy nã quốc tế đối với TXT hay không? Và có thể chứng minh rằng vụ TXT không hề bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị hay không? Hãy bỏ qua những câu hỏi về nội tâm (khó xác định một cách rõ ràng), để trao đổi về bốn khía cạnh cụ thể, đã được công khai trên báo chí, mà phía Đức có thể dựa vào đó để lập luận.
II.4.a. Về thế lực chỉ đạo truy nã
Về hình thức, Bộ Công an đã phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với TXT vào ngày 16/9/2016. Nhưng dư luận thừa hiểu, rằng Bộ Công an không thể tự mình quyết định một việc “nhạy cảm” như vậy. Lệnh ấy chắc chắn phải đến từ thượng tầng. Tuy khâu quyết định ở hậu trường thuộc vào phạm trù “bí mật”, nhưng thực chất quyền lực đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hé lộ trong Hội nghị tiếp xúc cử tri tại huyện Đông Anh (Hà Nội) vào ngày 6/12/2016, khi tuyên bố “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”. Hơn 4 tháng sau, khi chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng vào ngày 17/4/2017, “Tổng Bí thư chỉ đạo tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án”.
Dư luận trong nước chắc chẳng hề lăn tăn, thậm chí còn ngợi ca Tổng Bí thư chỉ đạo sát sao và cương quyết chống tham nhũng. Nhưng người Đức có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao Tổng Bí thư ĐCSVN lại chỉ đạo truy bắt TXT? Để trả lời, hiển nhiên phía Việt Nam viện dẫn Điều 4 Hiến pháp, nơi hiến định “ĐCSVN… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Với bản năng “máy móc”, người Đức sẽ thắc mắc, rằng Điều 4 Hiến pháp cũng quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.” Mà “trong khuôn khổ”được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (có hiệu lực từ 27/11/2015), thì chẳng có cương vị lãnh đạo nào của ĐCSVN được liệt kê trong danh sách “những người… có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp” tại Điều 110, và “những người… có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam” tại Điều 113. Và cho dù vin vào chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (thành lập theo Quyết định số 162-QĐ/TW của Bộ Chính trị), thì người Đức cũng chẳng thông, vì đó chỉ là một ban của ĐCSVN, là thứ không hề được nhắc tới “trong khuôn khổ” của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Vậy là, theo “tư duy hạn hẹp” của người Đức, thì việc Tổng Bí thư của một đảng chính trị tuyên bố “bắt bằng được TXT” và “chỉ đạo tập trung lực lượng… truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án” đã đủ để cho thấy, đó là một vụ án mang tính chính trị, hay ít nhất là Tổng Bí thư đã chính trị hóa vụ án.
II.4.b. Về tội danh truy nã
Khi Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế vào ngày 16/9/2016, thì chỉ mới truy tố một tội danh, đó là “tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì ở CHXHCN Việt Nam thì quy định của Nhà nước thực ra là quy định của ĐCSVN. Do đó, “cố ý làm trái quy định của Nhà nước” cũng có nghĩa là “cố ý làm trái quy định của ĐCSVN”, và có thể giải thích đó là hành vi phản ứng lại chủ trương đường lối của một đảng phái chính trị. Vậy thì, theo cách tư duy của người Đức, rõ ràng hành vi phản ứng ấy của TXT mang tính chính trị.
II.4.c. Về lực lượng truy nã
Sáng ngày 30/7/2017, nhà báo Huy Đức đưa tin: “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ.” Status ngắn ngủi ấy đã gây xôn xao. Sau đó, khi phóng viên đặt câu hỏi về thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lí Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh muốn đưa thông tin chính thức từ lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm nói: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì.” Ngay tức khắc, vào lúc 12h50 ngày 30/7/2017, tờ báo mạng mang tên “Đại biểu Nhân dân” (tại địa chỉ https://quochoi.org/) đăng trên mục “Bút chiến trên mạng” bài “Sự thật về thông tin Trịnh Xuân Thanh về nước”. Bài đó được mở đầu như sau:
“Trên trang facebook cá nhân sáng nay, Trương Huy San (Osin Huy Đức) đã đăng tải dòng chia sẻ giật gân đầy khiêu khích rằng “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ”, dòng tin ngắn ngủi trên lập tức nhận được hàng ngàn lượt like, hàng trăm lượt chia sẻ, và dư luận bắt đầu bàn tán xôn xao. Vậy sự thật như thế nào?”
“Trong một phản ứng rất nhanh chóng và kịp thời, tại buổi trao đổi với PV Báo Pháp Luật TP HCM sáng nay (30/7), liên quan đến tin đồn cho rằng Bộ Công an đã dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam để phục vụ công tác điều tra, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì”.”
Thế nhưng vào hôm sau, ngày 31/7/2017, Bộ Công an lại đưa tin TXT “đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú”. Thậm chí, bà Petra Isabel Schlagenhauf (luật sư của TXT) còn viết trong thông cáo báo chí rằng:
“Người phụ nữ Việt Nam bị bắt cóc cùng với ông (tức TXT) nằm trong Bệnh viện Việt – Đức ở Hà Nội từ ngày 25/7/2017 dưới sự canh giữ của cảnh sát.”
“Vua không nói chơi”, nên Bộ trưởng Công an cũng không thể nói dối báo Pháp luật của Thành phố mang tên Hồ Chí Minh. Vì vậy, về nguyên tắc thì phải tin là Thượng tướng Tô Lâm đã nói thật. Tức là Bộ trưởng Công an “vẫn chưa có thông tin gì”, mặc dù TXT đã “về” mấy ngày rồi.
Điều 493 Khoản 1 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định:
“Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.”
Vậy mà Thủ trưởng tối cao của cái Cơ quan trung ương ấy lại không hề được biết về chiến dịch “đưa TXT về”. Theo cách nghĩ “đơn giản” của người Đức, khi chiến dịch ấy không phải do “Cơ quan trung ương của nước CHXHCN Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù” chỉ đạo và thực hiện, thì chắc hẳn do một băng đảng nào đó điều khiển. Và chiến dịch ấy có thể chỉ phục vụ đấu đá phe nhóm, chứ không thể là hoạt động chính đáng của nhà nước pháp quyền. Và hiển nhiên, đấy cũng là một dấu hiệu chính trị của vụ án TXT.
II.4.d. Về phương pháp truy nã
Đối với phía Đức thì đó là một vụ bắt cóc. Do tầm nghiêm trọng của vụ việc, Viện Tổng Công tố Liên bang Đức đã chính thức tiếp nhận nhiệm vụ điều tra từ Viện Công tố Berlin vào ngày 10/8/2017. Thông báo cùng ngày của Viện Tổng Công tố Liên bang có đoạn viết:
“Kết quả điều tra đến nay cho thấy, nạn nhân đã bị đưa về Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và từ đó bị đưa về Việt Nam. Trước bối cảnh ấy, Viện Tổng Công tố Liên bang đã tiếp nhận điều tra nghi án hoạt động gián điệp (Điều 99 Bộ luật Hình sự Đức) và tước đoạt tự do (Điều 239 Bộ luật Hình sự Đức).”
Bắt cóc TXT ngay giữa Thủ đô Berlin là hành vi giang hồ phi pháp, không thể coi là hành động chính đáng của một nhà nước pháp quyền. Thử hỏi, bạn sẽ chọn thuật ngữ “mang tính chính trị”, hay thuật ngữ “mang tính mafia”, hay thuật ngữ nào để đánh giá một vụ án được tiến hành như vậy?
II.4.e. Như vậy, xét tứ phía thì đều thấy đậm màu chính trị. Với những khía cạnh được trình bày trong phần II.4 này, thì làm sao có thể phủ định nghi ngờ về “tính chính trị”? Và làm sao có thể yêu cầu phía Đức vi phạm điều cấm: “Không được dẫn độ đối với hành vi mang tính chính trị” (IRG, Điều 6, Khoản 1)?
II.5. Tóm lại, chưa có bằng chứng chính xác nào có thể xác nhận lời tuyên bố của phía Việt Nam, rằng INTERPOL đã đưa tên TXT vào Thông báo Đỏ. Giả sử INTERPOL đã làm điều đó, thì “INTERPOL không thể ra lệnh bất cứ nước thành viên nào bắt giữ một cá nhân được đề cập trong Thông báo Đỏ” – đó là nguyên tắc của chính INTERPOL.
Việc phía Đức chấp nhận yêu cầu dẫn độ TXT là rất khó khăn, vì vấp phải mấy điều kiện nghiêm ngặt của luật pháp Đức.
Vướng mắc với điều kiện tương thích về tội danh (II.1) đã được khắc phục, sau khi khởi tố thêm vụ án hình sự đối với TXT về “tội tham ô tài sản” vào ngày 15/3/2017. Nhưng vì thế lại vấp phải điều kiện không được kết án tử hình (II.2), vì Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định mức án cao nhất cho “tội tham ô tài sản” là tử hình. Nếu Chính phủ Việt Nam tự ý cam đoan sẽ không kết án tử hình TXT, thì ít nhất cũng vi phạm Điều 103 Khoản 2 Hiến pháp 2013, “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.
Về điều kiện xét xử công bằng thì phía Việt Nam có thể đưa ra cam kết, nhưng cả người nói lẫn người nghe đều biết quá rõ, đó chỉ là câu chuyện viễn tưởng mà thôi. Cho dù phía Việt Nam thành tâm cam kết, thì phía Đức cũng thừa hiểu, quan niệm của hai xứ về xét xử công bằng quá khác nhau. Vì vậy, nếu Chính phủ Đức tỏ ra tin vào cam kết ấy của phía Việt Nam để chấp nhận dẫn độ, và nếu sau này TXT không được xét xử công bằng (theo quan niệm của phía Đức), thì các luật sư Đức của TXT có thể khởi kiện Chính phủ Đức trước tòa án Đức, với niềm tin thắng kiện.
Rào cản khó vượt qua nhất là điều kiện cấm dẫn độ đối với hành vi mang tính chính trị. Bởi vì có quá nhiều biểu hiện của yếu tố chính trị trong vụ án TXT, như đã được trình bày trong phần II.4.
III. Xử sự trong hoàn cảnh khó xử
Khi xác định được TXT đang ở Đức, chắc hẳn bên truy nã nghĩ sẽ tóm được kẻ lẩn trốn trong một thời gian ngắn. Bởi tin rằng “đối tác chiến lược” sẽ nhiệt tình ủng hộ truy bắt kẻ tham nhũng. Nhưng lại vấp phải cái “từ từ” của phía Đức. Quá sốt ruột, phía Việt Nam không hiểu nổi: Tại sao phía Đức lại chần chừ, không giải quyết ngay chuyện dẫn độ TXT cho xong?
III.1. Hãy cùng nhau quay trở lại với vụ án Haikel S. (được trình bày ở phần I.3), để từ đó mà thử tư duy trên cương vị người Đức. So sánh giữa vụ án Haikel S. và vụ án TXT, sẽ thấy mấy điểm khác nhau rất cơ bản:
– Tội tổ chức hoạt động khủng bố, giết người của Haikel S. trầm trọng gấp bội so với tội phạm kinh tế của TXT.
– Những tội mà Haikel S. gây ra trên đất Đức do phía Đức trực tiếp điều tra và kết luận. Những tội mà Haikel S. gây ra ngoài đất Đức mang tính chất khủng bố, giết người. Còn tội của TXT thì phía Đức chỉ được phía Việt Nam thông báo, và có thể vụ án mang yếu tố chính trị.
– Tội của Haikel S. ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Liên bang Đức, còn tội của TXT không gây ra tác hại cụ thể nào cho Liên bang Đức.
– Tội của Haikel S. có thể tiếp diễn trong tương lai, còn tội của TXT chỉ dừng lại ở quá khứ.
Vậy thì tại sao phía Đức phải tạm gác lại những vụ trầm trọng như vụ Haikel S., để ưu tiên giải quyết trước yêu cầu dẫn độ TXT?
Năm 2016 Liên bang Đức nhận được 745.545 đơn xin tị nạn. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2017 nhận thêm 129.903 đơn xin tị nạn. Một khối lượng công việc khổng lồ phải xử lý. Chỉ tiêu của Cơ quan Nhập cư và Tị nạn là mỗi nhân viên mỗi ngày phải thực hiện 3 cuộc phỏng vấn hoặc đưa ra 3,5 quyết định. Nhưng trên thực tế, bình quân mỗi nhân viên mỗi ngày chỉ thực hiện được 2 cuộc phỏng vấn hoặc đưa ra 2,5 quyết định, và chỉ 3 trong số 66 cơ sở xem xét tị nạn trên toàn quốc đạt được chỉ tiêu. Việc ngập đầu, làm không xuể, giục cái gì mà giục?
III.2. Mà tại sao phải vội? Chống tham nhũng là chuyện muôn thuở, có kết thúc đâu mà bảo cố làm cho xong. Chừng nào chế độ hiện thời còn tồn tại trên đất Việt Nam, thì chừng ấy bộ máy chống tham nhũng còn có thể tăng biên chế, chẳng lo bị thất nghiệp.
Tham nhũng nhan nhản mọi tầng, càng cao càng lộ liễu. Tại sao truy tố bằng được TXT, mà lại cố tình làm ngơ trước hàng ngàn, hàng vạn kẻ tham nhũng khác? Nếu vì tội to, thì còn nhiều kẻ tội to gấp bội. Nếu không dám đả hổ, thì còn nhiều kẻ ruồi muỗi hơn Thanh. Điều quan trọng là tất thảy đang lù lù ngay trước mắt, ở ngay trong nước, thậm chí nhiều kẻ còn đương chức đương quyền, tại sao không điệu ra phô diễn, mà phải sang tận Đức bắt bằng được TXT?
Vì hắn rất xấu, rất tham nhũng ư? Vậy ngài có khác hắn, hay cũng xêm xêm (rứa cả)? Cùng thuộc bộ phận không nhỏ được đào tạo quy củ trong cùng một lò học tập và làm theo, cùng được đảng tín nhiệm đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, rồi cùng được bổ nhiệm đúng quy trình.
Vì việc xử lý rất gấp gáp ư? Tội của TXT và đồng bọn thì các vị đã biết từ lâu, tại sao trước kia làm ngơ, mà bây giờ mới đem ra xét xử? Vì trước kia không đánh nổi do “phe nó” quá mạnh, còn bây giờ “khả thi” vì “rắn đã mất đầu” ư? Nói như vậy thì khác nào thừa nhận là đấu đá phe nhóm.
Vì TXT liên quan đến mấy tội phạm khác, nên phải bắt về để thẩm vấn điều tra và đứng ra làm chứng ư? Thiếu gì bằng chứng và nhân chứng, mà phải trông chờ cả vào TXT, như đấng cứu tinh. Khi quyết định bất chấp phản ứng của phía Đức để xông vào Berlin bắt TXT, thì có nghĩa là phải có đủ bằng chứng để kết tội TXT. Nếu đã có đủ bằng chứng và nếu quả thật “trọng chứng hơn trọng cung”, thì vắng TXT vẫn xét xử được đồng bọn, chứ đâu phải đợi hắn về giúp sức. Chả thế mà ông Vũ Quốc Hùng (Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương) đã quả quyết: “Việc xử lý kỷ luật cán bộ liên quan không lệ thuộc lắm vào việc bắt được Trịnh Xuân Thanh hay không.”
Rõ ràng, khó có thể tìm được lý do hợp lý, để thuyết phục phía Đức chấp nhận sớm dẫn độ TXT.
III.3. Trong hoàn cảnh phía Đức quá bận, lại vấp phải những rào cản pháp lý khó vượt qua, chỉ còn lại cách duy nhất, là phía Việt Nam phải kiên trì chờ đợi. Tiếc rằng lại không chịu đợi, mà đã hành động như nhiều người đã biết.
Nếu đúng như cáo buộc của phía Đức, là mật vụ Việt Nam đã bắt cóc TXT giữa Berlin để đem về Hà Nội, thì hành vi ấy không chỉ vi phạm thô bạo luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, mà còn vi phạm cả pháp luật Việt Nam. Vì Điều 492 (về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự) của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định rõ:
“Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau…”
Ra rả đại ngôn thượng tôn pháp luật, để rồi lại liều lĩnh hành động bất chấp pháp luật. Theo cách cảm thán của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì phải thốt lên: Thượng tôn pháp luật đến thế là cùng!
Tại sao phải hành động vội vã, đến mức cuồng dại và gây hậu quả nghiêm trọng đến như vậy? Chẳng lẽ quá cần kíp, để kịp thực hiện một âm mưu nào đó hay sao?
Với hành vi trắng trợn trên lãnh thổ CHLB Đức, họ xúc phạm Nhân dân Đức và Nhà nước CHLB Đức, đồng thời xúc phạm cả hàng chục triệu người Việt, và bôi nhọ hình ảnh của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
III.4. Vâng, tôi dùng từ “người Việt” để chỉ cả những người đang sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng sống trên đất Đức, trong đó có nhiều người đã mang quốc tịch khác. Và cố tình tránh dùng từ “Nhân dân Việt Nam”, mà chỉ viết rằng họ đã “xúc phạm cả hàng chục triệu người Việt”. Vì biết rằng còn có nhiều người không đồng cảm với mình. Suy nghĩ khác nhau là chuyện thường tình. Tôn trọng người khác chính kiến là nguyên tắc tối thiểu của cách sống văn minh. Vả lại, bản thân tôi cũng nhờ có điều kiện tiếp xúc với xã hội Đức, thì mới hiểu được những điều đang viết về người Đức, nên không thể đòi hỏi những người không có điều kiện tương tự phải hiểu tương tự.
Dẫu nghĩ như vậy, nhưng để truyền tải tinh thần của bài viết này, tôi vẫn muốn trao đổi đôi chút về mấy khía cạnh khác biệt so với Việt Nam. Để những người chưa đến Đức tham khảo, trước khi tiếp tục phê phán và chỉ trích cách xử sự của phía Đức trong vụ TXT.
III.4.a. Người Đức dùng tên “Luật cơ bản” (“Grundgesetz”, Đức hóa từ La-tinh “lex fundamentalis“) để chỉ hiến pháp, và thực sự quan niệm đó là luật cơ bản, mà tất cả đều phải tuân theo. Họ không coi hiến pháp như một thứ đồ trang sức chỉ để ngụy trang hay điểm tô cho chế độ. Họ không bao giờ chấp nhận để giới cầm quyền chỉ tận dụng hiến pháp khi hợp với khẩu vị, còn nếu không hợp thì sẵn sàng nhổ toẹt, ngang nhiên chà đạp lên hiến pháp. Và họ khó có thể hình dung ra cái cảnh quái đản: Chính quốc hội lập hiến lại ù lì, cố tình trì hoãn ban hành luật suốt mấy chục năm trời, hòng ngăn cản việc thực thi hiến pháp. Vả lại, ở Liên bang Đức, hiến pháp đã hiến định nội dung nào thì hiển nhiên nội dung ấy có hiệu lực pháp lý. Không có kiểu tư duy tôi tớ ngược đời: Hiến pháp phải đợi luật, luật phải đợi nghị định, nghị định phải đợi thông tư, và sau khi có thông tư hướng dẫn thì mọi người mới dám thực hiện. Cho nên, giả sử Quốc hội Đức cố tình trì hoãn ban hành luật, thì việc trì hoãn ấy cũng chẳng đem lại điều gì trên đất Đức.
Quyền tự do là thứ đương nhiên, bất khả xâm phạm. Hiến pháp hiến định quyền tự do cùng một số quyền con người và quyền công dân là để khẳng định và bảo vệ các quyền đó, chứ không phải để ban phát, hay cho phép. Ở Đức, người dân có quyền làm những điều mà pháp luật không cấm, nên không có kiểu luận tội quái đản “lợi dụng sự sơ hở của pháp luật” (xem bình luận trong bài “Quyền biểu tình của công dân”). Ngược lại, với tư cách đại diện cho bộ máy quyền lực nhà nước, các thành viên của bộ máy ấy chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép. (Một ví dụ cho lối tư duy này là lập luận của thẩm phán trong vụ án Daschner, khi kết tội Phó Giám đốc Cảnh sát Thành phố Frankfurt am Main Wolfgang Daschner và sĩ quan cảnh sát dưới quyền Ortwin Ennigkeit: Việc đe dọa gây đau đớn để ép khai báo không được quy định trong Luật Cảnh sát của Bang Hessen, nên không thể biện hộ hành vi của hai vị cảnh sát bởi lý do giải cứu khẩn cấp.) Thành thử, dù Thủ tướng Việt Nam có trao đổi với Thủ tướng Đức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, thì bà Angela Merkel cũng không thể vì chiều lòng “đối tác chiến lược” mà tùy tiện đưa ra quyết định trái pháp luật Đức, ảnh hưởng đến quyền tự do của TXT.
“Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 3 Khoản 1 Luật cơ bản Đức). Đó là một thực tế pháp lý trên đất Đức, chứ không phải là hiến định tương lai, hay dối trá trơ trẽn. “Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” (Điều 97 Khoàn 1 Luật cơ bản Đức). Nội dung tương tự cũng được hiến định tại Điều 103 Khoản 2 Hiến pháp Việt Nam. Chỉ khác nhau ở chỗ, ở Việt Nam thì điều ấy là ước vọng thiên đường, còn ở Đức thì điều ấy là hiện thực trần gian. Vì vậy, nếu Chính phủ Đức chấp nhận đề nghị dẫn độ TXT, mà trái với điều luật nào đó của Đức, thì các luật sư của TXT sẽ khởi kiện, và quyết định của Chính phủ Đức sẽ bị tòa án bác bỏ. Do đó, dù có thông cảm với sự nóng vội của “đối tác chiến lược”, thì phía Đức cũng không thể dại dột mà nóng vội theo.
III.4.b. Luật Luật sư của CHLB Đức (Bundesrechtsanwaltsordnung) trịnh trọng khẳng định ở Điều 1:
“Luật sư là một bộ phận bảo vệ pháp luật độc lập.“
Định nghĩa ngắn gọn này không chỉ khẳng định tính “độc lập”, mà còn nhấn mạnh chức năng “bảo vệ pháp luật” của luật sư. Cần hiểu đúng, chức năng “bảo vệ pháp luật” của luật sư không phải là chung tay với hệ thống cơ quan điều tra – cơ quan công tố – tòa án để “bảo vệ pháp luật”, mà ngược lại, là ngăn chặn hệ thống ấy vi phạm pháp luật. Nói nôm na, trách nhiệm của luật sư không phải là hợp tác, mà đối kháng với hệ thống cơ quan điều tra – cơ quan công tố – tòa án để “bảo vệ pháp luật”. Để cụ thể hóa chức năng này, Quy tắc Nghề luật sư (Berufsordnung für Rechtsanwälte) của Đức viết rõ tại Điều 1 Khoản 3:
Nhìn từ góc độ nhà nước pháp quyền, thì trách nhiệm vô cùng quan trọng của luật sư là giữ thăng bằng cho hệ thống pháp quyền. Vì không dựa trên quan điểm này, nên Quốc hội khóa XIV đã luẩn quẩn trong cuộc thảo luận về trách nhiệm tố cáo thân chủ của luật sư (khi sửa cái Bộ luật Hình sự vừa mới được thông qua mà đã phải dừng triển khai để sửa lại). Ý kiến ủng hộ thì cho rằng:
“Ngoài đạo đức luật sư, còn trách nhiệm, đạo đức của một công dân…”
Ý kiến phản đối thì lập luận:
May mà không có ai vận dụng cách lập luận “vỉa hè không phải là nơi xóa đói giảm nghèo”, để phán rằng “luật sư không phải là nơi giải quyết nạn thất nghiệp”.
Vấn đề cốt lõi là: Để hoàn thành tốt vai trò giữ thăng bằng hệ thống pháp quyền, luật sư phải đóng vai trò chuyên trách là làm đối trọng, chứ không thể sốt sắng nhảy sang phía bên kia, làm thay phần việc điều tra tội phạm của cơ quan điều tra. Nếu luật sư không chuyên tâm trụ lại ở bên đối trọng, để đảm đương trách nhiệm giữ thăng bằng, thì hệ thống pháp quyền át sẽ… tùng bê.
Chứng kiến cuộc tranh luận của Quốc hội thông qua tường thuật của đài báo, đã định lên tiếng góp ý, nhưng rồi lại thôi. Một mặt, vì quá bận, chỉ có thể bớt chút thời gian góp ý cho hiến pháp, và một khi đã “não lòng với hiến pháp”, thì luật cũng trở nên vô vị. Mặt khác lại nghĩ, hãy để giới luật sư tự bảo vệ mình, chứ nếu họ không bảo vệ nổi mình, thì còn bảo vệ được ai nữa.
Để đảm nhiệm tốt chức năng nghề nghiệp, thì luật sư Đức phải thường xuyên miệt mài bổ sung kiến thức, và công phu nghiêm túc khi nghiên cứu hồ sơ vụ án. Liên bang Đức không có chỗ cho loại luật sư chỉ bỏ chút thời gian liếc qua hồ sơ vụ án, rồi thắt cà vạt đến phiên tòa chém gió. Tòa án Đức thực sự tôn trọng tranh tụng, nên luật sư không thể đổ lỗi cho thẩm phán, để biện hộ cho sự kém cỏi và lười biếng của bản thân.
Là người có rất nhiều tiền, lại rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, chắc chắn TXT đã tìm thuê một nhóm luật sư cao thủ. Với dàn luật sư ấy, chính quyền Đức không dám qua mặt, và cũng không thể qua mặt, để đưa ra những quyết định trái luật nhằm dẫn độ TXT. Nếu vì lý do gì đó mà chính quyền Đức vẫn cố chấp nhận đề nghị dẫn độ TXT một cách trái luật, thì sẽ nắm chắc phần thua khi đối diện với luật sư tại tòa án.
III.4.c. Người Đức rất ghét các quan chức tham nhũng, nhất là quan chức tham nhũng mang danh cộng sản. Nhưng đừng nhắc nhở họ là TXT tham nhũng, để khêu gợi tình cảm chống tham nhũng. Bởi khi xử lý tội phạm, họ gạt tình cảm sang một bên và chỉ dựa vào cơ sở pháp lý. Nếu quả thật TXT phạm tội tham nhũng trầm trọng, và nếu vụ án chỉ đơn thuần nhằm trừng phạt tham nhũng, thì có quyền hy vọng rằng phía Đức sẽ chấp nhận dẫn độ TXT. Còn nếu vụ án có yếu tố chính trị, thì dù tham nhũng đến đâu đi nữa, TXT vẫn có thể được phép nương náu ở Đức. Một mặt, pháp luật Đức đã quy định như vậy, nên không ai có thể vi phạm. Mặt khác, phía Đức không thể an tâm giao nộp một kẻ tham nhũng cho một bộ máy tham nhũng xử lý.
Cách xử sự ấy có lẽ rất xa lạ và khó hiểu đối với cộng đồng đã được giáo dục kỹ lưỡng về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, đã thấm nhuần tinh thần không đội trời chung với kẻ thù. Nhưng trong một xã hội văn minh nhân đạo, người tốt không thể tước hết đường sống của người bị coi là xấu. Xã hội Đức khá nhân đạo, song chẳng mấy khi vỗ ngực tự khoe khoang là nhân đạo. Ngược lại, còn thường tự chỉ trích những biểu hiện thiếu nhân đạo, và điều đó khiến xã hội ngày càng nhân đạo hơn. Xã hội Việt Nam cũng nhân đạo, nhưng nặng về tự phong tự khen, bất chấp thực tế. Rồi khen hoài khen mãi, đến mức chẳng còn thời gian và sức lực để triển khai. Chưa kịp thực hành nhân đạo, thì đương nhiên chưa thể hiểu và thông cảm với cách cư xử nhân đạo.
III.4.d. Bạn có thể phê phán phía Đức không cương quyết chống tội phạm, song chớ chỉ trích họ “chứa chấp tội phạm”, bởi như vậy có thể bị coi là vu khống. Nếu muốn, bạn cứ việc cương quyết chống tội phạm theo cách của bạn, nhưng nhớ là chỉ làm thế ở trong nước của bạn. Và nếu phương châm sống của bạn là “mục đích biện minh cho phương tiện”, thì đừng quên rằng nó chỉ phù hợp với xứ sở luật rừng, đừng hồn nhiên xuất khẩu nó vào một cường quốc pháp quyền như Liên bang Đức. Các cụ đã dạy “nhập gia tùy tục”. Berlin thuộc “gia” Cộng hòa Liên bang Đức, nên nếu có đến đó thì phải tùy theo “tục” Đức, chứ đừng diễn tiếp “tục” rừng.
III.5. Tóm lại, cũng là nhà cầm quyền, nhưng nhà cầm quyền Berlin chỉ cầm cái quyền mà luật pháp Đức trao cho, không thể tùy tiện hành động vô độ như nhà cầm quyền ở chế độ độc đảng độc quyền. Trong hoàn cảnh pháp luật thật sự tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, luật sư thật sự được tôn trọng và đáng được tôn trọng, và tòa án thật sự xét xử công bằng theo đúng quy định của pháp luật, thì Chính phủ Đức không thể tùy tiện chấp nhận đề nghị dẫn độ TXT của Chính phủ Việt Nam. Do phía Đức phải giải quyết bao trường hợp khác, xuất hiện trước và nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ TXT, nên đương nhiên phía Việt Nam phải chờ, để đồng nghiệp Đức có thể tiến hành xem xét theo đúng trình tự pháp lý. Tiếc rằng, theo cáo buộc của phía Đức, thì phía Việt Nam đã không đợi, mà tiến hành bắt cóc TXT giữa Berlin để đem về Hà Nội. Nếu quả là như vậy, thì đó là một hành vi không thể chấp nhận được, vì nó vi phạm nghiêm trọng luật pháp Đức, luật pháp quốc tế và cả luật pháp Việt Nam.
IV. Cách nào chữa cháy
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng dõng dạc tuyên bố: “Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, chúng ta đã phát lệnh truy nã quốc tế, tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu.” Quả là cuối cùng họ đã bắt được TXT, và bắt bằng cách ấy. Trên đà thắng lợi, Tổng Bí thư hứng khởi ví von: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Vâng, khi đã “huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc”… đốt, thì tất nhiên cháy hết. Có điều, không chỉ cháy củi khô, củi tươi, mà cháy luôn cả nhà. Phải chăng, quán triệt phương châm “diệt chuột đừng để vỡ bình”, họ “giữ bình”bằng cách… đốt nhà để “diệt chuột”?
Nhà cháy, thay vì lao vào chữa cháy, cả guồng máy lại lặng im. Trong khi đó, lực lượng “quần chúng tự phát” lại đồng loạt ra tay, đổ thêm xăng vào lửa. Với những lời chỉ trích và lên án phía Đức một cách vô lối, họ góp phần làm cho tình hình vốn đã quá căng thẳng càng căng thẳng hơn.
Chưa bao giờ uy tín CHXHCN Việt Nam ở CHLB Đức và Cộng đồng chung Châu Âu lại bị hủy hoại nặng nề đến như vậy. Bao công sức ngoại giao và tô vẽ thể diện chế độ suốt mấy chục năm trời, nay bị hắt hết xuống sông xuống biển trong chốc lát.
Những hậu quả kinh tế, chính trị và ngoại giao lớn đến mức khó có thể lường hết được. Bỏ ra cả núi tiền để nuôi báo cô bộ máy thanh tra – kiểm tra khổng lồ, mà cả năm chỉ phát hiện ra mấy trường hợp tham nhũng và kê khai tài sản không trung thực, thì đã quá phi lý. Bây giờ, trong vụ TXT, nhân danh chống tham nhũng, mà lại gây thiệt hại gấp bội lần so với hậu quả tham nhũng của TXT, vậy thì chống để làm chi? Chẳng lẽ chỉ để giải quyết khâu sĩ diện của đấng cầm quyền?
Tình thế trầm trọng, nên xử lý thế nào? Sau đây là bốn phương án, mà các bên liên quan có thể tham khảo.
IV.1. Phương án kiên định nói thật
Trong trường hợp không hề bắt cóc TXT, thì đương nhiên phải kiên định với học thuyết “TXT đầu thú”. Có điều, để phủ định cáo buộc của phía Đức về việc bắt cóc TXT, thì phải thẳng thừng khẳng định không hề bắt cóc TXT. Chứ tránh từ “bắt cóc”, chỉ nói “TXT đầu thú” thì chưa đủ. Vì nếu đã bị bắt cóc và bị giam ở Việt Nam, thì việc TXT thừa nhận mình đã “đầu thú” là lựa chọn an toàn nhất.
IV.1.a. Khốn nỗi, kể cả trong trường hợp không hề bắt cóc TXT, thì dù nhà cầm quyền Việt Nam phủ định đến mấy, nhiều người Việt vẫn tin vào cáo buộc của phía Đức. Không phải vì tâm lý sính ngoại, mà vì dân ta đã phải nếm quá lâu và quá nhiều món dối trá của quan ta. Âu cũng là trả giá cho lạm phát dối trá mà thôi. Hơn nữa, tập quán hành xử côn đồ của giới công quyền Việt Nam không phải là điều xa lạ. Mỗi khi cướp đất của dân, hay đàn áp biểu tình yêu nước, hay khống chế những người tranh đấu cho quyền tự do dân chủ, họ thường áp dụng những biện pháp côn đồ. Thứ thì được triển khai bằng cách huy động côn đồ đích thực, và tuyên bố đó là “quần chúng tự phát”. Thứ thì được thực hiện bởi công an đóng vai côn đồ. Mà nhiều khi cũng chẳng cần phải đóng vai nữa. Trong đám ấy, có kẻ do tha hóa mà trở thành côn đồ, có kẻ qua đào tạo mà thành côn đồ, và cũng có kẻ đã là côn đồ từ trước khi chạy được vào ngành công an. Côn đồ thì ít học, lại ngông nghênh, nên nếu có nhảy vào Đức để bắt cóc TXT, thì cũng hợp với bản chất.
Mới đây thôi, hôm 15/4/2017 ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội), mấy kẻ đeo quân hàm sĩ quan của cái Quân đội mang tên Nhân dân đã lừa cụ Lê Đình Kình (82 tuổi đời, 55 tuổi đảng) ra đồng xác định mốc giới đất. Bỗng bất ngờ đá cụ đến mức gãy chân, rồi lẳng cụ lên xe ô tô như một con vật. Lại còn còng tay số tám và đút giẻ vào mồm, phóng 50 cây số đến số 7 Thiền Quang. Khi cụ kêu đau vì bị gãy chân, thì công an đưa đến Bệnh viện Quân đội 108, nhưng lại vu cho cụ là “đối tượng gây rối trật tự công cộng đang bị bắt”, để không ai đứng ra điều trị. Một người đôn hậu, trung thực và có tinh thần xây dựng như cụ Lê Đình Kình, chỉ vì chống tham nhũng mà bị lừa, bị bắt cóc và bị cư xử như thế, thì nếu kẻ tham nhũng mang tên TXT bị bắt cóc cũng chẳng có gì là lạ.
IV.1.b. Vấn đề đặt ra đối với nhà cầm quyền Hà Nội, là phải chứng minh thế nào, để những người đầy ngờ vực cũng tin? Chưng ra cái “Đơn xin tự thú” của TXT thì chẳng thuyết phục được mấy ai. Bởi căn cứ vào đâu, để có thể tin đó thực sự là đơn của TXT? Bút tích ư? Dân Việt thường chỉ được chiêm ngưỡng bút tích của Hồ Chí Minh, may chăng thì thêm bút tích của Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Đến như bút tích của đương kim Tổng Bí thư cũng thuộc loại “lạ”, thì làm sao “quen” được bút tích TXT? Ngay cả những người từng làm việc dưới trướng TXT, giữa thời buổi văn bản được dàn giúp việc xử lý vi tính và thủ trưởng chỉ cần ký, thì cũng chẳng mấy ai có may mắn thực mục sở thị nét chữ bậc lãnh đạo. Nếu dựa vào những biểu hiện văn hóa thấp trong lá đơn, thì càng ít thuyết phục. Trong hàng ngũ lãnh đạo, ít chữ đâu chỉ có TXT. Bộ trưởng còn ngọng, thì tại sao Phó Chủ tịch Tỉnh không có quyền ngọng?
Cho nên, cần phải công bố những hình ảnh sống động để làm minh chứng. Đoạn video chớp nhoáng được công bố trên chương trình thời sự của VTV1 vào 19 giờ tối ngày 3/8/2017 chưa đủ để phủ định cáo buộc bắt cóc. Người có ý định đầu thú lo nhất là bị đồng bọn thủ tiêu. Nên khi đã chủ động đầu thú và đầu thú thành công, được bộ máy an ninh bảo vệ an toàn, lại được ưu đãi vì đã tự nguyện đầu thú, thì phải tươi tỉnh, thư giãn, chứ không thể căng thẳng, phờ phạc như vậy.
Nếu bột phát đầu thú ngoài khuôn khổ tổ chức, thì việc vượt biên về nước (khi đã có lệnh truy nã) còn khó hơn gấp bội so với lần vượt biên khỏi Việt Nam (khi chưa có lệnh truy nã). Nói thẳng ra là TXT không thể tự ý lù lù nhập cảnh, rồi “đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú”. Cho nên, chắc chắn TXT đã phải có những buổi làm việc với đại diện của tổ chức, để được tổ chức đưa về nước. Và cái tổ chức ấy chắc chắn có cơ sở làm việc an toàn, nơi có thể quay video đầy đủ quá trình bàn bạc để làm tư liệu. Khi về nước không thể trống dong cờ mở như đón đội tuyển Olympic, nhưng chắc chắn phải ngầm quay phim quá trình nhập cảnh và đi từ sân bay đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an, để làm minh chứng cho sự tự nguyện trở về. Đó là chưa kể đến dấu xuất cảnh đóng trong hộ chiếu, nếu quả thật TXT đã rời Đức một cách hợp pháp. Hãy công bố tất cả những tư liệu ấy để giảm bớt lăn tăn.
Trong “Đơn xin tự thú”, TXT viết:
“Được sự động viên của gia đình và bạn bè, tôi đã về Việt Nam và đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật.”
Nếu đúng như vậy, thì không chỉ TXT đáng được hưởng sự khoan hồng, mà cả gia đình và bạn bè cũng xứng đáng được khen thưởng. Hình thức thưởng thấp nhất là cho phép TXT, vợ con và cha mẹ gặp mặt, nghẹn ngào mừng rỡ ôm nhau (trước sự giám sát chặt chẽ của an ninh, nên chẳng có gì đáng ngại). Nếu vợ con TXT chưa về nước được, thì quay phim phỏng vấn ở nước ngoài. Như vậy càng tốt, tránh được tiếng dèm pha, rằng tất cả chỉ là màn kịch được dựng lên trong nhà tù lớn. Việc đó chắc chắn chỉ tốt, chứ không thể gây ảnh hưởng xấu đến quá trình xử lý vụ án. Quan trọng là phải quay những đoạn phim sống động, rồi công bố trên VTV. Tại sao không?
Khúc mắc khó xơi nhất là phản ứng của mấy luật sư Đức. Từ trước đến nay TXT vẫn nói với họ, rằng không bao giờ tự nguyện nộp mình cho các cơ quan Việt Nam, bởi biết rõ, vì lý do chính trị, sẽ không được xét xử công bằng. Giả sử bỗng nhiên TXT đổi ý, định về nước đầu thú, thì ít nhất trước đó hắn cũng phải nói với họ, rằng tôi có việc phải đi xa và không muốn tiếp tục thuê luật sư nữa, nên chúng ta thanh toán và chấm dứt hợp đồng. Đằng này, hắn chẳng nói gì, chưa thanh toán tiền công luật sư đã biến. Phải chăng hắn có ý bùng để quịt tiền công? Nhưng tài sản của hắn vẫn còn nằm trên đất Đức, bùng thế nào được mà bùng? Không bùng, thì trước khi chủ động và tự nguyện rời khỏi nước Đức, hắn cũng phải tuyên bố chấm dứt hợp đồng thuê luật sư, để đỡ tốn tiền thuê luật sư một cách vô ích. Tiền Euro chứ có phải vỏ hến đâu. Một tay tham lam, lại hết thời như hắn, mà không kịp cắt hợp đồng, thì đích thị bị… bắt cóc rồi. Để xóa bỏ những suy diễn bất lợi như vậy, đơn giản nhất và tốt nhất là mời bà Petra Isabel Schlagenhauf cùng mấy luật sư khác đến Việt Nam, để trực tiếp đối chất với TXT. Lúc đó, chỉ việc quay phim buổi tiếp xúc giữa TXT và luật sư Đức, rồi công chiếu trên VTV, thế là xong.
Nếu công bố ngay lập tức mấy đoạn video tư liệu về hành trình tự đầu thú của TXT, tiếp đó quay và công chiếu cảnh gặp gỡ vui vẻ giữa TXT với người thân, và cảnh các luật sư Đức đối chất với TXT, thì sẽ khiến nhiều người tin hơn. Ngược lại, nếu thiếu một trong ba cảnh ấy, thì khó lòng xóa hết mọi nghi ngờ.
Thực ra, giá trị thuyết phục của mấy đoạn video kiểu ấy cũng không cao. Vì khi đã nằm trong trại giam ở Việt Nam, thì đương nhiên TXT sẽ phải làm theo mọi sắp đặt của công an, gia đình và người thân cũng phải “hợp tác” để giảm thiểu mức trừng phạt đối với TXT. Mặc dù vậy, có còn hơn không. Im lặng càng lâu, thì dư luận càng nghi ngờ là đang câu giờ để ngụy tạo. Do đó, không thể chần chừ thêm nữa. Nếu quả thật không bắt cóc TXT, thì phải lập tức công bố mấy đoạn video ấy, để chứng tỏ vô tội.
IV.2. Phương án kiên định nói dối
Trong trường hợp đã bắt cóc TXT, thì kiên định khẳng định học thuyết “TXT đầu thú” vẫn là phương án dễ thực hiện nhất. Nói dễ là vì nó vừa phù hợp với bản năng, vừa hợp với truyền thống và bề dày kinh nghiệm, đã gom góp suốt mấy chục năm kiên định, khẳng định tính ưu việt và sự tất thắng của học thuyết “xã hội chủ nghĩa”. Về bản chất hiện thực, cả hai học thuyết đều giống nhau. Nhưng “xã hội chủ nghĩa” là thứ mà Thế giới đã chứng kiến trên thực tế suốt 100 năm (1917 – 2017), và đã ngã ngũ gần 30 năm trước – Vậy mà vẫn còn kiên định được. Còn học thuyết “TXT đầu thú” chưa đầy tháng, và chỉ mấy nhóm nhỏ trong bộ máy cầm quyền của hai nước biết rõ sự thật, số còn lại chỉ “nghe hơi nồi chõ” mà thôi – Vậy thì, trong hoàn cảnh chủ trương nhất quán của lãnh đạo đảng là kiên quyết chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiên định nào có khó.
IV.2.a. Cho dù xác định ngay từ đầu là sẽ nói dối, thì các nhà thực thi kiên định nói dối cũng cần hiểu, bàn đàm phán không phải là nơi để hai bên thi thố lừa nhau. Cho nên, cần tỉnh táo xác định xem có thể nói dối đến mức nào. Để xác định được giới hạn hợp lý, thì phải đánh giá đúng mức độ chênh lệch mặt bằng nói dối giữa hai nền văn hóa. Cả hai bên đều có thể nói dối, nhất là ở chính trường, nơi nói dối đã trở thành tập quán quốc tế. Nhưng cung bậc rất khác nhau, không chỉ về tần suất nói dối, mà cả về tâm lý nói dối. Một bên nói dối khi cần, nói dối rồi thì sợ lộ. Bên kia lại nói dối cả những điều không cần hoặc không nên nói dối, cốt là để mua vui; nói dối xong thì đem khoe, nhằm chứng tỏ ta đây thông minh sắc sảo hơn người. Một bên có đa số quanh năm nghiêm túc, nên đặt ra ngày cá tháng tư, để họ có dịp nói dối nhằm thư dãn đôi chút. Bên kia nói dối quanh năm, lẽ ra nên đặt ra một ngày nói thật để nghiêm túc lên một tí, thì lại nhập khẩu thêm ngày cá tháng tư, để nói dối thả phanh cho đã. Nếu không ý thức được độ vênh đó, rồi nghĩ rằng ta nói dối, họ cũng nói dối, thế là một đều. Trong hoàn cảnh đại diện cho bên có lỗi, nếu không hiểu được mức độ nghiêm túc và hiểu biết của đối phương, mà nói dối quá đà, thì chỉ khiến đối phương càng thêm phẫn nộ.
IV.2.b. Khi đôi co, đừng chủ quan nghĩ rằng phía Đức không hề biết những điều mình đang chối cãi. Họ rất giỏi điều tra, đồng thời cũng rất thận trọng và dè dặt trong phát ngôn. Thường thì họ chỉ hé ra một phần nhỏ những điều đã biết, mang tính cảnh báo. Phần còn lại giữ kín làm tư liệu đối chứng, để đánh giá đối phương, và làm quỹ dự phòng, để tung ra khi cần vạch mặt. Nếu không tin, hãy hỏi kinh nghiệm của bao người Việt, từng lang thang buôn thuốc lá trên đất Đức vào thập kỷ 90. Khi ấy, bà con mình sử dụng mấy tên giả khác nhau, để nhập vào mấy trại tị nạn khác nhau. Nhập càng nhiều trại thì càng lĩnh được nhiều tiêu chuẩn tị nạn. Và mỗi lần bị bắt vì tội buôn lậu thuốc lá, thì lại khai ra một bí danh tị nạn cùng với tên trại tị nạn tương ứng. Khai tên gì cảnh sát Đức cũng lẳng lặng ghi chép tên ấy. Thế rồi, sau bao năm tỏ ra nhẹ dạ cả tin, đến khi ký kết xong với phía Việt Nam về việc tiếp nhận lại một số người vượt biên vào Đức, cảnh sát Đức lần lượt bắt từng người. Và lại hỏi tên như thường lệ. Nghe xong câu trả lời thì nhỏ nhẹ: Thôi, họ tên quê quán thật của ngài là thế này, hãy nhận lại đi. Thế là hết vở. Vậy nên, đừng thấy đối phương lặng lẽ lắng nghe, mà tưởng mình lừa giỏi, lại tiếp tục liên thiên, cố chứng minh bản thân… xỏ lá.
Để minh họa về độ trễ lật bài của phía Đức trong vụ TXT, có thể nêu ra ví dụ về chiếc xe gây án, được thuê tại Praha (Cộng hòa Séc), cách nơi gây án Berlin 430 km. Theo thông cáo báo chí của Luật sư Petra Isabel Schlagenhauf, TXT bị bắt cóc vào khoảng 10h30 ngày 23/7/2017, trong lúc đang đi dạo ở công viên Tiergarten ở Berlin, và cảnh sát Berlin bắt đầu tiến hành điều tra sự việc vào ngày 24/7/2017. Theo ông Bùi Quang Hiếu (người cho thuê chiếc xe), ngày 28/7/2017 (tức là 4 ngày sau khi bắt đầu điều tra) cảnh sát đã đến tra hỏi ông và thu giữ chiếc xe. Vì được đăng ký chống trộm với công ty bảo vệ, nên dữ liệu GPS về toàn bộ lộ trình chiếc xe được lưu trữ đầy đủ. Do đó có thể nói, đến ngày 28/7/2017 cơ quan điều tra đã biết khá nhiều về bản chất và diễn biến vụ bắt cóc. Vậy mà ngày 4/8/2017 (tức là 7 ngày sau khi thu xe), thông tin về chiếc xe gây án có cài đặt hệ thống GPS mới được hở ra cho báo chí. Có lẽ, sau khi Bộ Ngoại giao CHLB Đức đã ra thông cáo báo chí vào ngày 2/8/2017, mà phía Việt Nam vẫn không có động thái thừa nhận, nên phía Đức mới phải bồi thêm thông tin về chiếc xe, để cảnh cáo nhắc nhở.
Hiển nhiên, muộn nhất là ngày 28/7/2017, khi cả người cho thuê lẫn người thuê xe đều bị cảnh sát thẩm vấn và chiếc xe gây án bị thu giữ, thì đường dây đã biết rằng bị lộ. Và có lẽ đó không phải dấu hiệu bị lộ duy nhất. Bởi vì ngày 25/07/2017 (tức là 3 ngày trước khi thu xe), cảnh sát đã thông báo cho Luật sư Petra Isabel Schlagenhauf: Hầu như không còn nghi ngờ gì về việc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một người Việt giữa Berlin. Thử hỏi, việc Bộ Công an đột ngột đưa tin “TXT đầu thú” vào ngày 31/7/2017 chịu tác động nhiều hơn bởi yếu tố bị lộ (ở Đức và Séc), hay bởi câu “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ” do Huy Đức viết vào ngày 30/7/2017? Một số người quy hết trách nhiệm cho Huy Đức, đã để lộ bí mật quốc gia, khiến chính quyền rơi vào thế bị động, phải vội vã công bố tin “TXT đầu thú”, nên không có đủ thời gian diễn trọn kịch bản, dẫn đến tổn thất to lớn cho đất nước. Bắt cóc TXT thì được bênh vực. Để lộ chuyện “TXT về” thì bị lên án, bị đổ hết trách nhiệm lên đầu. Như vậy liệu có công bằng không?
IV.2.c. Điều quan trọng nhất, trước quyết định kiên định nói dối, thì cần ước lượng xem sẽ kiên định được bao lâu. Người Đức có câu: “Lügen haben kurze Beine”. Dịch nôm na là “dối trá ngắn chân”, nên không đi được xa, không trụ được lâu, chẳng mấy chốc sẽ phải dừng lại. Tức là, nếu dối trá thì sớm muộn cũng bị lộ tẩy. Nếu cuối cùng cũng phải thừa nhận, thì nhận sớm có hơn không?
Vẫn lưỡng lự, có lẽ vì sợ mất thể diện. Đối với những người đã quá thất vọng, thì thể diện lãnh đạo chẳng còn, để mà lo mất. Nhưng đối với triệu người còn bám phao niềm tin xì hơi, để biện hộ đời mình, thì mất thể diện lãnh đạo sẽ khiến mất niềm tin, khó tránh khỏi đổ vỡ. Đau đớn nhất là những ai không chỉ tin tưởng, mà còn đem cả danh dự cá nhân để bảo vệ uy tín của tổ chức. Tiếc thay, chế độ không thể bền vững khi dựa vào niềm tin mê man.
Nên hiểu rằng: Nếu thừa nhận đủ sớm, thì còn có cơ hội đổ lỗi cho “phường đánh máy” và dễ khắc phục hậu quả hơn. Ngược lại, im lặng hay cố cãi càng lâu, thì chứng tỏ cấp ra lệnh càng cao. Thiên hạ có thể suy diễn tùy tiện, ví dụ như sau: Kiên định nói dối 5 ngày chứng tỏ vị đầu têu tầm vụ trưởng. Kiên định nói dối 10 ngày chứng tỏ vị đầu têu tầm bộ trưởng. Kiên định nói dối 20 ngày chứng tỏ vị đầu têu cỡ thủ tướng. Kiên định nói dối 30 ngày chứng tỏ vị đầu têu là… ai?
IV.3. Phương án thành khẩn hối lỗi
Xét tiếp trường hợp đã bắt cóc TXT, thì theo phương án này, cần sớm thừa nhận sai lầm. Việc chỉ ra vị đầu têu đích thực có thể chỉ là vấn đề thứ yếu. Vì có lẽ phía Đức cũng tránh truy cứu đến cùng, nếu nghĩ đó là chốn… tận cùng. Quan trọng hơn, là phải chân thành thừa nhận, rằng hành động như vậy là sai, và phải thành tâm xin lỗi.
IV.3.a. Thừa nhận và xin lỗi vẫn chưa đủ. Trong thông cáo báo chí ngày 2/8/2017 của Bộ Ngoại giao Đức, phía Đức chẳng đòi phía Việt Nam phải thừa nhận hay xin lỗi, mà thẳng thừng lên án “sự vi phạm trắng trợn chưa từng có đối với luật pháp Đức và luật pháp quốc tế”, đồng thời khẳng định rõ ràng rằng:
“Die Bundesregierung verlangt, dass Herr Trinh Xuan Thanh unverzüglich nach Deutschland zurückreisen kann, damit der Antrag auf Auslieferung und der Antrag auf Asyl jeweils in einem rechtstaatlichen Verfahren zu Ende geprüft werden können.”
Dịch ra tiếng Việt là:
“Chính phủ Liên bang Đức đòi hỏi, rằng ông Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức, để cả đề nghị dẫn độ và đơn xin tỵ nạn đều có thể được xem xét đến cùng đúng theo trình tự pháp lý.”
Nghĩa là Chính phủ Đức yêu cầu phía Việt Nam để cho “ông Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức”, tất nhiên là theo nguyện vọng của TXT.
Tiếc rằng, không hiểu do vô tình hay hữu ý, mà một số báo lại viết rằng: “Đức yêu cầu Việt Nam trao trả ông Trịnh Xuân Thanh”. Thuật ngữ “trao trả“ đã khiến một số người hiểu lầm, lạc vào cuộc tranh luận, rằng TXT là công dân Việt Nam, tại sao phía Đức lại đưa ra đòi hỏi phi lý, là Việt Nam phải “trao trả“ TXT cho Đức?
Tất nhiên phía Việt Nam có thể trưng ra một đoạn video, trong đó TXT tuyên bố, rằng ông ta đã về nước một cách tự nguyện, và hiện nay không muốn quay lại Đức nữa. Song, khi mà phía Đức đã tuyên bố, rằng việc tổ chức bắt cóc TXT giữa Thủ đô Berlin đã “hủy hoại nghiêm trọng lòng tin”, thì họ sẽ không thể tin vào tính trung thực của đoạn video. Họ chỉ tin, khi TXT được quay lại Đức, đứng trên mảnh đất tự do, trong hoàn cảnh không hề bị khống chế, tuyên bố rút lại đơn xin tị nạn, và tự nguyện trở về Việt Nam để đầu thú. Nếu phía Đức chỉ đòi hỏi có vậy, thì dựa vào đâu mà phía Việt Nam từ chối?
Cho nên, để chứng tỏ thực sự chân thành, thực sự thành tâm, Chính phủ Việt Nam buộc phải chấp nhận thực hiện đòi hỏi của Chính phủ Đức, là để “Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức”. Và chỉ như vậy thì phía Đức mới tin vào sự thành tâm của phía Việt Nam.
Lý do khiến phía Đức đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định đòi hỏi phải để “Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức”, không phải nhằm khôi phục lòng tin với “đối tác chiến lược”, mà để khôi phục sự tôn nghiêm pháp quyền, đã bị hành vi bắt cóc làm tổn thương, và để chứng tỏ với dân Đức, rằng Chính phủ Đức đã kết luận đúng và không hành động nửa vời. Nghĩa là vừa đảm bảo tính nguyên tắc, vừa bảo vệ danh dự của Chính phủ Đức.
IV.3.b. Nếu chấp nhận đòi hỏi của Chính phủ Đức, nhà cầm quyền Hà Nội lại lúng túng với câu hỏi của dư luận trong nước: Tại sao lại thả một kẻ đã bị truy tố, bị truy nã, mà phải mất rất nhiều thời gian công sức thì mới bắt được? Phải giải thích thế nào với những công dân đang hồ hởi, coi việc tóm được TXT là một thành công lớn của công tác chống tham nhũng, dưới sự lãnh đạo tài tình của Tổng Bí thư?
Có lẽ chẳng còn cách nào khác, là Chính phủ Việt Nam phải công khai thừa nhận với toàn dân, là cách bắt TXT như vậy là sai, là vi phạm luật pháp Đức, luật pháp quốc tế, và cả luật pháp Việt Nam. Kết quả của hành vi phi pháp thì không thể coi là một thành công, nên bây giờ phải hủy bỏ, bằng cách tạm thả TXT ra để khắc phục hậu quả, rồi sau đó sẽ tiến hành bắt lại từ đầu, theo đúng với quy định của pháp luật.
Lo mất mặt ư? Sai lầm tày trời của cải cách ruộng đất mà còn dám thừa nhận, thì tại sao không dám thừa nhận sai lầm trong vụ TXT? Đã phạm biết bao sai lầm người người đều biết, thừa nhận vài sai lầm thì có quá nhiều đâu? Tiếc thay, thừa nhận sai lầm đã trở thành một thứ quý hiếm, có nguy cơ bị tiệt chủng trong quần thể mà sĩ diện cao hơn hẳn lòng tự trọng.
IV.3.c. Chắc Chính phủ Việt Nam lo ngại, xử lý như vậy là thả hổ về rừng, sẽ không bắt lại được. Điều đó là hiện thực. Nếu khi trở lại Đức, TXT không rút đơn xin tị nạn, mà tiếp tục xin tị nạn chính trị, thì khả năng được chấp nhận rất cao. Đơn giản vì nhà cầm quyền Hà Nội đã vô tình giúp TXT, chứng minh rằng có yếu tố chính trị trong việc truy nã TXT. Và cho dù đơn xin tị nạn không được chấp nhận, thì khó lòng có chuyện dẫn độ. Vì sao? Với việc bắt cóc trắng trợn diễn ra giữa Thủ đô Berlin, các luật sư của TXT đã có đủ bằng chứng, để chứng minh yếu tố chính trị của vụ án, và để lập luận rằng: Không thể đảm bảo TXT sẽ được xét xử công bằng và đúng luật bởi một bộ máy công quyền sẵn sàng vi phạm pháp luật Đức một cách thô bạo. Với hai lý do ấy, chẳng thế lực nào có thể thắng nổi các luật sư Đức trước tòa án Đức. Và khi đó, TXT sẽ không bị dẫn độ từ Đức về Việt Nam.
Nếu kết cục sẽ như vậy, thì thể diện của nhà cầm quyền Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng mất mát sẽ không quá nhiều. Những gì cần khai thác và lưu trữ để phục vụ các vụ án liên quan thì họ đã kịp thu thập đủ, trước khi để TXT quay lại Berlin. Thậm chí, việc TXT biến khỏi Việt Nam còn giảm bớt nguy cơ hắn sẽ khai quá đà, lộ cả “thành tích” của các đồng chí “phe ta”. Quan trọng là quyết định không dẫn độ TXT sẽ là bằng chứng hùng hồn, để thế lực cầm quyền ở Việt Nam có thể biện minh cho hành vi bắt cóc: Thấy chưa, ngoài phương án vào Đức để bắt cóc tên tội phạm TXT, thì còn cách nào khác nữa đâu.
IV.3.d. Về phía Đức, nếu TXT được thả khỏi trại giam và trở lại Đức, thì đó là một thành công, cả về mặt ngoại giao lẫn mặt pháp lý. Bộ máy an ninh cũng đỡ bị mang tiếng là kém cỏi, để mật vụ cộng sản hoành hành bắt người giữa Thủ đô. Có điều, sau khi hoan hỉ thì chẳng biết nên làm gì với chiến lợi phẩm. Vốn dĩ TXT chỉ là loại vô danh ở Đức, nay nhờ có vụ bắt cóc mà trở nên nổi tiếng, thế mới đâm ra khó xử. Cưu mang một mình TXT thì chẳng thành vấn đề, nhưng nhỡ đám quan chức cộng sản tham nhũng tưởng đó là tín hiệu vẫy gọi, khi bị truy nã kéo cả sang Đức thì sao? Ừ thì họ không phải là đối tượng mà xã hội Đức e ngại, như đám khủng bố IS, nhưng chính quyền Đức cũng chẳng thích thú gì, khi phải liên miên xử lý đề nghị dẫn độ của “bên thắng cuộc”. Và nếu không chấp nhận dẫn độ đủ nhanh, thỉnh thoảng lại diễn ra một vụ bắt cóc ở Đức thì sao?
Nếu dẫn độ được, thì cũng nhẹ gánh. Nhưng khổ nỗi không thể thắng nổi mấy vị luật sư, và cũng không thể qua mặt tòa án để mà dẫn độ. Cuối cùng, khi phải chấp nhận cho TXT tị nạn chính trị ở Đức, thì lại bị chính quyền và dư luận Việt Nam chỉ trích là chứa chấp tội phạm. Kể cả khi TXT tự mình ra khỏi Đức, để lẩn trốn ở một nước khác, thì có thể phía Việt Nam vẫn cáo buộc phía Đức bao che, giấu tên tội phạm ở đâu đó trong nước Đức. Ngoài niềm hoan hỉ ban đầu, thì chẳng được thêm cái gì, mà chỉ thấy mất mà thôi.
IV.4. Phương án cùng thắng
Trong phần này, ta xét tiếp trường hợp đã bắt cóc TXT, phía Việt Nam chân thành thừa nhận, rằng hành động như vậy là sai, và thành tâm xin lỗi. Song khác phương án IV.3 ở chỗ, phía Việt Nam không để “Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức”. Vậy thì phía Đức nên giải quyết thế nào? Một giải pháp có thể chấp nhận được, là dàn xếp để sớm xét xử TXT ở Việt Nam, với sự giám sát của đại diện Chính phủ Đức, với sự bào chữa của luật sư Đức, và với sự chứng kiến đưa tin của báo chí Đức.
Đây là một giải pháp khả thi. Chính phủ Đức đã có nhượng bộ trong vấn đề quan trọng và hóc búa nhất, nên để đổi lại, có quyền đòi hỏi phải có “sự giám sát của đại diện Chính phủ Đức, với sự bào chữa của luật sư Đức, và với sự chứng kiến đưa tin của báo chí Đức” khi xét xử TXT. Chính phủ Việt Nam là bên có lỗi, nên được như vậy là đã quá nhiều, tốt hơn hẳn so với việc phải để “Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức”.
Vả lại, vẫn thường khẳng định là xét xử công bằng và công khai, thì phía Việt Nam không thể đưa ra lý do chính đáng nào để từ chối luật sư Đức và nhà báo Đức. Và nếu quả thật không định làm điều gì khuất tất, thì không việc gì phải khước từ sự giám sát của đại diện Chính phủ Đức. Thậm chí, trong hoàn cảnh này, Chính phủ Việt Nam còn phải chủ động mời Chính phủ Đức cử đại diện đến chứng kiến phiên xét xử, để giảm căng thẳng ngoại giao và chứng tỏ mình xét xử công bằng.
Đây là phương án mà mọi bên đều cùng thắng (win-win). Để chứng minh nhận định này, sau đây ta sẽ lần lượt xét kiểu thắng của từng bên.
IV.4.a. Đối với Chính phủ Việt Nam, đây là phương án tốt nhất trong trường hợp đã bắt cóc TXT. Trong khuôn khổ của bài viết này và trong trường hợp này, “tốt nhất” có nghĩa là tốt hơn “phương án kiên định nói dối” (được trình bày ở phần IV.2) và “phương án thành khẩn hối lỗi” (được trình bày ở phần IV.3).
Thật vậy, đối với Chính phủ Việt Nam thì rõ ràng phương án này tốt hơn hẳn “phương án thành khẩn hối lỗi”, trong đó chấp nhận phải để “Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức”. Còn nếu lựa chọn “phương án kiên định nói dối”, thì chắc chắn cuối cùng cũng sẽ bị lộ, sẽ nhục nhã ê chề, mất hết thể diện ở cả trong nước lẫn trên trường quốc tế.
Một lợi thế của phương án này, là có thể giấu kín quá trình và kết quả đàm phán. Nên bộ máy tuyên truyền, báo chí vẫn có thể ca tiếp bài “ta thắng địch thua”, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của lãnh đạo đảng. Tất nhiên, phía Đức sẽ phải công bố một số nội dung để đáp ứng đòi hỏi của dư luận Đức. Nhưng chặn một số đường truy cập internet và cấm đài báo trong nước đưa tin, thì cũng có thể nâng giấc ngủ ngon cho mấy chục triệu công dân.
IV.4.b. Đối với Chính phủ Liên bang Đức, đây có lẽ cũng là phương án tốt nhất. Nếu phía Việt Nam chọn “phương án kiên định nói dối”, thì phía Đức có thể tung ra các bằng chứng vạch trần. Nhưng nếu vẫn cứ trơ trơ thì biết làm gì tiếp? Công khai tố cáo hành vi xấu xa của chính quyền cộng sản, thì dân Đức lại phẩy tay, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Trừng phạt kinh tế thì thiệt hại cả đôi bên, lại làm khổ lây cả dân lành vô tội; còn bọn tham quan thì vẫn phây phây, bởi đối với chúng thì tài sản toàn dân mới là nguồn vơ vét vô tận. Cuối cùng thì vẫn phải dàn hòa, để bắt tay hợp tác. Còn nếu phía Việt Nam nhận lỗi và đồng ý để “Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức”, thì lại phải gánh hậu họa đã được phân tích trong phần IV.3.d.
Nói cho cùng, sở dĩ phía Đức chưa chấp nhận, hoặc không chấp nhận dẫn độ TXT về Việt Nam, là do lo ngại TXT không được xét xử công bằng, đúng pháp luật. Điều đó là hiện thực. Nhưng nếu chọn “phương án cùng thắng”, với sự giám sát của đại diện Chính phủ Đức, sự bào chữa của luật sư Đức, cùng sự chứng kiến đưa tin của báo chí Đức, thì khả năng TXT được xét xử công bằng tăng lên rất nhiều. Còn nếu TXT vẫn không được xét xử công bằng, thì đó cũng là bằng chứng hùng hồn, chứng tỏ điều phía Đức lo ngại là đúng. Vì thế, phía Việt Nam không thể dùng lý do chưa dẫn độ hoặc không dẫn độ để biện hộ cho hành vi bắt cóc. Có nghĩa là sự cáo buộc và lên án của Chính phủ Đức là hoàn toàn chính xác.
Có thể coi sự hiện diện của phía Đức trong phiên tòa xét xử TXT tại Hà Nội là một thành công đặc biệt của Chính phủ Đức, vì chưa bao giờ Chính phủ Việt Nam chấp nhận một sự “can thiệp” tương tự. Qua đó có thể góp phần đem lại một phiên tòa mẫu mực, phù hợp với nguyên tắc nhà nước pháp quyền đích thực, thứ hoàn toàn xa lạ ở Việt Nam. Và có thể dùng nó làm cú hích khởi đầu, giúp cho các lực lượng tiến bộ ở Việt Nam có thêm động lực để tiến hành cải cách thực sự, nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền đích thực.
Những phiên xét xử chuẩn mực như vậy không chỉ kích thích hệ thống tòa án chuyển mình, mà còn buộc hệ thống điều tra và hệ thống công tố phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, tránh tái diễn tập quán điều tra – công tố sai trái, đã trở thành bản năng cố hữu. Nếu hệ thống điều tra – công tố – xét xử chuyển biến theo hướng tiến bộ, thì sẽ tác động rất tích cực đến việc xây dựng xã hội dân chủ – công bằng – văn minh một cách thật sự, chứ không còn là khẩu hiệu trơ tráo.
Nếu tận dụng được vụ xét xử TXT để làm điểm khởi đầu cho một tiến trình cải cách tốt đẹp như vậy, thì có lẽ hiệu quả giúp đỡ của Chính phủ Đức đối với Nhân dân Việt Nam trong dịp này còn lớn hơn tất cả các giúp đỡ từ trước đến nay. Đó sẽ là một thành công ngoài trí tưởng tượng.
IV.4.c. Đối với luật sư Đức, nếu bào chữa trên đất Đức, để TXT không bị dẫn độ và được chấp nhận tị nạn chính trị, thì họ tin chắc là sẽ thắng. Nhưng vì kết quả rõ ràng như vậy, nên cũng chẳng đáng coi là kỳ tích của luật sư. Còn nếu bào chữa ở Việt Nam, thì chỉ riêng việc luật sư Đức tranh tụng tại tòa án CHXHCN Việt Nam đã là một kỳ tích. Hơn nữa, trách nhiệm của họ chỉ là tranh tụng để TXT không bị xét xử trái pháp luật. Nếu được như vậy thì luật sư đã đạt được một chiến công rực rỡ, hiếm hoi. Còn nếu TXT phải nhận một bản án bất công, thì đó cũng là điều mà dư luận đã quá quen, nên không ai trách cứ luật sư cả.
Tuy nhiên, phía Đức phải nghiên cứu kỹ các quy định về người bào chữa trong luật pháp Việt Nam (xem Phụ lục P2), nếu không muốn các luật sư Đức mất công bay tám ngàn rưỡi km, chỉ để đứng trước cổng của nơi xét xử, giống như hoàn cảnh của Nghị sĩ Quốc hội Đức Martin Patzelt tại phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy vào ngày 23/9/2016.
IV.4.d. Đối với đường dây bắt cóc, họ đang đứng trước nguy cơ bị truy tố về tội “hoạt động gián điệp” (Điều 99 Bộ luật Hình sự Đức) và “tước đoạt tự do” (Điều 239 Bộ luật Hình sự Đức). Nếu phía Việt Nam chọn “phương án kiên định nói dối”, thì phía Đức buộc phải làm tận cùng, kể cả hình thức kiện ra tòa án quốc tế. Còn nếu phía Việt Nam đồng ý để “Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức”, thì TXT sẽ khai ra tất cả diễn biến của quá trình bắt cóc, như thế còn nguy hiểm hơn nhiều. Cho nên, “phương án cùng thắng” rõ ràng là tốt nhất, vì khi đó đường dây bắt cóc sẽ được phía Việt Nam bảo vệ an toàn nhất như có thể.
IV.4.e. Đối với khối cảm tình viên, nếu “phương án kiên định nói dối” được chọn, họ có thể sống thêm ít lâu trong không khí hò reo cổ vũ. Song đến pha thế lực cầm quyền phải cúi đầu, thì không thể ca tiếp bài ca ra trận. Còn nếu “Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức”, thì chẳng tránh khỏi bẽ bàng. Vậy chi bằng chấp nhận “phương án cùng thắng”, để mà cùng thắng.
IV.4.f. Đối với Nhân dân Việt Nam, đáng trăn trở nhất là trả lời câu hỏi: Có thể chống tham nhũng thành công trong một thể chế, mà tham nhũng đã trở thành bản chất, và số phận của nó tựa như bị ung thư di căn giai đoạn cuối, hay không? Nếu trả lời là không, thì chống thế nào cũng vô dụng, mà hiệu quả chỉ giống như mổ xẻ bệnh nhân ung thư đã di căn mà thôi.
Đấu đá, thanh trừng phe nhóm là chuyện thường tình trên chính trường. Trong hoàn cảnh độc đảng cầm quyền, thì đấu đá phe nhóm cũng có tác dụng tốt, vì họ tố cáo và kiềm chế lẫn nhau. Chứ nếu quyền lực được thu về một mối, trên dưới đoàn kết một lòng, thi đua tham nhũng, bao che cướp đất… thì dân còn khổ hơn nhiều.
TXT ư? Loại hắn thì tất nhiên đáng xử. Nhưng nếu hắn đáng xử 10.000 lần, thì cũng chỉ nên xử một lần thôi. Phải dành 9.999 lần cho 9.999 đồng chí khác. Đừng quên lời dạy: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.”
Rắn thì chẳng dám chặt đầu. Đỉa đem ra chém thì không hết và cũng chẳng chết. Mỗi nhát chém lại sinh thêm một con đỉa khác, phỏng ích gì? Vậy nên, bắt được TXT không nên coi là sự kiện trọng đại. Ngày xử TXT không nên coi là ngày hội lớn.
Song nếu “Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức”, rồi được cư trú chính trị ở Đức, thì sẽ càng động viên đám quan chức yên tâm tham nhũng hại dân, khi gãy cầu cao chạy xa bay, ra nước ngoài đợi đến ngày vận may trở lại.
Chắc đa số người dân ủng hộ mang TXT ra xét xử. Nhưng phải xét xử một cách công bằng, bởi một tòa án nghiêm túc, phán xử đúng luật, chứ không phải bởi một mắt xích của “bên thắng cuộc”, đang được tung ra để truy kích đối phương. Rõ ràng là “phương án cùng thắng” phù hợp nhất với mục tiêu này.
Nếu giấc mơ được mô tả ở cuối phần IV.4.b trở thành hiện thực, thì sẽ có ngày hệ thống điều tra – công tố – xét xử trở nên tử tế. Sẽ xóa được nạn nghi can “tự tử” hay “tự hành hạ” bầm tím trong đồn công an. Nhờ thế, 10 năm sau, khi ra tù, Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ không còn cơ hội thu thập tư liệu, để tái phạm “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Và khi tòa án thực sự xử đúng người đúng tội, thì biết đâu nạn tham nhũng sẽ không còn hoành hành như thời “chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta”.
Khi “cuộc đời bỗng đẹp sao” thì thắng nhất chính là Nhân dân. Lúc ấy nhớ lại, muôn dân sẽ biết ơn những ai đã chung sức để “cùng thắng”. Và biết đâu cao hứng, còn cảm ơn cả TXT và cả đường dây bắt cóc TXT, vì đã tạo duyên cớ, để có được tình huống win-win?
Vậy là, theo “phương án cùng thắng” thì cả 5 bên “cùng thắng”. Nếu được như vậy, thay vì viết “win-win”, có lẽ nên viết “win-win-win-win-win”, để lột tả hết niềm vui “cùng thắng”.
IV.5. Tóm lại, nếu không hề có chuyện bắt cóc TXT giữa Berlin, thì tất nhiên phía Việt Nam phải thực hiện “phương án kiên định nói thật”. Như đã trình bày trong phần IV.1, không dễ thuyết phục để phía Đức và tất cả dư luận tin vào khẳng định của phía Việt Nam.
Còn nếu chuyện bắt cóc TXT là đúng sự thật, thì có 3 phương án có thể thực hiện. Thứ nhất là “phương án kiên định nói dối”. Như đã trình bày trong phần IV.2, mặc dù phù hợp với sở trường và có nhiều kinh nghiệm, nhà cầm quyền Hà Nội khó có thể phủ định cáo buộc của phía Berlin, và cuối cùng cũng bị lộ tẩy mà thôi.
Thứ hai là “phương án thành khẩn hối lỗi”, được xét trong phần IV.3. Theo phương án này, phía Việt Nam chân thành thừa nhận sai lầm và thành tâm xin lỗi, đồng thời chấp nhận đòi hỏi của Chính phủ Liên bang Đức, là để “TXT có thể quay lại Đức ngay lập tức, để cả đề nghị dẫn độ và đơn xin tỵ nạn đều có thể được xem xét đến cùng đúng theo trình tự pháp lý”. Đây là phương án mà phía Việt Nam buộc phải chấp nhận, nhưng lại khó chấp nhận. Nếu được như vậy thì phía Đức toại nguyện, nhưng “niềm vui chẳng tày gang”, vì sẽ bị khó xử với trường hợp TXT.
Thứ ba là “phương án cùng thắng”, được xét trong phần IV.4. Theo phương án này, phía Việt Nam cũng chân thành thừa nhận sai lầm và thành tâm xin lỗi, nhưng không để “TXT có thể quay lại Đức”. Đổi lại, phía Việt Nam chấp nhận sớm xét xử TXT ở Việt Nam, với sự giám sát của đại diện Chính phủ Đức, với sự bào chữa của luật sư Đức, và với sự chứng kiến đưa tin của báo chí Đức. Thông thường, phía Việt Nam không thể chấp nhận điều kiện này, với lý do vi phạm chủ quyền thiêng liêng của Nhà nước Việt Nam. Nhưng vừa mới vi phạm chủ quyền của Nhà nước Đức, mà bây giờ lại lập luận như thế, thì không khác nào tự vả vào mặt mình. Phương án này không chỉ khả thi, mà đáng nói hơn là cả 5 bên cùng thắng, đó là Chính phủ Việt Nam (IV.4.a), Chính phủ Liên bang Đức (IV.4.b), luật sư Đức (IV.4.c), đường dây bắt cóc (IV.4.d), khối cảm tình viên (IV.4.e), và đặc biệt là Nhân dân Việt Nam (IV.4.f).
V. Mấy điều cần chốt lại
V.1. Về việc chống tham nhũng
Tham nhũng đã, đang và sẽ còn hành hạ muôn dân, tàn phá đất nước, mà hậu quả có thể kéo dài hàng thế kỷ. Vì vậy, đương nhiên phải cương quyết chống tham nhũng.
Trong một nhà nước pháp quyền, lý do chống tham nhũng không thể là vì ghét, hay vì ghen, mà phải dựa trên cơ sở pháp lý: Tham nhũng là một hành vi phi pháp. Không thể chống hành vi phi pháp bằng hành vi phi pháp. Nên đương nhiên, mọi hoạt động chống tham nhũng phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, đúng với quy định của pháp luật.
Nếu cầm quyền mà hành xử phi pháp, thì xét về phương diện pháp lý, cũng chẳng hơn gì kẻ tham nhũng. Hơn nữa, cách hành xử giang hồ sẽ khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Thứ ấy có đủ tư cách để đứng ra chống tham nhũng hay không? Và có thật là chống tham nhũng, hay chỉ mượn danh chống tham nhũng, để triệt hạ đối phương, nhằm thay ca tham nhũng và phân chia lại thị phần tham nhũng?
Nếu muốn dư luận bớt nghi ngờ, thì hãy xử ngay bao trường hợp dễ làm. Nhiều tội đồ còn nhởn nhơ ngay trong nước, thậm chí còn đương chức, sao không bắt đi, mà gác lại, rồi tập trung bắt bằng được kẻ đã trốn ra nước ngoài? Nếu muốn chứng tỏ thực tâm chống tham nhũng, thì hãy ưu tiên làm trước chuyện dễ, đó là xử lý trước sâu mọt ở phe mình. Dễ vì không bị các phe khác chống lại, mà còn được tiếng thơm “Hoàng thượng công minh”. Còn tầm tham nhũng thì cũng na ná như nhau. Đằng nào thì hạng chuyên cơ cũng được miễn trừ, còn hạng nhất, hạng thương gia và hạng phổ thông thì phe nào mà chẳng có.
V.2. Về vụ TXT
Nếu quả thật đã bắt cóc TXT ở Berlin để đưa về Hà Nội “đầu thú”, thì đó là một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Hành vi ấy vi phạm nghiêm trọng luật pháp Đức, luật pháp quốc tế và cả luật pháp Việt Nam. Vì vậy không thể coi hành vi phi pháp ấy là hành vi chống tham nhũng. Không gì có thể biện minh được cho một hành động ngang ngược như vậy.
Trong trường hợp này, cách khắc phục hợp lý nhất là nhanh chóng thừa nhận sự thật sai lầm, thành thật xin lỗi phía Đức, và chân thành bàn bạc với phía Đức để tìm ra giải pháp tốt nhất cho cả hai bên, không chỉ nhằm khắc phục hậu quả, mà còn để cùng nhau hợp tác có hiệu quả trong tương lai.
Nếu vì đặt sĩ diện cá nhân lên trên lòng tự trọng dân tộc, lên trên quyền lợi quốc gia, mà cố phủ định sự thật, hoặc chần chừ quá lâu, thì có thể sẽ gây ra những hậu quả vô cùng to lớn, không thể lường hết được. Lúc đó, dư luận sẽ phải đặt câu hỏi: Xét về phương diện gây thiệt hại cho dân cho nước, thì giữa TXT và băng bắt cóc TXT, tội ai to hơn ai? Và nếu chống tham nhũng mà gây tác hại còn lớn hơn cả tham nhũng, thì chống để làm gì?
Khi giải quyết vấn đề TXT, cần lưu ý rằng: Khúc mắc hiện nay không chỉ nằm ở mối quan hệ giữa chính quyền Việt Nam với chính quyền Đức, mà còn ở mối quan hệ giữa dàn luật sư Đức của TXT với chính quyền Đức, và giữa dàn luật sư Đức với chính quyền Việt Nam. Luật sư Việt Nam có thể bị chính quyền khống chế, nhưng luật sư Đức chỉ phục tùng pháp luật Đức, Chính phủ Đức không thể chi phối họ. Chính quyền Đức có thể thỏa thuận và nhượng bộ với chính quyền Việt Nam, nhưng nếu thỏa thuận ấy vi phạm pháp luật Đức, thì dàn luật sư ấy sẽ không để yên. Ở Đức, luật sư thắng kiện Chính phủ là điều có thể, lại rất vinh quang, được tiếng tăm tốt cho nghề nghiệp, vậy thì đâu dễ bỏ qua. Chính phủ Đức có thể thỏa hiệp vì những mục tiêu và quyền lợi khác nhau, nhưng dàn luật sư Đức của TXT thì chỉ có mục tiêu duy nhất, gắn liền quyền lợi bản thân, đó là thắng trong vụ này. Vì vậy, trong mọi nước cờ đều phải tính đến yếu tố luật sư Đức.
V.3. Với dư luận
Trong vụ TXT, Chính phủ Đức đã xử lý đúng với quy định của pháp luật Đức, theo đúng nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Vì vậy, không thể dùng lý do phía Đức chưa chấp nhận dẫn độ TXT, để biện hộ cho “sự vi phạm trắng trợn chưa từng có đối với luật pháp Đức và luật pháp quốc tế”. Và cần hiểu rằng: Phản ứng phẫn nộ và nghiêm khắc của phía Đức là hoàn toàn chính đáng.
Nếu chưa hiểu được cách xử lý và phản ứng của phía Đức trong vụ TXT, thì hãy cố gắng nghiên cứu tìm hiểu, để hiểu cơ sở pháp lý cho hành động của họ. Đừng quá tự tin vào tầm kiến thức của bản thân, mà cố thủ trong lô cốt tư duy, rồi tùy tiện bắn ra những lời chỉ trích vô lý. Và đừng quên rằng: Vụ việc diễn ra trên đất Đức, nên phải tuân theo luật của Đức, chứ không phải “luật rừng”.
Nhiệt thành ủng hộ chống tham nhũng là đúng, là tốt. Nhưng cần tỉnh táo, để nhận biết bản chất của từng trận và phân biệt đúng sai của từng hành động. Cũng giống như đi xem bóng đá, ít nhất cũng phải phân biệt được đội nào đá với đội nào và đá đấm ra sao. Không thể cứ thấy đá là hò hét hoan hô, mà không thèm quan tâm xem đang đá bóng hay đang đá người, rồi quay ra chửi trọng tài khi thấy giơ thẻ đỏ.
Phụ lục
P1. Ví dụ minh họa về vai trò của giới tinh hoa trong việc lập hiến
Hiến pháp Mỹ được soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Hiến pháp (Constitutional Convention), diễn ra từ ngày 25/5/1787 đến 17/9/1787 tại Philadelphia. 74 đại biểu được chỉ định, nhưng chỉ 55 người có mặt. Họ thực sự đại diện cho tinh hoa của nước Mỹ thuở ấy, đến mức Thomas Jefferson (Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, lúc đó đang ở Paris với tư cách bộ trưởng của Pháp) đã viết cho John Adams (Tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ, lúc đó đang là Bộ trưởng ở Anh) rằng: “Đó thực sự là một đội hình của các á thánh” (It really is an assembly of demigods).
Sau gần 4 tháng làm việc, với bao thỏa thuận và thỏa hiệp, ngày 17/9/1787 phương án cuối cùng được hoàn thành và 39 người đã ký tên vào Hiến pháp. Tuy nhiên, nhiều người không hài lòng với kết quả ấy, đến mức một số đại biểu đã bỏ hội nghị trước lễ ký, và 3 người còn ở lại nhưng khước từ ký tên.
Tiếp đó, 3 Bang đã phê chuẩn Hiến pháp trong tháng 12/1787, 8 Bang phê chuẩn trong năm 1878, 2 Bang còn lại phê chuẩn trong năm 1789 và năm 1790. Trong khi đạt được 100% đồng thuận tại các Bang Delaware, Georgia và New Jersey, thì chỉ nhận được 52% đồng thuận tại Bang Rhode Island, 53% tại 2 Bang Massachusetts và Virginia, và 55% tại Bang New Hampshire. Tổng cộng, trên cả 13 Bang, có 1.648 đại biểu tham gia bỏ phiếu phê chuẩn, trong đó có 1.071 phiếu tán thành và 577 phiếu không tán thành.
Như vậy, Hiến pháp Mỹ được sáng tạo bởi 55 trí tuệ tinh hoa, cuối cùng chỉ 39 vị đồng ý đứng ra ký tên với tư cách đồng tác giả và trực tiếp chịu trách nhiệm trước lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. 1.648 đại biểu chọn lọc chỉ đóng vai trò đại diện cho 13 Bang để biểu quyết thông qua, chứ không được tham gia vào quá trình viết ra Hiến pháp.
Nói nôm na, dân chủ nghị trường chỉ dừng lại ở khâu biểu quyết thông qua văn bản pháp luật, chứ không được tham gia nhào nặn nội dung hay tỉa tót câu chữ của văn bản, không được can thiệp vào khâu soạn thảo văn bản của các chuyên gia
Giả sử, nếu Hiến pháp Mỹ không được viết bởi 55 trí tuệ tinh hoa độc lập, mà là kết quả của trí tuệ tập thể 500 đại biểu dưới sự điều khiển của thế lực nào đó, và không có ai đứng ra chịu trách nhiệm trước lịch sử, thì không thể tồn tại suốt 230 năm, cho đến tận ngày hôm nay.
P2. Mấy điều phía Đức cần lưu ý về người bào chữa
Để thành công trong hoàn cảnh khác thường, Chính phủ Đức nên chọn ra một tổ bào chữa phù hợp. Đương nhiên, các luật sư Đức mà TXT đã thuê, chẳng hạn như bà Petra Isabel Schlagenhauf và ông Victor Pfaff, có thể tham gia tổ bào chữa này. Nhưng cũng nên bổ sung thêm một số người hiểu biết và có kinh nghiệm về môi trường xét xử tương tự như ở Việt Nam. Hơn thế nữa, trong quá trình đàm phán, phía Đức phải yêu cầu phía Việt Nam thừa nhận các thành viên của tổ bào chữa Đức là những “người bào chữa” của TXT theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13.
Cần lưu ý quy định ở Điều 72 Khoản 1 Bộ luật Tố tụng Hình sự:
“Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định…”
Và nhớ rằng, ở Việt Nam bị cáo hay buộc phải viết đơn từ chối luật sư. Nên nếu người bào chữa nào bị TXT từ chối kiểu ấy, thì phía Đức phải yêu cầu phía Việt Nam xếp người đó vào diện được “cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định”.
Hơn nữa, cần lưu ý quy định ở Điều 72 Khoản 2 Bộ luật Tố tụng Hình sự, về những người có thể được đứng ra bào chữa, đó là:
“a) Luật sư;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân…”
Đừng nghĩ đơn giản, những người bào chữa do phía Đức cử toàn là luật sư, nên thuộc diện “luật sư”. Họ chỉ là “luật sư” theo tiêu chuẩn Đức. Còn ở Việt Nam, căn cứ vào Luật Luật sư số 65/2006/QH11, thì theo “tiêu chuẩn luật sư” họ phải là “công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc” (Điều 10), và theo “điều kiện hành nghề luật sư” họ “phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư”(Điều 10). Khó có thể tìm được một luật sư Đức phù hợp, mà là “công dân Việt Nam”, có “Chứng chỉ hành nghề luật sư” (của Việt Nam) và “gia nhập một Đoàn luật sư” (của Việt Nam).
Nếu xếp các luật sư Đức vào diện “bào chữa viên nhân dân” thì cũng không được, vì theo Điều 72 Khoản 3 thì “Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam… được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử…”.
Do đó, nếu không còn cách nào khác, thì phía Đức phải yêu cầu phía Việt Nam thừa nhận các thành viên của tổ bào chữa Đức thuộc diện còn lại, đó là “người đại diện của người bị buộc tội”.
Nếu không đàm phán kín kẽ về người bào chữa, thì có thể sẽ phải đối diện với những hoàn cảnh trớ trêu. Chẳng hạn: Khi các luật sư Đức định bước vào nơi xử án thì bị chặn lại, với lý do sau khi kiểm tra giấy tờ thì phát hiện ra họ không đủ tiêu chuẩn của người bào chữa, tất nhiên là theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đến khi Bộ Ngoại giao Đức can thiệp xong thì vụ án cũng đã xử xong, vì phiên xét xử ở Việt Nam có thể chỉ diễn ra trong một ngày, chứ không phải kéo dài hàng tháng hàng năm như ở Đức.
Ngày 21 tháng 8 năm 2017
Cùng tác giả:
Mấy ý kiến trao đổi về tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh giáo sư
Bầu cử kiểu gì khi tệ ngay từ luật
Sai phạm về tố tụng trong vụ án “Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…”
Hiến pháp 2013 – Sửa nhầm hay đổi thiệt?
Đảng và Nhân dân – Vị thế bị tráo
Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp
Rủi cho Phương Uyên – May cho Dimitrov
Quốc hiệu nào hội tụ lòng Dân?
Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp
Teo dần quyền con người trong Hiến pháp
Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng
Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ
Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ
Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân
Bàn về qui mô đào tạo đại học từ góc độ chất lượng giảng viên